Pháp : Cựu tổng thống Jacques Chirac qua đời
Tổng thống Pháp Jacques Chirac và các bộ trưởng, tại điện Elysée, Paris, ngày 09/05/2007BENOIT TESSIER / POOL / AFP
Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời sáng ngày 26/09/2019 hưởng thọ 86 tuổi. Tin trên được gia đình ông Chirac cho AFP biết. Thượng Viện và Hạ Viện Pháp lập tức dành một phút mặc niệm. Tòa thị chính Paris treo cờ rủ.
Sức khỏe của cựu tổng thống Chirac sa sút nhiều trong thời gian gần đây và ông không còn xuất hiện trước công chúng.
Kể từ khi mãn nhiệm tổng thống vào năm 2007, ông Chirac, vốn đã bị tai biến mạch máu não vào tháng 09/2005, đã nhiều lần nhập viện, do sức khỏe bị suy yếu nhiều. Tinh thần của ông cũng đã suy sụp rất nhiều sau cái chết cô con gái cả Laurence Chirac hồi tháng 4/2016.
Cựu tổng thống Jacques Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris. Tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia (ENA), ông Chirac chỉ làm công chức vài năm rồi lao vào sự nghiệp chính trị ngay từ năm 1965, với bước đầu tiên là đắc cử nghị viên địa phương ở Corrèze, quê của ông. Ở cấp địa phương, ông Chirac đã từng làm thị trưởng Paris suốt từ năm 1977 đến năm 1995.
Sau khi giữ nhiều chức bộ trưởng dưới thời tổng thống Georges Pompidou, ông Chirac đã làm thủ tướng dưới thời tổng thống cánh hữu Valéry Giscard d’Estaing (1974 đến 1976) và dưới thời tổng thống cánh tả François Mitterrand (từ 1986 đến 1988). Cuộc chung sống tả-hữu đầu tiên này đã diễn ra rất căng thẳng, nhất là thủ tướng Chirac sau đó đã ra tranh cử tổng thống với ông Mitterand (1981 và 1988) nhưng đều thất bại.Mãi đến tháng 05/1995, ông Chirac mới đắc cử tổng thống và đến năm 2002, ông tái đắc cử tổng thống ở vòng hai với 82,2%, do dân Pháp lúc đó dồn phiếu cho ông để ngăn ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen lên nắm quyền.
Với tư cách cựu tổng thống Pháp, ông Chirac là thành viên của Hội Đồng Bảo Hiến, nhưng đến tháng 03/2011, vì lý do sức khoẻ và cũng vì gặp rắc rối với pháp luật, ông rút ra khỏi Hội Đồng này.
Trên chính trường nước Pháp, ông Jacques Chirac là người sáng lập đảng cánh hữu RPR (Tập hợp vì nền Cộng hòa), sau đó đổi tên thành UMP (Liên minh vì một phong trào nhân dân).
Geen opmerkingen:
Een reactie posten