Ấn Độ lại thất bại trên con đường chinh phục Mặt Trăng
Phi thuyền Ấn Độ Chandrayaan-2 được phóng lên ngày 22/07/2019. Ảnh tư liệuARUN SANKAR / AFP
Cơ quan không gian Ấn Độ mất liên lạc với tàu đổ bộ Mặt Trăng trong đêm 06/09/2019. Sự cố xảy ra vài phút trước khi tàu đáp xuống xuống bề mặt ở phía cực nam của cung Trăng.
Thông tín viên Sébastien Farcis từ New Delhi giải thích :
"Vào lúc một giờ sáng, giờ Ấn Độ, mọi việc diễn ra như đã được dự kiến. Hành trình 48 ngày chinh phục Mặt Trăng bước vào những phút cuối cùng. Tàu đổ bộ Vikram vừa tách rời khỏi phi thuyền Chandrayaan 2. Vikram lao xuống bề mặt của cung Trăng. Thế rồi tất cả bị chựng lại. Còn hơn hai cây số trước điểm đến, liên lạc bị cắt đứt. Dường như tàu đổ bộ Vikram không giảm được tốc độ đang từ 600 cây số /giờ xuống còn 7 cây số /giờ khi hạ cánh.
Vikram đã bị rơi khi đụng phải vách đá. Đây là khâu nguy hiểm nhất. Khác với Trái Đất, Mặt Trăng không có bầu khí quyển, thành thử không thể dùng dù để giảm tốc độ rơi.
Dường như vô phương để nối lại liên lạc với tàu đổ bộ Vikram được trang bị 6 bánh xe. Nhiệm vụ Vikram là nhằm phân tích bề mặt của Mặt Trăng, và nhất là để tìm kiếm xem ở nam cực có nước hay không. Đây là một vùng ít được thám hiểm.
Cơ quan vũ trụ và không gian Ấn Độ có thể được an ủi phần nào khi biết rằng tới nay mới chỉ có ba quốc gia trên thế giới thành công thám hiểm Mặt Trăng và một nửa trong số 38 chương trình thám hiểm đã thất bại. Dù vậy phi thuyền Chandrayaan 2 sẽ tiếp tục hoạt động trong vòng một năm để thu thập thông tin về Mặt Trăng".
vi.rfi.fr/chau-a/20190907-an-do-lai-that-bai-tren-con-duong-chinh-phuc-mat-trang
Tham vọng Mặt trăng của Ấn Độ
Các nhà khoa học của cơ quan không gian Ấn Độ ISRO chuẩn bị cho chuyến bay Chandrayaan-2 tại Bangalore ngày 12/06/2019.MANJUNATH KIRAN / AFP
Phi thuyền thăm dò của chuyến bay Chandrayaan 2 trên nguyên tắc đã được phóng lên Mặt trăng từ ngày 16/07/2019, nhưng do trục trặc kỹ thuật, nên vào giờ chót cơ quan không gian của Ấn Độ ISRO đã đình hoãn cuộc phóng này.
Theo báo chí Ấn Độ, nguyên nhân là do nhiên liệu của động cơ tên lửa GSLV-MkIII bị thoát ra ngoài. Nhưng các nhà khoa học của cơ quan ISRO hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề nhanh chóng để có thể phóng tên lửa vào cuối tháng 7.
Cuộc phóng lần này là rất quan trọng đối với Ấn Độ, quốc gia đang dự trù đưa 3 phi hành gia lên không gian từ đây cho đến 2022 và đây sẽ là chuyến bay có người lái đầu tiên của ngành không gian Ấn Độ.
Tên lửa GSLV-MkIII đã được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2017 để phóng một vệ tinh, và được sử dụng lần thứ hai vào năm 2018. Là thành quả hàng chục năm làm việc của các kỹ sư Ấn Độ, tên lửa này có khả năng mang theo đến 4 tấn thiết bị, tức là nhiều hơn các tên lửa khác, với loại động cơ giống như của tên lửa Arianne.
Theo dự kiến ban đầu, đến ngày 06/09, tên lửa GSLV-MkIII sẽ đưa một máy đáp và một robot di động, xuống phần cực nam của Mặt trăng, nằm cách Trái đất khoảng 384.000 km, để Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư (sau Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc) đưa phi thuyền lên vệ tinh của Trái đất. Cách đây 11 năm, trong khuôn khổ chuyến bay Chandrayaan 2, Ấn Độ đã từng phóng một phi thuyền thăm dò lên quỹ đạo của Mặt trăng
Theo cơ quan ISRO, trong khuôn khổ chuyến bay Chandrayaan 2, một xe tự hành nặng 37 kg, mang tên Pragyan, sẽ tìm các dấu vết của nước trên Mặt trăng và các vết hóa thạch của Thái dương hệ lúc sơ khai. Chạy bằng năng lượng Mặt trời, chiếc xe tự hành này có thể di chuyển suốt một ngày Mặt trăng, tức là 14 tiếng đồng hồ Trái đất, và có thể đi một đoạn đường dài tới 500 mét.
Ngoài mục tiêu thực hiện các chuyến bay có người lái, các nhà khoa học Ấn Độ cũng đang nghiên cứu chế tạo một trạm không gian cho riêng nước này trong vòng một thập niên tới.
Thủ tướng đương nhiệm theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa Narendra Modi rất quan tâm đến chương trình không gian, vì ngoài việc nghiên cứu khoa học, ông xem đây là một đòn bẩy để nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế, cũng như một phương tiện để tạo dựng hào quang cho vị lãnh đạo của một đất nước có đến 1,3 tỷ dân, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trên không gian ngày càng gay gắt, đặc biệt là giữa các nước châu Á.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190717-tham-vong-mat-trang-cua-an-do
Ấn Độ phóng thành công hỏa tiễn lớn nhất
Tên lửa đẩy vệ tinh Ấn Độ Mk-III (ảnh wikipedia.org)
Ấn Độ hôm nay 18/12/2014 đã thành công trong việc phóng vào vũ trụ hỏa tiễn lớn nhất trong lịch sử chinh phục không gian của nước này. Đặc biệt hỏa tiễn có một khoang có thể đưa phi hành gia lên trong tương lai, trong khuôn khổ một chương trình không gian đầy tham vọng.
Hỏa tiễn được chế tạo để mang theo các vệ tinh thông tin lớn nhất, đã được phóng đi từ Sriharikota, tại bang Andhra Pradesh ở miền nam. Giám đốc cơ quan vũ trụ Ấn Độ (ISRO), ông K.S. Radhakrishnan tuyên bố trong tiếng vỗ tay vang dội : « Đây là một ngày hết sức quan trọng trong lịch sử hàng không không gian Ấn Độ ». Thủ tướng Narendra Modi hoan nghênh « thắng lợi huy hoàng của việc lao động cật lực một cách xuất sắc của các nhà khoa học Ấn ».
Các khoa học gia của ISRO đã kết thúc tốt đẹp một năm được đánh dấu bằng các thành công trong việc phóng tàu thăm dò lên Hỏa tinh hồi tháng Chín, với ngân sách eo hẹp, trở thành quốc gia Châu Á đầu tiên chinh phục được hành tinh này.
Từng đưa được lên không gian các vệ tinh nhẹ, Ấn Độ gặp khó khăn trong việc phóng lên quỹ đạo các trọng tải nặng hơn. Hỏa tiễn mới nặng 630 tấn và mang theo trọng tải 4 tấn, sẽ giúp Ấn Độ giành được thêm thị phần dịch vụ phóng vệ tinh, ước tính khoảng 300 tỉ đô la.
Mang tên chính thức là Geostationary Satellite Launch Vehicle Mk-III, hỏa tiễn mang theo một khoang không người, mà theo ISRO sẽ tách rời để rơi xuống vịnh Bengale ngoài khơi duyên hải miền đông Ấn Độ, 20 phút sau khi được phóng lên. Khoang này có thể mang theo ba phi hành gia.
Chương trình phóng tàu vũ trụ có phi hành gia của Ấn Độ đã gặp các trục trặc bất ngờ trong những năm gần đây, và ISRO cho rằng phải mất bảy năm nữa mới có thể đưa người lên không gian.
vi.rfi.fr/chau-a/20141218-an-do-phong-thanh-cong-hoa-tien-lon-nhat
Geen opmerkingen:
Een reactie posten