Hồng Kông: Người biểu tình cầu cứu Mỹ
Người biểu tình Hồng Kông tập hợp về tòa lãnh sự Mỹ. Ảnh ngày 08/09/2019.Reuters
Ngày 08/09/2019 người biểu tình Hồng Kông tập hợp trước tòa lãnh sự Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép với Bắc Kinh, thỏa mãn các đòi hòi của phe dân chủ. Lãnh đạo phong trào phản kháng Hoàng Chi Phong bị bắt khi từ Đài Loan trở về.
Vào chiều nay, hàng ngàn người Hồng Kông đã tuần hành đến lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông, có người vừa đi vừa hát quốc ca Mỹ, có người phất cờ Mỹ, và có người giương biểu ngữ kêu gọi tổng thống Donald Trump "giải phóng Hồng Kông".
Những người biểu tình đã kêu gọi Hoa Kỳ gây sức ép trên Bắc Kinh để chấp thuận yêu sách của phong trào phản kháng, kêu gọi Quốc Hội Mỹ thông qua dư luật bày tỏ hậu thuẫn cho phong trào dân chủ Hồng Kông.
Ông Kenneth Chan, giáo sư khoa học chính trị, nguyên chủ tịch đảng CIVIC theo xu hướng dân chủ tại Hồng Kông giải thích với đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde về ý nghĩa hành động của người biểu tình:
"Đây là điều quan trọng bởi vì chúng tôi muốn chứng tỏ thái độ đoàn kết và thống nhất. Để cho thấy rằng Hồng Kông không đơn độc trên con thuyền tự do và dân chủ, vào thời điểm khó khăn hiện nay khi người dân Hồng Kông lo sợ rằng càng sát ngày mùng 1 tháng 10 là ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh có thể gia tăng đàn áp phong trào phản kháng.
Điều này cũng rất quan trọng vì hiện tại Hiệp Ước giữa Hồng Kông với Hoa Kỳ chỉ liên quan đến thương mại, tài chính và thuế quan. Một hiệp ước mới có phần dành riêng cho dân chủ và tự do ở Hồng Kông, sẽ mang ý nghĩa ngoài khía cạnh kinh tế, đó còn là một cam kết chính trị rõ ràng của giới lãnh đạo ở Hoa Kỳ, và đặc biệt là của tổng thống Mỹ, là đứng bên cạnh các chiến binh tự do tại Hồng Kông".
Tóm lại, những người đấu tranh tại Hồng Kông muốn tăng áp lực trên ông Donald Trump vì họ biết rằng cho đến nay, tổng thống Mỹ vẫn thận trọng trên vấn đề Hồng Kông, vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh giữa lúc hai bên đang có chiến tranh thương mại.
Đấu tranh ngay từ nhà
Ngoài các hình thức đấu tranh như tập hợp lại, biểu tình hay tuần hành, người Hồng Kông tiếp tục sáng tạo những hình thức phản kháng mới, chẳng hạn như từ nhà hô khẩu hiệu. Trong thời gian gần đây, tối nào cũng vậy, từ ban công nhà mình, hàng trăm ngàn người hô vang khẩu hiệu đòi tự do cho đặc khu hành chính này. Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde gửi về bài phóng sự :
« Tối nào cũng vang lên cùng một điệp khúc. Hiện giờ, ở khu chung cư Tai kou shing, là gần 22 giờ. Những tiếng hô đã vang lên trong đêm, các khẩu hiệu được phát đi từ những ô cửa sổ. Anh Chan Chun Yin, 22 tuổi, hô vang : « Giải phóng Hồng Kông », « Cách mạng của thời chúng ta ».
Mặc quần sóoc, tóc quấn băng-đô, sinh viên kế toán này vừa đi tập tennis về. Anh nói : « Mỗi tối, chúng tôi mở cửa sổ, chúng tôi hét to, và chúng tôi nghe những tiếng hô vang vọng lại. Chúng tôi tự động viên nhau. Chúng tôi thể hiện thái độ đối với chính phủ, và đây cũng là cách để giảm áp lực. Cuộc nổi dậy diễn ra đến nay đã được ba tháng. Chúng tôi không hài lòng về những gì đang xảy ra. Đây là cách để chúng tôi thể hiện cảm xúc ».
Những tiếng hô phản kháng vang vọng trong đêm tối ở Hồng Kông, tiếng nhạc rap vang lên từ những chiếc smartphone để phản đối cảnh sát. Giống như rất nhiều thanh niên trong khu phố của các công chức và tiểu thương, do giá thuê nhà quá cao, Chan vẫn chưa thể rời căn hộ của cha mẹ để ra ở riêng.
Anh rất bức xúc vì phải chịu áp lực. 14 tuần biểu tình có làm mọi người mệt mỏi không ? Chan trả lời : « Có chứ, chắn chắn là chúng tôi mệt mỏi. Tuần nào chúng tôi cũng biểu tình. Có rất nhiều áp lực. Chiều nay, chúng tôi quay lại biểu tình để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến các vấn đề mà người dân Hồng Kông nêu lên. Theo tôi, việc tiếp tục đấu tranh là rất quan trọng ».
Dự luật dẫn độ đã làm bùng lên mọi chuyện cách nay 3 tháng, nhưng việc rút lại dự luật không làm thay đổi mọi chuyện. Một cuộc tuần hành ôn hòa được tổ chức vào hôm nay Chủ Nhật 08/09 để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và kêu gọi Hạ Viện Mỹ mở rộng Hong Kong Policy Act, hiệp ước kinh tế giữa Mỹ và Hồng Kông, sang cả các vấn đề về tự do và nhân quyền. Nhưng điều này chắc chắn sẽ bị chính quyền Bắc Kinh coi là sự can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc. »
Bắt giữ đối lập
Về phần gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Hồng Kông, Hoàng Chi Phong, anh thông báo đã bị bắt sáng 08/09/2019 khi vừa từ Đài Loan trở về. Lý do, sinh viên này đã "vi phạm điều khoản để được tạm trả tự do" hồi tuần trước. Cảnh sát Hồng Kông từ chối xác nhận tin trên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190908-hong-kong-nguoi-bieu-tinh-cau-cuu-my
Geen opmerkingen:
Een reactie posten