zondag 15 september 2019

Chiến tranh công nghệ chống Trung Quốc và cuộc chiến giữa các vì sao chống Liên Xô

Chiến tranh công nghệ chống TQ và cuộc chiến giữa các vì sao chống LX

mediaKhuôn silicium để sản xuất chip điện tử bằng công nghệ in nano.Emmanuel Perrin/ Cnrs
Le Figaro hôm nay 13/09/2019nói về « Giấc mơ Reagan của nước Mỹ và người khổng lồ Trung Quốc ». Tờ báo đặt ra các câu hỏi : Hoa Kỳ sẽ dùng chiến lược nào để đối phó với Trung Quốc ? Liệu Mỹ có thể hành động như tổng thống Reagan trong thập niên 80 đối với Liên bang Xô viết, chú tâm đến công nghệ ?
Theo Le Figaro, ông Trump rất muốn thế, nhưng Trung Quốc của Tập Cận Bình với vũ khí kỹ thuật số không phải là một con cọp giấy như Liên Xô cũ.
« B Team » và sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô
Năm 1983, ông Ronald Regan đã gây ngạc nhiên cho Liên Xô khi bất ngờ tung ra « Cuộc chiến tranh giữa các vì sao ». Chiến lược này là phát súng ân huệ cho nền kinh tế xô-viết đang bị rối loạn và tê liệt vì nạn tham nhũng.
Chủ trương tiến công thật ra không tự nhiên xuất phát nơi các nhà chiến lược Washington, vốn bận ngồi đếm hàng ngàn chiến xa Nga, về lý thuyết có thể tràn ngập châu Âu. Lúc đó đa số các nhà phân tích của CIA và think tank nổi tiếng đều cho rằng Liên Xô là một cường quốc quân sự đáng ngại, thậm chí có thể qua mặt Hoa Kỳ.
Chính nhờ sự quyết liệt của một nhóm chiến lược gia không theo truyền thống, trong đó có nhà sử học Richard Pipes, được gọi là « B Team », đã kích thích ý chí chiến đấu của tổng thống Mỹ để lao vào một cuộc chạy đua, dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
Donald Trump liệu có thể tái diễn chiến thắng của « B Team » trước Trung Quốc ? Tiền lệ Reagan luôn được đội ngũ của ông nêu ra để chứng minh cho chính sách cứng rắn trước Bắc Kinh.
Nhờ trực giác, tổng thống Trump quyết định so găng với Trung Quốc về thương mại để « cứu vớt giới công nhân Mỹ », đồng thời ngăn chận việc chuyển giao công nghệ cho các công ty như Hoa Vi (Huawei). Đây là một « bước ngoặt chiến lược quan trọng », như nhận định của cựu cố vấn Steve Bannon cách đây một năm. Theo ông Bannon « cần khoảng 10 năm để đảo ngược tình hình ».
Giới tinh hoa Âu-Mỹ nay ủng hộ đối đầu với Trung Quốc
Trên nguyên tắc, giờ đây không còn ai ở Washington tranh cãi về ý tưởng « kiên nhẫn chiến lược » thời ông Obama, đã tỏ ra không hiệu quả. Sau khi chỉ trích tính dân tộc chủ nghĩa của ông Trump và coi chủ tịch Trung Quốc như ngôi sao trong Diễn đàn Davos, giới tinh hoa Mỹ và châu Âu rốt cuộc đã đứng về phía Donald Trump, trước những thủ đoạn thương mại bất chính của Bắc Kinh.
Tuy nhiên tất cả đều lo ngại về tác động tai hại của cuộc chiến thuế quan đối với nền kinh tế thế giới, nhất là vẫn còn mơ hồ về giải pháp trước thách thức Trung Quốc. Cuộc tranh luận mới đây của các ứng cử viên Dân Chủ cho thấy họ rất mông lung, nói rằng ủng hộ các nhà nông Mỹ bị ảnh hưởng bởi thương chiến, nhưng lại không muốn tỏ ra yếu kém trước Bắc Kinh.
Tờ báo dẫn lời chiến lược gia bảo thủ David Goldman, chủ trương cứng rắn, nhưng song song đó phải có chiến lược kỹ nghệ dài hạn. « Thời điểm hiện nay cũng mang tính quyết định như thời kỳ phải đọ sức với chương trình Sputnik » - ông viết trong mục diễn đàn cùng ký tên với Henry Kressel, nhà khoa học nổi tiếng từng làm việc trong chương trình « Chiến tranh giữa các vì sao ». « Nếu Hoa Kỳ đánh mất năng lực về công nghệ thì sẽ bị lệ thuộc vào kẻ thù, giống như một đất nước không có ngành luyện kim trong lúc phải đánh nhau bằng trọng pháo ».
Trump có trực giác tốt nhưng chọn nhầm vũ khí
Chiến lược gia David Goldman trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro đã nhận định « Trước Bắc Kinh, ông Trump có trực giác tốt nhưng chọn nhầm vũ khí ».
Chuyên gia Goldman nhận định, tổng thống Trump chắc chắn đã gây bất ngờ cho ban lãnh đạo Trung Quốc vì sự cứng rắn của ông. Trong suốt 25 năm qua, giới tinh hoa Mỹ, đặc biệt là Kissinger đã sai lầm khi luôn chủ trương chung sống hòa bình với Trung Quốc, tránh đối đầu. Ngược lại, Donald Trump không sợ xáp chiến với Bắc Kinh, trực giác của ông là đúng đắn. Nhưng chiến lược của Trump thì phải xét lại.
Ban đầu Trung Quốc coi Trump như một nhân vật thô lỗ, có thể dỗ ngọt bằng quà cáp, nhưng rốt cuộc không thành công. Đến đầu năm 2019, Bắc Kinh thay đổi cách nhìn, chấp nhận một cuộc chiến thương mại tổng lực, vì nghĩ rằng sẽ bị thiệt hại ít hơn.
Ông Trump ít còn khả năng gây ngạc nhiên, sau khi đã chơi hai nước bài thuế quan và hạn chế bán công nghệ cao cho Bắc Kinh (nhất là Hoa Vi). Theo Goldman, tái thúc đẩy công nghệ bán dẫn là biện pháp duy nhất để chận bước Trung Quốc, tuy nhiên rất tốn kém : một nhà máy sản xuất chip hiện đại tốn đến 40 tỉ đô la.
Ông nhắc lại, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã giúp cán cân nghiêng về phía Mỹ khi Reagan lên làm tổng thống. Liên Xô chỉ nhận ra điều đó vào năm 1982, trong cuộc không chiến Israel-Syria : hệ thống trang thiết bị điện tử giúp chiến đấu cơ Mỹ luôn ở thế thượng phong. Liên Xô vẫn còn hỏa lực rất mạnh, nhưng sáng tạo đã giúp phương Tây giành phần thắng. Trong thế kỷ 21, sáng tạo trong công nghệ lại còn quan trọng hơn.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20190913-chien-tranh-cong-nghe-chong-tq-va-cuoc-chien-giua-cac-vi-sao-chong-lx

Geen opmerkingen:

Een reactie posten