Du lịch Pháp "lội ngược dòng" sau khủng bố
Nước Pháp nổi tiếng là điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch. Tuy nhiên, sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris và Saint-Denis hồi tháng 11/2015, du lịch Pháp bị ảnh hưởng trầm trọng và trải qua một năm mất mùa. Nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất là Paris và cùng phụ cận, khu vực sử dụng tới 500.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Vùng Paris đã mất tới 12,6% lượng khách tham quan. Nhưng như người ta thường nói, « sau cơn mưa, trời lại sáng ». Năm 2017, du lịch Pháp đã có những dấu hiệu hồi phục trở lại.
Nếu vào năm 2016, lượng du khách thăm Khải Hoàn Môn Paris giảm mạnh 24%, thì chỉ tính từ tháng 01 đến tháng 08/2017, Khải Hoàn Môn đã thu hút tới 1,12 triệu khách. Con số này cao hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Điện Panthéon cũng vậy, năm 2016 số khách giảm 10% nhưng lại tăng 20% trong 8 tháng đầu năm 2017. Con số này là 22% đối với nhà thờ Sainte-Chapelle, 20% đối với điện Panthéon, 10% đối với điện Conciergerie. Số khách lên thăm tháp Nhà Thờ Đức Bà Paris cũng tăng 8%.
Bà Charlotte Bruel, tổng giám đốc công ty du thuyền Bateau Mouche trên sông Seine cho biết : « Năm 2016, lượng khách của chúng tôi rớt xuống còn có 2 triệu người. Năm nay (2017), chúng tôi ước tính thu hút được khoảng 2,5 triệu du khách, bằng lượng khách của năm 2015. »
Anh William Muller, kinh doanh dịch vụ xe chở khách du lịch đi thăm Paris từ chân tháp Eiffel quan sát thấy từ vài tháng nay, hàng người xếp hàng trèo lên tháp Eiffel dường như kéo dài tới vô tận. Anh Muller nói với phóng viên đài RFI : « Tôi làm việc ở đây được 3-4 tháng nay rồi, và đây là lần đầu tiên tôi thấy du khách phải xếp hàng dài tới tận chỗ này để có thể được trèo lên tháp Eiffel ».
Những du khách mà phóng viên RFI gặp, họ tới từ khắp nơi trên thế giới, từ đảo Réunion, Peru, hay Ý… Ai cũng tỏ ra quyết tâm, không để mình nản lòng vì phải chờ đợi lâu hay giá vé cao. Một phụ nữ nói với phóng viên : « Tôi nghĩ là phải đợi ít nhất là 1 tiếng rưỡi đấy ». Những du khách đứng bên cạnh, khi được hỏi có sẵn lòng xếp hàng chờ lâu thế không, họ hào hứng đáp ngay : « Có chứ, dù sao thì chúng tôi cũng đã vượt 15.000 km để tới tận đây », « Tôi nghĩ là xứng đáng để chờ lâu, cho dù là vé đắt. Ước mơ của tôi là được trèo lên tháp Eiffel mà. »
Nhưng không chỉ các công trình ở kinh đô Paris mới thu hút được nhiều khách, tại nhiều vùng trong cả nước, lượng du khách cũng tăng mạnh trở lại, thậm chí tới 30-40%, chẳng hạn số du khách tới thăm di sản thế giới của UNESCO - chiến lũy Mont-Dauphin nằm ở tỉnh Hautes-Alpes, vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur - tăng 38%, lâu đài Bouges thuộc tỉnh Indre, vùng Centre-Val de Loire tăng 30%.
Ông Philippe Bélaval, giám đốc Trung tâm các Công trình Quốc gia phát biểu : « Chúng tôi rất vui mừng vì đã khắc phục được những con số yếu kém của năm 2016… Các con số mới nhất về du lịch cho phép khẳng định du khách quốc tế đã quay trở lại Paris ». Mặc dù thu nhập của ngành du lịch tăng 3,5%, nhưng theo ông Philippe Bélaval, nạn khủng bố chưa hoàn toàn được khắc phục, rất có thể du lịch sẽ còn mất mùa kéo dài.
Chóp nhọn hình mũi tên trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris.RFI
Còn ông Frédéric Valletoux, chủ tịch Ủy ban Du lịch vùng Paris ước tính, vào năm 2017, Paris và vùng phụ cận thu hút được 32 triệu du khách, vượt cả con số kỷ lục của năm 2015. Tuy nhiên, cũng giống như giám đốc Trung tâm các Công trình Quốc gia, chủ tịch Ủy ban Du lịch vùng Paris tỏ ra thận trọng : « Không nên quá say men chiến thắng. Mặc dù Paris đã lấy lại được niềm tin của du khách, nhưng chúng ta vẫn đang ở trong hoàn cảnh bấp bênh. Nguy cơ khủng bố ở Paris, cũng giống như ở các thành phố lớn khác ở châu Âu, vẫn còn đó. Việc tình trạng khẩn cấp lại được triển hạn để tăng cường đảm bảo an ninh nhắc nhở chúng ta về điều này ».
Theo Ủy ban Du lịch vùng Paris, 46% du khách tại Pháp là khách quốc tế. Paris đặc biệt hấp dẫn du khách châu Á. Khách Nhật Bản tăng hơn 40,5%, con số này là 29,8% đối với du khách Trung Quốc. Số người Mỹ tới thăm Paris cũng tăng 20,5%. Bà Charlotte Bruel, tổng giám đốc công ty du thuyền Bateau Mouche trên sông Seine, cho biết trước đây các công ty lữ hành của Mỹ khuyến cáo du khách không nên tới nước Paris vì Pháp là một điểm đến nguy hiểm, nhưng chuyến thăm của tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp Quốc Khánh Pháp 14/07/2017 đã phần nào trấn an du khách Mỹ.
Với tổng cộng 1.140.000 người, du khách Mỹ là nhóm du khách nước ngoài đông nhất ở Paris trong 8 tháng đầu năm 2017. Du khách Đức, Tây Ban Nha cũng tăng. Chỉ có người Anh là chưa mặn mà trở lại với Paris : Tỉ lệ khách Anh vẫn giảm 1,7%. Ủy ban Du lịch vùng Paris cho rằng xu hướng trên có liên quan tới việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Nhà thờ Sacré Coeur trên đồi Montmartre, Paris, dưới ánh cầu vồng.REUTERS/Christian Hartmann
Lộ trình phát triển du lịch của chính phủ Pháp
Cũng như nhiều quốc gia khác, chính phủ Pháp rất coi trọng phát triển du lịch, đặc biệt là mời gọi du khách quốc tế đến với nước Pháp. Theo ước tính, trong cả năm 2017, tổng cộng có 89 triệu du khách nước ngoài tới thăm Pháp, vượt 6 triệu so với năm 2016.
Tuy nhiên, thủ tướng Pháp Edouard Philippe hồi cuối tháng 07/2017 cho biết chính phủ muốn đặt chỉ tiêu thu hút được 100 triệu du khách nước ngoài vào năm 2020, kéo dài thời gian lưu lại Pháp của du khách, và quan trọng nhất là doanh thu của ngành du lịch phải đạt 50 tỉ euro vào năm 2020. Con số này hiện giờ mới chỉ là 40 tỉ euro. Chỉ tiêu trên cũng sẽ góp phần tạo thêm 300.000 việc làm trên toàn nước Pháp.
Trong cuộc họp với Hội đồng liên bộ về Du lịch, gồm khoảng 10 bộ trưởng, từ bộ trưởng Du Lịch, Văn Hóa, Kinh Tế, tới bộ trưởng Giao Thông, Công Nghệ Số, Nội Vụ…, các dân biểu và nhiều chuyên gia du lịch, thủ tướng Pháp nhấn mạnh : « Phát triển du lịch là việc của tất cả các cơ quan thuộc chính phủ, thậm chí của mọi đơn vị hành chính công và các lĩnh vực kinh tế. Tất cả đều phải được huy động, cùng nhau hành động để đạt được chỉ tiêu mà chính phủ đề ra. Điều này rất quan trọng cho toàn bộ đất nước, cho mọi vùng miền ».
Cũng trong buổi họp này, thủ tướng Edouard Philippe giới thiệu lộ trình phát triển du lịch, trong đó có biện pháp rút ngắn thời gian kiểm tra an ninh hải quan ở các sân bay, rút ngắn thời gian xét cấp visa xuống còn 48 giờ cho du khách của 10 nước có tiềm năng về du khách, trong đó có Nga, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines… Thủ tướng Pháp cũng cho biết có thể sẽ dụng biện pháp trên cho Ả Rập Xê Út và Việt Nam kể từ năm 2018.
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Paris và « cuộc chiến » chống rác thải
Paris là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Trong các tấm bưu ảnh, Paris hiện lên yêu kiều, lộng lẫy, thơ mộng, với các công … -
Nước Anh mở chiến dịch tuyên truyền chống nô lệ từ Việt Nam
Nước Anh đang tăng cường các chiến dịch truyền thông để chống nạn nô lệ thời hiện đại, bao gồm từ … -
Nobel Kinh tế Richard Thaler: Kinh tế học hành vi làm thay đổi xã hội
Giải Nobel Kinh tế năm 2017 được trao cho giáo sư người Mỹ, gốc Do Thái, Richard Thaler. Ông là người đứng sau rất nhiều … -
150 năm Đế chế Áo - Hung: Một thời vang bóng
Tròn 150 năm trước, ở vùng đất được coi là trái tim của Châu Âu, đã ra đời một liên minh mới đáng nể, với … -
Tầu bưu điện ngầm ở Luân Đôn: Một "kỳ tích" của ngành đường sắt Anh Quốc
Big Ben tạm lắng tiếng chuông trong vòng 4 năm để trùng tu. Như để bù đắp Luân Đôn mở cửa đường tầu bưu điện ngầm cho khách … -
Tàu điện ngầm : Không khí ô nhiễm nặng
Từ lâu nay, tàu ngầm được coi là phương tiện giao thông góp phần làm giảm đáng kể lượng xe cơ giới chạy trên mặt …
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
http://vi.rfi.fr/phap/20171230-du-lich-phap-loi-nguoc-dong-sau-khung-bo
Geen opmerkingen:
Een reactie posten