Những khu chợ đẹp nhất thế giới
- 7 giờ trước
Trước thời đại công nghiệp, người ta đi mua thực phẩm ở địa phương mà họ sinh sống, thường là ở những tòa nhà có mái và chợ. Jonathan Glancey cùng quí vị tìm hiểu những chợ đẹp nhất.
Đối với thực phẩm tươi sống, từ lâu có sự khác biệt giữa nước Anh, nước Mỹ - những nước nói tiếng Anh- với các nước còn lại trên thế giới.Sự công nghiệp hóa sớm và nhanh của Anh và Hoa Kỳ dẫn đến sự chia cắt giữa những vùng dân cư lớn với đất đai mà họ đã từng canh tác.
Việc làm đông lạnh, vận chuyển đường sắt, phát triển vùng ngoại ô và dùng ô tô đã làm cho siêu thị tăng vọt, thực phẩm được được cô ép và đóng gói, ghi hạn sử dụng, ghi thương hiệu và được quảng cáo.
Việc người tiêu dùng lái xe tới các siêu thị ở rìa thị trấn để mua hàng đã khiến các cửa hiệu tư nhân nhỏ phải đóng cửa, làm giảm giá trị những con phố ở trung tâm và giảm mức tương tác giữa người mua, người trồng trọt và người bán thực phẩm.
Siêu thị ở Anh và Bắc Mỹ từng có thời là các khu chợ có mái y như các khu chợ ta vẫn thấy ngày nay ở nhiều nơi khác trên thế giới, nơi mà khách hàng vẫn muốn nhìn thật kỹ thực phẩm mình định mua và tận hưởng những tiếng ồn không gì sánh được, những thứ có lẽ chỉ có ở các khu chợ có mái che.
Trên cả những thích thú trên, thường chợ có mái lại còn là những tòa nhà đặc biệt, được thiết kế rất đẹp bởi vì vai trò của nó (nuôi dưỡng thành phố thông qua ẩm thực) cũng quan trọng y như những tòa nhà lớn và nơi thờ phụng của thành phố.
Mặc dù thực phẩm công nghiệp và siêu thị ngày càng bành trướng, nhưng chợ có mái vẫn tiếp tục phát triển mạnh, một số nằm ở những địa điểm sáng giá ở Anh và Mỹ.
Các khu chợ khổng lồ
Một trong những thích thú đáng ngạc nhiên ở trung tâm Los Angeles (một thành phố mà phần lớn khách tới thăm nghĩ nó như một đường cao tốc ở đó không thể đi bộ được) là chợ Grand Central Market (Chợ Lớn Trung Tâm) ở South Broadway.Chợ được khai trương năm 1917 ở tầng trệt của Tòa nhà Homer Loughlin, do kiến trúc sư sinh ở Anh John B Parkinson thiết kế.
Chợ này đã phục vụ cho nhiều thế hệ nối tiếp của những người nhập cư. Ngày nay 80% những người đi chợ hàng ngày là người Mỹ Latin, vì vậy có rất nhiều rau quả tươi và các món ăn sẵn Tây Ban Nha ngon.
Phần lớn những thứ này được trưng bày dưới các biển hiệu đèn nê ông hoàn toàn bằng tiếng Mỹ, biển hiệu được treo vào các dầm bê tông chịu lực của một tòa nhà cách tân, nơi mà Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư người Mỹ nổi tiếng nhất, từng đặt văn phòng.
Kiến trúc của Chợ Pike Place ở Seattle là một câu chuyện dài về một số kiểu dáng suốt từ 1907, là thời điểm khu chợ bên bờ biển được khai trương lần đầu.
Nằm bên sườn đồi theo nhiều cấp bậc, chợ (rộng 3.600 m2) có đủ các loại từ cá tươi nhất của Thái Bình Dương tới các hàng thủ công địa phương.
Là chợ thuộc sở hữu công, Chợ Pike Place có sức chứa khoảng 500 người.
Ở đây bạn có thể ăn sushi. Trong những ngày đầu, trước khi Quốc Hội thông qua đạo luật vào năm 1942 theo đó chuyển các gia đình Mỹ gốc Nhật đến các trại giam giữ trong suốt Chiến tranh Thế giới II, cộng đồng này đã tạo một dấu ấn đặc biệt tại đây và hiện sở hữu ít nhất 80% các quầy hàng.
Ngày nay, Chợ Pike Place phát triển mạnh, là điểm thay thế cho trung tâm thành phố với muôn vàn thức ăn đã chế biến và hàng bán lẻ sầm uất.
Nếu bạn may mắn, thậm chí bạn có thể nhìn thấy Sol ‘The Cod Father’ Amon ở phía ngoài của cửa hàng Pure Food & Fish (nếu không thì rất đáng tiếc); Đó là người sở hữu quầy bán hàng lâu nhất của chợ và là huyền thoại của Seattle. Tòa nhà của chợ và những nhân vật nổi tiếng từ lâu đã gắn bó với nhau.
Về vẻ đẹp kiến trúc thuần túy thì châu Âu và vùng Trung Đông là nơi có những khu chợ có mái tinh tế nhất.
Mặc dù có sự cạnh tranh mạnh mẽ của các dinh thự sang trọng và các nhà thờ đẹp đến sững sờ, không ai khi tới thăm Venice là không có ấn tượng mạnh mẽ với chợ cá nằm kề sát với Cầu Rialto.
Chợ cá đã tồn tại gần nơi này từ năm 1097, trong khi tòa nhà kiểu tân Gothic do kiến trúc sư Domenico Rupolo và họa sĩ Cesare Laurenti thiết kế mới chỉ có từ năm 1907. Những trang trí hoàn tất ở đầu các cột chống đỡ mái lại được tô điểm bằng hình đầu cá chứ không phải hình xoắn ốc chỉnh chu cổ điển hoặc hình lá ô rô.
Tuy nhiên, sự canh tranh về nghệ thuật lại là cách thức trưng bày thực phẩm tươi tại nơi đây và tại chợ bán rau quả Erberia ở kế bên. Để tới chợ thì tiện lợi nhất là đi bằng traghetto, một loại thuyền mảnh và dài, từ Santa Sofia nằm ở phía bên kia bờ Kênh Lớn.
Như vậy thế giới cá, nước, thuyền, con kênh rất rộng, nghệ thuật nấu ăn đặc biệt và kiểu kiến trúc ngư nghiệp, tất cả được thâu tóm trong cái lưới Venice đặc sắc.
Chợ xanh Tây phương
Những khu chợ của Ý và Mỹ vừa riêng biệt vừa đặc biệt.Paris thì có truyền thống lâu đời về các chợ có mái trên khắp thành phố.
Chúng là chợ con của chợ mẹ ở trung tâm, Les Halles, ‘Cái Bụng của Paris’, tên gọi này được lấy từ đầu đề cuốn tiểu thuyết năm 1873 của Emile Zola, Le Ventre de Paris, mặc dù khu chợ thực phẩm có tên chính thức là Century Crystal Palace có từ giữa thế kỷ 19, do kiến trúc sư của Paris, Victor Baltard thiết kế đã bị phá hủy vào năm 1971.
Trong số 13 chợ có mái còn sót lại thì Chợ Marché La Chapelle, do Baltard thiết kế, ở quận 18 là được trùng tu đẹp. Nó phảng phất hình bóng rất đáng nhớ của Chợ Les Halles, chợ này bán thực phẩm mang từ Bồ Đào Nha và Bắc Phi và cho thấy cảnh rộn ràng mua bán tại đây cũng như tại các chợ thường nhật khác của Paris.
Các khu chợ của Pháp thì thanh lịch nhưng được thiết kế đơn giản thực dụng.
Những đồ được bán tại đây được coi là quan trọng hơn là yếu tố kiến trúc.
Tuyệt tác kiến trúc
Tuy nhiên, điều đó lại không đúng đối với chợ Mercado Central ở Valencia của Tây Ban Nha; Đây là tấm gương hoàn mỹ của chợ có mái, một tác phẩm nghệ thuật đô thị.Điều thú vị là thực phẩm bán ở tòa nhà Spanish Art Nouveau tuyệt vời này miếng nào cũng ngon ngọt như phần kiến trúc bao quanh.
Chợ do các kiến trúc sư ở Catalan, ông Francisco Guardia và ông Alejandro Soler thiết kế, với các vòm mái kỳ vĩ, các mảnh gốm sặc sỡ, các thủy tinh mầu ghép nối và được hoàn thành vào năm 1928.
Ngày nay, khu chợ này có thể hãnh diện về một ngàn quầy hàng tràn đầy thực phẩm tuyệt hảo.
Những hàng mang đến chợ đều được nhìn ngắm trầm trồ, được nếm thử các món một cách ngạc nhiên thú vị, để nhận xét rằng thức ăn tươi là phải như thế, như thế.
Trong khi đó ở Rotterdam, một thành phố đa văn hóa với người tứ xứ hợp về, cùng chung sống, một khu chợ có mái mới vừa được khai trương ở quận Laurens của thành phố.
Đây là nơi vừa có cửa hàng vừa để làm việc, kiến trúc bắt mắt và táo bạo. Tòa nhà hình móng ngựa rộng rãi và tươi sắc mầu này (do MVDRV thiết kế) gồm các gian hàng thực phẩm và hoa tươi, ở phần đầu hồi là các tiệm thời trang, các căn hộ sáng sủa và các văn phòng doanh nghiệp mới.
Thậm chí có cả nơi dạy nấu ăn cho những người học nghề được thách đố nấu các món ăn từ thực phẩm tươi sống. Sự hiện diện mang tính kiến trúc sinh động của Markthal cho thấy rõ rằng chợ có mái này không phải chỉ để tồn tại ở đây mà nó có một tương lai hấp dẫn và thú vị hơn bất kỳ chợ nào từng có ở ngoại ô, từ nơi đây cho tới Los Angeles.
Chợ Trung Đông
Những khu chợ lớn nhất trong số chợ có mái, về mặt quy mô và độ nguy nga, là những chợ ở vùng Trung Đông.Đáng buồn là khu chợ đẹp nhất, chợ Al-Madina Souq ở trung tâm Aleppo, với cấu trúc được xây dựng ít nhất từ năm 1450, đã bị hư hỏng nặng nề trong cuộc xung đột hiện nay ở Syria.
Tại đây có 8 dặm đường phố dưới mái, rất nhiều phố là dưới vòm bằng đá tráng lệ. Nơi đây bóng nắng nhảy nhót qua các kẽ bóng râm, với hàng nghìn sạp hàng đầy ắp thực phẩm, gia vị và vải vóc.
Đây là nơi trong nhiều thế kỷ đã hòa đồng nhiều nền tín ngưỡng và văn hoá. Hy vọng rằng rồi nó sẽ được hồi phục lại vẻ đẹp nguy nga trước đây.
Bài gốc tiếng Anh đã được đăng trên BBC Culture
Tin liên quan
- Nơi thân thiện nhất thế giới
- Những loài thực vật cực hiếm
- Bản đồ có đáng tin?
- Từ Trung Quốc nhìn vào Bắc Hàn thấy gì?
- Đâu là 'thiên đường' cho người về hưu?
- Khi thư viện trở thành lâu đài tri thức
- Những sân bay mới tráng lệ nhất thế giới
- Cuộc đua nhà chọc trời
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2015/02/150218_worlds_most_beautiful_markets_vert_cul
Geen opmerkingen:
Een reactie posten