Điểm báo quốc tế về Việt Nam
Trong phần tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin điểm một số bài về Việt Nam trên báo chí quốc tế những tuần qua. Đầu tiên là bài viết trên tạp chí The Economist số ra ngày 14/02/2015 nói về lao động xuất khẩu Việt Nam.
Giấc mơ đổi đờiTờ báo nhắc lại rằng mỗi năm lại có thêm 1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động của Việt Nam, một quốc gia đã có dân số trên 90 triệu người. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng chỉ có 6% không đủ nhanh để cung cấp việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động trẻ này. Với giấc mơ đổi đời, nhiều thanh niên Việt Nam đua nhau ra nước ngoài kiếm sống, làm nghề giúp việc gia đình, công nhân xây dựng hay công nhân nhà máy.
The Economist nêu trường hợp của Hằng, một cô gái gia đình nông dân tại xã Tân Liễu, tỉnh Bắc Giang, sang lao động ở Đài Loan từ năm 18 tuổi. Đối với cô, lắp ráp điện thoại di động mỗi ngày từ 12 đến 16 tiếng đồng hồ còn đỡ nặng nhọc hơn là làm nghề nông. Nhưng để Hằng có thể ra nước ngoài lao động, gia đình cô phải vay đến 5000 đôla để trả tiền công ty môi giới lao động. Hằng đã phải làm việc cật lực trong suốt hơn một năm trời mới trả xong món nợ đó.
Trước đây, Việt Nam xuất khẩu lao động sang Liên Xô và các nước chư hầu Đông Âu, nay các quốc gia thu hút lao động Việt Nam nhiều nhất là Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Theo The Economist, từ năm 2005 đến nay, số lao động xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, lên tới 500 ngàn người. Số tiền 1,6 tỷ đô la mà những lao động này gởi về nước mỗi năm đã góp phần không nhỏ vào việc giảm bớt cách biệt giữa các tỉnh nghèo với các tỉnh giàu.
Đi lao động ở nước ngoài qua các kênh chính thức dĩ nhiên là an toàn hơn là những đường dây trái phép, tạo điều kiện cho việc buôn phụ nữ làm gái mãi dâm qua biên giới miền Bắc sang Trung Quốc. Nhưng theo tờ The Economist, trong số những lao động ra nước ngoài theo kênh chính thức, mà hơn một phần ba là phụ nữ, một số đã bị bóc lột thậm tệ. Tờ báo nhắc lại nội dung một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2014, cho biết trong số các lao động Châu Á ra nước ngoài làm việc, lao động Việt Nam thuộc loại nợ nần cao nhất. Cho nên họ rất dễ bị siết nợ và bị cưỡng bức lao động.
Do bị đối xử tàn tệ, một số lao động đã phá bỏ hợp đồng và tìm việc khác, thường là làm lậu. Vấn đề này trở nên trầm trọng ở Hàn Quốc đến mức vào năm 2012, chính phủ nước này đã bãi bỏ “Hệ thống Giấy phép Tuyển dụng” cho Việt Nam. Các giấy phép này sau đó được cấp trở lại trên cơ sở thử nghiệm, nhưng Bộ Lao động Việt Nam vào tháng Giêng 2015 vừa qua cho biết là chính phủ Seoul có thể ngưng cấp trừ phi tỷ lệ công nhân Việt Nam làm lậu giảm từ 40% xuống còn 30%.
Theo The Economist, Việt Nam đã ý thức được vấn đề. Với sự trợ giúp của các nhà tài trợ quốc tế, chính quyền Hà Nội đã lập một số văn phòng để hướng dẫn những người chuẩn bị đi lao động nước ngoài hiểu được quyền và quyền lợi của họ. Báo chí Việt Nam cũng đưa tin nhiều về các vụ công an khám xét những công ty môi giới lao động làm ăn trái pháp luật.
Nhưng những thay đổi đó chủ yếu còn sơ sài. The Economist trích lời ông Futaba Ishizuka, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Kinh tế ở Nhật, cho rằng chính phủ Việt Nam chưa thật sự có quyết tâm chính trị đưa vào khuôn khỗ các công ty môi giới, mà thường là những công ty trực thuộc các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng lại hoạt động không có giấy phép.
Tuy gặp nhiều rủi ro như vậy, theo The Economist, nhiều người dân vùng nông thôn, nhất là từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung, vẫn muốn đi làm việc ở nước ngoài, vì nhờ tiền của các lao động xuất khẩu này, mà người dân các vùng nông thôn nghèo như xã Tân Liễu có thể xây sửa nhà cửa khang trang hơn, như Hằng cho biết cô đã để dành được 3.200 đôla để sửa nhà cho gia đình ở quê.
Nô lệ ngay trên đất Châu Âu
Nhưng không chỉ có những lao động xuất khẩu ở châu Á bị bóc lột, mà ngay tại Vương Quốc Anh, một quốc gia châu Âu, cũng có những người lao động Việt Nam phải làm việc như là nô lệ. Tờ nhật báo The Southern Daily Echo số ra ngày 20/02 vừa qua đã có bài viết về một lao động nhập cư trái phép người Việt Nam phải làm việc như nô lệ tại một trại sản xuất cần sa ở Southampton và đã tuyệt vọng đến mức phải gọi điện thoại cho cảnh sát để tự nộp mình.
Lam Nguyen-Viet ( Nguyễn Việt Lâm ? ) đã đến Anh quốc việc làm cách đây 2 năm hy vọng khi trở về nước sẽ có cuộc sống khá hơn cho bản thân và gia đình.
Nạn nhân đã đến Anh quốc theo lời dụ dỗ của một băng nhóm hứa hẹn cho có việc làm cho anh.Bố mẹ anh đã phải dành dụm tiền để anh có thể sang Anh quốc trái phép, nhưng khi đến nơi anh buộc phải làm việc cho các trại trồng cần sa và các nhà máy sản xuất cần sa
Do phải sống trong điều kiện quá kinh khủng và bị đe dọa đánh đập, thậm chí đe dọa đến tính mạng, ngày 27/07 năm ngoái, anh gọi điện thoại cho cảnh sát, tự nộp mình để thoát khỏi sự khống chế của các băng đảng cần sa. Thứ tư vừa qua, 18/02, anh đã bị kết án 18 tháng tù vì tội tham gia sản xuất cần sa. Trừ thời gian bị tạm giam, anh sẽ mãn hạn tù trong năm nay và sau sẽ bị trục xuất về Việt Nam.
Những đứa bé bị bỏ rơi
Về phần các phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc thì gặp một thảm trạng mới, đó là phải bỏ con. Trang mạng AsiaNews.it của Ý ngày 20/02 vừa qua có một bài nói về việc ngày càng có nhiều trẻ em nhập cư bị bố mẹ và chính phủ Hàn Quốc bỏ rơi. Chỉ trong năm 2014 đã có khoảng 90 bị bỏ rơi như vậy ở Seoul, phần lớn là con của những bố mẹ ngoại quốc sống không có giấy tờ cho nên không được hưởng phúc lợi xã hội.
AsiaNews nêu trường hợp của một cô gái Việt Nam, Tăng Thị Ngọc Mai, 23 tuổi, đến Hàn Quốc cách đây 5 năm qua đường dây môi giới hôn nhân trái phép, đưa phụ nữ Việt Nam sang làm vợ của đàn ông nghèo vùng thôn quê, mà trên thực tế là bán họ đi như nô lệ tình dục.
Sau khi trốn khỏi người chồng hung dữ, không có giấy tờ, Mai quan hệ với một đồng hương Việt Nam. Nhưng người này bị trục xuất về nước sau khi bị cảnh sát khám xét nhà, vào lúc mà cô đang có thai.
Con gái của Mai vừa sinh ra cách đây 2 ngày ( 18/02/2015 ), nhưng cả cả hai mẹ con có nguy cơ bị trục xuất khỏi Hàn Quốc vì cô không có tiền, không có giấy tờ và không có phương tiện sinh sống. Chiếu theo luật Hàn Quốc, Mai cũng không được hưởng trợ cấp Nhà nước và hưởng các dịch vụ xã hội.
Theo AsiaNews, trường hợp của Mai đã gây chấn động dư luận Hàn Quốc và bây giờ nhiều người dân nước này đang đặt ra câu hỏi về số phận của những người đến từ Đông Nam Á hoặc Trung Quốc tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở một quốc gia được mệnh danh là một trong những con rồng châu Á.
Thật ra thì những người lao động nhập cư không có giấy tờ, nếu không bị bắt thì họ vẫn cứ sống tại Hàn Quốc, còn nếu chẳng may bị bắt thì bị trục xuất về nước. Nhưng vấn đề trở nên rắc rối hơn khi họ có con. Trong năm 2014, theo thống kê đã có 90 em bé là con của người nhập cư bị bỏ trên xe taxi, trên xe lửa hoặc trước cửa các bệnh viện.
Chẳng ai biết phải xử lý những em bé này như thế nào. Chiếu theo luật thì để được hỗ trợ, phải có ít nhất một trong hai người bố mẹ là công dân Hàn Quốc. Nhưng làm sao chứng minh được điều đó nếu bỏ mẹ đã biến mất như vậy?
Theo AsiaNews, trong trường hợp của Mai, cô đã nhận được sự trợ giúp từ Global Sarang, một tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo, hiện điều hành một nhà tạm cư cho phụ nữ nhập cư ở Seoul. Nhưng chủ tịch tổ chức này không mấy lạc quan, vì quỹ hoạt động của họ rất hạn chế.
Hàn Quốc đã ký kết Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, công ước buộc các nước thành viên phải cung cấp những dịch vụ y tế và giáo dục cơ bản cho mọi trẻ em trên lãnh thổ của họ. Nhưng tại Hàn Quốc, những trẻ em không có giấy tờ không được hưởng những dịch vụ cơ bản, vì chính phủ Seoul không muốn chi tiêu cho những trẻ em này, các trường học và các trường học thì từ chối tiếp nhận. Một quan chức bộ Phúc lợi Xã hội Hàn quốc nói với tờ Korea Times: “ Về mặt nguyên tắc, chính phủ Hàn Quốc không thể giúp trẻ em của những bố mẹ đã vi phạm pháp luật. Những dịch vụ của Nhà nước là chỉ dành cho công dân Hàn Quốc”.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150223-viet-nam-bao-chi-quoc-te/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten