donderdag 26 februari 2015

Mỹ điều máy bay trinh sát hiện đại nhất tuần tra Biển Đông

Thứ năm, 26/2/2015 | 21:54 GMT+7

Mỹ điều máy bay trinh sát hiện đại nhất tuần tra Biển Đông

Hải quân Mỹ hôm nay lần đầu thừa nhận đã triển khai máy bay trinh sát hiện đại nhất P-8A Poseidon ở ngoài khơi Philippines để tuần tra Biển Đông. 
Máy bay P-8 Poisedon. Ảnh: AFP
Máy bay P-8A Poisedon. Ảnh: AFP
Reuters dẫn thông cáo của hải quân Mỹ cho hay, máy bay P-8A đã được triển khai ở Philippines trong ba tuần đến ngày 21/2 và thực hiện hơn 180 giờ bay trên Biển Đông.
Đại tá Restituto Padilla, phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Philippines, cho biết hải quân Mỹ từng triển khai máy bay trinh sát P-3C Orions từ các căn cứ ở quốc đảo vào năm 2012. Hoạt động này diễn ra theo một thỏa thuận an ninh song phương, trong đó lực lượng Mỹ luân chuyển đến Philippines.
Đến năm ngoái, các máy bay P-8A thay thế cho Orions nhưng các đồng minh không thông báo về sự thay đổi này. 
"Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai nhiều máy bay trinh sát ở Philippines hơn", ông Padilla nói.
Hải quân Mỹ đã thể nghiệm khả năng của P-8A ở cả vùng ven bờ và ngoài biển lớn, đồng thời chia sẻ khả năng cảm biến đa nhiệm của phi cơ này cho các lực lượng Philippines.
"Đây là một cơ hội tốt để phối hợp với các thành viên của lực lượng vũ trang Philippines", trung tá Mỹ Matthew Pool, chỉ huy máy bay tuần tra phi đoàn chiến đấu số 4, nói. "Chia sẻ các khả năng của máy bay này với đồng minh chỉ giúp củng cố thêm quan hệ của chúng tôi".
Washington, đồng minh thân thiết nhất và lâu đời nhất của Manila, đã cam kết chia sẻ thông tin tức thời về các diễn biến trong vùng biển Philippines khi Trung Quốc gia tăng hoạt động trên Biển Đông.
Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích biển, bất chấp phản đối của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam. 
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp và thúc giục các bên xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chính thức. Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc đóng băng các hoạt động khiêu khích trên biển tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ sự liên quan của Washington với vấn đề khu vực.
Anh Ngọc
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-dieu-may-bay-trinh-sat-hien-dai-nhat-tuan-tra-bien-dong-3151065.html

Thứ sáu, 30/1/2015 | 09:25 GMT+7

Mỹ muốn máy bay Nhật tuần tra ở Biển Đông

Washington sẽ hoan nghênh Tokyo mở rộng tuần tra trên không ra khu vực Biển Đông, đối trọng với việc Bắc Kinh đang thúc đẩy tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.
Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7
Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ. Ảnh: Reuters.
"Tôi nghĩ các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực sẽ ngày càng nhìn nhận Nhật Bản có vai trò đảm bảo ổn định", Reuters dẫn lời Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 và là sĩ quan hải quân Mỹ hàng đầu ở châu Á, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
Theo Đô đốc Thomas, tại Biển Đông, đội tàu cá, tàu tuần duyên và tàu hải quân Trung Quốc vượt trội so với những quốc gia láng giềng. Ông cho rằng hoạt động của Các lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JSDF) ở khu vực này sẽ có ý nghĩa thiết thực trong tương lai.
Hiện các phi cơ Nhật Bản mới chỉ tuần tra thường xuyên trên biển Hoa Đông, khu vực Tokyo có tranh chấp về chủ quyền với Bắc Kinh. Việc Nhật Bản mở rộng tuần tra tới Biển Đông chắc chắn sẽ làm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này leo thang.
Bình luận trên cho thấy sự ủng hộ từ Lầu Năm Góc đối với nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc tăng cường vai trò quân sự ở khu vực. Điều này là rất quan trọng bởi Mỹ và Nhật Bản đang đàm phán thỏa thuận an ninh song phương mới, dự kiến trao cho Tokyo vai trò lớn hơn trong liên minh.
Nhật Bản không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Vùng biển này cung cấp 10% tổng sản lượng đánh bắt cá toàn cầu và tổng giá trị hàng hóa trên các tàu đi qua đây mỗi năm vào khoảng 5.000 tỷ USD, phần lớn là đến và đi từ Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa có bình luận nào về thông tin trên. Tokyo chưa bao giờ thể hiện có ý định tuần tra ở Biển Đông. Cơ quan này còn từ chối bình luận về thay đổi đang được đàm phán với Mỹ, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và những quốc gia liên quan tuân thủ luật pháp cũng như các công ước quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chưa thể bình luận ngay lập tức về cuộc phỏng vấn Đô đốc Thomas.
Thủ tướng Abe đang đề nghị quốc hội Nhật Bản cuối năm nay sẽ cho phép quân đội nước này mở rộng phạm vi hoạt động ở nước ngoài theo nội dung sửa đổi trong hiến pháp. Những thay đổi trên xảy ra trùng lúc Nhật Bản triển khai loại máy bay tuần tra hàng hải mới P-1 có phạm vi hoạt động 8.000 km, gấp đôi phi cơ hiện có và có thể cho phép Tokyo tăng cường giám sát Biển Đông.
"Đây là kết quả hợp lý từ nỗ lực thúc đẩy một vai trò mạnh mẽ và tích cực hơn trong lực lượng quân sự của Thủ tướng Abe. Nó còn là sự khởi đầu quan trọng cho các hoạt động của JSDF", Grant Newsham, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, nhận định.
Theo Newsham, động thái điều máy bay giám sát tới Biển Đông sẽ cho phép Nhật Bản thắt chặt quan hệ quân sự với các quốc gia như Philippines, một trong những nước ông Abe muốn hợp tác để đối phó với sức mạnh hải quân gia tăng của Trung Quốc.
P11-105555-copy1-9544-1422584108.jpg
Phi cơ tuần tra hàng hải P-1 của Nhật Bản. Ảnh: Want China Times.
Như Tâm

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-muon-may-bay-nhat-tuan-tra-o-bien-dong-3141011.html

Thứ ba, 9/12/2014 | 18:23 GMT+7

Trung Quốc bực tức với báo cáo Biển Đông của Mỹ

Trung Quốc hôm nay chỉ trích báo cáo của Mỹ về đường 9 đoạn là đi ngược lại cam kết không can thiệp trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ cho rằng đoạn thứ 1 trong đường 9 đoạn của Trung Quốc xâm phạm vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Rappler
Báo cáo của Mỹ trong đó cho rằng đoạn thứ nhất trong đường 9 đoạn của Trung Quốc xâm phạm vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Rappler
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng nước này có chủ quyền đối với Biển Đông dựa trên những tuyên bố lịch sử.
"Báo cáo của Mỹ đã làm ngơ trước những sự thật lịch sử và những quy định pháp lý quốc tế, trái với cam kết của nước này rằng không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp", ông Hồng nói.
Ông còn chỉ trích báo cáo của Mỹ "không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông" và "yêu cầu Mỹ tuân thủ các cam kết, hành động và phát ngôn cẩn trọng, nhìn nhận và xử lý vấn đề liên quan một cách khách quan, công bằng".
Cuối tuần trước, Cơ quan Đại dương và Các vấn đề Môi trường và Khoa học Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản nghiên cứu dài 26 trang. Trong đó, các chuyên gia đã phân tích và tái khẳng định yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông là phi lý, không phù hợp với luật biển quốc tế.
"Các đoạn 2, 3 và 8 xuất hiện trên bản đồ năm 2009 của Trung Quốc không chỉ tương đối gần với bờ biển thuộc đất liền của các nước khác, mà chúng còn nằm ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc đòi kiểm soát", các chuyên gia Mỹ phân tích.
Đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, là đường biên giới quốc gia trên biển mà Trung Quốc ngang nhiên vạch ra nhằm tuyên bố chủ quyền với 80% Biển Đông. Đường này xâm phạm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Bắc Kinh từ lâu khẳng định chỉ giải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng song phương. 
Anh Ngọc

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-buc-tuc-voi-bao-cao-bien-dong-cua-my-3118255.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten