Sunday, September 21, 2014 3:37:25 PM
HÀ NỘI 21-9 (NV) - Vì thiếu công nghệ hỗ trợ, nhiều hãng Nhật tính bỏ Việt Nam chạy sang Thái Lan theo cảnh cáo của ông Sukurada Yoichi, nghiên cứu viên cấp cao của viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật).
Có tới 170 linh kiện cần cho Samsung nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đều lắc đầu. (Hình: Đất Việt) |
Theo VietnamNet, ông Sukurada Yoichi cùng các cộng sự của ông và công ty Foval, hai đơn vị được Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật (JICA) ủy thác, đang tiến hành khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sáu ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực của Việt Nam, gồm máy nông nghiệp, chế biến thực phẩm, điện tử, xe hơi, phụ tùng xe hơi, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Chương trình khảo sát được tiến hành từ Tháng Tư và sẽ kết thúc vào ngày 1 Tháng Giêng, 2015.
Theo nguồn tin vừa kể, tại buổi làm việc với Hiệp Hội Doanh Nghiệp Công Nghiệp Hỗ Trợ Hà Nội (HANSIBA) sáng 19 Tháng Chín, ông Sukurada Yoichi cho biết, chương trình khảo sát được tiến hành tại Hà Nội, Sài Gòn, và một số khu vực lân cận như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, từ đó, lập ra một danh sách 500 doanh nghiệp hỗ trợ hàng đầu của Việt Nam có nhu cầu hợp tác với Nhật. Chương trình cũng khảo sát nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật (khoảng 20 đơn vị) đang làm ăn tại Việt Nam.
Hồi tháng trước, tin tức cho hay công ty điện tử Samsung sản xuất tại Việt Nam cần đặt hàng 170 linh kiện gồm cả những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe... nhưng câu trả lời của các xí nghiệp nội tại của Việt Nam là chưa làm được. Đấy chỉ là những linh kiệm cho máy điện thoại thông minh Galaxy S4 và Tab, chưa nói tới bắt cứ thứ nào khác.
Các nhà đầu tư sản xuất ngoại quốc khi vào Việt Nam đã hối thúc nhiều lần phải phát triển công nghệ phụ trợ, nâng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, vừa giúp đất nước phát triển, vừa giúp các nhà đầu tư sản xuất không phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở xa.
Theo một tờ trình của Bộ Công Thương, về công nghệ hỗ trợ, năm 2013, Việt Nam có khoảng 58,013 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng chỉ khoảng 1,300 doanh nghiệp làm trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng. Trong khi đó, tỉ lệ sử dụng linh kiện điện tử chuyên dụng nội địa của các nhà lắp ráp ở Việt Nam chỉ có 5%.
Ông Sukurada Yoichi cho hay, trong những ngày sắp tới, khi thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN xuống bằng 0 (zero) thì “một số doanh nghiệp Nhật đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, vì thế các bạn cần nỗ lực tăng tốc kẻo mất cơ hội”.
Trong cuộc hội thảo về công nghệ phụ trợ của Việt Nam ngày 8 Tháng Chín vừa qua, những con số nêu ra cho thấy hàng tỉ đô la thu được từ kỹ nghệ hỗ trợ như cung cấp thiết bị, linh kiện phụ trợ đều đã rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc vì Việt Nam không có công nghiệp phụ trợ và không làm được.
Theo Tổ Chức Xúc Tiến Thương Mại Nhật (Jetro), hiện nay tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật đang phải mua tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, ở Thái Lan là 53% và ở Trung Quốc là 61%.
Tại triển lãm Việt Nam - Nhật lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ diễn ra ở Hà Nội vào đầu Tháng Chín, 2013, hãng xe Toyota tham gia với một gian trưng bày các sản phẩm muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực hàn, dập, đúc, nhựa và các chi tiết cao su. Nhưng mục đích này đã không đạt được và đây là lần thứ 5 liên tiếp Toyota thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện thông qua triển lãm.
Tại triển lãm Việt Nam - Nhật lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ diễn ra ở Hà Nội vào đầu Tháng Chín, 2013, hãng xe Toyota tham gia với một gian trưng bày các sản phẩm muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực hàn, dập, đúc, nhựa và các chi tiết cao su. Nhưng mục đích này đã không đạt được và đây là lần thứ 5 liên tiếp Toyota thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện thông qua triển lãm.
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện mới chỉ có 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ xe hơi và chủ yếu sản xuất các loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa. (TN)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten