maandag 22 september 2014

Mặt trận thứ hai của Nhà nước Hồi giáo ISIS : mạng xã hội

Thứ hai, 22/9/2014 | 02:11 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Mặt trận thứ hai của Nhà nước Hồi giáo

Phát tán hình ảnh qua mạng xã hội, đăng tải những video được thực hiện công phu, phát hành tạp chí trực tuyến, những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lợi dụng và biến Internet thành một vũ khí tuyên truyền tinh vi.
imrs-1_1411185919.jpg
Các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: AFP
IS đã tuyển mộ một số lượng lớn các chiến binh ngoài Trung Đông từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả từ Mỹ và Tây Âu. Một nguồn tin CIA cho biết tuần trước có hơn 15.000 chiến binh đến từ 80 quốc gia ngoài Trung Đông, trong đó có 2.000 người phương Tây, đã tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria. Hiện chưa rõ bao nhiêu người trong số đó gia nhập IS và bao nhiêu người tham gia các nhóm đối lập với chính phủ Syria. 
Theo Matthew Olson, giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, IS có "bộ máy tuyên truyền tinh vi nhất trong các nhóm cực đoan". Đi đôi với sự phát triển của tổ chức, IS cũng đang di chuyển hoạt động truyền bá từ các diễn đàn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng mật khẩu đến các nền tảng mạng mở, có thể dễ dàng truy cập.
Lợi dụng mạng xã hội
IS có một ứng dụng điện thoại thông minh, mang tên gọi Dawn of Glad Tidings (Bình minh mang đến tin vui). Nhóm này không chỉ tung ra những bức ảnh chiến trường mà còn đăng tải ảnh chụp cuộc sống hàng ngày. Các chiến binh tiệc tùng trong các tòa nhà sang trọng, đi dạo trong nhà hàng hoặc đi tuần tra trên đường phố.
Giữa những cuộc tàn sát, các chiến binh còn đăng tải hình ảnh những chú mèo và thể hiện sở thích của họ đối với các sản phẩm phương Tây như chocolate Snickers và Nutella. "Cách họ bố trí và sử dụng công nghệ hiện đại cũng tinh vi như bất cứ ai ngoài kia", CNN dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Phần lớn chiến dịch tuyên truyền của nhóm diễn ra trên Twitter. Theo công ty phân tích web Recorded Future, kể từ tháng 5, đã có hơn 60.000 tài khoản Twitter được lập để đưa tin về nhóm. Trong đó, có 27.000 tài khoản mới kể từ vụ hành quyết nhà báo James Foley. IS đã sử dụng mạng xã hội này để phát tán những hình ảnh ghê rợn như những chiếc thủ cấp và thi thể đầy máu, nhằm tuyển mộ những tân binh tiềm năng. Khi Twitter gỡ bỏ hình ảnh này, một nhóm ủng hộ IS thậm chí còn kêu gọi sát hại các nhân viên của công ty.
Theo các chuyên gia chống khủng bố, nhiều thành viên của nhóm hiện đã chuyển sang sử dụng các mạng xã hội ít nổi tiếng hơn như Friendica, Diaspora và VK, mạng xã hội của Nga từng được những thủ phạm trong vụ đánh bom Boston sử dụng. Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc ngăn trừ và loại bỏ các hoạt động này.
"Những nội dung cực đoan được phát tán trên mạng giống như đỉnh núi Everest", còn "hoạt động chống cực đoan chỉ như một ngọn đồi nhỏ", TIMEdẫn lời Alberto Fernandez, điều phối viên của Trung tâm Truyền thông Chiến lược chống khủng bố, nhận xét.
Những video công phu và nhanh chóng
Một bộ phận của IS mang tên gọi Trung tâm Truyền thông al-Hayat có nhiệm vụ đăng tải và phát tán những video về nhóm. Ngoài những video đăng cảnh hành quyết man rợ các con tin phương Tây, đe dọa Mỹ, và gần đây là video về một nhà báo người Anh đưa ra những lời chỉ trích phương Tây, IS thậm chí còn sản xuất cả video ca nhạc.
"Họ ghép nối những bức ảnh và thêm các hiệu ứng, họ xếp lớp các bức ảnh để chúng trông góc cạnh và có hiệu quả cao", Elliot Greenebaum, một nhà làm phim tại New York, nhận xét về video ca nhạc dài hai phút, ca ngợi sự thành lập của IS.
Greenebaum phán đoán người làm video phải mất ba hay bốn ngày hậu kỳ để thêm các hiệu ứng. Ông nhấn mạnh đây không phải là những kỹ năng có thể học được trong một vài giờ. "Cách nó được dàn dựng cho thấy người làm đoạn video có thể từng làm công việc như vậy, ở một thành phố có nền sản xuất phim phát triển".
Theo Public International Radio, nhiều video xuất hiện trong vài tháng qua được gọi là Mujatweets, video có độ dài một phút quay cảnh chiến binh đang chơi đùa với trẻ em, hoặc những người bán hàng nói về những điều tốt đẹp dưới sự cai trị của IS.
Trong một báo cáo về Trung tâm al-Hayat, Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông tại Washington nhận định rằng, một trong những người đứng đằng sau những đoạn phim mới có thể là rapper người Đức có nghệ danh Deso ​​Dogg.
Các video nổi bật về độ công phu và xác định mục tiêu rõ ràng, đó là những người phương Tây. Các video được dịch sang tiếng Anh và một số ngôn ngữ châu Âu. Một vài video còn có các chiến binh nói tiếng Anh.
Các video của IS không chỉ cầu kỳ hơn so với sản phẩm của các nhóm Hồi giáo khác, nhóm này còn phát hành nhiều video hơn và nhanh hơn.
"Al-Qaeda đưa ra lời tuyên truyền khoảng một lần mỗi tháng. Trong khi đó, khi IS giành quyền kiểm soát một tỉnh ở Syria sau trận chiến ở Tabqa, tôi được xem video về sự kiện này chỉ hai ngày sau cuộc chiến", Bill Roggio, biên tập viên của The Long War Journal, một trang web về an ninh quốc gia nổi tiếng, cho biết
Theo ông, tốc độ đó "thật sự ấn tượng, họ truyền đi thông điệp một cách nhanh chóng. Đó là tính cấp bách của thông tin".
Phát hành tạp chí trực tuyến
Nhóm chiến binh Hồi giáo còn truyền bá quan điểm cực đoan qua tạp chí trực tuyến mang tên Dabiq. Nó được đặt theo tên một thị trấn ở miền bắc Syria, tượng trưng cho cuộc đụng độ giữa Hồi giáo và phương Tây. Tạp chí miêu tả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thượng nghị sĩ John McCain là "những kẻ đàn áp Hồi giáo" và cho rằng hai ông "sẽ khiến đế chế Mỹ hiện đại sụp đổ hoàn toàn".
Nó đăng hình ảnh gợi nên cuộc chiến khải huyền giữa chiến binh cực đoan Sunni và phần còn lại của thế giới, gồm cả hình ảnh lính Mỹ bị bao bọc trong biển lửa.
blog-july-8th-new_1411185258.png
Bìa tạp chí Dabiq của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: msasecurity.net
Bằng việc phát hành tạp chí, IS đang theo chân al Qaeda, tiền thân của chúng. Al Qaeda từng ca ngợi và ủng hộ các cuộc tấn công khủng bố trong ấn phẩm hào nhoáng mang tên Inspire.
Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền của hai nhóm không hướng tới những mục tiêu chung. Inspire tập trung nhiều hơn vào việc đưa ra lời khuyên thiết thực cho những kẻ khủng bố muốn lên kế hoạch tấn công, hướng dẫn cách chế tạo bom và tuồn nó lên máy bay. 
Trong khi đó, Seth Jones, một nhà phân tích an ninh tại công ty cố vấn của quân đội Mỹ RAND, nhận định rằng Dabiq của IS "rất khác biệt"."Tạp chí này nhằm khuyến khích mọi người đến để cho họ tuyển chọn, nhằm gia nhập và tham chiến cho tổ chức ở Iraq và Syria", ông cho biết.
Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, việc phát hành Dabiq chứng minh rằng IS không chỉ tìm kiếm hỗ trợ từ các khu vực lân cận, mà đang tiến hành một chiến lược tiếp cận toàn cầu để tuyển mộ những người nhập cư, nhằm xây dựng nhà nước của mình". Bài báo cáo cũng nhấn mạnh "sự tinh tế và chất lượng của tạp chí".
Theo CNN, IS dành riêng phần cuối cùng trong số đầu tiên của tạp chí để nói về vụ chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley, người đầu tiên trong ba con tin phương Tây nhóm đã đăng tải video hành quyết. Bài báo tiếp tục biện hộ cho vụ giết người là hành vi trả thù cho các chiến dịch quân sự của phương Tây ở Trung Đông.
Tạp chí này cho thấy IS cũng chú ý tới những gì phương Tây nhận định về chúng, trong mục có tên gọi "Những lời của kẻ thù".
Trong số đầu tiên, nó tập trung vào một bài báo do Douglas Ollivant là đồng tác giả. Ông là một cựu binh từng chiến đấu ở Iraq, và là cố vấn chính về việc tăng quân Mỹ ở nước này dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush năm 2007. Ollivant cũng được IS mô tả là một "kẻ đàn áp Hồi giáo".
Ollivant cho biết ông cũng "tự hào" rằng những kẻ khủng bố đã đọc tác phẩm của ông, nhưng ông cũng nhận thức được tình trạng đã bị "đưa vào chiến dịch tuyên truyền của nhóm".
"Chúng ta nhìn nhận và viết về họ một cách nghiêm túc, và sau đó họ xuyên tạc những thứ này với những kẻ có thể trở thành phiến binh và nói 'Hãy nhìn xem, người Mỹ nể sợ chúng ta'".
Vũ Thảo (tổng hợp)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten