Nhật báo Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA Daily) hôm 6/1 đưa tin, Bắc Kinh lo ngại trước khả năng Nhật Bản sẽ chế tạo 2.000 vũ khí nguyên tử từ 6 nhà máy tái xử lý nhiên liệu hạt nhân của nước này.
Bài báo cho biết Nhật Bản có thể sản xuất 9 tấn plutonium mỗi năm để chế tạo các đầu đạn hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ sản xuất vũ khí nguyên tử của nước này không hề thua kém Hoa Kỳ.
Bom hạt nhân có sức công phá rất mạnh.
Theo PLA Daily, Nhật Bản có thể sản xuất từ 2 đến 5 vũ khí hạt nhân với sức công phá tương đương 500.000 - 1 triệu tấn TNT, điều này khiến Nhật trở thành mối đe dọa nguy hiểm hơn cả Bắc Triều Tiên và Iran.
Tuy nhiên, một chuyên gia Trung Quốc nghi ngờ về số liệu được thống kê trong bài viết, và cho rằng cần phải có thêm bằng chứng để chứng minh nhận định trên, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang bị giám sát chặt chẽ cả trong nước và quốc tế.
Tờ PLA Daily cho biết, rõ ràng, chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện thái độ “thù địch” đối với Trung Quốc. Trong bài phát biểu đầu năm mới 2014, ông Abe tuyên bố đang cố gắng khôi phục lại một "Nhật Bản vững mạnh" và đề cập đến việc tăng cường khả năng quốc phòng cho đất nước.
Theo PLA Daily, Abe đã thừa hưởng tham vọng chinh phục Đông Nam Á của ông nội mình. Shinzo Abe là cháu trai của cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, người đã bị cáo buộc khai thác lao động cưỡng bức Trung Quốc khi là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản từ thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.
Một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh cần thay đổi chiến lược của mình trên toàn khu vực Đông Á nếu Nhật Bản xác nhận có vũ khí hạt nhân. Lý do là vì quân đội Trung Quốc không thể thắng Nhật Bản trong một cuộc chiến tranh thông thường.
Bắc Kinh cũng tỏ rõ mối quan ngại về việc Hoa Kỳ có thể sẽ cho phép Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân để hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Á. Tuy nhiên, tờ Đại Công báo cho rằng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với áp lực từ trong và ngoài nước nếu cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân.
Tin tức từ Đại Công báo cho biết, Hiến pháp Nhật Bản cấm phát triển vũ khí hạt nhân, và tất cả các nhà máy tái xử lý nhiên liệu hạt nhân ở Nhật đang được theo dõi chặt chẽ bởi các đại diện của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.
N.T
Nguoiduatin
Geen opmerkingen:
Een reactie posten