vrijdag 4 november 2011

Chiêu lừa tiền của tội phạm công nghệ cao

 4/11/2011

Chúng lừa doanh nhân hoặc người có tài sản lớn tin rằng tài khoản của họ đang bị đánh cắp. Khi nạn nhân hoang mang, chúng giả dạng công an thuyết phục chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản riêng của cơ quan này để được bảo vệ an toàn.


Thời gian qua, nhiều vụ tội phạm nước ngoài thâm nhập Việt Nam lắp đặt máy móc, sử dụng thiết bị viễn thông và Internet tốc độ cao sau đó vạch "kịch bản" tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân đang sống tại Trung Quốc, Singapore, Đài Loan... đã bị triệt phá.

Ngày 7/7/2010, Cơ quan an ninh (Bộ Công an) đã phát hiện băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia bằng công nghệ cao, bắt giữ 99 người nước ngoài chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc đã có lệnh truy nã quốc tế.

Một nhóm tội phạm công nghệ cao của hai
Một nhóm tội phạm công nghệ cao của hai "ông trùm" Trương Chí Tài (Chang) và Hứa Chí Hoàng (Huang) bị bắt.

Qua điều tra, cơ quan an ninh phát hiện những người này chia thành nhiều nhóm (khoảng 8-10 người) và hoạt động độc lập nhau. Nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, họ thuê nhà tại những nơi kín đáo thuộc các quận 7, quận 8, quận 12 (TP HCM).

Tuy hoạt động riêng lẻ theo nhóm nhưng đều do hai "ông trùm" chỉ huy gồm Trương Chí Tài (Chang, 45 tuổi) và Hứa Chí Hoàng (Huang, 27 tuổi, đều là người Đài Loan). Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Chang và Huang đã thuê nhà và lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao, máy tính nối mạng cùng các thiết bị viễn thông đàm thoại quốc tế. Xong xuôi, những người này xây dựng kịch bản và thực hiện hành vi lừa đảo đối với nạn nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước hết, băng nhóm này sẽ lập các tổng đài viễn thông giả, điều khiển bằng công nghệ thông tin tấn công vào tài khoản cá nhân của một số khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc có mở tài khoản riêng tại các ngân hàng. Nạn nhân chủ yếu là các doanh nhân có nhiều tiền hoặc những người có tài sản lớn.

Sau đó, khi đánh cắp được thông tin cơ bản của "con mồi", chúng sẽ tấn công lừa bịp khách hàng, làm cho họ tin tài khoản của mình đang bị đánh cắp. Khi nạn nhân đã rất hoang mang, chúng sẽ giả dạng tổng đài của cơ quan công an thuyết phục họ chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản riêng của cơ quan này để được bảo vệ an toàn. Chỉ vài giờ sau đó, những tên tội phạm sẽ rút hết tiền số tiền của các nạn nhân và cao chạy xa bay.

"Kịch bản" đó đã được Chang và Huang thực hiện nhiều lần. Vào một buổi sáng, một người đàn ông ở Cao Hùng, Đài Loan nhận được cuộc điện thoại. Người gọi tự xưng là cán bộ của ngân hàng nơi ông đang gửi tiền, báo cho ông biết là tài khoản của ông trong ngân hàng đã bị một nhóm xã hội đen sử dụng để tiến hành các hoạt động phi pháp.

Tiếp theo, vị "cán bộ" cung cấp cho ông số máy của bộ phận kiểm tra tài khoản khách hàng để ông liên lạc. Lúc gọi đến số máy này, người nghe sau khi hỏi han, lại đề nghị ông bấm phím số 9 hoặc một phím bất kỳ đã được Chang và Huang cài mặc định sẵn, để chuyển cuộc gọi đến "cảnh sát Đài Loan" nhằm làm sáng tỏ vụ việc, chứng minh rằng ông vô can trước những vi phạm pháp luật.

Khi người đàn ông này gọi đến "cảnh sát Đài Loan" đã được nghe một nền âm thanh giả, thấy tiếng gõ bàn phím, tiếng bộ đàm, tiếng người đang trao đổi với nhau về một vụ án nào đó và thậm chí còn có cả tiếng còi hú văng vẳng xa xa. Tất cả những việc này, Chang và Huang đã lập trình trên máy tính.

Phía "cảnh sát Đài Loan" yêu cầu người đàn ông này chuyển tất cả số tiền trong tài khoản của ông sang tài khoản của cảnh sát, mà thực chất là tài khoản của Chang và Huang để được an toàn. Chỉ vài giờ sau khi việc chuyển tiền hoàn tất, bọn tội phạm sẽ rút ngay.

Cũng với "chiêu" tương tự, thời gian qua, Cơ quan an ninh Bộ Công an đã triệt phá 6 vụ việc tội phạm xâm nhập Việt Nam, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.

Ngày 5/9, Cơ quan an ninh Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Phú Yên bất ngờ ập vào 5 tụ điểm trên địa bàn thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bắt giữ 57 người. Trong đó phần lớn là người Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.

Ngày 13/9, Công an TP HCM cũng bắt quả tang 11 người ngoại quốc thực hiện hành vi tương tự để lừa đảo. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 7 máy tính xách tay, 16 modem, hàng trăm đầu kết nối Internet và 5 thiết bị phát sóng wi-fi...

Mới đây nhất, ngày 17/10, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng cục An ninh I kiểm tra hai khách sạn ở Nha Trang, bắt quả tang 23 người Trung Quốc và một người Việt Nam đang "hành nghề" lừa đảo. Cảnh sát thu giữ 2 bộ thiết bị đường truyền tốc độ cao, 14 bộ đàm cầm tay, 8 điện thoại wi-fi, 37 điện thoại bàn, 2 USB có dữ liệu và 7 máy tính xách tay.

Một thành viên nhóm lừa đảo công nghệ cao ở Khánh Hòa bị bắt và dẫn giải ra xe. Ảnh: Việt Nữ
Một thành viên nhóm lừa đảo công nghệ cao ở Khánh Hòa bị bắt và dẫn giải ra xe. Ảnh: Việt Nữ.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết, hiện tội phạm công nghệ cao đang diễn biến khó lường, với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp nên công tác điều tra phá án cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ngọ, cần tăng cường phối hợp, hợp tác và đào tạo tập huấn chuyên sâu cho lực lượng cảnh sát giữa các nước thành viên của Interpol mới đem lại kết quả thiết thực hơn.

Về vấn đề này, Chánh văn phòng Interpol Việt Nam Đặng Xuân Khang cũng cho hay, Việt Nam đã hợp tác với các nước để hỗ trợ nhau trong việc huấn luyện đào tạo. "Đã có nhiều cán bộ chiến sĩ Cục cảnh sát truy nã được đưa ra nước ngoài để đào tạo trong khuôn khổ hợp tác Interpol Việt Nam với các nước thành viên", ông Khang nhấn mạnh.

Ông Khang cũng cho rằng trong thời gian qua tội phạm người nước lợi dụng con đường thăm thân nhân, du lịch để vào Việt Nam lẩn trốn và vi phạm pháp luật. Xu hướng này ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ hợp tác với các nước tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng hộ chiếu giả.

Tá Lâm

Geen opmerkingen:

Een reactie posten