vrijdag 18 november 2011

Chống tắc đường ở các nước trên thế giới

18/10/2011

Cấm xe theo biển số, tăng giá vé phương tiện công cộng vào giờ cao điểm hay giảm giá vé tàu giờ thấp điểm là những giải pháp chống nạn ùn tắc mà các nước trên thế giới đã áp dụng.
> Đề xuất đổi giờ học, làm việc tránh tắc đường


Giờ cao điểm ở ga tàu điện ngầm Shinjuku của Nhật Bản. Đây là ga tàu điện đông nhất thế giới với gần 3,8 triệu khách mỗi ngày năm 2008. Ảnh: wikipedia

Tại thủ đô Sao Paulo của Brazil, mỗi phương tiện bị cấm lưu thông trong giờ cao điểm (7-10h và 17-20h) vào một ngày cụ thể. Ngày này được quy định dựa theo chữ số cuối trong biển số xe của chúng. Lực lượng cảnh sát với sự hỗ trợ hàng trăm camera có hệ thống nhận diện hình ảnh sẽ giám sát việc thi hành quy định này. Biện pháp trên nhằm giảm thiểu số lượng phương tiện trên đường và khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm. Colombia và Philippines cũng sử dụng biện pháp này.

Các phương tiện ở 16 thành phố của Philippines (gọi là Metro Manila) bị cấm lưu thông từ 7h đến 19h. Riêng xe tư được phép di chuyển trên đường từ 10h sáng tới 15h chiều. Các xe có biển số kết thúc bằng số 1 hoặc 2 bị cấm hoạt động vào ngày thứ hai trong tuần. Tương tự, các xe có biển số kết thúc bằng các chữ số còn lại lần lượt bị cấm lưu thông trong những ngày tiếp theo của tuần. Quy định trên không được áp dụng với xe máy, xe buýt trường học, xe buýt con thoi, xe chữa cháy, cứu thương, xe chở người cần chăm sóc y tế đặc biệt, xe cảnh sát, các phương tiện quân sự hay xe mang biển ngoại giao.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ sử dụng tàu điện công cộng chiếm 27%, cao hơn hẳn so với phương tiện cá nhân và cũng cao hơn nhiều nước phát triển trên thế giới như Đức (7,7%), Anh (6,4%) và Mỹ (0,6%). Cũng chính vì thế mà hệ thống tàu điện ở một số khu vực của Nhật Bản thường xuyên bị ùn tắc nặng. Chính phủ Nhật Bản đã cải thiện tình trạng này bằng cách tăng công suất và mở rộng hệ thống đường tàu điện ngầm. Ngoài ra, Nhật Bản còn cung cấp dịch vụ ô tô Xanh dành cho tầng lớp khá giả nhằm tăng số lượng người lưu thông mà không thêm chi phí phụ.

Hệ thống đường cao tốc Nhật Bản được điều hành bằng quy định thu phí đắt đỏ nhằm giảm thiểu lượng phương tiện lưu thông. Hệ thống máy thu phí điện tử được lắp đặt rộng rãi và sẽ giảm phí thu vào những giờ thấp điểm. Biện pháp thu phí đường bộ cũng được tính đến song chưa áp dụng do phí đường cao tốc đã khá cao.

Hà Lan cũng giảm tắc đường bằng cách giảm đến 40% giá vé tàu vào giờ thấp điểm. Vé tàu bắt đầu giảm từ lúc 9h sáng hôm nay đến 4h sáng hôm sau vào những ngày cuối tuần và trong tháng 7, tháng 8.

Thủ đô London của nước Anh lại áp dụng một loại thẻ gọi là "Thẻ Lưu thông ngày cao điểm", cho phép các phương tiện lưu thông tất cả các giờ trong ngày đó. "Thẻ Lưu thông ngày thấp điểm" thì có giá rẻ hơn 20-50% nhưng chỉ cho phép đi lại sau 9h30 sáng và cuối tuần. Đây là một nỗ lực nhằm khuyến khích người dân sử dụng tàu điện ngầm London, xe buýt và xe điện ngoài giờ cao điểm hàng ngày. Chương trình thu phí giao thông nhằm giảm lượng xe cũng được áp dụng từ 7h đến 18h.

Ga tàu điện ở thành phố Manchester cũng thực hiện chương trình giảm giá khi mua vé sau 9h30 sáng. Đối với những khách hàng là thanh niên, có một loại thẻ riêng giúp giảm giá vé một phần ba so với giá gốc sau 10h hoặc cuối tuần. Chương trình này không áp dụng vào tháng 7 và tháng 8 vì đây là hai tháng nghỉ hè.

Đường cao tốc đến thành phố Philadenphia, Mỹ, vào giờ cao điểm buổi sáng. Ảnh: wikipedia

Ở nước Mỹ, các bang và các thành phố sử dụng các biện pháp quản lý giao thông khác nhau trong giờ cao điểm.

Ở một số bang, đường cao tốc được thiết kế với các làn đường chỉ dành riêng cho một số loại xe nhất định trong giờ cao điểm. Vào các thời điểm khác trong ngày, tất cả các loại xe đều có thể lưu thông. Một số bang như Arizona, California, Georgia, New York hay Washington, chính quyền sử dụng các đoạn đường nối để điều tiết lượng xe vào đường cao tốc trong giờ cao điểm. Ở Colorado, việc thu phí đường bộ khá cao được áp dụng ở một số đường cao tốc đô thị nhằm hạn chế số lượng xe đi lại.

Tại một số thành phố của Mỹ, giờ cao điểm được tính từ 4h đến 9h sáng. Người dân New York bắt đầu đi làm từ 5h hoặc 6h sáng vì đường sá sẽ trở nên đông đúc từ sau đó cho đến 9h30 sáng. Khách đi tàu điện ngầm cũng phải đi sớm để giành được chỗ ngồi tốt. Tại Los Angeles và California, giờ cao điểm lại là nửa đêm vì đây là lúc các công nhân đi làm ca đêm. Thủ đô Washington là một trong những nơi có giao thông tệ nhất nước Mỹ, trong khi Los Angeles lại là thành phố có thời gian tắc đường lâu nhất.

Anh Ngọc (theo Wikipedia)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten