Hà Tường Cát/Người Việt (chuyển ngữ)
LTS: Hồi đầu Tháng Mười Một, Giáo Sư Carlyle Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, một chuyên gia về Việt Nam, đã có mặt tại Hà Nội tham dự Hội Thảo Quốc Tế Về Biển Ðông kỳ 3. Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn của ông, do Thayer Consultancy gởi đến nhật báo Người Việt, liên quan đến chính sách của Việt Nam liên quan đến biển Ðông.
Câu hỏi 1: Ông có thể nói là vấn đề biển Ðông đã được quốc tế hóa một cách rộng rãi tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh Ðông Á không? Tác động sẽ như thế nào?
Giáo Sư Ðặng Ðình Quý (phải), giám đốc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, nói chuyện với Giáo Sư Carlyle A. Thayer trước buổi khai mạc Hội Thảo Quốc Tế về Biển Ðông kỳ 3 tại Hà Nội ngày 4 Tháng Mười Một. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images) |
Trả lời: Khi chủ tịch ASEAN, Tổng Thống Susilo Bambang Yudhoyono, bế mạc Hội Nghị Thượng Ðỉnh Ðông Á (EAS), ông đã tóm lược tiến trình và ghi nhận là an ninh hàng hải là một đề tài phù hợp đúng lúc với chương trình nghị sự. Trong số 18 thành viên tham dự hội nghị, 16 quốc gia nêu lên vấn đề như vậy. Trung Quốc là một trong số 16 nước ấy nhưng lập luận rằng EAS không phải là nơi để thảo luận việc này.
EAS tuy nhiên không đề ra hành động gì nhưng rõ ràng là Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh quan điểm khăng khăng của họ cho rằng chỉ cần thảo luận song phương, trong khi sự đồng thuận toàn khu vực là vấn đề an ninh hàng hải trên biển Ðông nhiều tranh chấp này có một tầm liên quan rộng rãi.
Vấn đề biển Ðông sẽ được đặt ra trong ba cuộc họp riêng biệt sắp tới.
Thứ nhất các nước hội viên ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận những ưu tiên trong chỉ hướng đã đồng ý hồi Tháng Bảy để thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Ðông” (DOC, ký kết năm 2002). Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp của một nhóm công tác trong năm tới.
Thứ hai, cuộc họp các giới chức cao cấp (SOM) của Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã đồng ý về những điều liên quan đến nhóm Chuyên viên Công tác Hỗn hợp An ninh Hàng hải do Australia và Malaysia đồng chủ trì. Vấn đề là hội nghị ADMM+ kỳ tới được ấn định vào năm 2013. Hồi Tháng Mười cuộc họp các giới chức cao cấp của ADMM+ đồng ý sẽ gặp nhau hai năm một lần nhưng sẽ chỉ bắt đầu sau hội nghị năm 2013. Còn công việc của nhóm chuyên viên công tác hàng hải có thể phúc trình trong thời gian chuyển tiếp cho các giới chức cao cấp của ADMM+.
Thứ ba, những vấn đề an ninh hàng hải có thể đặt ra ở Diễn đàn Khu vực ASEAN hàng năm và cuộc gặp gỡ của nhóm an ninh hàng hải giữa hai kỳ họp. Nhưng tất cả những nhóm này đều không có quyền lực hành động.
Câu hỏi 2: Trung Quốc có vẻ ở trong thế thụ động, với những lời tuyên bố cho qua chuyện của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo. Ông giải thích động thái này như thế nào? Ðó chỉ là một sự lùi bước chiến thuật hay là thật sự Trung Quốc đang xem xét lại chiến lược của họ vì hầu như tất cả mọi nước đều chống Bắc Kinh?
Trả lời: Bắc Kinh đã nhìn thấy nỗ lực hơn 14 năm cổ vũ “quan niệm an ninh mới” Trung Quốc và tình hình an ninh đa phương đã bị thoái bộ nặng nề vì những phản ứng trong khu vực đối với sự khẳng định chủ quyền trên biển Ðông của họ trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011. Dường như hầu hết những biến cố trên biển Ðông đều do những cơ quan dân sự cạnh tranh nhau, có trách nhiệm ở nhiều cấp độ trong chính quyền trung ương hay địa phương và các công ty dầu khí Trung Quốc. Khi Trung Quốc nhận thức được hậu quả tác hại họ đã nhanh chóng làm nhẹ tình thế bằng cách ký với các thành viên ASEAN bản chỉ hướng thực hiện DOC. Trung Quốc cũng đã tiếp tại Bắc Kinh Tổng Thống Aquino của Philippines và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Trung Quốc tìm cách đáp ứng một cách mềm mỏng vì những hành động của họ đã đẩy các nước khu vực tìm đến sự bảo đảm của Hoa Kỳ và đưa các cường quốc trong vùng - Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Ðộ - bày tỏ phản ứng cứng rắn hơn.
Có một mối quan ngại là khi đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng Sản Trung Quốc gần tới, đồng thời có sự chuyển quyền ở cấp lãnh đạo, chủ nghĩa siêu dân tộc Trung Hoa có thể vượt thận trọng ngoại giao và một lần nữa gây những căng thẳng trên biển Ðông. Trung Quốc chưa từ bỏ các lập luận “quyền lịch sử” và “chủ quyền không thể chối bỏ” của họ trên 80% vùng lãnh hải trên biển Ðông. Khi chủ nghĩa siêu quốc gia kết hợp với sự phát triển sức mạnh quân sự và những vấn đề dễ xúc cảm về sự toàn vẹn lãnh thổ thì sẽ tạo ra tình trạng bất ổn cho an ninh khu vực.
Câu hỏi 3: Ông giải thích thế nào về thành công của Hoa Kỳ và Tổng Thống Barack Obama lần này? Thành quả ấy có thể tồn tại lâu dài không?
Trả lời: Tổng Thống Obama đã tạo lập được một số thành công. Chính quyền ông đã ký Hiệp Ðịnh Hữu Nghị và Hợp Tác với ASEAN và bổ nhiệm một đại diện thường trực ở văn phòng bí thư ASEAN. Ngoại Trưởng Hillary Clinton đáp ứng lo ngại của những nước ASEAN trên đất liền bằng cách đề ra sáng kiến về hạ lưu vực sông Cửu Long. Bà Clinton thường xuyên đến thăm vùng này và đã tham dự tất cả các hội diễn đàn khu vực Á Châu (ARF). Hoa Kỳ tìm cách được nhận làm thành viên EAS (Hội Nghị Cấp Cao Ðông Á, gồm 16 thành viên) và Tổng Thống Obama đã tham dự ba hội nghị giữa các nhà lãnh đạo với ASEAN.
Hoa Kỳ có vẻ đã giải quyết được bài toán hóc búa Myanmar bằng cách đưa Ngoại Trưởng Clinton đến đánh giá những điểm tích cực trong cải cách chính trị gần đây ở nước này. Ðiều ấy có nghĩa là Hoa Kỳ không còn lạc lõng với những thành viên ASEAN đã công nhận chính quyền Myanmar là hợp pháp. Tình trạng Myanmar đã đi trật hướng khi Tổng Thống Bush dự tính tổ chức cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ nhì tại trang trại của ông ở Crawford, Texas. Khi Hoa Kỳ cho biết không muốn sự hiện diện của Myanmar, ASEAN từ chối tham dự.
Tổng Thống Obama đã đưa ra bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ tái lập sự can dự vào khu vực. Ngân sách quốc phòng cho khu vực Á Châu-Thái Bình Dương sẽ được tách rời khỏi những cắt giảm quốc phòng. Hoa Kỳ cũng tiến hành những bước khác như đặt căn cứ chiến hạm tác chiến duyên hải ở Singapore và khởi sự đưa thủy quân lục chiến đến căn cứ huấn luyện gần Darwin, Bắc Australia.
Quan trọng nhất là Tổng Thống Obama đã xác nhận vai trò trung tâm của ASEAN và nhấn mạnh là Hoa Kỳ muốn can dự cùng với Trung Quốc. Về biển Ðông, ông không quá nhấn mạnh đến bàn tay can thiệp của Mỹ và nói rằng Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong việc tranh chấp lãnh thổ. Nhưng ông tán thành việc không sử dụng vũ lực và đồng thời đe dọa dùng vũ lực. Hoa Kỳ tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), kể cả tự do an toàn hàng hải và hàng không. Tất cả mọi quốc gia phải tùy thuộc vào những điều kiện tiên quyết này cho sự lưu thông ổn định và chuyển vận an toàn hàng hóa xuất nhập cảng.
Câu hỏi 4: Việt Nam có thể rút ra được điều gì từ kết quả này?
Trả lời: Việt Nam đã học được rằng chiến lược ba mũi của họ (1) tranh đấu và hợp tác với các cường quốc (2) thủ vai trò xoay quanh giữa Bắc Kinh và Washington (3) chính sách đối ngoại đa phương, có hiệu quả trong sự vận dụng những trợ lực bên ngoài cho việc đối phó với Trung Quốc. Việt Nam cũng đã hiểu được rằng sẽ được lợi ích tốt nhất bằng cách để Philippines có một thái độ trong các vấn đề biển Ðông.
Trong việc tranh đấu và hợp tác, Việt Nam biết cách đương đầu với Trung Quốc và đồng thời tìm sự hợp tác để tránh làm cho biển Ðông chế ngự quan hệ song hương. Ðương đầu với Trung Quốc bao gồm xây dựng một lực lượng hải quân và không quân khiêm tốn đủ cho chiến lược chống/ngăn chặn xâm nhập của mình. Trong vai trò xoay quanh, Việt Nam có thể vận dụng đến những lợi ích của Trung Quốc và Hoa Kỳ để thủ lợi. Không gì có đủ khả năng để ép Việt Nam đứng về một phía. Và đường lối đa phương giúp Việt Nam lôi kéo thêm được những cường quốc khác: Nhật Bản, Australia, Nam Hàn, Pháp và Anh.
Việt Nam cũng đã hiểu được sự chia rẽ của ASEAN. Cambodia và Myanmar rõ ràng là không bao giờ nói đến an ninh hàng hải hay những vấn đề về biển Ðông trong các diễn đàn đa quốc. Một số nước ASEAN khác muốn Việt Nam và Philippines đi vào chuồng cọp một mình đừng lôi kéo theo họ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Ðiều ấy có nghĩa là bất cứ một quy tắc ứng xử nào giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc sẽ đều không có hiệu quả. Thực tế, áp lực của Trung Quốc đã ngăn cản ASEAN đạt tới một lập trường chung. Ðây là một tình trạng đáng buồn khi ASEAN đang tiến tới sự xác nhận là một cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Câu hỏi 5: Việt Nam có thể làm gì để được lợi trong chiều hướng này?
Trả lời: Biển Ðông căn bản là một vấn đề giữa Trung Quốc và những nước tranh chấp chủ quyền ở Ðông Nam Á. Nhưng Việt Nam và Philippines đứng ra hàng đầu trong sự đối phó với Trung Quốc trong khi Malaysia và Brunei tìm cách tránh can dự trực tiếp. Việt Nam cần dành nhiều năng lực để duyệt xét đường lối của các thành viên ASEAN với Trung Quốc. Việt Nam nên thúc đẩy tiến tới một quy tắc ứng xử về lãnh vực hàng hải trong vùng Ðông Nam Á.
Cách tiếp cận ấy nhằm tạo ổn định cho tổ chức ASEAN bằng cách đưa ra nhiều vấn đề hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế kể cả UNCLOS. Thái Lan và Cambodia chưa giải quyết được những đòi hỏi về tài nguyên của họ trong vịnh Thái Lan. Thực tế Thái Lan đã rút khỏi một thỏa thuận sơ bộ trước đây khi đụng độ xảy ra ở biên giới đất liền. Indonesia chưa giải quyết được ranh giới biển với các nước láng giềng. Cả Philippines và Việt Nam đều lấn lên nhau trong đòi hỏi chủ quyền ở biển Ðông, một số những sự kiện này do hai bên phóng đại ranh giới chuẩn.
Tóm lại, an ninh trong lãnh vực lưu thông hàng hải ở Ðông Nam Á - không chỉ trên biển Ðông - nên coi như không có sự phân biệt. Tất cả các nước ASEAN có thể bàn bạc giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Một quy tắc úng xử cho lãnh vực hàng hải trong vùng Ðông Nam Á có thể bao gồm một nghị định thư để cho các cường quốc bên ngoài chấp nhận những điều khoản. Cách tiếp cận như thế sẽ giúp cho sự đoàn kết và cấu kết của ASEAN cùng khả năng đương đầu với Trung Quốc.
Câu hỏi 6: Với những lời tuyên bố của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về quần đảo Hoàng Sa. Ông có thể cho một phân tích? Ðó có phải là động tác táo bạo không? Tại sao vào lúc này? Nó có là sự thay đổi thái độ của Việt Nam về các vấn đề biển Ðông? Lời Nguyễn Tấn Dũng là những tuyên bố công khai hiếm thấy của một giới lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề này, đặc biệt là ông ta vừa từ hội nghị EAS trở về.
Trả lời: Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa được coi là lần đầu tiên một giới chức chính phủ đã công khai nhìn nhận là những đảo bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt năm 1974. Thủ Tướng Dũng trả lời một loạt những chất vấn về chủ quyền lãnh thổ của các đại biểu ở Quốc Hội. Những đại biểu phản ánh quan tâm rộng rãi của công chúng đối với sự xác định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Ðông và có cả ngụ ý về nghi vấn là chính phủ có hay không làm đủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ðiều quan trọng đáng kể là Thủ Tướng Dũng đã nêu lên rằng chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối hành động của Trung Quốc năm 1974 khi mà quần đảo Hoàng Sa lúc ấy thuộc Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam vẫn còn chia cắt thành hai miền Nam Bắc.
Thủ Tướng Dũng cũng đã thận trọng nhấn mạnh rằng Việt Nam muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình và kêu gọi Trung Quốc đàm phán, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối việc này. Thủ Tướng Dũng đi theo một con đường hợp lý. Ông ta không nói điều gì chưa từng đặt ra trong những cuộc thảo luận riêng của những nhà thương thuyết Việt Nam trước đây, nhưng khi nói chuyện công khai trước khán giả truyền hình trực tiếp toàn quốc ông gây ra rủi ro khiêu khích Trung Quốc có phản ứng.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140867&z=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten