maandag 28 november 2011

Tạm biệt phà Thủ Thiêm sau hơn 100 năm đưa khách

November 27, 2011
Văn Lang/Người Việt
“Ngày đi trăm hoa hẹn hò
Ngày về vắng bóng con đò Thủ Thiêm”
Câu ca dao xưa tưởng chừng như đã “ứng” với phà Thủ Thiêm khi mới đây, ngày 21 tháng 11, đường hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn khai trương sau 6 năm thi công với sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 672 triệu đô la, trong đó 65% là nguồn vốn ODA - Nhật Bản.



Phà Thủ Thiêm nay vắng khách qua sông và đến ngày 31 tháng 12, 2011 sẽ chính thức ngừng hoạt động. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Thời điểm cáo chung của bến phà Thủ Thiêm đã ‘điểm’.
Theo chân những người hiếu kỳ, chúng tôi xuống hầm vượt từ phía cầu Calmette. Ðang xớ rớ ngay phía đầu vào hầm vượt, chưa kịp hưởng cái cảm giác “lâng lâng” của một kẻ sắp được đi xuống “đáy” sông, bất chợt chúng tôi giật mình nghe tiếng nạt nộ của nhân viên coi đường hầm với một bác lớn tuổi phía trước: “Tắt đèn xi-nhan ngay, giam xe luôn bây giờ!”
Bị nạt nộ, bác lớn tuổi vội dừng xe, đẩy ngược trở ra, miệng lúng búng thanh minh: “Lộn đường!”
“Lộn đường!”...
Ði vào hầm vượt sông Sài Gòn thông thoáng, hiện đại nhưng lòng chúng tôi không vui. Chuyên gia Nhật Bản có thể dạy người Việt kỹ thuật xây hầm ngầm vượt sông nhưng họ không thể dạy đám “đầy tớ nhân dân” cách cư xử cho phải phép.
Luật nào cho phép nhân viên coi đường hầm quyền nạt nộ, đòi giam xe người khác? Trong khi hầm ngầm vượt sông mới qua hai ngày sử dụng, những quy định “cấm” còn chưa thực sự được phổ biến tới người dân, có chăng chỉ là một ít tờ rơi được phát cho những người dân qua hầm vượt trong ngày đầu.


Ðường vào hầm Thủ Thiêm bên phía đường Calmette, quận 4. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Thông xe hầm vượt Thủ Thiêm đã hoàn thành con đường mang tên Ðại lộ Ðông-Tây dài 22 km, điểm khởi đầu từ phía Bình Chánh giao với quốc lộ 1A và nút cuối ở quận 2 - đoạn giao với xa lộ Hà Nội.
Ðây là con đường vành đai kết nối các tỉnh miền Tây Nam bộ với các tỉnh miền Ðông mà không phải đi xuyên qua tâm thành phố, rút ngắn thời gian và tránh bị kẹt xe trong nội ô Sài Gòn.
Ðại lộ Ðông-Tây kết nối khu “tam giác vàng-kinh tế” Sài Gòn-Biên Hòa (Ðồng Nai)-Bà Rịa, Vũng Tàu, thuận lợi cho giao thông đường bộ ra Bắc ra Trung và ngược lại.
Ðồng thời cùng với đại lộ mới, hầm vượt Thủ Thiêm không chỉ kết nối Thủ Thiêm với quận 1, với chỉ 3 phút xe Honda qua hầm vượt mà còn mở ra khu đô thị mới Thủ Thiêm - quận 2 trở thành quận trung tâm mới với quy hoạch thành khu trung tâm thương mại, tài chánh, văn phòng với khu quảng trường trung tâm rộng 13 héc-ta, với những tòa cao ốc cao từ 10 tới 40 tầng, khu công viên dọc theo bờ sông...
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng như Phố Ðông của Thượng Hải.
Thủ Thiêm cách trung tâm quận 1, Sài Gòn chỉ có... một chuyến đò ngang thôi, vậy mà cho tới năm 1997 Thủ Thiêm vẫn được coi là “vùng sâu, vùng xa” của Sài Gòn.
Những ngày thông hầm vượt Thủ Thiêm này, bên cạnh niềm vui, niềm hiếu kỳ của những người dân bên phía Sài Gòn và nơi khác tới, chúng tôi qua sông, đi dọc theo bến đò cũ thấy cảnh sắc buồn buồn, trầm trầm.


Trung tâm Sài Gòn nhìn từ phía bờ sông Sài Gòn quận 2. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Có lẽ có cảm giác vậy là vì dọc theo con đường Lương Ðịnh Của (trước kia mang tên Nguyễn Tường Tam) chẳng những vắng bóng người mà hai bên đường nhà cửa hầu như tháo dỡ hết, cỏ hoang mọc đầy và lau sậy hắt hiu... Ba phường tại đây là Thủ Thiêm, phường An Lợi Ðông và phường An Khánh đều đã được giải tỏa trắng.
Xuống phía bến phà, thấy vắng quá chúng tôi nghi ngại không biết bến phà những ngày này có còn hoạt động? Thời may, thấy một nhân viên bến phà còn đứng đó, hỏi thăm mới biết phà vẫn còn chạy, nhưng rồi người nhân viên lớn tuổi này cũng buông tiếng thở dài, cho biết thêm: “Có lẽ cũng sắp phải ngưng chạy rồi, có hầm rồi mấy ai muốn đi phà nữa đâu?!”
Ðầu bến phà phía Thủ Thiêm có một cái chợ “chồm hổm” nhỏ, sáng hôm ấy lèo tèo những người bán rau, bán cá... Mới 10 giờ sáng mà đã như chợ chiều vì vắng khách qua sông. Gương mặt ai cũng buồn, từ nhân viên bến phà cho tới những người bán rau, chẳng bù cho phía hầm vượt cách đó mấy đoạn đường đang ồn ào xe cộ, huyên náo tiếng người. Lòng tự nhiên thấy nao nao, chúng tôi không đành lòng đưa máy lên bấm lại những hình ảnh cuối của một buổi “chợ tàn”.
Qua sông, chuyến phà nhỏ chỉ lèo tèo ít người và xe Honda, tuyệt nhiên vắng bóng những chiếc xe hơi. Mặt những người đi phà cũng buồn buồn sao đó, có lẽ họ là những cư dân cố cựu nơi đây, những người không muốn qua hầm vượt cho nhanh mà lại muốn đi phà như muốn níu kéo lại chút thời gian cho những lần cuối, lần cuối...
Những ngày này người bên bến Thủ Thiêm hay nhắc tới một người đàn bà lớn tuổi, nguyên là chủ một tiệm điện trong khu vực di dời, không còn mấy ai tới mua bóng đèn nữa. Ngày ngày, người đàn bà này xách máy đi chụp hình, cố gắng ghi lại những hình ảnh của Thủ Thiêm vì biết rằng mai này những hình ảnh của Thủ Thiêm một thời sẽ không còn nữa, vĩnh viễn ra đi cùng ký ức của người lớn tuổi.
Những người già, như người đàn ông chạy xe Honda ôm cuối cùng cũng phải dời bến ra đi vì không còn mấy ai đi bộ qua phà cho cuốc xe cuối ngày...
Giải tỏa, cải cách kinh tế-môi trường, nếu như không đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những cư dân đã bao đời khẩn hoang, giữ đất thì tất cả mọi “lý lẽ” sẽ đều trở nên vô nghĩa.
Theo thông báo của ngành chức năng thì vào đêm “trừ tịch” Dương lịch 31 tháng 12 năm 2011 sẽ chấm dứt hoạt động của bến phà Thủ Thiêm. Như vậy kể từ ngày đầu năm 2012 sẽ không ai còn nhìn thấy những con phà đưa khách sang sông tại bến Thủ Thiêm nữa.
Thời gian qua mau, “mới đó thôi”, năm 1911 bến đò Thủ Thiêm chính thức có tên trên bản đồ Sài Gòn do người Pháp ấn hành, dù trước đó bến đò đã có từ lâu. Tới năm 1930 đò máy xuất hiện lần đầu, đầu thập niên 60 những chiếc phà lớn hơn do hãng tàu Caric bên đây sông Sài Gòn đóng bắt đầu đưa khách qua sông... Hơn một trăm năm bến đò Thủ Thiêm chỉ nghỉ có... vài ngày. Rồi đây không biết mấy ai còn nhớ tới những câu ca dao xưa đầy kiêu hãnh:
“Bắp non nướng với lửa lò
Ðố ai ve được con đò Thủ Thiêm?!”

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140774&z=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten