Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của thuyền nhân vượt biển
- Bùi Văn Phú
- Gửi cho BBC từ Berkeley, California
Khi còn ở Bạch Ốc, Tổng thống Jimmy Carter đã có các quyết định quan trọng mở ra sinh lộ cho các thuyền nhân vượt biển thời hậu Chiến tranh Việt Nam.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter vừa qua đời hôm 29/12/2024, hưởng thọ 100 tuổi.
Hai năm qua ông trong tình trạng sức khỏe yếu và được gia đình chăm sóc. Phu nhân của ông là bà Rosalynn Carter đã mất ngày 19/11/2023.
Jimmy Carter là tổng thống thứ 39, lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1977 đến 1981.
Đó cũng là giai đoạn khởi đầu cao trào vượt biển của người Việt rời bỏ quê hương ra đi vì không thể sống dưới sự áp bức của chế độ cộng sản Hà Nội.
Trước làn sóng vượt biển, những năm đó tôi và các bạn sinh viên tại Đại học U.C. Berkeley đã cùng với sinh viên hai miền nam bắc California và nhiều hội đoàn của cộng đồng người Việt quốc gia tổ chức những cuộc biểu tình, những buổi thảo luận nói lên thảm trạng thuyền nhân, những buổi văn nghệ gây quỹ giúp người vượt biển, những vận động chính giới Hoa Kỳ cứu giúp người tị nạn trên Biển Đông.
Năm 1979 có cuộc biểu tình lớn trước Bạch Ốc với sự có mặt của ca sĩ Joan Baez để ủng hộ thuyền nhân khiến Tổng thống Carter đã ra lệnh cho Đệ Thất Hạm đội của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương vớt người vượt biển. Nếu không có quyết định này của lãnh đạo Hoa Kỳ, nhiều người trong chúng ta có thể đã vùi thây trong lòng biển cả. Trước đó không lâu, chính quyền Carter đã có chính sách nhận cho vào Mỹ định cư mỗi tháng 14.000 người tị nạn Đông Nam Á, một chính sách tị nạn chưa bao giờ có trước đó.
Sau đợt định cư 130.000 người tị nạn Việt đầu tiên đến Mỹ vào năm 1975, với làn sóng vượt biển và chính sách định cư thuyền nhân được Tổng thống Carter ban hành, từ 1977 đến 1981 đã có hơn 300.000 người tị nạn Đông Nam Á, đại đa số là thuyền nhân Việt, được Hoa Kỳ cho nhập cư, là con số người tị nạn được Mỹ nhận nhiều nhất trong một nhiệm kỳ của tổng thống.
Sau đó lãnh đạo Mỹ tiếp tục có chính sách đón nhận cho định cư thuyền nhân vượt biển, con lai, cựu tù cải tạo cũng như thân nhân được đoàn tụ gia đình qua chương trình ODP, vì thế Tổng thống Jimmy Carter được tôn vinh là một đại ân nhân của thuyền nhân tị nạn người Việt.
Cũng liên quan đến Việt Nam, ngay sau khi vừa nhậm chức ngày 20/1 thì ngày 21/1/1977 Tổng thống Carter ký pháp lệnh ân xá cho hơn 100.000 thanh niên đã trốn nghĩa vụ quân sự trong thời Chiến tranh Việt Nam, đa số chạy qua sống bên quốc gia láng giềng Canada. Đây là quyết định gây nhiều tranh cãi và bất bình cho những chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại Việt Nam.
Về ngoại giao, chính sách của Tổng thống Carter đặt nhân quyền làm trọng tâm và đã giúp cho nhiều chục ngàn người gốc Do Thái được rời Liên Xô.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của chính quyền Carter được cho là quá yếu mềm và đã gặp thử thách ở nhiều nơi trên thế giới.
Đầu năm 1979, đế chế của vua Shah bị lật đổ, nhà vua phải rời Iran qua Ai Cập và Lực lượng Cách mạng Hồi giáo lên nắm quyền cai trị. Cuối năm đó, sứ quán Mỹ ở Tehran bị thành phần Hồi giáo cực đoan tấn công và hơn 50 nhân viên, trong đó có tổng lãnh sự, bị bắt làm con tin. Sự kiện gây khủng hoảng chính trị cho Tổng thống Carter trong nhiều tháng. Một vụ giải cứu con tin được thực hiện nhưng thất bại vì trực thăng gặp trục trặc khi đáp xuống vùng sa mạc trong lãnh thổ Iran.
Sau 444 ngày bị giam giữ, 52 con tin Mỹ được thả chỉ ít phút trước khi Tổng thống Carter chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 20/1/1981 để chuyển giao quyền hành cho tổng thống kế nhiệm là Ronald Reagan.
Cũng dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, cuối năm 1979, Hồng quân Liên Xô đã qua chiếm đóng Afghanistan. Sự kiện này khiến Hoa Kỳ kêu gọi thế giới tẩy chay Olympic được tổ chức tại Moscow vào hè 1980 và là một quyết định gây nhiều tranh cãi cho đoàn thể thao Mỹ và cũng không được cả thế giới hưởng ứng vì chỉ có 64 quốc gia theo Hoa Kỳ không tham dự, còn lại 80 quốc gia khác vẫn đưa đoàn tới Moscow thi đấu.
Một điểm son trong chính sách ngoại giao mà Tổng thống Carter đạt được là cuối năm 1978 ông đã mời Thủ tướng Menachem Begin của Do Thái và Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập đến Camp David để thảo luận và sau đó vào tháng 3/1979 hai bên đã ký một hiệp ước hòa bình chấm dứt thù nghịch giữa hai quốc gia.
Về đối nội, cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế. Khi đó dân Mỹ phải xếp hàng đổ xăng và có một thời gian người dân chỉ được đổ xăng theo ngày chẵn, lẻ tùy theo bảng số xe.
Lạm phát, mức thất nghiệp lên cao, lãi vay ngân hàng để mua nhà lên gần 20%. Kinh tế trì trệ vì thế Tổng thống Jimmy Carter không được dân tín nhiệm khi ông tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong kỳ bầu cử tháng 11/1980.
Tổng thống Jimmy Carter sinh ngày 1/10/1924 tại Plains, vùng nông thôn đậu phộng của bang Georgia. Ông tốt nghiệp sĩ quan từ Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, Maryland năm 1946 và phục vụ trong quân ngũ 7 năm. Tham gia chính trường tiểu bang, ông được bầu làm thống đốc Georgia.
Năm 1976, ông được Đảng Dân chủ tiến cử ra tranh đua với ứng viên của Đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford. Thống đốc Carter đã thắng với 297 phiếu cử tri đoàn.
Sau bốn năm làm chủ Bạch Ốc, rời thủ đô Washington, cựu Tổng thống Jimmy Carter trở về Georgia, tiếp tục rao giảng Phúc âm và hoạt động xã hội giúp xây nhà cho người nghèo qua tổ chức Habitat for Humanity do ông khởi xướng.
Về mặt quốc tế, ông thường được mời để tổ chức giám sát các cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia đang trong tiến trình phát triển dân chủ.
Ông cũng tham gia qua vai trò trung gian trong các thương thảo hòa bình giữa các quốc gia có xung đột. Những đóng góp đó của ông được ghi nhận với giải Nobel Hòa bình 2002.
Tác giả Bùi Văn Phú là nhà báo tự do, giảng viên đại học cộng đồng tại vùng Vịnh San Francisco. Ông từng hoạt động giúp thuyền nhân và đã làm việc trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á nhiều năm.
Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của người thuyền nhân vượt biển - BBC News Tiếng Việt