woensdag 15 mei 2024

Dân Việt Nam tranh nhau đi xuất cảng lao động Nam Hàn nhiều ‘chưa từng thấy’

 Dân Việt Nam tranh nhau đi xuất cảng lao động Nam Hàn nhiều ‘chưa từng thấy’


HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hạn ngạch xuất cảng lao động phía Nam Hàn cấp cho Việt Nam năm 2024 là hơn 15,400 lao động, song số ghi danh dự tuyển đợt một “đông kỷ lục trong 20 năm,” với gần 45,000 người, theo báo VNExpress hôm 15 Tháng Năm.

Bà Phạm Ngọc Lan, phó giám đốc Trung Tâm Lao Động Ngoài Nước thuộc Bộ Lao Động- Thương Binh và Xã Hội, cho biết con số nêu trên là số lượng thí sinh dự thi chương trình EPS (thi tiếng Hàn) để tranh xuất đi xuất cảng lao động sang Nam Hàn, tính đến hôm 14 Tháng Năm, được tổ chức tại Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Sài Gòn bắt đầu từ đầu Tháng Ba đến hết Tháng Sáu.

Người lao động dự thi tiếng Hàn tại Hà Nội, hồi Tháng Năm, 2024. (Hình: Hồng Chiêu/VNExpress)

Chương trình EPS có đặc thù chủ doanh nghiệp Nam Hàn chọn lao động trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. Thí sinh vượt qua hai vòng thi tiếng Hàn và tay nghề sẽ nộp hồ sơ dự tuyển với giới chủ, song không chắc chắn được chọn đi.

Nhà chức trách khuyến cáo thí sinh nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc bình thường, không ở nhà chờ đợi trong căng thẳng.

Chương trình cấp phép cho lao động đi làm việc tại Nam Hàn khởi động từ năm 2004, đến nay Việt Nam đưa khoảng 127,000 người đi làm việc tại nước này.

Tuy nhiên tính đến Tháng Mười, 2023, có hơn 10,000 người bỏ trốn cư trú trái phép để sinh sống tại Nam Hàn.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ hôm 10 Tháng Ba, 2023, dẫn nguồn Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội, cho biết tám thành phố, thị xã và huyện ở bốn tỉnh miền Bắc Việt Nam là huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thành phố Chí Linh (Hải Dương), huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bị phía Nam Hàn tuyên bố “tạm dừng tuyển lao động.”

Sở dĩ bốn tỉnh nêu trên bị tạm dừng tuyển người đi Nam Hàn là do có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng mà không về Việt Nam đúng hạn từ 27% trở lên.

Đáng lưu ý, báo Tuổi Trẻ cho biết thêm, trong các năm 2016-2017, có đến 20 tỉnh và 40-50 huyện tại Việt Nam bị tạm dừng đưa người đi xuất cảng lao động. Đến đầu năm 2023, con số này được ghi nhận giảm xuống còn bốn tỉnh và tám thành phố, huyện nêu trên.

Một nhóm thanh niên lên đường đi xuất cảng lao động tại Nam Hàn. (Hình: VNEconomy)

Ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ở Ngoại Quốc, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời chỉ trích những người lao động cư trú bất hợp pháp ở lại Nam Hàn “đa phần vì lợi ích cá nhân.”

Hành động trốn ở lại của những người này bị cho là “tước đi cơ hội của các thanh niên khác muốn đi làm việc tại Nam Hàn.” (Tr.N)

Dân Việt Nam tranh nhau đi xuất cảng lao động Nam Hàn nhiều ‘chưa từng thấy’ (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten