Châu Âu gióng hồi chuông báo tử các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ?
Đăng ngày:
Kiểm duyệt, gây áp lực, thực hiện các hoạt động gián điệp ... Trong những năm qua, châu Âu đã phải hứng chịu nhiều sự cố nghiêm trọng do các Viện Khổng Tử của Trung Quốc gây ra.
Về mặt chính thức, đó là các trung tâm dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, tương tự như Alliance Française của Pháp hoặc Viện Goethe của Đức. Thế nhưng, chính phủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và các nghị sĩ châu Âu đã ý thức được sứ mệnh thực sự của các Viện Khổng Tử là thực hiện « quyền lực mềm » của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Một số nước châu Âu đã quyết định đóng cửa hoàn toàn các Viện Khổng Tử. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Antoine-Pierre Donnet, đặt câu hỏi liệu xu hướng này có diễn ra ở khắp châu Âu hay không. RFI giới thiệu, dưới dạng hỏi đáp, bài viết của nhà báo Donnet « Trung Quốc : Hướng tới hồi kết của các Viện Khổng Tử ở châu Âu ? » đăng trên trang mạng châu Á The Asialyst ngày 29/07/2021.
Tại sao có thể nói đến hồi kết của các Viện Không Tử ở châu Âu ? Mọi chuyện bắt đầu từ khi nào ?
Gần đây nhất, bộ trưởng Giáo Dục Đức, Anja Karliczek, đã báo động các trường đại học trong nước để họ chấm dứt hợp tác với các Viện Khổng Tử. Hoạt động của những Viện này bị giới hạn, chỉ được tổ chức các khóa học tiếng Hoa và giảng dạy về văn hóa Trung Quốc. Bộ trưởng Anja Karliczek nói : « Tôi không muốn ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc trong các trường đại học và xã hội của chúng ta. Chúng ta đã dành quá nhiều chỗ cho các Viện Khổng Tử này nhưng lại không làm đủ để xây dựng chuyên môn về Trung Quốc tại Đức ». Đây chỉ là lời cảnh báo mới nhất trong một loạt lời cảnh báo như hồi chuông báo tử cho các Viện Khổng Tử ở châu Âu, một công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh, trong khi điều này đã được thực hiện ở Hoa Kỳ từ trước.
Vào tháng 04/2021, Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng trên lãnh thổ của họ. Na Uy cũng làm như vậy hồi tháng 03/2020. Xu hướng này bắt nguồn từ một vụ bê bối lớn ở Bỉ. Vào năm 2019, Song Xining, giám đốc Viện Khổng Tử trực thuộc đại học Vrije Brussels (VUB), đã bị trục xuất khỏi Bỉ vì bị nghi ngờ đã sử dụng mạng lưới của mình làm gián điệp : Tuyển dụng sinh viên và những người trong giới kinh doanh phục vụ cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Khi bị thẩm vấn, người này đã phủ nhận mọi chuyện. Viện Khổng Tử này bị buộc đóng cửa vào năm 2021. Vụ việc làm dấy lên câu hỏi ở châu Âu về việc liệu có phải các Viện Khổng Tử dường như tôn nghiêm và vô hại đó chỉ là cơ quan gián điệp của Bắc Kinh ? Và nếu vậy thì sao ?
Nhưng các Viện Khổng Tử « bám rễ » ở châu Âu từ khi nào ?
Các Viện Khổng Tử ở Bỉ được thành lập vào năm 2016 với sự hợp tác của bộ Giáo Dục Trung Quốc. Các cơ sở này được giới thiệu là nơi khám phá, học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đồng thời là cơ sở trao đổi và gặp gỡ giữa Trung Quốc và Bỉ, tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Hoa và đào tạo giáo viên ở Bỉ. Cơ quan an ninh Nhà nước trong nhiều năm đã lo ngại rằng đó là « một con ngựa gỗ thành Troie khổng lồ bên trong các trường đại học » của Bỉ.
Được đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập vào năm 2004 và trực thuộc các trường đại học, các Viện Khổng Tử, theo các nhà quảng bá, là có sứ mệnh quyền lực mềm trên thế giới, tương tự như sứ mệnh của Alliance Française hoặc British Council. Thế nhưng, mọi chuyện chỉ không dừng ở đó. Các bộ phận giảng dậy tiếng Hoa nằm trong Viện Khổng Tử tuy trực thuộc bộ Giáo Dục Trung Quốc, nhưng thực ra nằm dưới sự quản lý của Hanban. Và Hanban có tham vọng ý thức hệ là « mở rộng ảnh hưởng của Đảng » và « quyền lực mềm của Trung Quốc ».
Dựa vào tiếng Trung và thư pháp, y học cổ truyền hoặc thơ ca, những trụ cột trong hoạt động của các Viện Khổng Tử, là đường hướng của Mặt Trận Thống Nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chiến lược gây ảnh hưởng của họ bao gồm đủ mọi thứ, từ điện ảnh tuyên truyền đến các hoạt động làm sai lệch thông tin về dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch Hanban (tên đầy đủ Văn phòng Hội đồng Hán ngữ Quốc tế), là một quan chức cấp cao của chế độ cộng sản, ủy viên Bộ Chính Trị, đã được Tập Cận Bình giao thực hiện một thách thức : tiến hành một « cuộc cách mạng Khổng Tử » với mục tiêu đến năm 2020 thành lập được 1.000 Viện Khổng Tử. Hiện giờ, Trung Quốc đã có khoảng 500 Viện Khổng Tử tại 146 quốc gia.
Tình hình các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ở Tây phương hiện giờ ra sao?
Tại Hoa Kỳ, sau những năm Donald Trump tấn công Trung Quốc trực diện, hơn một nửa trong số 110 Viện Khổng Tử đã phải đóng cửa. Phong trào đã được đẩy mạnh nhờ quyết định của Thượng Viện Mỹ về việc cấm cấp kinh phí cho các trường đại học có đặt Viện Khổng Tử, với lý do an ninh quốc gia.
Còn tại Liên Hiệp Châu Âu, vẫn có khoảng 50 Viện Khổng Tử đang hoạt động. Hồi tháng 12/2020, nghị sĩ châu Âu Filip De Mast đã đệ trình lên Ủy Ban Châu Âu câu hỏi : « Ủy Ban có ý định yêu cầu 27 nước thành viên Liên Âu đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử hay không ? » Hồi đầu năm 2019, Công Đảng Anh đã khuyến nghị đình chỉ 29 thỏa thuận của các trường đại học trên toàn quốc trong khi chờ đợi một cuộc thẩm tra, đánh giá sâu rộng. Thụy Điển, nước châu Âu đầu tiên làm như vậy, đã đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử trên lãnh thổ của họ.
Nhưng ở Pháp thì ngược lại. Ít nhất 18 Viện Khổng Tử dường như vẫn đang hoạt động bình thường. Bắc Kinh đang gây ảnh hưởng sâu rộng ở các thành phố bậc trung. Cho dù mất một năm « đào tạo từ xa », các Viện Khổng Tử vẫn có rất nhiều dự án. Trước mùa hè năm 2021 đã có chiến dịch vận động cho « Cây cầu hướng đến tiếng Hoa », cuộc thi đã trao học bổng học tại Trung Quốc cho 50.000 người nước ngoài thuộc mọi quốc tịch.
Phải chăng Liên hiệp Châu Âu cuối cùng đã hiểu là Viện Khổng tử là công cụ tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc ?
Hiện nay, việc đóng cửa các Viện Khổng Tử là kết quả của thái độ bài Trung Quốc ngày càng tăng ở châu Âu, cả trong công luận cũng như trong các chính phủ. Quả thực, chính phủ các nước đã hiểu rằng các Viện Khổng Tử không mang tính giáo dục mà chỉ đơn giản là công cụ tuyên truyền của chế độ Trung Quốc. Chẳng phải vào năm 2009, chính Lý Trường Xuân (Li Changchun), khi đó là lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã giải thích Viện Khổng Tử là một công cụ rất quý để « tuyên truyền ra nước ngoài » ? Và kết quả là những người tham gia các khóa học tại các Viện Khổng Tử không bao giờ được tranh luận về các đề tài khiến Trung Quốc nổi giận, như Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay sự đàn áp ở Hồng Kông. Đơn giản là những chủ đề đó nằm trong vùng cấm.
Công luận châu Âu cũng đã ngán ngẩm những nhà ngoại giao « chiến binh sói », những người không ngần ngại xúc phạm những ai ở châu Âu dám chỉ trích đường hướng chính trị, tư tưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngày 08/07/2021, Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles đã kêu gọi các lãnh đạo Liên Hiệp và các Nhà nước thành viên từ chối lời mời của Bắc Kinh tới dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 nhằm phản đối việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương. Kiến nghị của các nghị sĩ châu Âu đã được thông qua với 578 phiếu thuận (29 phiếu chống và 73 người không bỏ phiếu), theo đó châu Âu sẽ không hiện diện tại Thế Vận Hội Bắc Kinh nếu chính phủ Trung Quốc không cho thấy có sự cải thiện rõ ràng về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, trong vùng Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và những nơi khác ở Trung Quốc.
Tại Liên Âu, nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất ?
Trong số các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Đức là quốc gia mất mát nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng vào Bắc Kinh lần này. Hồi năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm thứ 5 liên tiếp, trao đổi thương mại đạt 212,1 tỷ euro. Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn các công ty của bất kỳ nước châu Âu nào. Nhưng giờ đây, sự tỉnh thức này quá đột ngột và mạnh.
Để chuẩn bị cho tương lai, bộ trưởng Karliczek giải thích rằng bộ Giáo Dục Đức tính đến việc đầu tư 24 triệu euro để « củng cố, tăng cường một khả năng độc lập trước Trung Quốc » tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Đức. Bà nói : « Nước Đức cần nhiều hơn nữa những nhân tài am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử Trung Quốc ». Đó là bởi vì, dù muốn hay không, Trung Quốc và Đức vẫn sẽ là những đối tác kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, đường hướng chính sách đối ngoại của Đức có thể thay đổi chút ít sau khi bà Angela Merkel rời ghế thủ tướng vào tháng 9/2021 sau 16 năm cầm quyền. Thường được coi là « đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây », thủ tướng Merkel coi việc phát triển các quan hệ thương mại với Bắc Kinh là một ưu tiên, bất chấp sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Trung Quốc sẽ phải xoay xở khi không có bà Merkel …
Châu Âu gióng hồi chuông báo tử các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten