Lê Đại Anh Kiệt
QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Tôi đi Cù Lao Ré tìm dấu vết của cha ông những ngày đi mở cõi. Lâu rồi, Cù Lao Ré đã thành huyện đảo Lý Sơn, mật độ dân đông gấp nhiều lần so với trung bình của tỉnh Quảng Ngãi. Lý Sơn đã đô thị hóa, có điện, có đường nhưng may sao, còn giữ được khí phách của người xưa, đội hùng binh canh giữ biển Hoàng Sa.
Đến cảng Sa Kỳ trời đã tối, cảng biển eo xèo vài quán nhỏ liêu xiêu.
Tôi ghé quán bên đường ăn dĩa chả ram để bắt đầu làm quen với hương vị, phong thái biển miền Trung. Những cuốn chả ram mỏng chiên vàng giòn rộp cuộn vài chú tép mòng, cuốn với rau, lát vả mỏng, chấm mắm nêm sao mà ngon kỳ lạ, đậm đà kỳ lạ. Cô bán hàng múc thêm mắm, cải chua cho tôi với vẻ hân hoan gặp người khách lạ biết thưởng thức món quê. Hóa ra đôi lúc miếng ngon không phải từ nguyên liệu cầu kỳ, đắt tiền mà cốt ở sự tinh tế chế biến, phối hợp với nhau.
Ở rẻo biển miền Trung, chừng như sự lòe loẹt, huê dạng của cuộc sống hiện đại chưa xâm thực được. Giọng nói, cách sống con người ở đây vẫn nồng đậm hương vị mặn mòi của biển.
Cứ như về lại quê nhà
Buổi sáng, rời Sa Kỳ đi Lý Sơn trên chuyến tàu sớm, tất bật, khẩn trương nhưng trật tự ngăn nắp. Đúng giờ, cổng mở lần lượt đón khách của từng tàu. Đến Lý Sơn, rời cảng biển để rồi rơi vào những con đường nhỏ. Khách sạn tôi đặt chỗ trên mạng hóa ra không gần như tôi nghĩ là có thể đi bộ đến.
Hỏi thăm đường, người dân tốt bụng đến mức không trả lời tôi mà gọi điện thoại cho tiếp tân khách sạn mang xe gắn máy đến đón tôi. Ấm cúng như đang về quê chứ không phải đi du lịch. Ngày rời đi cũng vậy, tiếp tân khách sạn cũng đưa tôi ra tận cầu cảng để xuống tàu.
Thế là một ngày thăm thú từ núi Bời Lời, hòn Mồ Côi, cổng Tò Vò.
Huyện đảo Lý Sơn nhỏ chỉ hơn 9 cây số vuông, chưa đi mà đã hết hòn đảo lớn. Điều tôi muốn tìm kiếm ở đây không chỉ là đỉnh Bời Lời gió lộng nhìn ngắm biển trời hay vách đá Mồ Côi dựng đứng và cổng Tò Vò độc đáo mà các nam nữ thanh niên hay ra làm điệu để chụp hình. Tôi cũng nhìn ngắm đồng tỏi Lý Sơn xanh mát đang tắm mình dưới những vòi nước phun sương. Những cây tỏi yếu ớt oằn lả thân trong gió biển người trồng phải nâng niu che chắn gió. Cả hương vị món gỏi tỏi ngọt nồng, giòn mềm mà không có loại rau nào so sánh được. Hải sản Lý Sơn thì không phải bàn, mực khổng lồ hơn 5 kg một con. Cá thu, cá ngừ đại dương tươi roi rói…
Lý Sơn đẹp, thân thiện, những đặc sản hiếm… không phải là thứ tôi tìm kiếm. Tôi như kẻ hoang tưởng muốn chắt lọc những hình ảnh, sự kiện của Lý Sơn hiện đại để tìm về không gian hào hùng của ngày xưa.
Đó là dấu vết tinh thần, khí phách của Thủy Đội Hoàng Sa thời mở cõi. Sách báo nói nhiều về lễ Khao Thề Thế Lính, về những ngôi mộ gió ở Lý Sơn nhưng những thông tin ấy chỉ mới là một phần sự thật. Có ai từng thống kê trải bao thế hệ, có bao nhiêu người con Lý Sơn đã nằm lại trong lòng biển?
Dù có gọi tên long trọng là Đội Hùng Binh Hoàng Sa hay là gì đi nữa, thực chất, trong biên chế thủy binh triều Nguyễn họ chỉ là đội dân binh, không được trang bị tàu thuyền lẫn binh khí, không có lương bổng, không được huấn luyện thao diễn hằng năm.
Họ đi công tác Hoàng Sa bằng các tàu thuyền thô sơ tự chế. Công việc chính là khai thác đồ vật của tàu thuyền bị đắm, đánh bắt các thủy sản quý. Theo “Hải Ngoại Ký Sự” của nhà sư Thích Đại Sán thì với phương tiện thô sơ của thời ấy, Hoàng Sa là vùng biển dữ, nhiều bãi đá ngầm sóng to gió lớn. Chính vì vậy nhiều tàu buôn nước ngoài bị đánh chìm ở đây. Thủy Binh Hoàng Sa luôn đối diện với những con tàu chết cho đến khi họ cũng thành như vậy.
Sân võ dưới chân tượng đài
Với những chiếc thuyền nhỏ mong manh, suốt sáu tháng trời giữa vùng biển dữ, mỗi chuyến đi là một lần đánh cược số mạng con người. Mà đâu phải chỉ một người. Cai Đội Phạm Hữu Nhật và 24 thuyền viên đều hy sinh khi tàu lâm nạn. Cai Đội Quang Ánh cũng vậy, tên của hai ông đặt cho hai đảo của Hoàng Sa nhưng đằng sau hai danh xưng ấy là một chuỗi những chiến binh vô danh đã cùng nằm dười lòng biển.
Với Thủy Binh Hoàng Sa ngày ấy, mỗi khi tai họa xảy ra thì hiếm có ai sống sót. Khao Thề Thế Lính không phải là nghi thức lãng mạn hay tâm linh đơn thuần mà là lời thề cảm tử của chuyến đi không ngày trở lại. Họ không chỉ cắm bia chủ quyền vật chất mà những chuyến hải hành, sự hiện diện của họ còn đi vào thư khố, bản đồ của những nhà hải hành quốc tế. Mỗi con chữ, mỗi nét vẽ được viết bằng máu và sinh mệnh của thủy binh.
Không thất vọng, tôi vẫn đi tìm. Quả không uổng công, mờ tối hôm ấy tôi tìm được Bảo Tàng Đội Hoàng Sa nằm ở trung tâm đảo lớn. Trên khoảng sân rộng dưới chân tượng đài, tôi bắt gặp một nhóm thiếu niên đang luyện võ. Khoảng hơn 10 em lứa tuổi cấp I, II được một thanh niên trạc đôi mươi huấn luyện. Dưới ánh sáng mờ mờ từ bóng đèn cao áp trên cao tỏa xuống, khoảng ánh sáng vừa đủ cho các đôi tình nhân tình tự hơn là cho người học võ, các em cong ngửa người tập các bài thể lực đi bằng cùi tay, nắm tay trên mặt sân đá gồ ghề lởm chởm. Động tác của các em thật mềm mại uyển chuyển thoăn thoắt đi đi lại lại như đang tập trên sân lót thảm nhung.
Phải có ý chí thép mới có thể tập thuần thục các bài tập này. Những cùi tay của các em đã chai sạn thành thiết công, thiết thủ. Có lẽ những chiến binh ngày xưa cũng được huấn luyện thế này.
Tôi đứng nép trong bóng đêm nhìn ngắm các em. Đây chính là cái tôi đang tìm kiếm. Tinh thần, nghị lực, khí phách của những hậu thân Thủy Binh Hoàng Sa là đây.
Đua thuyền Tứ Linh trên biển
Ngày hôm sau, tình cờ tôi được cơ hội tham dự lễ hội lớn nhất của Lý Sơn. Lễ hội đua thuyền Tứ Linh truyền thống có từ năm 1826, cùng thời các đội Thủy Binh Hoàng Sa.
Theo cổ lệ, hai xã An Hải và An Vĩnh đều có bốn đội thuyền theo từng thôn và lấy theo tên, hình dáng của bốn linh vật Rồng, Phụng, Lân, Quy. Cách gọi tên tứ linh của người Lý Sơn cũng thú vị, người dân gọi hẳn là rồng chứ không gọi long như các vùng miền khác, con lân thì có người còn gọi là ly. Chừng như người dân Lý Sơn muốn Việt hóa tối đa ngôn ngữ của mình.
Mười một giờ sáng cuộc đua mới chính thức bắt đầu nhưng mới hơn 9 giờ sáng, trên bờ kè đê biển của hai xã An Hải, An Vĩnh dài hơn 2 cây số đã đen kín người không còn chỗ chen chân. Chừng như toàn bộ người dân trên đảo và du khách đã dồn hết ra mặt biển.
Ở trước hai ngôi đình An Hải và An Vĩnh, các vị kỳ lão và đại diện các đội đua lập đàn cúng nghiêm cẩn thực hiện lễ tế khai mạc cuộc đua. Hương đăng trà quả, văn tế khấn vái rất cẩn thận.
Một điều hiếm thấy so với các nơi khác đang theo trào lưu “tân trang di tích” thì các đình, dinh miễu cổ ở đây vẫn giữ lại nguyên trạng ngôi đỉnh cổ, một vài đình có xây mới nhưng là xây riêng di tích đình cũ còn nguyên.
Các vị bô lão đúc kết kinh nghiệm về kết quả cuộc đua với người dân là: Nếu Thuyền Rồng về nhất, năm đó dường như có sự đổi mới toàn bộ; Thuyền Lân về nhất, xã có sự thay đổi về mặt xã hội; Thuyền Quy về nhất sẽ làm ăn thuận lợi cả biển và nông nghiệp; còn Thuyền Phụng về nhất thì cả nghề biển và nghề nông trong năm đó sẽ cực kỳ phát đạt.
Lễ tế hoàn thành, các đội đua chuẩn bị xuất phát. Trống chầu đều đều giữ nhịp 3 trong suốt thời gian thi đấu để giữ không khí trang nghiêm.
Sống lại khí phách hùng binh
Thuyền đua ở Lý Sơn có từ 18 đến 20 người, trong đó có người đập then (còn gọn là lái nhịp) và tổng lái (đội trưởng), mỗi thuyền đua đều có một đồng phục riêng tùy thích, nhưng bao giờ các vận động viên cũng chít khăn đỏ trên đầu.
Trường đua ở Lý Sơn dài từ 800 đến 1,000 mét, đua ngay trên mặt biển của đảo luôn gập ghềnh sóng gió. Mỗi lượt đua phải đi bốn vòng, phải bốn lần quay đầu qua cọc tiêu.
Luật chơi nghiệt ngã như vắt kiệt sức khỏe của vận động viên. Mỗi lượt đua dài hơn một tiếng đồng hồ ròng rã và chỉ nghỉ giải lao khoảng 30 phút đã bắt đầu vào vòng thi đấu thứ hai. Ở đây, cần sự khỏe mạnh, dẻo dai của các thành viên và vai trò người lái nhịp cùng với tổng lái. Người lái nhịp đứng ở giữa thuyền, giữ một trọng trách lớn, là phải dùng then (thanh tre) đánh nhịp rõ to để các thuyền viên bơi đúng theo nhịp. Nhiệm vụ của người đạp then nặng nề ở chỗ, phải đứng ở giữa thuyền, giữ được thăng bằng và phải bằng sức vóc mà liên tục đánh nhịp.
Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, nhặt quá có thể làm các thuyền viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến chuệch choạc.
So với Lý Sơn các cuộc đua thuyền trên đất liền chỉ là cuộc dạo chơi vì đường đua ngắn và đua trên dòng nước tĩnh. Thuyền đua ở biển có đặc điểm là thủy trường không êm như ở sông, bởi vậy, tổng lái vừa phải nhắm thẳng đến cột tiêu, đồng thời phải lượn tránh sóng. Đến giáp cọc tiêu rồi phải bẻ lái thế nào đó để không phải mất công vòng rộng, lại không quá gấp khiến thuyền dễ bị chòng chành và nhọc công sức của thuyền viên.
Khán giả xem đua thuyền ở Lý Sơn cũng khác lạ, họ không có đội nhà, thuyền nhà mà vô tư cổ vũ cho đội thuyền yêu thích trong cuộc đua. Những đội thuyền không còn mang tên thôn A, thôn B mà là con rồng, con lân, con phụng, con quy đang chinh phục trường đua, chinh phục khán giả bằng kỹ thuật, thể lực, sự phối hợp ăn ý của mình. Mỗi lần thuyền đến gần cọc tiêu quay đầu là mỗi lần khán giả thót tim chờ đợi vì các thuyền đeo bám nhau rất sát và tùy thuộc vào sự khéo léo có thể thay đổi thứ hạng ngay tức khắc.
Điều thú vị, các vị kỳ lão vừa bảo trợ nghi lễ tâm linh cho cuộc đua vừa chăm chú theo dõi cuộc đua với sự hào hứng trầm tĩnh của người lớn tuổi, lại vừa điểm trống chầu duy trì nhịp độ cuộc thi rất nhuần nhuyễn. Có lẽ mấy mươi năm trước các cụ cũng từng hào hùng tung mái chèo bứt rút để chiến thắng trong cuộc thi.
Cũng đội nắng đảo suốt cả buổi trưa, cũng ồn ào hò reo, một lần nữa tôi đã thấy, tôi đã gặp lại hồn cốt, khí phách của những người Thủy Binh Hoàng Sa thủa trước trong buổi tập võ của các em thiếu niên dưới chân tượng đài, trong những giọt mồ hôi của các đội đua và trong ánh mắt đăm chiêu xa thẳm của các vị kỳ lão theo dõi đoàn đua. (Lê Đại Anh Kiệt) [qd]
https://www.nguoi-viet.com/doi-song/du-lich/ly-son-con-do-khi-phach-hung-binh-hoang-sa/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten