Bước nhảy vọt của Pháp trên bảng xếp hạng Đại học Thượng Hải
Đăng ngày:
Như thường lệ, vào ngày 15/08 hàng năm, bảng xếp hạng Đại học Thượng Hải lại được công bố. Trong bảng xếp hạng năm 2020, lần đầu tiên một trường đại học của Pháp lọt vào nhóm 15 trường đầu bảng thế giới. Đó là đại học Paris-Saclay, có trụ sở tại vùng Essone, ngoại ô thủ đô Paris.
Vậy đại học Paris-Saclay là trường như thế nào ? Vốn thường được gọi là Đại học Paris-Saclay, nhưng thực chất Paris-Saclay là một tổ hợp đại học vô cùng lớn, mới chỉ được hình thành từ tháng 01/2020 trên cơ sở tập hợp nhiều trường đại học danh tiếng và cả các cơ sở nghiên cứu uy tín, theo hướng cải cách đại học Pháp mà chính quyền Pháp liên tục theo đuổi trong hơn một thập kỷ qua. Bà Syvie Retailleau, chủ tịch Đại học Paris-Saclay, giải thích trên đài truyền hình TV5 Monde ngày 17/08/2020 :
Xếp đầu bảng vẫn là các trường đại học danh tiếng của Mỹ : Havard và Stanford. Vị trí thứ ba thuộc về đại học Anh Cambridge. Pháp có tổng cộng 30 trường đại học lọt danh sách 1.000 trường trong tổng số 17.000 trường đại học được Đại học Thượng Hải đánh giá, trong đó có 5 trường ở nhóm 100. Nổi bật nhất là đại học Paris-Saclay, ở vị trí thứ 14. Ông Alain Sargati, cựu chủ tịch đại học Paris-Sud và hiện là giáo sư đại học Paris-Saclay tự hào gọi đó là « một sự nhìn nhận tuyệt vời, bởi chỉ có 4 nước lọt vào nhóm 20, đó là Mỹ, Anh, Pháp và Thụy Sĩ ». Cũng phải nói thêm là Pháp là nước duy nhất ngoài khối các quốc gia Anh ngữ có trường được xếp vào danh sách 15 trường đại học tốt nhất thế giới.
« Đây là một bước đột phá. Đại học Paris-Saclay đã được hợp thành từ sự hợp tác giữa các trường đào tạo kỹ sư, như Centrale-Supélec, tổ hợp Paritech, các trường đại học như Đại học khoa học Orsay, đại học Y và các đơn vị nghiên cứu quốc gia như CEA, CNRS hay Institut des Hautes études scientifiques … Những cơ sở này từ lâu nay đã có sự hợp tác về nghiên cứu khoa học và hiện giờ đều tập hợp lại trong khuôn khổ đại học Paris-Saclay ».
Đại học Paris-Saclay, với 76 chương trình đào tạo, 275 đơn vị nghiên cứu, quy tụ tới 48.000 sinh viên, 9.000 giảng viên và nhà nghiên cứu, 11.000 nhân kỹ thuật viên và nhân viên hành chính và 30 khu học xá. Cách nay hai tháng, theo bảng xếp hạng từng môn học, vẫn của Đại học Thượng Hải, Paris-Saclay cũng đã được xếp hạng đầu thế giới về toán học, trên cả đại học Princeton, Mỹ và đứng thứ 9 thế giới về vật lý (thứ nhất châu Âu), thứ 12 về nông nghiệp … và lọt bảng 100 trường đại học tốt nhất thế giới về 25 môn học. Dường như hướng cải tổ đại học mà chính phủ Pháp đưa ra đã mang lại thành tích bước đầu, nâng tầm đại học Pháp trên bảng xếp hạng danh tiếng toàn cầu của Đại học Thượng Hải.
Bà Sylvie Retailleau giải thích tiếp : « Đó là một trong những thành quả của sự cải tổ. Tôi nghĩ rằng công cuộc cải cách đại học mà chúng ta tiến hành từ nhiều năm nay sẽ tiến xa hơn, có nhiều thành quả hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc có thứ hạng trong bảng xếp hạng của Đại học Thượng Hải. Tôi nghĩ như vậy. Chỉ có ít trường đại học sử dụng bảng xếp hạng như một công cụ chiến lược. Nhưng việc có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng cũng có vai trò quan trọng để tạo sự thu hút và chứng minh là chất lượng của các trường đại học Pháp đã được nhìn nhận.
Tôi cũng muốn nói là chính sách sáp nhập các trường đại học như hiện nay và các hình mẫu trường mới như thế này sẽ còn mang lại nhiều kết quả hơn nữa, chúng ta sẽ còn tiến xa hơn nữa. Chính sách đó sẽ giúp định hình mô hình trường đại học Pháp thế kỷ XXI phù hợp hơn với khả năng của các sinh viên mới của chúng ta, cũng như đáp ứng được nhu cầu của các đối tác xã hội, và nhất là thích nghi hơn với trình độ thế giới và quốc tế ».
Vậy việc lọt vào nhóm 15 thế giới có ý nghĩa thế nào với đại học Paris-Saclay nói riêng và giáo dục đại học Pháp nói chung ? Chủ tịch đại học Paris-Saclay nhấn mạnh : « Đó là một sự công nhận. Bảng xếp hạng của Đại học Thượng Hải thực ra là một bảng xếp hạng dựa trên tiêu chí nghiên cứu. Chúng ta không nên ca ngợi thái quá nhưng dù sao đi chăng nữa thì bảng xếp hạng Đại học Thượng Hải cũng là một bảng xếp hạng có danh tiếng.
Ngoài nghiên cứu thì chúng ta phải nói đến giảng dạy đại học, nhưng nghiên cứu thì cũng có liên quan, bổ trợ cho chương trình giảng dạy của chúng tôi và điều này là rất quan trọng. Điều đó có nghĩa là thứ hạng của chúng tôi trong bảng xếp hạng Đại học Thượng Hải sẽ giúp trường thu hút các nhà nghiên cứu và sinh viên. Ngoài ra, thứ hạng này cũng làm tăng giá trị bằng cấp của các sinh viên của chúng tôi và làm tăng giá trị bằng đại học và tiến sĩ của Pháp trên trường quốc tế cũng như tại tất cả các nước khác trên thế giới ».
Thực ra, mặc dù bảng xếp hạng của Đại học Thượng Hải được coi là một bảng xếp hạng có uy tín, nhưng lại thiên về đánh giá dựa trên các tiêu chí nghiên cứu khoa học. Có 6 tiêu chí chính : số giải Nobel và huy chương Fields của những người từng theo học tại trường, số giải Nobel và huy chương Fields của các nhà nghiên cứu của trường, số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế Nature và Science, số nhà nghiên cứu được trích dẫn …
Tuy nhiên, bảng xếp hạng này lại không tính đến chất lượng, phương pháp giảng dạy, tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm khi tốt nghiệp, khả năng thích nghi của họ với môi trường công việc … Một điều khác không làm chính quyền, giới đại học và nghiên cứu Pháp hài lòng, đó là bảng xếp hạng Thượng Hải thiên về các ngành khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, tin học … hơn là các ngành khoa học xã hội và nhân văn, vốn là một thế mạnh của giáo dục Pháp. Về điều này, bà Sylvie Retailleau nhận xét một cách khách quan :
« Mọi chuyện không đơn giản như là đen hay trắng. Bảng xếp hạng nào cũng dựa trên những tiêu chí riêng, có những phương pháp tiếp cận riêng. Trước hết phải nói là bảng xếp hạng Đại học Thượng Hải dựa theo phương pháp tiếp cận rất khắt khe, chặt chẽ. Tôi muốn nói là không thể dùng tiền để mua thứ hạng trong bảng xếp hạng của Đại học Thượng Hải được. Đó là một điều rõ ràng. Nhưng cũng rõ ràng là bảng xếp hạng này chủ yếu hướng đến mảng nghiên cứu chứ không phải bảng xếp hạng điển hình về các đặc trưng của trường đại học, chẳng hạn về sự thành công của sinh viên sau khi ra trường … »
Nhiều người cho rằng thứ bậc trên các bảng xếp hạng quốc tế lại càng làm cho mức độ chênh lệch của các trường đại học tại Pháp bị khoét sâu hơn nữa, tạo ra tình trạng mất cân đối trong hệ thống giáo dục đại học của Pháp. Về vấn đề này, bà Syvie Retailleau nhấn mạnh :
« Tôi nghĩ rằng vấn đề về sự chênh lệnh mức độ phát triển này không phải là mới được đặt ra. Trong hệ thống của chúng ta cũng như trong bối cảnh đào tạo đại học và nghiên cứu của Pháp, chúng ta có thể tiếp tục phải nói đến vấn đề này. Đó không phải điều gì mới. Nhưng giờ đây sự chênh lệch này có lớn hơn không ? Tôi nghĩ rằng có những trường rất mạnh về mảng nghiên cứu, chẳng hạn đại học Paris Saclay, đại học Sorbonne, Đại học Paris khoa học và văn chương … Đặc trưng của những trường này là phát triển rất mạnh về mảng nghiên cứu khoa học ở nhiều bộ môn. Họ làm tăng giá trị của những môn này. Họ có khả năng tỏa sáng ở nhiều bộ môn.
Các trường đại học khác rải rác trong cả nước cũng rất quan trọng. Đó thực sự là những trường đào tạo và nghiên cứu, nhưng họ sẽ phải có sự lựa chọn để trở nên giỏi trong một vài lĩnh vực nào đó, với những lĩnh vực được coi là mục tiêu tập trung phát triển. Đó có lẽ sẽ là điều mà các đại học của Pháp cần làm bởi vì chúng ta có mạng lưới trường đại học rải khắp cả nước, điều này sẽ rất quan trọng cho đất nước và tương lai thế hệ trẻ của chúng ta. »
Bảng xếp hạng Thượng Hải cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về các trường của Mỹ. Thế nhưng, các trường đại học của Trung Quốc cũng có những bước tiến đáng nể và ngày càng được công nhận. Vậy Pháp có nên theo mô hình của Mỹ hay Trung Quốc hay không ? Chủ tịch đại học Paris-Saclay lưu ý :
« Đó là dấu hiệu cho thấy sự đầu tư của Trung Quốc, dù gì thì Trung Quốc cũng rất mạnh về đầu tư và phát triển. Các trường đại học của Trung Quốc được đầu tư rất mạnh. Rõ ràng là Trung Quốc có chính sách rất chủ động để phát triển đại học. Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần sao chép chính sách của Trung Quốc để áp dụng vào phát triển mô hình trường đại học của Pháp. Chúng ta cũng đừng bắt chước mô hình của Mỹ.
Chúng ta đang phát triển một mô hình kiểu Pháp, kết hợp sự đầu tư và các phương tiện mà chúng ta có để phát triển nền giáo dục đại học và nghiên cứu của Pháp, có nghĩa là không chỉ các trường đại học mà cả các cơ quan đơn vị nghiên cứu quốc gia. Chúng ta trông chờ rất nhiều vào các đơn vị nghiên cứu này để có một nền nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Hiện nay, điều chúng ta còn thiếu là phương tiện để mang lại thời gian cho các nhà nghiên cứu. Công tác nghiên cứu của chúng ta thường đòi hỏi thời gian dài. Các nhà nghiên cứu thực sự cần có nhiều thời gian để có những công trình nghiên cứu có chất lượng cao. Chúng tôi đã chứng minh là có thể làm điều đó tại Pháp ».
(Theo Université Paris-Saclay, TV5 Monde, Le Monde, Les Echos)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten