Trump đánh vào Tencent, “tử huyệt” kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc
Đăng ngày:
Chưa hài lòng với Hoa Vi và TikTok, hôm 06/08/2020 vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến thêm một bước trong cuộc tấn công vào các biểu tượng công nghệ Trung Quốc trên thế giới.
Đối tượng lần này là ứng dụng tin nhắn đa chức năng WeChat, mà chủ nhân không ai khác hơn là Tencent, một đại tập đoàn công nghệ có thế lực nhất nhì tại Trung Quốc. Vị trí quan trọng của Tencent và WeChat đã khiến giới phân tích cho rằng TT Mỹ đang muốn điểm vào một huyệt đạo trọng yếu, nếu không muốn nói là “tử huyệt” của công nghệ số Trung Quốc.
Khi đe dọa trừng phạt WeChat, ông Donald vẫn xác nhận lý do cố hữu: “Giống như TikTok, WeChat tự động thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng. Đây là một cơ sở dữ liệu có nguy cơ cho phép Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp cận những thông tin nhạy cảm về công dân Hoa Kỳ”.
WeChat: 1,2 tỷ người dùng với 90% là dân Trung Quốc
Lý do ông Trump đưa ra có vẻ không vững vì ứng dụng WeChat quả đúng là cực kỳ phổ biến, có đến 1,2 tỷ người sử dụng trên toàn thế giới, nhưng theo trang mạng chuyên môn TechCrunch, hơn 90% trong số đó là người cư ngụ ở Trung Quốc, hoặc là người Trung Quốc ra làm việc ở nước ngoài.
Theo đài truyền hình Pháp France 24 ngày 07/08, tổng thống Mỹ không hoàn toàn vô lý, vì từ nhiều năm nay, các chuyên gia an ninh mạng phương Tây đã coi WeChat là một công cụ giám sát bằng kỹ thuật số mà “Bắc Kinh hằng mơ ước”.
Citizen Lab, một trung tâm nghiên cứu Canada về quyền tự do ngôn luận trên mạng, ngay từ năm 2016 đã theo dõi cách thức chính quyền Trung Quốc giám sát các cuộc thảo luận trên mạng WeChat để kiểm duyệt tốt hơn nội dung trao đổi thông qua ứng dụng này.
Một công cụ Bắc Kinh dùng để theo dõi và kiểm duyệt
Để gạt bỏ lập luận theo đó WeChat là một ứng dụng chủ yếu dùng trên lãnh thổ Trung Quốc, chưa lan tỏa được ra toàn thế giới như TikTok chẳng hạn, với nạn nhân bị theo dõi và kiểm duyệt đại bộ phận là người Trung Quốc, sắc lệnh nhắm vào WeChat mà ông Trump ban hành đã chính thức nêu bật sự cần thiết phải bảo vệ những người Trung Quốc đang ở Hoa Kỳ khỏi sự giám sát của Bắc Kinh.
Theo báo chí Mỹ, với lập luận này, Washington leo thêm một nấc thang trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh, không đơn thuần nhằm bảo vệ người Mỹ, như được thấy qua các lệnh trừng phạt đối với Hoa Vi hoặc TikTok, mà còn nhằm hỗ trợ cho quyền tự do ngôn luận của mọi người, kể cả người Trung Quốc, trước những gì bị Mỹ cho là một chiến dịch giám sát hàng loạt trên toàn thế giới “Made in China”.
Tencent: Trung tâm nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc
Dẫu sao thì đối với giới quan sát, khi lấy WeChat làm mục tiêu tấn công, chính quyền Mỹ đã chấp nhận đọ sức với Tencent, một đối thủ mạnh hơn rất nhiều so với Bytedance, công ty mẹ của TikTok.
Theo France 24, thành lập vào năm 1998, Tencent hiện có giá trị hơn 680 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán, gấp gần 10 lần giá trị ước tính của Bytedance. Không chỉ là tập đoàn internet mạnh nhất ở Trung Quốc sau Alibaba, Tencent còn là một nhân tố trung tâm của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc nhờ WeChat.
Đài truyền hình Mỹ CNN ngày 07/08 ghi nhận rằng Tencent thuộc diện tập đoàn công nghệ có giá nhất thế giới, với trị giá trên thị trường chứng khoán cao hơn gấp đôi so với giá trị của tập đoàn Mỹ Netflix, với ứng dụng WeChat - mà phiên bản gốc lưu hành tại Trung Quốc dưới tên Vi Tín (Weixin) - là nhu cầu hàng ngày của hàng trăm triệu người Trung Quốc, dùng để nhắn tin, chia sẻ ảnh, gọi xe, thanh toán mua sắm, đặt nhà hàng, gọi thức ăn và một loạt các dịch vụ khác.
Tencent cũng là một đại gia trong lãnh vực giải trí, là công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới nếu tính theo doanh thu, nhà phát hành của một số trò chơi rất được ưa chuộng trên thế giới, chủ nhân toàn phần hay một phần của một loạt công ty game tại Mỹ và nhiều nước khác, đồng thời là một trong những nhà cung cấp dịch vụ video và âm nhạc trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, mà bộ phận âm nhạc trực tuyến Tencent Music (TME) - được niêm yết trên thị trường Wall Street.
Reuters: Đánh vào Tencent có hiệu quả hơn đánh vào Hoa Vi
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 07/08/2020, khi đánh vào Tencent, tổng thống Mỹ đã đánh vào một trong những điểm yếu nhất của Trung Quốc, và có thể ảnh hưởng đến Bắc Kinh nặng nề hơn là chiến dịch chống Hoa Vi.
Lời đe dọa của Mỹ là sẽ ngăn chặn các “giao dịch” với tập đoàn công nghệ Trung Quốc trước hết có thể tác hại đến các dịch vụ thanh toán dùng ứng dụng WeChat ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, mà điển hình là ví điện tử WeChat Pay, được chấp nhận ở nhiều nơi, kể cả ở Mỹ. CNN ghi nhận là vào năm ngoái, 25% doanh thu của Tencent đến từ các dịch vụ tài chánh và ứng dụng thanh toán như WeChat Pay
Hoạt động trong lãnh vực giải trí của Tencent cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong lãnh vực trò chơi điện tử, vốn mang lại cho Tencent hơn 50% doanh thu trong năm 2019, nguồn lợi đến từ việc kiểm soát được hoặc nắm những phần hùn đáng kể trong một loạt những công ty phát triển những trò chơi điện tử rất được ưa chuộng trên thế giới, từ League of Legends cho đến Fornite, hay PlayerUnknown's Battlegrounds...
Đối với CNN, nếu chính quyền Mỹ quyết định cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc, Tencent sẽ bị mất thị trường Mỹ trong lãnh vực trò chơi điện tử.
Những hoạt động của Tencent trong lãnh vực video giải trí hay ca nhạc trực tuyến cũng hợp tác với nhiều công ty Mỹ, từ hội bóng rổ NBA (National Basketball Association) cho đến tập đoàn Warner Music Group. Việc rút Tencent ra khỏi các quan hệ này có thể rất hỗn độn và tốn kém.
Hạn chế vũ khí đầu tư của Tencent
Ngoài ra, quyết định của Mỹ có thể đặt một loạt danh mục đầu tư rộng lớn của tập đoàn Tencent hải ngoại vào vòng nguy khốn. Cho đến nay, Bắc Kinh đã rất vất vả trong cuộc chiến bảo vệ thị phần của Hoa Vi ở nước ngoài. Thế nhưng Tencent có tầm hoạt động rộng lớn hơn nhiều.
Đây là một trong những tập đoàn đầu tư hào phóng nhất vào ngành công nghệ trên thế giới, với các khoản đầu tư vào các doanh nghiêp lên đến mức 60 tỷ đô la, tính đến tháng 12 năm 2019. Tencent chẳng hạn, đã đầu tư vào công ty dịch vụ mua sắm Afterpay của Úc, hay đã mua lại trang diễn đàn trên mạng Reddit nổi tiếng của Mỹ. Cổ phiếu của Tencent đã giảm 10% sau thông báo của Nhà Trắng.
Theo Reuters, nếu Mỹ quyết định xúc tiến việc trừng phạt Tencent, mục tiêu nhắm tới đầu tiên có lẽ là WeChat, do mối quan ngại là ứng dụng này tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm duyệt và hoạt động gián điệp. Điều đó sẽ cắt nguồn thu nhập đến từ quảng cáo của các nhãn hiệu Mỹ muốn vươn đến người tiêu dùng ở Trung Quốc, và trên mặt chính trị, có thể khiến cho người dân Trung Quốc bình thường phải gánh chịu cái giá của cuộc chiến thương mại một cách rõ rệt hơn hơn bất kỳ thứ gì khác.
Sau cùng, quyết định trừng phạt của Mỹ cũng sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ lại trước khi đặt quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể về chính trị cũng như kinh tế để nuôi dưỡng các nhà vô địch công nghệ thế giới của họ, nhưng Washington giờ đây đang dùng uy thế của mình trong lãnh vực cơ sở hạ tầng Internet và hệ thống điều hành để ngặn chặn toan tính của Trung Quốc. Ngón đòn của Nhà Trắng nhắm vào Tencent sẽ còn khiến Trung Quốc phải đau đớn lâu dài.
TikTok :Tập Cận Bình là cội nguồn làm các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc khốn khổ
Đăng ngày:
Liban họa vô đơn chí, TikTok và các công ty khởi nghiệp Hoa lục lâm vào bế tắc, 75 năm Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, Covid 19 là những chủ đề chung trên báo Pháp hôm nay.
Liban: phân nửa thủ đô đổ nát do vụ nổ hóa chất tồn kho ở cảng
Thứ Ba 04/08 lúc 18 giờ 10, Beyrouth bị tàn phá trong hai vụ nổ kinh hoàng từ kho hàng tồn trữ 2750 tấn nitrate nhôm. Báo Le Monde minh họa trên trang nhất bức ảnh một cao ốc trơ sườn trong khói lửa mịt trời. Hơn 100 người chết và 4000 bị thương theo tổng kết thiệt hại ban đầu. Một thảm họa cho đất nước Liban đang trên đà sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế, chính trị không lối thoát.
Hỗn loạn: tựa ngắn trên Libération kèm với nhận định, người dân Liban đã kiệt lực vì khủng hoảng kinh tế, chính trị, nay bị vụ nổ hóa chất làm cho họ vừa căm giận vừa tuyệt vọng.
Le Figaro, La Croix cùng chia sẻ định mệnh hẩm hiu của người dân Liban: phẫn nộ và không hiểu vì sao nên nỗi. Chính quyền Liban bị cho là thủ phạm chính vì thiếu trách nhiệm.
Thương cảng Beyrouth còn là động cơ kinh tế của Liban. Nhật báo Công giáo lưu ý. Nhưng làm sao giúp Liban? La Croix cho biết nhiều nước, trong đó có Pháp, đã nhanh chóng gửi viện trợ cần kíp cho Liban, nhưng tái thiết đất nước bị hỗn loạn chính trị và tham ô, không thể không cải cách sâu rộng. Tình hình chính trị chia năm, xẻ bảy tại Liban có cho phép thực hiện hay không?
TikTok: Ngõ cụt của công ty khởi nghiệp Trung Quốc muốn chia thị phần quốc tế
Vì sao TikTok bị rơi vào thế bí? Hơn ai hết, các công ty Trung Quốc biết đâu là cội nguồn.
Trong bài phân tích thế kẹt của TikTok trong cảnh trên đe dưới búa giữa Washington và Bắc Kinh, Le Monde lưu ý là khác với tập đoàn công nghiệp viễn thông Hoa Vi, công ty khởi nghiệp TikTok không được Bắc Kinh hậu thuẫn. Công ty mẹ ByteDance bị áp lực của Donald Trump phải bán ứng dụng (cho Mỹ) nếu muốn tiếp tục được phép hoạt động tại Hoa Kỳ.
Từ cuối năm 2019, TikTok đã nỗ lực chứng minh là một công ty khởi nghiệp độc lập với chính quyền Trung Quốc. Trong chiều hướng này, TikTok dung thứ cho các video chỉ trích chế độ Trung Quốc, như tố cáo chính sách đàn áp cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đã thành công thu hút được rất đông đảo người xem và chia sẻ rộng rãi.
Trong thời gian qua, TikTok cũng có nhiều cố gắng khác để tạo hình ảnh cách biệt với công ty mẹ ByteDance như là dời trụ sở sang Mỹ, tuyển dụng cán bộ lãnh đạo có tiếng tăm như Kevin Meyer, cựu chủ tịch Disney.
Thế nhưng, những cố gắng chứng tỏ thiện chí này không có tác dụng. Đầu tháng Sáu, TikTok, cùng với 60 công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc bị Ấn Độ cấm cửa, trước khi bị Donald Trump chiếu cố gây áp lực.
TikTok biến thành nạn nhân của chính sách đối đầu Mỹ-Trung từ khi Covid-19 lan tràn sang Hoa Kỳ.
Ngày 23/07, trong một bài diễn văn với lời lẽ công kích mạnh bạo chưa từng thấy, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi "thế giới tự do chiến thắng bạo chúa mới, là chính quyền Trung Quốc vừa gia tăng kềm kẹp trong nước vừa hung hăng với thế giới bên ngoài". TikTok lâm vào ngõ cụt. Thế nhưng, nhiều doanh nhân Trung Quốc có thế lực lên án thái độ của Bắc Kinh, điển hình là James Liang, sáng lập viên trang web hướng dẫn du lịch CTRIP không ngần ngại viết một bài bình luận phê phán Bắc Kinh như sau: " Những người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp ở Trung Quốc không muốn liên hệ gì với chính quyền Trung Quốc. Là doanh nhân, họ muốn làm một cái gì hay ho để kiếm tiền làm giàu. Nhưng vì đảng Cộng sản Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại Hoa lục cho nên các doanh nghiệp này phải hướng về thị trường quốc tế. Giờ đây, họ không còn đường nào để làm ăn". Le Monde cho biết, bài phê bình này bị kiểm duyệt ngay tức khắc.
Facebook khai thác đúng thời cơ
Trong bối cảnh gian truân này, công ty khởi nghiệp Trung Quốc còn bị một đối thủ khai thác đúng thời cơ, tung vũ khí mới chinh phục khách hàng. Les Echos cho biết áp lực cạnh tranh của Facebook.
Theo nhật báo kinh tế, tập đoàn của Mark Zuckerberg thông báo kể từ thứ Tư 05/08/2020, tung ra công cụ Reels với chức năng giúp người sử dụng chia sẻ các đoạn video ngắn qua Instagram. Nói là tấn công nhưng kỳ thực Facebook tìm cách chinh phục khách hàng của Tik Tok ngay trên sân chơi của đối thủ vào lúc thời cơ thuận lợi nhất.
Donald Trump chưa gục ngã
Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Le Monde giới thiệu bài phân tích của một giáo sư chính trị Pháp bác bỏ các lập luận cho rằng Joe Biden sẽ thắng. Theo giáo sư Maxime Chervaux, trong lúc xu thế chống Donald Trump tiên đoán chủ nhân Nhà Trắng sẽ thua cựu phó tổng thống Dân Chủ Joe Biden thì có nhiều lý do cho thấy Joe Biden, vừa không đủ cân sức đối đầu với Donald Trump mà còn sẽ bị đối thủ Cộng Hòa hạ đo ván ít nhất trên ba hồ sơ quan trọng trong mắt của cử tri: về an ninh, về di dân nhập cư và trong quan hệ đang căng thẳng với Bắc Kinh.
Đó là chưa kể Donald Trump nắm nhiều lá chủ bài trong tay, có thể huy động ngân sách hàng chục, chục tỷ đô la để đối phó với hậu quả kinh tế do Covid 19 gây ra, có trong tay hàng trăm triệu đô la vận động tranh cử, những lá bài mà Joe Biden không có.
Tác giả khẳng định là Donald Trump chưa gục ngã cho dù các kết quả thăm dò cho thấy Joe Biden dẫn đầu trong công luận. Cách nay bốn năm, một ứng cử viên Dân Chủ khác là Hillary Clinton cũng từng được kết quả thăm dò ý kiến tốt hơn Donald Trump, chuyên gia địa chiến lược Pháp nhắc lại.
75 năm Hiroshima và Nagasaki
Vụ nổ tàn phá ở Liban xảy ra đúng vào lúc Nhật Bản chuẩn bị tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki : ngày 6 và 8 tháng 8 năm 1945.
Trong loạt bài đánh dấu 75 năm hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản, La Croix cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn đe dọa nhân loại. Thảm kịch Hiroshima và Nagasaki (Trường Kỳ và Quảng Đảo) là một thách thức của ký ức vì lịch sử là nạn nhân của thời gian. 75 năm sau, vẫn còn 9 nước không có ý định từ bỏ loại vũ khí hủy diệt này. Để có thể tưởng niệm hàng trăm ngàn nạn nhân Hiroshima và Nagasaki một cách có ý nghĩa nhất là phải phản đối cuộc chay đua vũ trang hạt nhân. La Croix liệt kê danh sách 9 nước gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Israel.
Le Monde, trong bài Nhật Bản và ký ức, chú ý đến cuộc chiến của một thế hệ mới tiếp nối công việc của cha ông, kể lại cho hậu thế cuộc dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Kể như thế nào ? Bằng ngôn ngữ hoà bình. Chính nhờ có nỗ lực tranh đấu này mà Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cấm vũ khí hạt nhân năm 2014.
Tuy nhiên, Le Monde không dám tin chắc là phong trào này và nguyện vọng này được lắng nghe tại Nhật Bản trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe tìm cách tu chính Hiến Pháp chủ hòa, nhất là điều 9.
Khẩu trang trở lại trên các trang báo Pháp
Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 có dấu hiệu tấn công đợt hai vào mùa thu, đề tài khẩu trang trở lại trên các trang báo Pháp.
Le Figaro và Les Echos cùng một tựa : Người đeo khẩu trang ra đường ngày càng đông. Le Figaro còn dành cho các phe chống và ủng hộ đeo khẩu trang trình bày lập luận y tế cũng như... chính trị.
Khủng hoảng Covid 19 còn gây ra một hiện tượng mới là người ta đổ xô mua vàng tích trữ. Hầu hết các báo đều cho biết giá một lượng vàng tăng kỷ lục, hơn 34% kể từ đầu năm, vượt ngưỡng lịch sử 2000 đôla.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten