donderdag 13 september 2018

Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt tôn giáo trên internet + Trung Quốc bách hại người Công giáo không... « yêu nước » !

Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt tôn giáo trên internet

mediaMột giáo dân Công giáo giơ cao kinh thánh trong một buổi lễ thánh tại Bắc Kinh ngày 24/01/2014.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Gởi hình một lễ rửa tội Công giáo, tụng kinh Phật giáo hay một lễ nghi tôn giáo nào khác lên mạng xã hội sắp tới sẽ bị cấm tại Trung Quốc, theo một dự luật được cơ quan tôn giáo nhà nước công bố mới đây. Riêng về Tân Cương, Bắc Kinh hôm nay 12/09/2018 cũng yêu cầu Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền « tôn trọng chủ quyền Trung Quốc ».
Dự thảo luật được phổ biến hôm 10/09/2018 quy định : « Tất cả các tổ chức hay cá nhân không được phố biến trên internet các nghi lễ thờ phụng Phật giáo, đốt nhang, lễ xuất gia, đọc kinh Bát Nhã, thánh lễ misa, lễ rửa tội Công giáo và tất cả các lễ nghi tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…) ».
Được cho là thành lũy chống lại việc truyền bá tín ngưỡng, dự luật cấm « phân phát các sản phẩm tôn giáo », « xúc giục người vị thành niên tha gia các hoạt động tôn giáo », « xúc phạm các tín đồ cũng như người ngoại đạo ». Các tổ chức nào vi phạm sẽ bị cấm hoạt động. Tuy nhiên dự luật không nói cụ thể biện pháp chế tài đối với cá nhân.
Dự luật gồm 35 điều khoản nhằm xúc tiến « sự ổn định xã hội » và đấu tranh chống « chủ nghĩa cực đoan », được công bố vào thời điểm đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền đang lo ngại Hồi giáo cực đoan gia tăng, đặc biệt là tại Tân Cương, nơi phân nửa dân số theo đạo Hồi.
Trước đó một đạo luật có hiệu lực từ ngày 01/02/2018 đã cấm nhận tiền hỗ trợ từ nước ngoài và hạn chế mở các trường do tôn giáo quản lý. Tại Tân Cương, từ năm 2017 Trung Quốc đã cấm khăn choàng Hồi giáo, hạn chế việc công chức và sinh viên tham gia mùa chay Ramadan. Tại Chiết Giang, chính quyền năm 2016 tung ra chiến dịch gỡ bỏ những thập tự giá trên nóc nhiều giáo đường.
Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc về người Duy Ngô Nhĩ
Riêng về Tân Cương, hôm qua Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet, Human Rights Watch, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cùng bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về thông tin một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo, phải học tiếng quan thoại và hát các bài ca tuyên truyền. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay 12/09/2018 đòi hỏi Liên Hiệp Quốc « phải tôn trọng chủ quyền Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180912-trung-quoc-sap-ra-luat-kiem-duyet-cac-noi-dung-ton-giao-tren-mang

Trung Quốc bách hại người Công giáo không « yêu nước »

mediaMột nhà thờ ở Trung Quốc. Ảnh minh họa.Wikimedia
Le Figaro có bài phóng sự « Tại Phúc Kiến, các tín đồ trung thành với Roma phải trốn tránh để cầu nguyện ». Trong lúc Bắc Kinh và Vatican đang xích gần lại với nhau, những người Công giáo lâu nay từ chối quy phục đảng Cộng Sản lo ngại phải hành đạo theo Giáo hội « chính thức » dưới sự điều khiển của Nhà nước Trung Quốc.
Đặc phái viên Le Figaro ở Lạc Giang (Luojiang) cho biết bốn thế kỷ qua, từ khi các sư huynh dòng Đa Minh đến vùng Mân Đông ở phía bắc tỉnh Phúc Kiến, Công giáo đã bám rễ tại khu vực ngư nghiệp này. Các nhà truyền giáo bị cấm đoán trong hơn 100 năm vào triều đại nhà Thanh, cho đến khi phương Tây chiến thắng trong cuộc chiến tranh nha phiến thế kỷ 19. Sau đó cộng đồng Công giáo tiếp tục bị bách hại dưới thời Mao Trạch Đông, đặc biệt trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa.
Cho dù trải qua các thời kỳ căng thẳng dữ dội với chính quyền, niềm tin của giáo dân không hề suy suyển. Ông Zhang, một tín đồ 74 tuổi, kể lại : « Khi tôi còn nhỏ, tất cả các nhà thờ đều trở thành đống gạch vụn. Chúng tôi phải bí mật cầu nguyện tại nhà ».
Còn hiện nay ? Tờ báo mô tả : Một hang động có dòng suối chảy qua, lối vào hẹp đến nỗi phải cúi mình thật thấp. Bên trong, các giáo dân quỳ trước một bàn thờ nhỏ, trên có cây thánh giá, nến và những đóa hoa hồng, hát thánh ca bằng phương ngữ. Chính tại thôn Lan Khẩu (Lankou) này, giám mục Bai, tên thật là Pedro Sanz Y Jorda, cùng với bốn nhà truyền giáo Tây Ban Nha đã bị nhà Thanh hành quyết năm 1747. Đây là những thánh tử đạo đầu tiên tại Trung Quốc.
Trong số 80.000 giáo dân ở Mân Đông, đại đa số thuộc giáo hội « bất hợp pháp », nhìn nhận giáo quyền của Vatican. Họ chưa bao giờ chịu tham gia giáo hội của Nhà nước. Nhưng nay nhiều người đang lo ngại phải nằm dưới sự điều khiển của giáo hội Công giáo « yêu nước ».
Một chủ quán ăn bất bình : « Tôi sẽ không đi lễ nếu giáo hội trở thành ‘yêu nước’. Trong thập niên 80, một giám mục của giáo hội chính thức đã định đến đây nhưng bị chúng tôi đuổi đi ! ». Cũng như nhiều giáo dân khác, bà tỏ ra hãnh diện vì gia đình theo đạo dòng « chính thống » từ nhiều thế hệ. Nhưng một người khác cho biết : « Nếu Vatican và Bắc Kinh lập quan hệ ngoại giao, và Đức giáo hoàng gởi đến một giám mục ‘yêu nước’, chúng tôi không có chọn lựa nào khác ».
Giai cấp công nông bị chính quyền cộng sản Trung Quốc xua đuổi
Cũng về xã hội Trung Quốc, một bài điều tra trên Le Figaro hôm nay cho biết « Bắc Kinh dẹp các trường học dành cho các công dân ‘cấp thấp’ ». Chính quyền truy quét người lao động nhập cư qua việc phá hủy hàng loạt khu nhà ở và buộc các trường tư đang nhận con cái của họ phải đóng cửa.
Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh mô tả ngôi trường Hoàng Trang (Huangzhuang) ở quận Thạch Cảnh Sơn (Shijingshan), nằm ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh. Được thành lập từ 20 năm qua, có gần 2.000 học sinh từ mẫu giáo cho đến trung học, đây là tư thục lớn nhất ở thủ đô Trung Quốc, đã gầy dựng được uy tín. Cho đến một ngày đen tối tháng 11 năm ngoái, chính quyền địa phương nói với ban giám hiệu là trường xây « bất hợp pháp ». Từ tháng 8, một chiếc xe ủi đất đã xuất hiện trong sân trường, gây khủng hoảng cho tất cả mọi người.
Khoảng 20 trường tư dành cho con cái nông dân và công nhân đã bị Bắc Kinh đóng cửa vào năm ngoái, theo ghi nhận của tổ chức phi chính phủ New Citizen Program. Các em học sinh của Huangzhuang không còn cơ hội tiếp tục học tập tại Bắc Kinh, vì tại khu phố này có hai trường học đã bị phá hủy, và những trường còn lại không còn chỗ.
Phụ huynh vốn có công ăn việc làm ổn định tại thủ đô sẽ phải gởi con về vùng quê nghèo sống với ông bà. Tại đây các em có nguy cơ bị trầm cảm, học hành sa sút. Nhiều phụ huynh cùng với các giáo viên đã gởi thư ngỏ cho chính quyền, nhưng lá thư này đã bị cơ quan kiểm duyệt xóa mất trên internet.
Sự truy quét thô bạo các « mingong » (« dân công » theo từ Hán Việt, tức những người lao động từ tỉnh lẻ đến thành phố lớn làm việc) giúp chính quyền thành phố Bắc Kinh đạt mục tiêu hạn chế dân số ở mức 23 triệu người đến năm 2020, đồng thời thu hồi đất đai để bán lại với giá đắt. Nhà nghiên cứu Chloé Froissart nhận định : « Mặc dù về mặt chính thức, chính quyền hứa hẹn giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, nhưng mục tiêu của họ rõ ràng là xua đuổi dân nghèo khỏi các thành phố lớn, để Bắc Kinh và Thượng Hải chỉ gồm toàn giới tinh hoa, giàu có và học vấn cao ».
Chiếc cầu khổng lồ nối Hoa lục với Hồng Kông và Macao
« Một cây cầu khổng lồ để phát triển California của Trung Quốc », đó là tựa đề một bài viết trên Le Monde, nói về công trình dài 55 kilomet vượt qua dòng sông Châu Giang, nối liền Hồng Kông, Macao với Hoa lục.
Chi phí xây dựng cây cầu cùng với hai hòn đảo nhân tạo lên đến 120 tỉ nhân dân tệ (trên 19 tỉ đô la) do tỉnh Quảng Đông cùng với hai đặc khu Hồng Kông và Macao đài thọ. Ở đầu cầu Hoa lục, sau khi vượt qua rào chắn kiểm soát có thiết bị nhận diện, xe cộ từ Hồng Kông có thể đến Chu Hải, Quảng Đông hay sang Macao. Phía Hồng Kông, chiếc cầu bắt đầu từ đảo Đại Nhĩ Sơn (Lantau) gần sân bay quốc tế, cảng vận chuyển hàng không lớn nhất thế giới.
Một khi được đưa vào sử dụng, chỉ cần nửa giờ là sang đến bờ bên kia thay vì bốn tiếng đồng hồ đi phà như hiện nay. Chiếc cầu này sẽ góp phần phát triển kinh tế bờ tây châu thổ, và cụ thể hóa sự hội nhập của Hồng Kông với miền nam Hoa lục, khu vực được coi là « California của Trung Quốc ».
Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là hải quan Hồng Kông và Macao tương đối độc lập so với Hoa lục. Công dân Trung Quốc cũng không thể tự do từ Hoa lục đi sang Hồng Kông hay Macao, và ngược lại.
1/3 người Hồng Kông sẽ được chính phủ tặng không 500 USD
Riêng về kinh tế Hồng Kông, Le Monde cho biết chính quyền đã phân phối lại thặng dư ngân sách cho người dân.
Làm gì đây khi có dư đến 138 tỉ đô la Hồng Kông (17,6 tỉ đô la Mỹ) trong ngân sách hàng năm ? Đây là bài toán nhức đầu đối với bộ trưởng Tài Chính Hồng Kông, từ 15 năm qua. Địa ốc và chứng khoán là nguồn thu chính cho ngân sách, và cả hai lãnh vực này đều phát triển.
Phản đối ý kiến « tái phân phối » cho tất cả cư dân, năm nay chính quyền quyết định cứ ba người dân thì có một người sẽ được phát 4.000 đô la Hồng Kông (500 đô la Mỹ) tiền mặt. Tính ra có khoảng 2,8 triệu người Hồng Kông sẽ nhận được khoản tiền này, đó là những công dân trên 18 tuổi không sở hữu nhà đất, không nhận trợ cấp và không thuộc diện phải đóng thuế.
Tuy giàu có nhưng từ nhiều thập niên qua, Hồng Kông vốn tự hào là nền kinh tế tự do nhất thế giới, không hề muốn tạo ra một hệ thống phúc lợi khiến người dân dựa dẫm vào Nhà nước, chẳng hạn không hề có trợ cấp thất nghiệp.
Dân Miến Điện thất vọng về chính phủ Aung San Suu Kyi
Cũng tại châu Á, Le Monde nhận định « Miến Điện thất bại về kinh tế, xã hội ». Hai năm sau khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, sự thất vọng của người dân là quá lớn, đặc biệt đối với những người nghèo khổ nhất.
Than Shein, phu xích lô 68 tuổi thổ lộ : « Tôi là người xưa nay vẫn ủng hộ « Lady », và tôi vẫn quý mến bà. Nhưng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) không giữ lời hứa lúc tranh cử. Nói thẳng là tôi thất vọng ».
Trong cuộc bầu cử năm 2015, ông đã chở miễn phí nhiều cử tri đến phòng phiếu để họ bầu cho « Quý bà Răngun ». « Nhưng nay tôi thấy những gì ? Các láng giềng từ một khu ổ chuột khác bị đuổi đi với cớ không có hộ khẩu. LND chẳng hề làm gì giúp cho người nghèo ».
Wanna Soe, thuộc tổ chức phi chính phủ WE Generation Network, nhận định : « Trong các vấn đề xã hội, LND không khác mấy so với chính phủ tiền nhiệm. Các nhà lãnh đạo không dành ưu tiên cho đời sống công nhân, nông dân và sinh viên ». Y tế, giáo dục chẳng có tiến triển nào.
Theo Tim Aye Hardy, người khởi xướng một dự án giáo dục, vấn đề là « sự bất tài của các bộ trưởng, quan chức ; cùng với tình trạng tất cả đều phải tập trung vào bà Aung San Suu Kyi. Bà coi trọng sự trung thành hơn là năng lực cán bộ ». Bên cạnh đó, chính quyền cũng thiếu tầm nhìn bao quát về kinh tế vĩ mô. Yan Myo Thein, nhà bình luận nổi tiếng, vốn là cựu tù chính trị, cũng bày tỏ sự thất vọng : « Bà Suu Kyi là một nhà lãnh đạo độc đoán, thích nói nhưng ít khi chịu lắng nghe người khác ».
Mỹ ngoảnh mặt với Nga
Nhìn sang phương Tây, Le Figaro cho biết « Giữa Washington và Matxcơva không còn gì để nói với nhau », trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.
Ngay cả trước khi bị mất đi 60 « nhà ngoại giao » bị Hoa Kỳ cáo buộc là gián điệp, bị các cánh cửa tại thủ đô nước Mỹ lần lượt đóng lại trước mặt Anatoli Antonov, đại sứ Nga tại Washington. Những yêu cầu hẹn gặp các viên chức và dân biểu hoặc bị bác, hoặc không được trả lời, khiến ông Antonov phải « kêu cứu ». Có ít nhất 20 nhà lãnh đạo Mỹ đã từ chối gặp đại diện Nga.
Tờ Washington Post nói thêm, các cố vấn Nhà Trắng có ba lựa chọn trong việc trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga. Nhẹ nhất là trục xuất 30 điệp viên, giải pháp trung gian mà họ đã chọn là trục xuất 60 người trong đó có 12 nhân viên ở Liên Hiệp Quốc và đóng cửa lãnh sự quán ở Seatle. Còn giải pháp « hạng nặng » không được tiết lộ.
Tổng thống Donald Trump rất bực tức trước tuyên bố của ông Putin là các hỏa tiễn và ngư lôi nguyên tử Nga « bất khả chiến bại ». Đến nỗi ông điện thoại cho tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và Anh, nói rằng Nga « có vẻ nguy hiểm », phương Tây cần đoàn kết lại. Trong cuộc điện đàm với Vladimir Putin để hoan nghênh việc tái đắc cử tổng thống Nga, ông Trump đã nói : « Nếu ông muốn chạy đua vũ trang thì cứ chạy, nhưng tôi sẽ thắng ! »
Giấc mộng chưa thành của Martin Luther King
Hôm nay là ngày nghỉ lễ Phục Sinh, làng báo Pháp chỉ có hai tờ xuất hiện trên các kiosque là Le Figaro, và Le Monde. Trang nhất của Le Figaro chạy tựa « Đức giáo hoàng kêu gọi giới trẻ dấn thân », còn Le Monde nói về mục sư Mỹ da đen nổi tiếng « Martin Luther King, 50 năm sau khi ông qua đời ».
Le Monde dành phụ trang gồm 12 trang báo cho « Martin Luther King, giấc mộng chưa thành » - một cuộc du hành từ quá khứ đến hiện tại, từ mơ mộng đến thực tế ; theo dấu một nhân vật lịch sử mà vấn đề người da đen trong thời đại của Donald Trump vẫn còn là tâm điểm.
 « Con người của một giấc mơ », đó là tựa đề một bài báo được đăng sau khi mục sư Martin Luther King bị ám sát hôm 04/04/1968 tại Memphis, tiểu bang Tennessee. Năm mươi năm đã trôi qua, những kỷ niệm về giải Nobel hòa bình 1964 vẫn còn sống động, cho đến nỗi đôi khi xóa nhòa những điểm yếu của ông. « Giấc mơ » được bày tỏ trong bài diễn văn lịch sử « I have a dream » của mục sư King vẫn chưa thành. Cho dù một người da đen là Barack Obama đã trở thành ông chủ Nhà Trắng trong suốt tám năm, nhưng những rạn nứt và bất công mà Martin Luther King từng tố cáo vẫn còn đó.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180402-trung-quoc-buc-hai-nguoi-cong-giao-khong-«-yeu-nuoc-»

Trung Quốc phong chức một giám mục, bất chấp sự phản đối của Vatican

mediaLễ phong chức cho giám mục Nhạc Phúc Sinh ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Trung Quốc ngày 06/07/2012.asianews.it
Hôm nay 06/07/2012 Trung Quốc đã tấn phong một giám mục ở Cáp Nhĩ Tân, bất chấp sự phản đối của Tòa Thánh Vatican mà Bắc Kinh cho là “bất lịch sự và phi lý”.
Ông Dương Dư (Yang Yu), phát ngôn viên Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do chính quyền quản lý, cho biết lễ phong chức giám mục cho linh mục Nhạc Phúc Sinh (Yue Fusheng), 48 tuổi, đã được tiến hành hôm nay tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang ở miền đông bắc.
Trong tuần, Vatican đã cảnh báo việc phong chức này là bất hợp pháp, và đe dọa sẽ rút phép thông công vị tân giám mục cũng như các giám mục tham gia. Thông cáo hôm thứ Tư 4/7 của “Propaganda Fide”, tức Hội thánh truyền bá phúc âm cho nhân dân, cơ quan của Tòa Thánh phụ trách các nước không công giáo, nói rõ là việc tấn phong giám mục Nhạc Phúc Sinh “không được Đức Giáo Hoàng chuẩn y” và như vậy là “không hợp pháp”.
Theo Tòa Thánh Roma, thì việc tấn phong giám mục là một “vấn đề tôn giáo chứ không phải chính trị”. Vatican nhắc lại, trong bức thư gởi các tín đồ công giáo Trung Quốc năm 2007, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nói rằng Ngài “thông cảm việc chính quyền quan tâm đến sự chọn lựa” các giám mục, tuy nhiên “việc Đức Giáo Hoàng tấn phong các giám mục đảm bảo cho tính thống nhất của giáo hội”.
Nhưng hôm nay Ban Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc đã phản công bằng một thông báo đăng trên trang web, cho rằng Tòa Thánh La Mã có “thái độ vô cùng bất lịch sự và phi lý”. Thông báo viết: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Vatican từ bỏ các đe dọa rút phép thông công, và tái lập quan điểm thuận lợi cho đối thoại. Giáo hội Công giáo Trung Quốc đang rất cần tiếp tục chọn lựa và phong chức các giám mục để tiến hành phụng vụ, truyền giáo và quản lý giáo hội”. Thông báo cũng cho biết Giáo hội Công giáo Trung Quốc đã phong chức cho trên 190 giám mục, và nhiều giáo dân cũng như hàng giáo sĩ ủng hộ việc này.
Linh mục Nhạc Phúc Sinh được thụ phong vào năm 1988, là phó chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc đồng thời là đại diện của hội tại Hắc Long Giang. Lễ tấn phong giám mục Cáp Nhĩ Tân do giám mục Phòng Hưng Diệu (Fang Xingyao), chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc làm chủ tế, có sự tham dự của giám mục tỉnh Liêu Ninh là Bùi Quân Dân (Pei Junmin) vốn được cả Roma và Bắc Kinh chuẩn y.
Khoảng 400 người gồm các viên chức, linh mục và tín đồ đã tham dự buổi lễ. Trước đó, hôm thứ Tư 4/7 hai linh mục tại Cáp Nhĩ Tân chống đối lại vụ phong chức này là linh mục Triệu Hồng Xuân (Zhao Hongchun) và Trương Hy Thánh (Zhang Xisheng) đã bị bắt nhốt, và sau khi lễ tấn phong giám mục chấm dứt mới được thả ra. Theo hãng thông tấn công giáo AsiaNews, có sáu vị giám mục đã bị buộc phải tham dự lễ phong chức trên đây.
Giáo hội Công giáo Trung Quốc gồm có 5,7 triệu giáo dân, theo như thống kê chính thức, và 12 triệu giáo dân theo các nguồn độc lập. Bên cạnh giáo hội chính thức bị nhà nước kiểm soát, còn có giáo hội “ngầm” chỉ tuân phục Đức Giáo Hoàng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20120706-trung-quoc-phong-chuc-mot-giam-muc-bat-chap-su-phan-doi-cua-vatican

Geen opmerkingen:

Een reactie posten