woensdag 19 september 2018

Doanh nghiệp châu Âu tố cáo nạn cạnh tranh bất bình đẳng ở Trung Quốc + Uỷ Ban Châu Âu muốn kiểm soát đầu tư Trung Quốc + cả thế giới sợ "Quỹ đầu tư 3.000 tỷ USD" củaTrung Quốc

Doanh nghiệp châu Âu tố cáo nạn cạnh tranh bất bình đẳng ở Trung Quốc

mediaChuyến tàu hàng từ Hamburg (Đức) quay về Vũ Hán, Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 26/08/2018.China Daily via REUTERS
Trong báo cáo thường niên công bố hôm nay 18/09/2018, Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc tố cáo Bắc Kinh thiếu thiện chí trong việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài qua nạn phân biệt đối xử, những quy định không rõ ràng…mặc dù liên tục hứa hẹn cải cách.
Những chỉ trích trên đây được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đợt hai lên hàng Trung Quốc nhập khẩu. Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, ông Mats Harborn nhấn mạnh « gốc rễ của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chính là do Bắc Kinh không chịu mở cửa hoàn toàn thị trường Hoa lục ».
Bản báo cáo dài 400 trang nhận định, Trung Quốc đã có một số tiến bộ như giảm thuế hải quan, mở rộng thêm đôi chút trên thị trường tài chính và thiết bị y tế. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngoại quốc vẫn phải cạnh tranh một cách bất bình đẳng tại Hoa lục.
Phòng Thương mại Châu Âu đại diện cho 1.600 công ty làm ăn tại Trung Quốc, tố cáo các tập đoàn quốc doanh chiếm độc quyền trong nhiều lãnh vực, và doanh nghiệp nước ngoài cũng không được tham gia thị trường đấu thầu của nhà nước do thiếu minh bạch và tùy tiện.
Đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc kế hoạch « Con đường tơ lụa mới », có đến 90% số hợp đồng rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Luật an ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017 đặc biệt bị đả kích, do quy mô dữ liệu bị kiểm soát không được quy định rõ ràng.
Cũng theo ông Harborn, chính quyền Bắc Kinh qua các động thái tái cấu trúc muốn làm cho các tập đoàn quốc doanh « lớn hơn và hiệu quả hơn », nhưng trên thực tế không có lợi lộc gì cho việc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180918-doanh-nghiep-chau-au-to-cao-phai-canh-tranh-bat-binh-dang-tai-trung-quoc

Châu Âu yêu cầu Trung Quốc cụ thể hóa lời hứa mở cửa thị trường

mediaKhu trung tâm văn phòng thương mại tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 29/08/2017REUTERS/Jason Lee
Phòng Thương Mại Châu Âu tại Trung Quốc hôm nay 19/09/2017 yêu cầu Bắc Kinh bãi bỏ những hạn chế và các quy định gây trở ngại cho đầu tư nước ngoài. Châu Âu lấy làm tiếc là tuy Trung Quốc hứa hẹn mở rộng cửa thị trường, nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì cụ thể.
Tháng Giêng năm nay tại Diễn đàn Davos, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã long trọng hứa « sẽ mở rộng cánh cửa ». Tiếp theo bài diễn văn ấn tượng này là thông tư của chính phủ dự kiến « tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng » « nỗ lực nhiều hơn để thu hút vốn nước ngoài ».
Tuy nhiên trong bản báo cáo thường niên dày 400 trang công bố hôm nay, Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh với giọng điệu đầy thất vọng, nêu chi tiết về các rào cản đủ loại, và tâm trạng bất an của các nhà đầu tư. Báo cáo nhấn mạnh, các công ty châu Ấu « đã chán ngán trước những lời hứa không bao giờ được thực hiện », đề nghị chế độ Bắc Kinh « thay lời nói bằng hành động cụ thể », và chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với các công ty có vốn nước ngoài.
Theo kết quả thăm dò công bố hồi tháng Năm, có 54% doanh nghiệp châu Âu cho rằng họ bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc. Chủ tịch Phòng Thương Mại, ông Mats Harborn cho biết : « Đầu tư Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái tăng 77%, trong khi đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu (EU) vào Trung Quốc sụt giảm mất một phần tư, và tiếp tục giảm 23% trong nửa đầu năm nay. »
Tài chính, điện tử, dịch vụ tư pháp, xe hơi…rất nhiều lãnh vực được EU mở cửa cho đầu tư Trung Quốc, ngược lại Bắc Kinh buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với một đối tác địa phương, thậm chí cấm hẳn. Theo ông Harborn, tình trạng bất bình đẳng này không thể kéo dài.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170919-chau-au-yeu-cau-trung-quoc-cu-the-hoa-loi-hua-mo-cua-thi-truong

Uỷ Ban Châu Âu muốn kiểm soát đầu tư Trung Quốc

mediaChủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu trước Nghị Viện châu Âu, tại Strasbourg, ngày 13/09/2017.AFP/Patrick Herzog
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo một « khuôn khổ » hành động chung kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ các lãnh vực kinh tế chiến lược của Liên Hiệp trước làn sóng xâm nhập của Trung Quốc.
Trong thông điệp đọc tại Nghị Viện Châu Âu, thành phố Strasbourg, hôm 13/09/2017, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị là từ nay « mỗi khi một doanh nhân nước ngoài muốn mua lại một hải cảng chiến lược, một phần của công nghiệp năng lượng hay hạ tầng cơ sở chiến lược và quốc phòng thì dự án đó phải được minh bạch và phải được xem xét kỹ càng và có tranh luận ».
Biện pháp trao thêm quyền hạn cho Bruxelles trong công việc kiểm soát đầu tư quan trọng được ba nước Pháp, Đức và Ý ủng hộ. Trái lại, một số nước nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, do cần tiền để « thoát khủng hoảng tài chính » e rằng biện pháp này sẽ làm giảm đầu tư nước ngoài.
Theo AFP, đề nghị của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đặc biệt nhắm vào Trung Quốc. Qua đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các công ty quốc doanh, bị tố cáo khai gian để mua lại công nghệ tân tiến của đối tác châu Âu với giá rẻ mạt.
Cụ thể là vào năm 2016, chính phủ Đức đã bất lực nhìn tập đoàn Midea của Trung Quốc lấy hết công nghệ « made in Germany » của nhà máy cơ khí Đức Kula với giá có 4,6 tỷ euro.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170913-lien-hiep-chau-au-bruxelles-muon-«-kiem-soat-dau-tu-»-trung-quoc

Kiểm soát đầu tư Trung Quốc ở châu Âu : Pháp lẻ loi

mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Bruxelles, ngày 22/06/2017.REUTERS/Gonzalo Fuentes
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn Ủy Ban Châu Âu có thêm nhiều quyền hành để kiểm soát những dự án đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu, nhằm bảo vệ những lĩnh vực công nghiệp chiến lược. Thế nhưng, theo hãng tin AFP, các lãnh đạo khác của châu Âu, họp thượng đỉnh trong hai ngày 22 và 23/06 ở Bruxelles, sẽ bác bỏ đề nghị đó.
Vào năm ngoái, nước Đức và Liên Hiệp Châu Âu đã bất lực đứng nhìn công nghệ cao cấp « made in Germany » bị chuyển giao cho Trung Quốc qua việc tập đoàn điện tử gia dụng Midea của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất máy công cụ Kuka của Đức với giá 4,6 tỷ euro.
Từ đầu thập niên 2000, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng mạnh. Tính đến năm 2016, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đã lên đến mức kỷ lục là 46 tỷ đôla, tăng đến 90% từ năm 2015.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau mua lại các công ty trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của châu Âu, nhất là của Đức. Điều này đã gây lo ngại ngày càng nhiều, bởi vì qua những vụ mua bán, các công ty Trung Quốc, trong đó có cả các công ty Nhà nước, thâu tóm những công nghệ cao cấp của châu Âu với giá rẻ mạt một cách bất chính.
Trong thời gian tranh cử tổng thống Pháp, cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron đã đề nghị thiết lập ở cấp độ châu Âu một « công cụ kiểm soát các đầu tư ngoại quốc ở châu Âu », chủ yếu nhắm vào các đầu tư của Trung Quốc. Tổng thống Macron đã dự định đưa đề nghị này ra biểu quyết tại thượng đỉnh Bruxelles, với sự ủng hộ kín đáo của Đức.
Thế nhưng, nhiều nước châu Âu lại không muốn như thế. Theo bản dự thảo văn kiện kết thúc thượng đỉnh Bruxelles, các nước này chỉ chấp nhận yêu cầu Ủy Ban Châu Âu xem xét « những nhu cầu » của Liên Hiệp Châu Âu trong vấn đề này. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, được hãng tin AFP trích dẫn, đây là một « thỏa hiệp » để không làm mất mặt tổng thống Macron, một nhân vật chủ trương đẩy mạnh hợp nhất châu Âu, nên rất được ủng hộ ở Bruxelles.
Tuy đề nghị của ông chưa được thông qua, nhưng tổng thống Macron ít ra đã đạt được một điều, đó là thượng đỉnh châu Âu đề cập đến vấn đề kiểm soát một số đầu tư trực tiếp ngoại quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm và sẽ yêu cầu Ủy Ban Châu Âu nghiên cứu việc này.
Tổng thống Pháp nói rõ quan điểm của ông là, về thương mại, châu Âu hoàn toàn đi theo hướng tự do mậu dịch, nhưng phải biết bảo vệ lợi ích của mình khi những quốc gia khác không tuân thủ một số quy định.
Tuy vậy, như lời của ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, kiểm soát đầu tư nước ngoài là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, vì một số quốc gia như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha rất cần đến đầu tư ngoại quốc để kinh tế nước họ tiếp tục tăng trưởng, cho nên họ chống lại đề nghị của tổng thống Macron. Những quốc gia khác cũng không đồng tình với lãnh đạo Pháp, vì chủ trương của họ là phải mở cửa hoàn toàn các thị trường.
Tóm lại, làm sao dung hòa được tự do lưu thông vốn với việc bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược, đó là thách đố đang đặt ra cho các lãnh đạo châu Âu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170623-kiem-soat-dau-tu-trung-quoc-o-chau-au-phap-le-loi

Không chỉ Đức, cả thế giới sợ đầu tư Trung Quốc

mediaĐồng bảng Anh, nhân dân tệ, đô la Hồng Kông, đô la Mỹ và đồng euro. Ảnh minh họa.REUTERS
Chính phủ Đức mới đây đã ngăn chặn Quỹ Đầu Tư Phúc Kiến của Trung Quốc (Fujian Grand Chip Investment Fund, FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Quyết định này cho thấy Berlin cảm thấy bị đe dọa trước những khối lượng đầu tư của Trung Quốc, tính trong sáu tháng đầu năm 2016 đã lên đến 10 tỉ euro.
Trong số ra ngày 27/10/2016, Le Figaro nhận định trên trang nhất, nỗi sợ này không chỉ có riêng ở Đức mà « thói háu ăn của Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ ». Chưa hết năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi đến 200 tỉ đô la để đầu tư và mua lại các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực. Con số thống kê sơ bộ này đã khiến nhiều quốc gia châu Âu giật mình và tăng cường kiểm soát, mà Đức là ví dụ mới nhất.
Tuy nhiên, phải nói là Trung Quốc « háu ăn » nhưng có chọn lọc. Tại Pháp chẳng hạn, theo bài xã luận của Le Figaro, các nhà đầu tư Trung Quốc chi nhiều tỉ đô la trong các lĩnh vực nguyên tử, hóa học, công nghệ robot, khách sạn, trang trại trồng nho sản xuất rượu hay câu lạc bộ bóng đá.
Vậy « còn ai khác sợ đầu tư Trung Quốc ? ». Trước hết, phải kể đến Úc. Theo Le Figaro, chỉ riêng quốc gia Thái Bình Dương này đã thu hút đến 1/3 tổng số đầu tư ra ngước ngoài của Trung Quốc. Ngay từ cuối thập niên 1990, Úc là một trong những điểm đầu tư được các doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng nhất, dưới sự chỉ đạo của trung ương, để thâm nhập vào nguồn tài nguyên. Sau đó, Bắc Kinh nhắm đến lĩnh vực chăn nuôi và hệ thống điện lực. Tuy nhiên, gần đây, Canberra đã nhanh chóng ngăn chặn một số thương vụ vì lý do an ninh quốc gia.
Việc các tập đoàn Trung Quốc đổ vốn vào kinh đô điện ảnh Hollywood khiến công luận Mỹ lo ngại. Còn Berlin phải chịu thua trước tập đoàn Midea của Trung Quốc khi mua lại công ty Kuka, nổi tiếng trong lĩnh vực robot với các khách hàng quan trọng như Airbus, Audi hay Mercedes.
Nhận thấy sự phản kháng của các nước phương Tây, tại thượng đỉnh G20, tổ chức đầu tháng 09/2016, ở Hàng Châu, Bắc Kinh đã « mở lời » mời các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước bắt đầu tính đến việc tăng cường về mặt pháp lý để có khả năng kiểm tra các thương vụ. Đây cũng chính là nhận định của bài xã luận trên Le Figaro : « bảo vệ mô hình tự do không đồng nghĩa với « ngây thơ » ». Hoa Kỳ hiểu rõ điều này khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Pháp và một số nước khác cũng có những điều khoản đặc biệt để bảo vệ các lĩnh vực được cho là nhạy cảm.
Trung Quốc dùng tiền mua kiến thức và ảnh hưởng
Nhìn từ Trung Quốc, chiến lược đầu tư của Bắc Kinh được Le Figaro cho là để « tìm kiếm bí quyết và ảnh hưởng », đồng thời tăng cường ảnh hưởng của chủ tịch Tập Cận Bình đối với những cơ cấu nhà nước quan trọng, trong đó có lĩnh vực kinh tế.
Theo giải thích của chuyên gia kinh tế Hồ Tinh Đẩu (Hu Xing Dou), thuộc đại học Công Nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc « có ngân quỹ hơn 3.000 tỉ đô la » phục vụ cho « những đầu tư sinh lợi ở nước ngoài, trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng có ít cơ hội » do nền kinh tế chững lại. Không còn hài lòng là « công xưởng của thế giới », Bắc Kinh tìm cách bổ xung những gì còn thiếu : kinh nghiệm-bí quyết và các thương hiệu nổi tiếng mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Đam mê đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh nằm trong chiến lược quy mô hơn nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Với việc thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài nước, Trung Quốc tham gia vào hội đồng quản trị và có thể tác động đến chiến lược của các doanh nghiệp phương Tây. Một mục tiêu cơ bản là để cải thiện hình ảnh của cường quốc thứ hai thế giới, mà thường được gọi là « quyền lực mềm » : một khi nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng (các câu lạc bộ bóng đá hay các công ty sản xuất phim ảnh ở Hollywood), người ta buộc phải nhắc đến các tập đoàn Trung Quốc.
« Chính phủ Trung Quốc phản ứng ngay lập tức nếu một doanh nghiệp không được phép kí kết hợp đồng » theo nhận định của một chuyên gia kinh tế về châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis. Anh Quốc là ví dụ điển hình. Cuối tháng 07/2016, khi thủ tướng Theresa May đưa ra ý định hoãn quyết định về nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, đại sứ Trung Quốc tại Anh, tức giận, đã dùng ngôn từ ngoại giao công khai dọa bà về việc trả đũa thương mại. Cuối cùng, Luân Đôn đành chấp nhận để tổng công ty điện hạt nhân CGN Trung Quốc tiếp tục đầu tư với tập đoàn EDF của Pháp vào dự án điện nguyên tử.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161027-khong-chi-duc-ca-the-gioi-so-dau-tu-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten