Các vương triều Đông Nam Á
Sau nhiều tháng lâm trọng bệnh, ngày 13/10/2016, Vua Bhumibol Abdulyadej vừa qua đời tại bệnh viện Sirijaj, thủ đô Bangkok, Thái Lan, thọ 88 tuổi.
Quốc vương Bhumibol là vị vua trị vì lâu nhất thế giới đến nay, trong 70 năm, từ 1946 đến 2016.
Con trai của Ngài, Thái tử Maha Vajiralongkorn (63 tuổi) là người kế vị ngai vàng của Vương triều Thái Lan.Quốc vương Bhumibol là vị vua trị vì lâu nhất thế giới đến nay, trong 70 năm, từ 1946 đến 2016.
Cuộc đời Vua Bhumibol (1927-2016)
Sau cái chết mờ ám của anh cả, vua Ananda Mahidol (Rama VIII), bị đạn bắn vào đầu vì "tai nạn" trong cung điện hoàng gia ngày 9/6/1946 (thọ 21 tuổi), Bhumibol lúc đó vừa đúng 18 tuổi được cử lên thay.Nhưng ông chỉ chính thức lên ngôi ngày 05/05/1950, sau khi hoàn tất chương trình học vấn tại Thụy Sĩ, với vương hiệu Rama IX.
Sinh ngày 5/12/1927 tại Cambridge, bang Massachusetts (Hoa Kỳ), Bhumibol cùng các em được cha là hoàng tử Mahidol Abdulyadej cho theo học các trường danh tiếng nhất Châu Âu. Tiếp nối truyền thống đó, bốn người con sau này của vua Bhumibol cũng đều được đưa sang Châu Âu học tại các truờng danh tiếng.
Nói chung, hoàng gia Thái dưới thời Vua Bhumibol đều theo Tây học, nghĩa là rất phóng khoáng và tiến bộ.
Xuất thân từ dòng dõi vương triều Chakri, thành lập từ năm 1720, vua Bhumibol đã để lại nhiều dấu ấn trong suốt 70 năm trị vị Thái Lan.
Mặc dù chế độ quân chủ tuyệt đối Xiêm La (Siam) đã bị Hiến pháp bãi bỏ sau đảo chánh của quân đội năm 1932, vua Bhumibol đã dần dần phục hồi lại vai trò chủ đạo của hoàng gia trong một Thái Lan vừa kiệt quệ về kinh tế vừa mất uy tín trên chính trường quốc tế, vì đã hợp tác với Nhật xây dựng trục Đại Đông Á chống Hoa Kỳ và đồng minh tại Châu Á.
Sau khi quân Nhật đầu hàng ngày 2/9/1945, những vùng lãnh thổ rộng lớn do quân Thái chiếm giữ tại Campuchia, Lào, Miến Điện và Malaysia đều bị thu hồi, lãnh thổ Thái Lan đã bị thu hẹp lại như hiện nay.
Bất mãn trước sự yếu kém của quân đội, dân chúng Thái quay sang ủng hộ hoàng gia, Vua Bhumibol trở thành biểu tượng sùng kính của toàn dân. Tại nhiều nơi, dân Thái lập đền thờ nhà vua và hoàng hậu.
Hàng năm cứ đến ngày 5/12 cả nước tổ chức sinh nhật nhà vua. Một cách vô tình, Quốc vương Bhumibol được thờ cúng như một vị Vua-Trời (Deva-Raj) theo truyền thống Ấn Độ giáo, nhưng hoàng gia Thái chọn Phật giáo là tín ngưỡng chính.
Trong những ngày sắp tới, tượng cố vương Bhumibol sẽ được tạc và thờ trong các chùa chiền như một Bồ tát.
Biết cách thu hút và vận động quần chúng theo phong cách Hoàng gia Anh, mỗi chuyến công du hay viếng thăm của Vua Bhumibol đều được chuẩn bị kỹ càng để mỗi cái vẫy tay hay vén màn trong xe hơi được giới truyền thông quay chụp và phổ biến rộng rãi.
Càng được biết đến, uy tín và hào quang của nhà vua càng được nâng cao. Càng được nâng cao, đức độ của Ngài càng được giới chính trị và quân đội kính nể. Mỗi khi đất nước lâm vào bế tắc, sau những cú đảo chính hay lật đổ chính quyền, các tướng lãnh quân đội và chính trị gia tên tuổi đều đến quì lạy xin vua ban ân sủng hay ủng hộ.
Do đó, mặc dù không cầm quyền trực tiếp, Vua Bhumibol đã điều hành đất nước theo như ý mình muốn, nghĩa là giữ Thái Lan trung lập trong mọi xung đột khu vực hay quốc tế.
Trong cuộc chiến Việt Nam từ 1961 đến 1975, tuy là đồng minh của Hoa Kỳ, Thái Lan đã đạt được mọi giúp đỡ đáng kể để phát triển đất nước, từ hạ tầng cơ sở đến nâng cao mức sống người dân và mở mang đất nước. Thái Lan bắt đầu phát triển mạnh với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam.
Khuyến khích giới quân nhân cầm quyền giữ quan hệ với Hoa Kỳ, Vua Bhumibol muốn Thái Lan tách hẳn khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, cả vế ý thức hệ lẫn văn hóa, mặc dù toàn bộ nền kinh tế Thái Lan nằm trong tay người Thái gốc Hoa.
Chỉ gần đây, do tuổi già sức yếu, tranh chấp chính trị giữa quân đội và phe phái chính trị đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Vua Bhumibol.
Tranh chấp giữa phe áo đỏ ủng hộ hai cựu Thủ tướng Yingluck và Thaskin Shinawatra và quân đội ngày càng sâu rộng, gây chia rẽ trong sinh hoạt chính trị Thái mà ngư ông đắc lợi không ai khác hơn là Bắc Kinh.
Cố gắng duy trì một Thái Lan trung lập, không lệ thuộc vào Trung Quốc trong suốt 70 năm trị vì của Vua Bhumibol đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc phá vỡ, vì cả hai phe áo đỏ và quân đội đều được lệ thuộc Bắc Kinh cả về chi viện lẫn cố vấn chính trị.
Nếu không có gì thay đổi, trong những năm sắp tới, Thái Lan sẽ trở thành một mắc xích chủ yếu trong chiến lược của Bắc Kinh xây dựng hành lang kinh tế từ Vân Nam xuống tận vịnh Thái Lan.
Cũng không phải tình cờ tài sản của hoàng gia Thái đã "vô tình" được các cơ quan truyền thông quốc tế (Forbes, Challenge, Paris Match…) tiết lộ với 35 tỷ USD, được xếp vào hạng giàu nhất thế giới, hơn hẳn các hoàng gia dầu lửa vùng vịnh và hoàng gia Anh.
Tài sản khổng lồ này đã gây ra một làn sóng giận dữ, đặc biệt là dân chúng Hồi giáo sinh sống ở miền cực nam, dọc vùng biên giới Malaysia, và người thiểu số nghèo khó sinh sống trên các lãnh thổ phía bắc, dọc vùng biên giới với Trung Quốc.
Có thể sau Quốc vương Bhumibol, triều đại Chakri sẽ đi vào dĩ vãng nhường chỗ cho khuynh hướng quân phiệt thân Trung Quốc cầm quyền trong suốt thời gian dài kế tiếp.
Các vương quyền khác tại Đông Nam Á
Tại Đông Nam Á, vương quyền Thái Lan là một trường hợp đặc biệt cầm quyền lâu dài nhất với gần 300 năm tồn tại (từ 1720 đến nay).Những triều vương khác, như tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Miến Điện, Indonesia và Malaysia, không có tuổi thọ đó. Và nếu được dàn dựng đề có thì cũng không có hào quang như vương triều Thái Lan. Hiện nay, sau Thái Lan, chỉ còn lại Campuchia và Brunei là hai quốc gia còn duy trì chế độ vương quyền.
Tuy vẫn còn mang tên là Vương quốc Cambodge, vương quyền Khmer ngày nay chỉ còn hư danh, tất cả mọi quyền lực đều tập trung vào một người : Hun Sen, Thủ tướng từ năm 1985 đến nay (31 năm) và không có dấu hiệu nào sẽ dừng lại trong những năm sắp tới.
Trong thực tế, Hun Sen muốn tiếp nối vai trò của Norodom Sihanouk (làm vua trong suốt 50 năm, từ 1955 đến 2004) và củng cố gia đình của ông thành một thế lực để lãnh đạo lâu dài đất nước Campuchia.
Con cái và gia tộc Hun Sen đều được thăng cấp và nắm giữ những chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy đảng, chính quyền, quân đội, công an và an ninh. Nếu không có biến cố nào đặc biệt, gia tộc Hun Sen sẽ trở thành một kiểu hoàng gia mới trong sinh hoạt chính trị tại Campuchia cho những năm tháng sắp tới.
Hoàng gia Norodom sẽ ra sao? Đương kim quốc vương Norodom Sihamoni hiện nay chỉ là bù nhìn. Ông bị chỉ định làm vua chứ không do mong muốn. Là một nghệ sĩ và nhà văn hóa, vua Sihamoni chỉ muốn được sinh sống tại Pháp và sinh hoạt trong cương vị một học giả chuyên thâm về văn hóa Khmer hơn là làm vua hư vị.
Người có khả năng chính trị để thay thế Sihanouk là Norodom Rannarith, 72 tuổi, anh cùng cha khác mẹ với Sihamoni.
Nhưng Rannarith đã bị Hun Sen vô hiệu hóa từ năm 1997. Những người còn mang họ Norodom khác hiện nay đều muốn an phận với những địa vị đang có, và cũng không ai muốn phiêu lưu tranh quyền với "vua" Hun Sen.
Chỉ còn lại Tiểu vương quốc Brunei Daussalam, với 5.765 km2 và 436.000 dân.
Sự tồn tại của vương quốc tí hon này trong lãnh thổ đảo Sarawak là một bất thường được thương lượng giữa Anh và Malaysia. Dưới sự cai trị độc đoán của quốc vương Hassanal Bolkiah, Brunei là một quốc gia khép kín với thế giới bên ngoài và sống nhờ nguồn dầu hỏa ngoài khơi Biển Đông.
Quốc vương Hasanal Bolkiah được tạp chí Forbes xếp vào hạng người giàu có nhất Trái Đất, với trên dưới 50 tỷ USD tài sản.
Riêng tại Lào, những dinh thự của các dòng họ vua vẫn còn được giữ nguyên tại Luang Prabang để làm thắng cảnh thu hút du khác. Thực ra vương triều Lào có thời gian trị vì ngắn nhất Châu Á, 30 năm, từ 1945 đến 1975.
Trong thực tế, vương triều Lào chỉ là hư cấu vì chưa bao giờ có thực quyền, tất cả đều do người Pháp quyết định (1945-1955), tiếp theo sau là Hà Nội và Washington trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1960-1975).
Khoảng thời gian từ 1955 đến 1960 là sự tranh giành quyền lực giữa hai anh em Souvanna Phouma (theo Mỹ) và Souphanouvong (theo Hà Nội) để rồi sau đó do quân đội Mỹ và Bắc Việt chỉ đạo. Ngày nay, dòng họ vua Lào tản mác khắp nơi và vẫn tiếp tục chia rẽ và tranh chấp lẫn nhau như còn dưới thời quốc-cộng.
Dòng họ vua nhà Nguyễn của Việt Nam cũng không hơn gì Lào.
Mất quyền từ năm 1884, dòng họ Nguyễn vẫn được duy trì danh vị cho tới khi vua Bảo Đại từ bỏ ngai vàng năm 1945. Sau 1954, Đảng Cộng sản ở miền Bắc đã triệt tiêu những gì còn sót lại của thời phong kiến.
Tại miền Nam, một số nhân vật có tên tuổi dưới thời vua Bảo Đại vẫn còn sinh hoạt trong chính quyền và quân đội chế độ miền Nam, nhưng tất cả đều chấm dứt sau ngày 30/4/1975, khi Đảng Cộng sản làm chủ toàn bộ đất nước. Những gì còn lại của dòng họ nhà Nguyễn hiện nay chỉ là văn hóa và truyền thống trang phục, ẩm thực từ Huế.
Trừ Miến Điện, Indonesia và Malaysia từ thời lập quốc đến nay chưa bao giờ là những vương quốc đúng nghĩa, mặc dù là sự kết hợp của nhiều tiểu vương quốc.
Chế độ tiểu vương quốc tại Indonesia đã gần như bị giải thể và được thay thế bằng chế độ cộng hòa. Riêng tại đảo Bali, chế độ tiểu vương vẫn còn tồn tại trong những dịp lễ lạc Ấn độ giáo, hoàn toàn không mang tính chính trị.
Tín ngưỡng Hồi giáo không cho phép của vị tiểu vương theo Ấn Độ giáo giữ bất cứ vai trò lãnh đạo nào dù là văn hóa hay tôn giáo.
Malaysia ngày nay là một liên bang gồm nhiều lãnh thổ và bang, còn gọi là tiểu vương quốc. Liên bang Malaysia theo chế độ quân chủ lập hiến, vị vua chung được bầu theo phương thức luân phiên giữa 9 tiểu vương (sultan) của 9 tiểu vương quốc (sultanat), trong một nhiệm kỳ là 5 năm. Trong thực tế, chế độ quân vương tại Malaysia không thể kể là chế độ quân chủ vì không có vấn đề cha truyền con nối, tất cả chỉ là biểu tượng vì không tiểu vương nào có chính danh trên toàn lãnh thổ.
Miến Điện trước kia là một đế quốc hùng mạnh của người Birman, nhưng sau đó suy yếu dần và bị phân chia thành nhiều tiểu vương quốc sắc tộc riêng.
Được thành lập từ thế kỷ 10, người Birman đã không ngừng chinh phục của sắc dân chung quanh và kiến tạo quanh lưu vực sông Irrawaddy một trung tâm quyền lực nằm giữa vùng ảnh hưởng của Trung Hoa và Ấn Độ.
Do không canh tân, đế quốc Birman đã bị quân viễn chinh Anh đánh bại năm 1824, lãnh thổ thu bị hẹp dần và mất hẳn vào tay người Anh năm 1886. Từ sau ngày đó, vương triều Miến Điện mất hết uy quyền và để mặc cho của tiểu vương địa phương xưng hùng xưng bá khắp nơi.
Từ sau khi được Anh trao trả độc lập ngày 19/7/1947, Miến Điện trở thành một liên bang gồm nhiều sắc tộc, nhưng lại rơi vào nội chiến triền miên giữa các phe phái chính trị và sắc tộc. Phải chờ tới năm 1962, tướng Ne Win mới bình định được đất nước và đã cai trị Miến Điện dưới bàn tay sắt trong suốt 26 năm, từ 1962 đến 1988.
Các chế độ quân phiệt sau đó, tuy có mềm mỏng hơn nhưng quyết không để cho các phe nhóm chống đối trung ương ngóc đầu dậy. Để duy trì và bảo vệ quyền lợi của mình, lãnh tụ những tiểu vương quốc sắc tộc trong liên bang thành lập những lực lượng vũ trang riêng và sinh sống bằng các nghề bất chính như buôn bán á phiện và vũ khí.
Trước sự chia rẽ và tranh chấp giữa các phe nhóm quân sự và sắc tộc, dân chúng Miến Điện hiện nay muốn tái lập lại chế độ quân vương, mà bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng. Trở thành hiện thực hay không là một chuyện khác vì Bắc Kinh không để yên cho Miến Điện có dân chủ và tách ra khỏi quỹ đạo của mình.
Kết luận
Sự ra đi của vua Bhumibol để lại một khoảng trống lớn trong vai trò làm gạch nối liền giữa quần chúng và chính quyền tại Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung.Các chế độ quân chủ ngày nay tuy không còn là giải pháp để cai trị đất nước nhưng dầu sao cũng vẫn là biểu tượng "lành mạnh" hóa sinh hoạt chính trị vì không thực sự cầm quyền. Một chức danh cần thiết để tránh nội loạn hay nội chiến.
Câu hỏi là nay ai còn có hào quang của Vua Bhumibol để giữ gìn sự cân bằng giữa sinh hoạt chính trị và bảo vệ quyền lợi của người dân tại các quốc gia Đông Nam Á?
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy từ Paris.
Tin liên quan
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-37678425
Geen opmerkingen:
Een reactie posten