dinsdag 19 juli 2016

Biển Đông: Oanh tạc cơ Trung Quốc bay qua + chặn tàu Philippines vào bãi cạn Scarborough

Biển Đông: Oanh tạc cơ Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough

mediaOanh tạc cơ Trung Quốc H-6K bay qua không phận bãi cạn Scarborough, ở Biển Đông (ảnh do Không quân Trung Quốc đăng trên mạng xã hội ngày 14/07/2016)@weibo.com
Bắc Kinh công bố hình ảnh oanh tạc cơ hiện đại nhất của Trung Quốc H-6K đã bay qua bãi cạn Scarborough vài ngày sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Giới quan sát coi đây là hành động mới trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc trên không phận Philippines.
Cuối tuần qua, hình ảnh oanh tạc cơ H-6K bay qua bãi cạn Scarborough được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội Vi Bác. Đây là loại máy bay ném bom hiện đại nhất của Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tờ báo Mỹ Forbes ấn bản ngày 17/07/2016 nhấn mạnh, hành động nói trên là thông điệp cứng rắn Bắc Kinh gửi đến Washington : Trung Quốc có khả năng đáp trả một cách tương xứng những hành vi của Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây, chiến đấu cơ Thunderbird A-10 của Mỹ, rồi máy bay B-52 đã nhiều lần bay qua vùng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhân danh quyền « tự do lưu thông hàng hải ».
Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu mạnh Trung Quốc gửi đến cả Phlippines lẫn Hoa Kỳ về quyết tâm của Bắc Kinh không từ bỏ bản đồ đường 9 đoạn đối với Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, và nhiều đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa.
Một cựu lãnh đạo Tình báo Hải quân Hoa Kỳ James Fanell, gắn liền việc máy bay ném bom bay ngang qua bãi Scarborough với phán quyết của Tòa La Haye hôm 12/07/2016. Theo tòa, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông căn cứ theo bản đồ đường 9 đoạn.
Một điểm đáng chú ý khác là lần đầu tiên Không quân Trung Quốc cho phổ biến rộng rãi hình ảnh của oanh tạc cơ H-6K cất cánh từ Hoa lục để bay ngang bãi đá Scarborough. Theo cựu lãnh đạo Tình báo Hải quân Mỹ, James Fanell thì đây là một chiến dịch tuyên truyền có hệ thống của Bắc Kinh.
Bãi cạn Scarborough được đặt dưới quyền quản lý của Philippines nhưng Bắc Kinh căn cứ trên bản đồ đường « lưỡi bò 9 đoạn» để khẳng định chủ quyền với thực thể này.
Thứ Sáu 15/07/2016 hải cảnh Trung Quốc không cho phép ngư dân Philippines vào đánh bắt cá trong khu vực bãi cạn Scarborugh. Trước đó, một tàu cá Trung Quốc đã bám sát và ngăn cản một số phóng viên của đài truyền hình Phiilippines ABS-CBN đến bãi cạn Scarborough.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-oanh-tac-co-trung-quoc-bay-qua-bai-can-scarborough

Trung Quốc chặn tàu Philippines vào bãi cạn Scarborough

mediaTầu tuần duyên Trung Quốc từng ngăn cản một tầu chở phóng viên của Philippines đến Scarbourough ngày 29/03/2014.REUTERS/Erik De Castro/Files
Sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016, phóng viên một hãng truyền hình Philippines, cùng tàu cá nước này tìm cách tiếp cận bãi cạn Scarborough, nhưng đã bị tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn.
Theo AP, ngày 14/07, một chiếc tàu đánh cá chở các phóng viên của kênh truyền hình Philippines ABS-CBN tới khu vực này, thoạt tiên bị một tàu cá Trung Quốc ngăn cản, tiếp theo đó, tuần duyên Trung Quốc xuất hiện buộc tàu phải đổi hướng.
Chiểu theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hành xử trái phép khi cản đường các tàu Philippines tại khu vực này. Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 km. Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát địa điểm này từ năm 2012.
Ngay sau sự cố nói trên, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay một lần nữa kêu gọi các bên liên quan trong hồ sơ Biển Đông kiềm chế. Theo ông, chính sách của Philippines là tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, và tiếp tục nỗ lực làm giảm các căng thẳng trong khu vực.
Philippines muốn cử cựu tổng thống đàm phán với Trung Quốc
Chủ trương của tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là tiếp tục đối thoại với Trung Quốc. Phát biểu tại Club Filipino, ngoại ô thủ đô Manila, ngày 14/07, tổng thống Duterte một lần nữa nhấn mạnh : « Chiến tranh không phải là một giải pháp ».
Nguyên thủ Philippines chính thức đề nghị cựu tổng thống Fidel Ramos, 88 tuổi, đứng đầu phái đoàn tới Trung Quốc đàm phán về Biển Đông, trên cơ sở phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực. Cựu tổng thống Fidel Ramos, cầm quyền từ 1992 đến 1996, là người có công lớn trong việc xây dựng Nhà nước Philippines hậu độc tài.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160715-tq-chan-tau-philippines-tai-bien-dong


Geen opmerkingen:

Een reactie posten