donderdag 28 juli 2016

Nhà Trung Quốc học người Bỉ Simon Leys, người cả gan đánh tan huyền thoại Mao Trạch Đông, với cuốn sách nổi tiếng "Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch",« Bóng đen Trung Hoa », « Những hình ảnh tan vỡ », « Rừng cháy »…



Simon Leys, người cả gan đánh tan huyền thoại Mao Trạch Đông


mediaNhà văn, nhà nghiên cứu Simon Leys, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch".DR

Tuần san Le Point kỳ này đăng bài phê bình sách của giải Nobel văn chương Pháp Mario Vargas Llosa. Ông đã đọc cuốn sách mới xuất bản của Pierre Boncenne, viết về Simon Leys, tác giả cuốn « Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch » - người đã nói lên sự thật và dũng cảm đối đầu với giới trí thức khuynh tả Pháp trong thập niên 60 đang say sưa với những huyền thoại xung quanh Mao Trạch Đông.
Nhà văn đoạt giải Nobel văn chương năm 2010 nhận xét, trong thập niên 60 đã diễn ra một hiện tượng là một bộ phận quan trọng trong giới trí thức Pháp ủng hộ và lý tưởng hóa Mao Trạch Đông cũng như cuộc Cách mạng văn hóa của ông ta.
Trong khi đó ngay tại Hoa lục, hồng vệ binh đang sỉ nhục các giáo sư, nhà nghiên cứu, khoa học gia, nghệ sĩ, nhà báo…trong đó nhiều người sau khi phải tự kiểm thảo do bị tra tấn, đã tự sát hay bị sát hại. Cơn điên tập thể này, được Mao cổ vũ trên toàn quốc, đã dẫn đến việc hủy hoại các tác phẩm nghệ thuật và công trình lịch sử, đàn áp thẳng tay những người bị quy là phản động. Xã hội Trung Quốc chìm trong làn sóng bạo lực, khiến hàng triệu người vô tội phải chết.
Trong tác phẩm « Chiếc dù của Simon Leys » do nhà xuất bản Philippe Rey ấn hành vừa ra mắt, Pierre Boncenne cho thấy trong khi đất nước khổng lồ châu Á phải chịu đựng thảm họa, tại Pháp những nhà trí thức nổi tiếng như Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Michel Foucault…lại coi Cách mạng văn hóa như một phong trào thanh lọc, có thể chấm dứt chủ nghĩa Stalin, tránh cho chủ nghĩa cộng sản khỏi nạn quan liêu, giáo điều, để thiết lập một xã hội cộng sản tự do không còn giai cấp.
Nhà Trung Quốc học người Bỉ Pierre Ryckmans, với bút danh Simon Leys, cho đến lúc đó không chú tâm đến chính trị lắm. Ông chuyên nghiên cứu về thi ca, hội họa Trung Quốc cổ điển và truyền thống Khổng giáo. Nhưng bức xúc trước tình trạng giới trí thức Pháp tán dương tai họa do Người cầm lái vĩ đại gây ra, Simon Leys đã quyết định đánh tan sự lầm lẫn này, qua việc cho ra đời một loạt sách tiểu luận. Có thể kể : « Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch », « Bóng đen Trung Hoa », « Những hình ảnh tan vỡ », « Rừng cháy »…Ông tiết lộ sự thật về những gì đang diễn ra tại Hoa lục, và đánh tan huyền thoại với lòng can đảm lớn lao và kiến thức thực tế về đề tài.
Cuốn sách của Pierre Boncenne kể ra những cuộc tấn công đáng xấu hổ vào Simon Leys, người dám đi ngược lại xu hướng chung. Những nhà văn khuynh tả cũng như khuynh hữu, các tờ báo uy tín như Le Nouvel Observateur, Le Monde lao vào thóa mạ, thậm chí tố cáo ông là nhân viên tình báo Mỹ. Không ít người coi Mao Trạch Đông là « thiên tài không thể tranh cãi của thế kỷ 20 », « một vị thần Prométhée mới ». Trong những năm ấy, rất ít trí thức như Jean-François Revel giữ được cái đầu lạnh, đứng lên bảo vệ Simon Leys.
Một mình chống lại tất cả, con người chính trực ấy can đảm đối đầu cả một tập thể, và cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức.
Thế giới phương Tây cuối cùng đã nhận ra rằng Cách mạng văn hóa chỉ là một cơn lên đồng tập thể, bị Mao lợi dụng để trừ khử các kẻ thù chính trị, củng cố quyền uy tối thượng. Những gì còn lại sau đó ? Hàng triệu người chết - những con người vô tội phải bỏ mạng trước một lớp trẻ say máu, nhìn thấy kẻ thù của giai cấp vô sản khắp nơi. Và một Trung Quốc ngày nay là một nước tư bản độc tài, tôn sùng tiền bạc.
Theo tác giả bài điểm sách, « Chiếc dù của Simon Leys » giúp cho người đọc hiểu được vì sao cuộc sống tinh thần đang trở nên nghèo nàn, giới trí thức không còn nhiều ảnh hưởng lên xã hội vì ảo tưởng, thiếu thực tế - như sự mê muội trước Cách mạng văn hóa. Điều này có nghĩa là các giá trị cần thiết đã bị giảm giá, như việc định ra ranh giới rõ ràng giữa sự thật và dối trá. Một nền văn hóa mà các ý tưởng không được coi trọng có thể khiến xã hội vắng bóng phản biện, và các nền dân chủ có nguy cơ sụp đổ.
Giải Nobel Mario Vargas Llosa cho rằng, cần phải cám ơn tác giả Pierre Bonnenne đã viết ra cuốn sách nhằm trả lại công bằng cho Simon Leys, hình mẫu của người trí thức lương thiện, chưa bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh cho sự thật.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150718-simon-leys-nguoi-ca-gan-danh-tan-huyen-thoai-mao-trach-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten