zondag 15 maart 2015

Project Vietnam (Mỹ) giúp vá môi, mổ hàm ếch cho 100 trẻ em nghèo Việt Nam

Project Vietnam vá môi, mổ hàm ếch cho 100 thiếu nghi nghèo VN
Saturday, March 14, 2015 1:47:17 PM






Bác Sĩ Quỳnh Kiều - Project Vietnam, và chuyến trở về thứ 19


Bài và ảnh: Luke Bùi/Người Việt

SÀI GÒN (NV)
- Trong 19 năm ròng rã cùng tổ chức Project Vietnam lặn lội đến các vùng xa xôi, nghèo khó của Việt Nam cứu giúp trẻ em nghèo, Bác Sĩ Quỳnh Kiều, người sáng lập dự án, đã nếm những vị ngọt và đắng.



Bác Sĩ Quỳnh Kiều hỏi thăm bà mẹ của một cháu bé 
mới 3 tháng tuổi đến từ Thanh Hóa để được phẫu thuật.

Tháng Ba, 2015, lần đầu tiên, chương trình này diễn ra tại một bệnh viện quân đội tại Sài Gòn mà chính bà Quỳnh Kiều cũng ngỡ ngàng vì phái đoàn được tạo điều kiện tốt hơn những chuyến trở về trước đó.

Lần đầu tiên tại Quân Y Viện

Sáng ngày 8 tháng Ba, 2015, Bệnh Viện Quân Y 175 có gần 100 trẻ em dị tật sứt môi, hở hàm ếch cùng bố mẹ đang chờ các bác sĩ của Project Vietnam khám và lên lịch mổ.
Dễ nhận thấy những gương mặt người Việt trong số y bác sĩ, sinh viên y khoa, nhân viên thiện nguyện người ngoại quốc đang xăng xái hỏi chuyện, thăm khám bệnh nhân. Một trong số đó, chị Phạm Ly Lan, hiện làm ở Bệnh Viện St.Mary”s (California) có chuyến đi Việt Nam đầu tiên cùng Project Vietnam.
Người bạn cùng phòng của chị Ly Lan là Phạm Kim Thư đã nghỉ hưu sớm, tình nguyện giúp Project Vietnam về hoạt động "hậu cần" của phái đoàn tại Việt Nam.
Sau khi họp với Bác Sĩ Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Bệnh Viện Quân Y 175 về lịch trình của đoàn, Bác Sĩ Quỳnh Kiều nói với nhà báo rằng bà cảm thấy rất vui vì không ngờ ban giám đốc một bệnh viện quân đội lại cởi mở và tạo điều kiện tốt cho phái đoàn đến vậy.
Bác sĩ Quỳnh Kiều cho biết, việc thực hiện công việc giải phẫu lần này tại Bệnh Viện 175 là do chính bệnh viện ngỏ lời mời Project Vietnam, tất nhiên sau khi họ đã xin phép Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Cục Quân Y.
Ngoài việc sắp xếp phòng mổ và trang thiết bị hiện đại theo yêu cầu của Project Vietnam, Bệnh Viện 175 còn cam kết không tính chi phí nằm viện với những bệnh nhân được Project Vietnam chữa trị.



Vợ chồng Bác Sĩ Quỳnh Kiều và ông Jimmy Lương sát cánh bên nhau suốt 19 năm cùng Project Vietnam.

Dự tính từ ngày 8 đến 13 tháng Ba, phái đoàn sẽ tiến hành mổ cho 75 ca, trong đó khoảng 45 ca sứt môi và 30 ca hở hàm ếch. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa, Cần Thơ... và biết tin về phái đoàn thông qua báo chí, mạng Internet và thông báo của Quỹ Vì Trẻ Em Khuyết Tật, đối tác của Project Vietnam.
Một số trường hợp đã được phái đoàn mổ sứt môi năm ngoái nay quay lại để vá hàm. Bên cạnh việc chữa trị bệnh nhi, phái đoàn của bà Quỳnh Kiều còn giúp huấn luyện chuyên môn cho các y bác sĩ tại Bệnh Viện 175.
Nhìn từ việc quản lý điều hành Project Vietnam, ông Jimmy Lương, cho biết chính uy tín của chương trình trong suốt 19 năm qua đã thuyết phục các bệnh viện công tại Việt Nam vượt qua nhiều rào cản để lần lượt nhận lời hợp tác, kể cả cơ sở y tế của quân đội như Bệnh Viện 175.

Hành trình của Project Vietnam

Chuyến đi Việt Nam lần này của đoàn với 115 thành viên Project Vietnam không chỉ gói gọn tại Bệnh Viện 175 mà còn kéo dài đến ngày 21 tháng Ba với những hoạt động khác: khám bệnh, chữa răng và bệnh thị giác tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; đào tạo việc chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh Viện Nhi Đồng 2 và Từ Dũ; huấn luyện về bệnh tim mạch tại Bệnh Viện Tâm Đức, Nhân Dân Gia Định và Bệnh Viện Tim Hà Nội và Hội Hồng Thập Tự, Bệnh Viện Sản-Nhi Nghệ An.
Ngay từ bây giờ, ông Jimmy Lương và bà Quỳnh Kiều đã có kế hoạch để đánh dấu năm thứ 20 của Project Vietnam vào năm 2016 bằng cách đặt chân đến những vùng lâu nay chưa được chính quyền Việt Nam cấp phép như Đắc Nông, Lâm Đồng, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Quảng Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa...
Vẫn theo Bác Sĩ Quỳnh Kiều thì nỗi day dứt lớn của bà và Project Vietnam là lâu nay, phái đoàn thường chỉ đến được những thành phố lớn trong lúc bị ngăn cản khi tìm cách đến những vùng, miền mà phương tiện y khoa tân tiến còn nhiều hạn chế, tỉ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tử vong cao, nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm...
Theo bà Quỳnh Kiều, tất cả thành viên tham gia Project Vietnam đều trên tinh thần thiện nguyện, tự bỏ tiền túi hơn $2,000, dành hết những ngày phép trong năm để đến Việt Nam với tinh thần phụng sự và hết lòng vì tôn chỉ hoạt động của tổ chức này.



Chị Phạm Ly Lan và Phạm Kim Thư (bên phải, đứng), thành viên 
Project Vietnam thăm hỏi bệnh nhi tại Bệnh Viện 175.

Tuy vậy, trong quá khứ, đã vài lần họ phải ngậm ngùi, rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì sở y tế địa phương chấp thuận nhưng phía công an nội vụ từ chối.
Chẳng hạn, Project Vietnam đã từng có dự định đến Đắk Lắk ba lần nhưng đều không thành công nên giờ chót phải chuyển hướng sang những tỉnh khác.
Bà Quỳnh Kiều còn nhớ như in năm 2010, phái đoàn 70 người đến Bắc Cạn sau hai ngày làm việc đầu tiên phải đi về với lời giải thích ngắn gọn và quen thuộc từ phía người đại diện địa phương, “Các anh chị giúp người là rất tốt nhưng phải đi chỗ khác!”
Rất may là lần đó, người điều phối chương trình đã kịp liên hệ với tỉnh Vĩnh Phúc để tạo điều kiện cho các y bác sĩ giúp bệnh nhân nghèo tại địa phương này.

“Đôi lúc, tôi có cảm tưởng là thời thế ngày càng dễ, chính quyền sở tại cởi mở hơn nhưng thực tế một số nơi có vẻ ngược lại. Nói thật, tôi và các cộng sự của mình không cần được tôn vinh là yêu nước hay những danh hiệu mỹ miều khác, mà chỉ cần được các địa phương tạo điều kiện tốt để Project Vietnam nối dài hành trình, đến được những phận người cần giúp đỡ trong lúc chẳng ai giúp họ,” Bà Quỳnh Kiều nói.




Anh Trần Trung Kiên đưa con gái Trần Ánh Phương, 18 tháng tuổi 
từ Lâm Đồng xuống Sài Gòn vá hàm trong chương trình của Project Vietnam.

Vẫn theo lời bà, “Những lần bị công an một số địa phương ngăn cản, các bác sĩ người Mỹ trong đoàn rất ngạc nhiên, hỏi tôi tại sao ở Việt Nam muốn đi giúp người mà lại bị làm khó. Những lúc như vậy, tôi cũng khó giải thích cho họ hiểu lý do rất mơ hồ. Dù vậy, tôi và các cộng sự của mình đã xác định rằng những khó khăn Project Vietnam gặp phải trên đường chưa bao giờ là ngáng trở, mà chính là thách thức để mọi thành viên thêm nhẫn nại, bền bỉ với mục tiêu mình đã chọn.” 
Người nghèo, sức khỏe bà mẹ trẻ em, hồi sức cấp cứu sơ sinh là những lý do níu kéo Project Vietnam trở lại Việt Nam mỗi năm ba lần. Bên lề câu chuyện với tôi trong một góc phòng chờ bệnh nhân tại Bệnh Viện 175, bà Quỳnh Kiều cũng cho biết là vợ chồng bà rất trân quý thành quả mà Project Vietnam đạt được trong 19 năm qua.
Bà tâm sự, “Chúng tôi luôn tránh điều tiếng không hay trong lúc đeo đuổi mục tiêu giúp người với Project Vietnam. Khó có thể nói chương trình này sẽ kéo dài đến đâu, nhưng trước mắt, trong gia đình tôi đã có sự tiếp nối. Tôi rất tự hào rằng con gái tôi đang học chuyên khoa tai mũi họng tại Mỹ nhưng đã tham gia hai chuyến đi Việt Nam cùng bố mẹ.”

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=204428&zoneid=310#.VQXL6elFC70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten