Sự kiện đang được tường thuật

Nhắn tin trực tiếp

BREAKING 04:00 tin mới nhất


Ông Lý Quang Diệu, người đã biến Singapore từ một thành phố cảng nhỏ bé thành một trung tâm toàn cầu thịnh vượng, vừa qua đời ở tuổi 91.
Ông Lý đã giữ vị trí thủ tướng của quốc gia chỉ có một thành phố này trong suốt 31 năm, và tiếp tục làm việc trong chính phủ cho tới tận 2011.
Tuyên bố được thư ký báo chí của Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu, đưa ra "với nỗi đau buồn sâu sắc".
"Thủ tướng vô cùng đau đớn thông báo ông Lý Quang Diệu, vị thủ tướng lập quốc của Singapore, đã qua đời," tuyên bố nói.
Văn phòng thủ tướng nói ông Lý đã ra đi thanh thản tại Bệnh viện Đa khoa Singapore vào lúc 03:18 thứ Hai, giờ địa phương (tức 19:18 GMT Chủ Nhật 22/3/2015).

04:18

Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 tại Singapore, trong gia đình thuộc thế hệ di dân thứ ba, gốc Hoa.

04:28


Ông Lý đã phải nhập viện từ mấy tuần qua do bị viêm phổi nặng. Trong dịp cuối tuần, người dân đã tới cầu chúc cho ông tại bệnh viện trong lúc tin tức nói sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng.

04:48


Tiến sĩ Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam nên học ba nguyên tắc xây dựng nhà nước mạnh của ông Lý Quang Diệu.
Theo vị chuyên gia người Việt sống tại Singapore, có ba nguyên tắc được ông Lý thực thi để xây dựng nhà nước mạnh tại Singapore - trọng hiền tài, thực dụng và trung thực.
Ông Khương nói công thức này có thể giúp đối phó vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam.
"Tưởng thưởng những người có tài năng, cống hiến sẽ là bước đột phá rất lớn.
"Thứ hai là hãy nói thực chất đất nước sẽ đi đến đâu 20, 30 năm nữa, làm sao vượt qua thách thức khu vực.

"Và phải trung thực. Đừng bắt cán bộ phải nói dối, xem như chuyện thường ngày," tiến sĩ Khương nhận định.

Bài học Lý Quang Diệu cho Việt Nam?

BLOG 04:52

New York Times Ông Lý là bậc thầy về "các giá trị Á châu", một khái niệm theo đó cái làm tốt cho xã hội cần được coi trọng hơn so với quyền của các cá nhân, và các công dân phải nhượng bộ một số quyền tự trị và chấp nhận sự cai trị gia trưởng.
Thường thụ động trong các quan hệ chính trị, người Singapore đôi khi thường tự trách mắng mình là quá chú trọng tới lối sống hưởng thụ, mà họ tóm tắt trong "năm chữ C" - tiền (cash), căn hộ cao cấp (condo), xe hơi (car), thẻ tín dụng (credit card), và câu lạc bộ quốc gia (country club).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một thế giới các trang web và các trang blog chính trị đối đầu đã lên tiếng chỉ trích ông Lý cùng hệ thống của ông.

05:18


Có viễn kiến, tính cách lạnh lùng cứng rắn, ông Lý Quang Diệu đã biến Singapore từ một hòn đảo nhỏ bé không hề có tài nguyên thiên nhiên gì trở thành một nền kinh tế phát triển thành công, thịnh vượng.
Ông Lý đã thành công trong việc biến Singapore thành một sự kỳ diệu về kinh tế, sự pha trộn giữa kinh tế tư nhân và chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Ông Lý đã đưa Singapore trở nên thịnh vượng, hiện đại, hiệu quả và trên thực tế là không có nạn tham nhũng, nơi mà các nhà đầu tư hải ngoại muốn vào làm ăn.
Tuy nhiên, trong lúc được ngưỡng mộ về những thành tích kinh tế đạt được, ông bị nhiều người cho là đã tạo ra tình trạng nhân quyền không được đánh giá cao.

BLOG 05:36

bbcvietnamese.com Một số câu nói của ông Lý Quang Diệu:
"Về mặt tư duy, tôi không thấy thuyết phục chế độ mỗi cử tri một lá phiếu là tốt nhất. Chúng tôi thực hành nó chỉ vì người Anh để lại" (Lý Quang Diệu, 1994).
"Bạn nói về Rwanda hay Bangladesh, Campuchia, hay Philippines, họ đều có dân chủ, theo đánh giá của Freedom House. Nhưng bạn có ở đó một cuộc sống văn minh chưa? Người dân muốn phát triển kinh tế trước hết và trên hết. Họ muốn nhà ở, thuốc men, việc làm, trường học." (trích cuốn 'Lee Kuan Yew, The Man and His Ideas, 1997).
"Ngoài một số ngoại lệ, dân chủ không đem lại chính phủ tốt cho các nước còn đang phát triển . Những gì người châu Á coi trọng không nhất thiết là thứ người Mỹ và châu Âu đánh giá cao. Người Phương Tây coi trọng tự do, các quyền cá nhân, còn là một người châu Á gốc Hoa, tôi coi trọng giá trị về một chính phủ trung thực, hiệu quả và làm việc tốt." (Asahai Shimbun symposium, 09/05/1991).

05:49


Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Lý sang Anh học đại học. Khi ở Anh, ông kết hôn với bà Kha Ngọc Chi (Kwa Geok Choo) (hình chụp năm 1965), một học giả Singapore xuất sắc và sau trở thành luật sư, trong một buổi lễ bí mật tổ chức tại Stratford-upon Avon. Năm 1949, ông quay lưng lại với sự nghiệp luật mà ông có thể có tại Anh để trở về Singapore, nơi ông hành nghề luật và tham gia phong trào nghiệp đoàn.

05:59


Một trong những lời cầu chúc tốt lành mà người dân Singapore muốn gửi tới ông Lý trong những ngày ông điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Singapore viết rằng:
"Chúng tôi yêu quý Ông nhiều lắm và lúc nào cũng cầu nguyện cho Ông.
Ngài Lý Quang Diệu
Người cha lập quốc của Singapore
Kiến trúc sư của nước Singapore
Thủ tướng đầu tiên của Singapore
Người đã đưa Singapore từ một nền kinh tế lạc hậu trở thành một trong những nước giàu có nhất châu Á và là một đất nước mà được sinh sống ở đó đã là một đặc ân chỉ trong vòng ba thập niên."
Không chỉ người dân Singapore, mà cả người nước ngoài cũng "đắm đuổi" quốc đảo nhỏ bé này, nơi bốn sắc dân chính (Trung Quốc, Mã Lai, Ấn Độ và người lai Á Âu) cùng chung sống trong sự bao dung ấm cúng, cộng thêm một cộng đồng người nước ngoài tới sống và nuôi dạy con cái mà không phải lo tội phạm hoặc sự bất nhã nhỏ nào.

Vì sao người nước ngoài đắm đuối Singapore?

BLOG 06:05

Camilla Cavendish Camilla Cavendish trên báo Sunday Times 22/03: "Singapore có chế độ độc đoán nhưng thang máy luôn chạy. Còn ở London thì ga Oxford Circus có ba thang máy hỏng phải mất một năm mới sửa xong."

BLOG 06:17

Lý Quang Diệu Lý Quang Diệu trong cuốn ‘Democracy, Human Rights and the Realities’, Tokyo, 10/11/1992:
"Ngoài một số ngoại lệ, dân chủ không đem lại chính phủ tốt cho các nước còn đang phát triển. Những gì người châu Á coi trọng không nhất thiết là thứ người Mỹ và châu Âu đánh giá cao.
"Người Phương Tây coi trọng tự do, các quyền cá nhân, còn là một người châu Á gốc Hoa, tôi coi trọng giá trị về một chính phủ trung thực, hiệu quả và làm việc tốt."

BLOG 06:21

Giáo sư Diana Mauzy Giáo sư Diana Mauzy, Khoa Chính trị học Đại học British Columbia, nói một di sản của Lý Quang Diệu là thái độ cứng rắn của ông với tham nhũng, căn bệnh phổ biến ở nhiều nước láng giềng của Singapore:
"Ông là con người hiếm có trong thế giới đang phát triển và cả thế giới phát triển nữa, nơi mà chi tiêu công và nguồn tài nguyên bị giới cầm quyền tham nhũng phung phí hết."

BLOG 06:52

The Economist Báo The Economist viết: Nếu quý vị muốn tìm kiếm tượng đài về ông: hãy nhìn quanh Singapore. Thịnh vượng, trật tự, sạch sẽ, hiệu quả và được điều hành một cách trung thực, đó không phải là chỉ nhờ riêng vào ông Lý Quang Diệu. Nhưng ngay cả những ai chỉ trích ông gay gắt nhất cũng phải đồng ý rằng ông Lý, người vừa qua đời vào đầu giờ sáng hôm 23/3/2015 (giờ Singapore), thọ 91 tuổi, đã đóng vai trò cực kỳ to lớn...
... Dưới sự dẫn dắt của ông, Singapore, nơi không có tài nguyên thiên nhiên, đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Nhiều người ngưỡng mộ, nhìn vào Singapore như một mô hình để noi theo, và ông Lý là một người khôn ngoan. Ông thực sự đã dạy được thế giới rất nhiều điều; thế nhưng có một số người, đặc biệt là tại Trung Quốc, lại học được bài học sai lầm: sự áp dụng chủ nghĩa độc tài.

06:55


“Nói tới Singapore là nói tới sự tiện nghi” Richard Martin nói, ông là người nước ngoài đã có tuổi và làm việc cho International Market Assessment. “Nó là một nơi tuyệt vời để làm việc hướng tới khu vực châu Á.”

Vì sao người nước ngoài đắm đuối Singapore?

07:13

Chỉ vài giờ sau khi tin tức được công bố, trang Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - con trai của ông Lý Quang Diệu - đã ngập tràn những lời chia buồn. "Cảm ơn ông Lý Quang Diệu vì đã tạo ra Singapore mà chúng ta có ngày nay," một người viết. "Đừng lo. Singapore sẽ tiếp tục phát triển tốt, theo con đường mà ông đã cả đời nỗ lực để đạt được," một người khác viết. Tại bệnh viện, Lawrence Hee, 68 tuổi, nói: "Tôi rất buồn. Ông ấy đã tạo ra Singapore.

07:23


Vào lúc bình minh, các tòa nhà công sở, gồm cả tòa nhà quốc hội này, đã treo cờ rủ. Tang lễ sẽ được tổ chức theo nghi lễ quốc gia vào ngày 29/3, chính phủ Singapore nói.
Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng nói để tưởng nhớ ông Lý Quang Diệu, việc treo cờ rủ sẽ bắt đầu từ hôm nay thứ Hai, cho tới Chủ Nhật, trong một tuần quốc tang.

07:39


Tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nói về "một người khổng lồ thực sự của lịch sử, người sẽ được nhiều thế hệ nữa nhớ tới như người cha của một nước Singapore hiện đại và là một trong những nhà chiến lược vĩ đại nhất về quan hệ Á châu". Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Washington DC hồi 2009.
Các nhân vật khác, cả các cựu lãnh đạo thế giới cũng như đương chức, trong đó có cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, đã ngỏ lời tưởng nhớ ông Lý Quang Diệu.

08:24

Thủ tướng Anh David Cameron cũng ra tuyên bố: "[Cựu Thủ tướng Anh] Lady [Margaret] Thatcher từng nói rằng không có vị thủ tướng nào mà bà thấy ngưỡng mộ hơn là ông Lý, bởi "niềm tin mạnh mẽ, quan điểm rõ ràng, phát biểu thẳng thắn của ông và bởi tầm nhìn của ông luôn đi trước thời đại."
Tuy nhiên, Phil Robertson từ tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng sự phát triển kinh tế của Singapore được đánh đổi với "cái giá đáng kể về nhân quyền".

10:30

Trong bài diễn văn trên truyền hình, Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai cả của ông Lý Quang Diệu, nói: "Ông đã chiến đấu vì nền độc lập của chúng ta, xây dựng nên một đất nước vốn từ chỗ không có gì cả và khiến chúng ta tự hào là người Singapore. Chúng ta sẽ không thấy một người nào khác như ông."

11:07


Mộ̣t gia đình đang than khóc sự ra đi của ông Lý Quang Diệu tại Bệnh viện Đa khoa Singapore.

11:35

Cũng trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thuật lại lời của thân phụ ông rằng: "Cuối cùng, cái mà tôi có được là một đất nước Singapore thành công nhưng cái mà tôi cho đi là cuộc đời của tôi."

11:42

11:42

Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu trước đám đông hồi năm 1980: “Bất cứ ai lên lãnh đạo Singapore đều phải là người sắt thép, nếu không thì đừng làm. Tôi đã dành cả cuộc đời để xây dựng đất nước này và chừng nào tôi còn nắm quyền thì không có ai có thể phá nó được.”

11:50

Từ Singapore, phóng viên BBC Jonathan Head bình luận: “Bất chấp những thành công ấn tượng, Singapore vẫn là một đất nước mà dấu ấn Lý Quang Diệu có thể nhìn thấy ở khắp nơi. Ông không hối tiếc về những biện pháp trấn áp mà ông đã dùng đã thiết lập trật tự và không hề hối hận về việc ông tin rằng chỉ có cách làm của ông mới đúng. Không ai biết chắc được con đường phía trước Singapore khi mà ông Lý không còn nữa.”

12:03


Trong ảnh là cả gia đình ông Sayeed Hussain, 59 tuổi, và vợ Sharmin, 44 tuổi, con trai Sanerm, 13 tuổi, và con gái Samira, 16 tuổi, đã cùng đến bệnh viện trước khi các con đi học. “Ông ấy là một nhà lãnh đạo lớn và là một hình mẫu. Ông ấy đã làm rất nhiều cho chúng tôi, giúp chúng tôi định hình một đất nước Singapore đa sắc tộc và đa văn hóa. Chúng tôi muốn không có gì ân hận khi bắt đầu một ngày mới do đó chúng tôi đến đây để viếng ông,” ông Sayeed nói.

13:22

Chỉ trong vòng vài giờ, trang Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long đã tràn ngập những lời chia buồn. “Cám ơn Ngài Lý Quang Diệu đã tạo nên đất nước Singapore mà ngày nay chúng tôi được thừa hưởng,” một người viết. “Đừng lo lắng. Singapore sẽ tiếp tục phát triển tốt theo cái cách mà Ngài đã phấn đấu gian khổ cả đời để làm được,” một người khác chia sẻ.

13:27

TWEET 13:28

Thủ tướng Malaysia Najib Razak Gửi đến Ngài Lý Hiển Long: Tôi rất đau buồn khi nghe tin về sự ra đi của thân phụ Ngài. Xin gửi đến Ngài và nhân dân Singapore lời chia buồn sâu sắc nhất. Tâm tưởng và những lời cầu nguyện của tôi hướng đến Ngài.

13:37


Ông Lý Quang Diệu đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, trong đó có mối quan hệ bạn bè với cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Ông đã gặp các nhà lãnh đạo nối tiếp của Trung Quốc như gặp ông Hồ Cẩm Đào trong ảnh. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả ông Lý là ‘một chính khách có tầm ảnh hưởng có một không hai ở châu Á và một nhà chiến lược vận dụng những giá trị phương Đông và tầm nhìn quốc tế’.

13:43


“Tôi nghĩ chúng ta phải đợi vài trăm năm nữa Singapore mới có một nhà lãnh đạo như Lý Quang Diệu. Ông đã để lại một di sản tốt và một chính phủ mạnh,” ông Ong Choo Bee, 71 tuổi, người đến viếng ông Lý Quang Diệu tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, nói.

13:48

Đảng Nhân dân Hành động Singapore, chính đảng do ông Lý Quang Diệu sáng lập và vẫn lãnh đạo Singapore cho đến ngày nay, đã ca ngợi những ‘đóng góp không thể nào đong đếm được’ của ông Lý đối Singapore. Tổng thống Singapore Tony Tan đã gọi ông Lý là ‘kiến trúc sư của nền cộng hòa hiện đại của chúng ta’.

13:52



Tại văn phòng Thủ tướng Singapore, dòng người đến viếng ông Lý kéo dài không dứt. Người ta đã mang hoa và viết những lời chia buồn trên những cánh thiệp, phóng viên BBC Tessa Wong tường thuật. Một khu vực có lều che đã được dựng lên để người dân viết những thông điệp tưởng nhớ ông Lý và dán lên bảng. Một số người đẫm lệ.
“Ngài Lý yêu quý nhất. Ngài là Siêu nhân của chúng tôi. Siêu nhân thì không bao giờ chết. Mãi mãi mắc nợ Ngài,” một thông điệp viết.

14:47


Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong chuyến thăm Singapore hồi tháng 9 năm 2012. Ông đến Singapore khi đó theo lời mời của Đảng Nhân dân Hành động, đảng cầm quyền Singapore do ông Lý Quang Diệu là người đồng sáng lập.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Trọng đã gửi điện chia buồn tới Ngài Lý Hiển Long, Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn đến những người đồng cấp Singapore.

15:31


Ông Lý Quang Diệu đón tiếp ông Đặng Tiểu Bình, khi đó là phó thủ tướng Trung Quốc và vừa được phục hồi sau Cách mạng Văn hóa, đến thăm Singapore hồi tháng 11 năm 1978.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều rất ngưỡng mộ ông Lý Quang Diệu về sự cứng rắn, đầu óc kinh tế thực tế của ông và sự kiên quyết của ông trong việc tôn trọng chính quyền, hãng tin AP của Mỹ bình luận.
Cũng theo AP thì cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã nhìn vào Singapore để bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc hồi cuối những năm 1970.
“Ông Đặng đã bị tác động rất lớn bởi những gì mà ông đã chứng kiến trong chuyến đi Singapore hồi năm 1978,” ông Tô Hạo, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với AP, “ Công bằng mà nói thì công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc có mối liên hệ trực tiếp với Singapore, một đất nước mà cộng đồng Hoa kiều đã chứng tỏ khả năng làm nên điều kỳ diệu về kinh tế.”
Hai ông Lý và Đặng đã có quan hệ rất thân thiết sau mấy lần gặp gỡ.
“Xã hội Singapore rất trật tự. Họ quản lý mọi thức cực kỳ nghiêm khắc,” ông Đặng đã nói với thuộc cấp như vậy hồi năm 1992 và kêu gọi các đặc khu kinh tế của Trung Quốc nên học theo mô hình Singapore.
Bản thân ông Lý Quang Diệu cũng từng cảnh báo Trung Quốc đừng đi theo con đường tự do hóa chính trị vì ông không tin vào việc áp dụng nền dân chủ phương Tây vào các xã hội phương Đông.
Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc.
“Một người có sự cân bằng về tâm lý mạnh mẽ, người không để cho những chuyện rủi ro hay bất hạnh cá nhân ảnh hưởng đến suy nghĩ và quyết định của mình,” ông Lý từng đánh giá về ông Tập.

17:04

Nguyễn Giang, BBC: Thu nhập bình quân đầu người của Singapore vào thời điểm độc lập không phải là thấp, vì đã đạt $500 năm 1965, đứng thứ ba châu Á khi đó, và hòn đảo không phải là một xứ sở lạc hậu mà là thương cảng nhộn nhịp bậc nhất Đông Nam Á do người Anh để lại, nhưng rõ ràng là ông Lý Quang Diệu đã có công lao vĩ đại đưa GDP bình quân đầu người tăng 2800% lên $14,500 năm 1991.

17:16

Richard Spencer, báo Telegraph: Singapore quá đúng khi nói họ không có ai như ông Lý Quang Diệu. Và sẽ không có ai nữa như ông. Đây là điều thế giới nên nhớ.

BREAKING 17:28 tin mới nhất

Ảnh chụp xe chở linh cữu ông Lý Quang Diệu đi đến dinh tổng thống ngày 23/3.
Lễ khâm liệm và tưởng niệm của gia đình diễn ra trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba.
Sau đó, thi thể của ông sẽ được đặt tại nhà quốc hội để công chúng đến viếng. Lễ tang diễn ra Chủ nhật tuần này.

18:19

TS Lê Đăng Doanh nhận xét trên trang RFA về những đặc tính mà ông Lý Quang Diệu được mến mộ khi đóng góp cho Việt Nam:
"Cá nhân ông đã dùng các uy tín và khả năng thuyết phục để thuyết phục các nước ASEAN chấp nhận Việt Nam tham gia vào tổ chức ASEAN. Ông cũng rất thẳng thắn, khi ông thấy những tiến bộ của Việt Nam chậm hơn ông mong muốn. Ông cũng rất thẳng thắn khi thấy rằng những cải cách của Việt Nam không được như ông kỳ vọng và trong hồi ký và các ý kiến lúc cuối đời ông cũng thẳng thắn nói lên những điều đó. Tôi nghĩ đó là một người bạn chân thành, một người bạn trung thực của Việt Nam và tôi tưởng nhớ ông, kính trọng ông và cám ơn ông về những gì ông đóng góp cho Việt Nam."

18:19

Sau bữa cơm với ngài bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành cho Tuổi Trẻ một buổi phỏng vấn nhỏ trong chuyến thăm Singapore tháng 1/2007:
Lâu ngày gặp lại nên các câu chuyện giữa hai bên rất thú vị. Chúng tôi cùng thống nhất rằng Việt Nam muốn vươn lên bằng với Singapore không phải bằng số lượng mà chính là bằng sự tin cậy và hỗ trợ giữa hai bên.
Điều gì khiến nguyên thủ tướng thấy thú vị nhất trong cuộc gặp với người bạn lâu năm này?
Thú vị nhất chính là ông bạn Lý đánh giá cao về công cuộc đổi mới của Việt Nam và thắng lợi của công cuộc đổi mới. Đánh dấu của thành tựu này là công cuộc hội nhập của Việt Nam. Ông Lý cũng chờ đợi sự hội nhập này cũng như chính người Việt Nam chờ đợi.
Trong suốt hơn mười năm qua, ngài bộ trưởng cố vấn đã có rất nhiều lời khuyên cố vấn cho Việt Nam, lời khuyên nào khiến nguyên thủ tướng ấn tượng nhất?
Lời khuyên tôi ấn tượng nhất mà ông Lý cũng nhắc lại trong chuyến đi này là những gợi ý, khuyến khích Việt Nam tiếp tục đổi mới, tiếp tục mở rộng quan hệ của Việt Nam đối với bên ngoài. Bây giờ chúng ta đã thực hiện được điều đó và ông Lý bày tỏ sự hài lòng của mình. Ông cho biết luôn trông đợi được thấy Việt Nam thay đổi như những gì ông chứng kiến trong chuyến thăm lần này.
Cả ông Lý Quang Diệu và nguyên thủ tướng đều là những nhà lãnh đạo rất cởi mở, xin nguyên thủ tướng đánh giá vai trò đóng góp của ông Lý Quang Diệu trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore?
Tôi và ông Lý Quang Diệu gặp nhau, trao đổi về thiết lập mối quan hệ bình thường giữa hai bên khi tôi tới dự hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) tháng 2-1990 với tư cách là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khi quan hệ hai bên được bình thường hóa, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn và trở thành những người bạn. Khi tôi nghỉ thì những người kế nhiệm của cả phía Việt Nam và phía Singapore tiếp tục củng cố và phát triển thêm. Phải nói rằng ông Lý Quang Diệu luôn luôn dành sự quan tâm đối với Việt Nam."

18:26


Ông Lý Quang Diệu viết về Việt Nam: "Quan điểm của riêng tôi về cải cách của Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ chỗ khá lạc quan khi tôi có các chuyến thăm đầu tiên vào những năm 1990. Giờ tôi tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Lúc đầu họ đồng ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng này đang khiến Việt Nam trì trệ. Chỉ khi họ qua đời thì đất nước này mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện đại hóa của mình."

18:28


Hình chụp ông Lý Quang Diệu và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lần ông Lý thăm Hà Nội vào năm 2009.
Ông Lý Quang Diệu nói về lãnh đạo Việt Nam: "Điều mà Việt Nam không có điểm chung với Trung Quốc là một nhân vật kiểu Đặng Tiểu Bình vừa có vị trí không thể tranh cãi trong các cán bộ, vừa có niềm tin không lung lay rằng cải cách toàn diện là lối thoát duy nhất. Lý do họ thiếu vắng một nhân vật như vậy là do Chiến tranh Việt Nam."

21:44

Nguyễn Giang viết:
“Vì sao ông Lý Quang Diệu lại nêu ra 'các giá trị Á châu'?
Là một chính khách có đầu óc thực tiễn, hiển nhiên, ông không thể đi sang Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam để khoe rằng ông học từ Cambridge và LSE ở Anh ra nên chỉ tôn thờ các giá trị Phương Tây.
Sau hai cuộc Thế chiến, các nước châu Á đều có độc lập nhưng việc giữ gì, bỏ gì từ di sản thuộc địa và văn hóa người Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan để lại là vấn đề không chỉ có tính thời sự mà còn có ý nghĩa xây dựng bản sắc quốc gia.
Mỗi nước đã tự tìm cho mình một con đường và những gì ông Lý Quang Diệu nêu ra về giá trị châu Á chắc chắn đã giúp tạo sự tự tin cho Singapore.
Nói đến các di sản lịch sử và văn hóa chung cũng là cách tạo chỗ dựa cho các quốc gia châu Á với nhau khi thế giới đảo điên trong cuộc Chiến tranh Lạnh gây hằn thù giai cấp và dân tộc.
Nhưng trên thực tế, Singapore thời ông Lý Quang Diệu luôn đứng về phe Tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo và ông rất thân với Tổng thống Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, kể cả sau khi đã ủng hộ Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc.”

Lý Quang Diệu và chuẩn mực từ Anh

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/rolling_news/2015/03/150322_ly_quang_dieu_coverage

Lý Quang Diệu và chuẩn mực từ Anh

  • 23 tháng 3 2015
Ông Lý Quang Diệu cùng một số lãnh đạo Đông Nam Á như thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng nêu bật ‘các giá trị châu Á’ (Asian values).
Ngay điều này cho thấy đây không phải một khái niệm thuần nhất vì Malaysia theo Hồi giáo và Singapore khó có các điểm chung về tín ngưỡng và triết lý.
Có chăng đây là nhóm khái niệm nhấn mạnh đến truyền thống địa phương và phê phán chủ nghĩa tự do cá nhân ‘quá mức’ được văn hóa Mỹ thổi bùng lên sau Thế chiến 2.

Lý thuyết và thực tiễn

Nhưng vì sao ông Lý Quang Diệu lại nêu ra 'các giá trị Á châu'?
Là một chính khách có đầu óc thực tiễn, hiển nhiên, ông không thể đi sang Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam để khoe rằng ông học từ Cambridge và LSE ở Anh ra nên chỉ tôn thờ các giá trị Phương Tây.
Sau hai cuộc Thế chiến, các nước châu Á đều có độc lập nhưng việc giữ gì, bỏ gì từ di sản thuộc địa và văn hóa người Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan để lại là vấn đề không chỉ có tính thời sự mà còn có ý nghĩa xây dựng bản sắc quốc gia.
Mỗi nước đã tự tìm cho mình một con đường và những gì ông Lý Quang Diệu nêu ra về giá trị châu Á chắc chắn đã giúp tạo sự tự tin cho Singapore.
Nói đến các di sản lịch sử và văn hóa chung cũng là cách tạo chỗ dựa cho các quốc gia châu Á với nhau khi thế giới đảo điên trong cuộc Chiến tranh Lạnh gây hằn thù giai cấp và dân tộc.
Nhưng trên thực tế, Singapore thời ông Lý Quang Diệu luôn đứng về phe Tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo và ông rất thân với Tổng thống Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, kể cả sau khi đã ủng hộ Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc.
Các lãnh đạo ASEAN tại Bangkok năm 1994
Về đối nội, thay vì đả phá 'di sản thực dân' ông đã khôn ngoan tiếp thu toàn bộ luật pháp, kể cả luật giao thông và hệ thống giáo dục, ngôn ngữ từ Anh Quốc.
Ông Lý Quang Diệu cũng nói nhờ phổ cập tiếng Anh là Singapore gồm ba nhóm dân Hoa, Ấn và Mã Lai đã thành công kinh tế.
Ngày nay, Singapore cũng cởi mở hơn hẳn các nước trong vùng với việc thu hút nhân tài từ toàn thế giới vì muốn thành một trung tâm công nghệ toàn cầu chứ không phải xứ sở của chủ nghĩa dân tộc.
Tôi đã gặp các bạn người Việt Nam, Philippines, Indonesia đến Singapore làm việc và họ đều cho rằng đây là nơi 'gần nhất với mô hình Phương Tây' trong vùng, cả về cơ sở vật chất, cách sinh hoạt, luật lệ.
Vì thế, nếu nhìn kỹ vào ‘giá trị châu Á’ ông Lý Quang Diệu phổ biến, tôi nghĩ́ đó không khác gì những giá trị Anh Quốc đề cao thời Victoria.

Kỷ nguyên khai phá

Kỷ nguyên Nữ hoàng Victoria trị vì ở Anh (1837-1901) cũng là lúc chủ nghĩa tư bản lan ra toàn cầu bằng sức mạnh công nghệ và thương mại đi kèm tinh thần truyền giáo, phổ biến nền đạo đức Anh giáo hay Tin Lành.
Dù có nhiều điểm khác với các quan niệm xã hội thời phong kiến ở Trung Hoa và Việt Nam, người Anh thời Victoria có điểm chung với các nước châu Á khi nhấn mạnh đến tính trách nhiệm như cha anh của nhà cầm quyền.
Lãnh đạo độc đoán nhưng phải thông thái, giống như các vị Minh quân, Minh trị ở Á châu.
Họ coi dân như trẻ con nhưng cũng tự coi là có trách nhiệm bao bọc, chỉ bảo dân và từng bước nâng dân trí chứ không biến ngu dân thành chính sách cho dễ trị.
Họ quan niệm tất cả cùng bình đẳng trước Thượng Đế, nhưng những ai có may mắn được ân sủng sớm hơn thì phải giáo dục, chia sẻ với người kém may mắn.
Nhìn chung, tuy không đề cao bình đẳng nhưng các giá trị thời Nữ hoàng Victoria coi tầng lớp trên phải có trách nhiệm đạo đức vì tầng lớp dưới.
Kỷ nguyên Victoria đem lại vinh quang cho chế độ thực dân Anh
Tầng lớp trên cũng là giới đi tiên phong, khai phá các thuộc địa, phát triển thương mại, công nghiệp, khoa học.
Các trường public school ở Anh rèn luyện những em trai kể cả con cháu nhà quý tộc phải chịu học, chịu sống khắc khổ từ nhỏ để sau này đi chinh phục thế giới.
Thời kỳ Victoria đã để lại nhiều dấu ấn.
Sử gia Anh, Lee Jackson, tác giả cuốn ‘A Dictionary of Victorian London’ viết:
“Kỷ nguyên Victoria biến đổi toàn thế giới, với quan niệm phải xây nhà ở cho giới nghèo khó, nhờ các hội từ thiện và chính quyền địa phương. Người thời Victoria đã nuôi dưỡng cả sự bắt đầu của phong trào nghiệp đoàn, họ cũng ra luật để quản trị các nhà máy, công xưởng. Họ đưa vào cuộc sống giáo dục phổ thông và các chế độ y tế cộng đồng.”
Nhưng thời kỳ Nữ hoàng Victoria trị vì ở Anh (1837-1901) cũng là thời kỳ trẻ em phải làm việc trong các công xưởng độc hại, giới văn nghệ sỹ bị hạn chế tự do, ohụ nữ không có quyền bầu cử và phân biệt giai cấp trở thành tiêu chuẩn chung.
Người Anh khi đó cũng kiềm chế tình dục tới mức gây ra vấn đề tâm lý, và cách giải quyết tội phạm, người bị tâm thần bị nhiều phê phán.
Điều này hẳn là trái với quan niệm dân chủ ngày nay vì người thời Victoria coi nhà cầm quyền phải chăm lo cho toàn xã hội chứ không coi cửa quan là nơi kiếm chác, đất nước là nơi để chặt phá.
Về vận hành của nền chính trị, họ chủ trương lãnh đạo mạnh, và tránh cãi quá nhiều trong nghị viện về các giải pháp sao cho thỏa mãn mọi bên.
Tuy thế, các đảng phái trong nghị viện Anh Quốc vẫn hoạt động tốt và những quốc sách đều được nhà vua, nữ hoàng đưa ra trước Quốc hội để thông qua.
Điều đáng nói là có không ít các tiêu chuẩn hình pháp của thời kỳ này, gồm cả các hình phạt như đánh roi với người gây rối trật tự công cộng, được Anh mang sang các thuộc địa Ấn Độ, Singapore, Malaysia và bắt rễ tại đó.
Ngày nay, khi nghe các chính trị gia châu Á như ông Lý Quang Diệu nói nhiều về tính kỷ luật, trí thức Phương Tây thấy đó là quan niệm bảo thủ và độc ác.
Nhưng ta cần trở lại thế kỷ 18, 19, khi quan niệm chung về đạo đức là như thế, không chỉ ở Anh mà còn tại nhiều nơi khác.
Và ngày nay, các quan niệm đạo đức và kỷ luật thời Victoria đã bị phê phán tại Anh vì không phù hợp với các giá trị tự do, dân chủ.
Sau thời kỳ bát nháo của các biến đổi chính trị hoang tưởng, các giá trị tưởng như cổ hủ này lại được ngưỡng vọng tại Việt Nam và Trung Quốc.
Người có tiền ở các nước này ồ ạt gửi con sang học ở Anh, nơi tính kỷ luật trong học tập, đầu óc tiết kiệm, tính tự lực và tinh thần dấn thân, khai phá vẫn còn được duy trì.
Với giới mới giàu ở các nước gốc cộng sản, đạo đức thời Victoria là một sự ngạc nhiên.
Tôi đọc thấy trên báo gần đây có bài nói về những đại gia Nga và Kazakhstan gửi con sang học trường nội trú nữ ở Anh.
Ông Lý Quang Diệu từng đặt hy vọng vào Việt Nam
Các thiếu nữ con nhà triệu phú đã quen với buồng tắm có vòi bọc vàng trong dinh thự của cha mẹ bên Moscow hay Astana ngạc nhiên thấy phòng tắm trong trường ở chỉ có độc vòi nước lạnh.
Cô giáo cho họ biết nhà trường không có ý định thay đổi tiện nghi vì từ mấy trăm năm nay đã quan niệm rằng để học giỏi cần khắc kỷ và kiềm chế sự hưởng thụ 'đời thường'.
Trở lại với ông Lý Quang Diệu và các giá trị ông đề cao.
Tôi để ý thấy sau khi về hưu, ông nói ít hơn về 'giá trị Á châu' như thứ đặc thù của khu vực dù ông vẫn tin rằng mô hình cho các nước Đông Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam khác với các nước chịu ảnh hưởng của Ấn Độ.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh đến điểm chung của cả nền văn minh con người.
Trả lời Fareed Zakaria năm 1994, ông khoe rằng cháu gái ông có tên là Lý Tu Tề (Lee Xiuqi) từ câu 'Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ', với ý luôn phải phấn đấu, phải tự lực.
Ông Lý Quang Diệu nói:
"Con trai tôi chọn hai chữ đó vì muốn con gái mình tu dưỡng bản thân và sau đó chăm lo cho gia đình của mình. Đấy là quan niệm cơ bản của nền văn minh chúng ta. Các chính phủ lên rồi xuống, nhưng giá trị đó sẽ còn mãi."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/03/150323_ly_quang_dieu_gia_tri_victoria