zondag 22 maart 2015

Lý Quang Diệu, người sáng lập Singapore

Lý Quang Diệu, người sáng lập Singapore

  • 4 giờ trước
Hình chụp Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vào ngày 5/1/1969
Có viễn kiến, tính cách lạnh lùng cứng rắn, ông Lý Quang Diệu đã biến Singapore từ một hòn đảo nhỏ bé không hề có tài nguyên thiên nhiên gì trở thành một nền kinh tế phát triển thành công, thịnh vượng.
Ông Lý đã thành công trong việc biến Singapore thành một sự kỳ diệu về kinh tế, sự pha trộn giữa kinh tế tư nhân và chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Ông Lý đã đưa Singapore trở nên thịnh vượng, hiện đại, hiệu quả và trên thực tế là không có nạn tham nhũng, nơi mà các nhà đầu tư hải ngoại muốn vào làm ăn.
Tuy nhiên, trong lúc được ngưỡng mộ về những thành tích kinh tế đạt được, ông bị nhiều người cho là đã tạo ra tình trạng nhân quyền không mấy hay ho.
Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 tại Singapore, là con trong thế hệ thứ ba những người gốc Hoa nhập cư.
Lớn lên, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Anh - cha ông đã gọi ông là Harry Lee, cái tên ông được biết đến trong phần lớn những năm tuổi trẻ.
Ông Lý theo học trung học tại một trường của Anh ở Singapore.
Tuy nhiên, việc học ở cấp cao hơn đã bị gián đoạn trong thời gian Nhật chiếm đóng, bắt đầu từ năm 1942.
Trong ba năm sau đó, ông đã tham gia thị trường chợ đen và cũng dùng vốn tiếng Anh của mình để làm việc cho bộ phận tuyên truyền của Nhật.
Sau chiến tranh, ông đã có một thời gian ngắn theo học ở trường London School of Economics ở London, rồi tới tại Cambridge, nơi ông theo học ngành luật.
Trong thời gian ở Anh, ông Lý trở thành ủng hộ viên nhiệt thành của BBC Home Service, tiền thân của kênh phát thanh Radio 4 sau này, và đã dành thời gian vận động cho một người bạn đại học chạy đua ghế dân biểu ở vùng nông thôn Devon, miền tây England.
Ông Lý, một người theo đuổi đường lối xã hội từ ngày còn là sinh viên, đã trở về Singapore và trở thành một luật sư có tiếng, chuyên về lĩnh vực nghiệp đoàn.
Dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu, Singapore từ một nơi "tăm tối với đói nghèo và tan rã" thành một quốc gia công nghiệp hóa hùng mạnh hàng đầu Á châu

Thủ tướng

Năm 1954, ông là sáng lập viên và là tổng bí thư đầu tiên của Đảng Nhân dân Hành động (PAP), vị trí mà ông sẽ nắm giữ trong gần 40 năm sau đó.
PAP thắng đa số phiếu trong kỳ bầu cử 1959 và Singapore chuyển từ nơi do Anh kiểm soát thành một quốc gia tự quản.
Ông Lý đưa Singapore sáp nhập với Malaysia vào năm 1963, nhưng chuyện này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Hàng loạt các cuộc đụng độ bạo lực giữa các nhóm sắc tộc khiến Singapore quyết định rời khỏi liên bang và trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập.
Đó là một quyết định khó khăn đối với ông Lý, bởi ông coi việc liên kết với Malaysia là cách để cuối cùng có thể lật đổ được quá khứ thuộc địa ở khu vực. Ông mô tả điều này là "một thời khắc đau đớn".
Tuy nhiên, các mối liên hệ thương mại và quân sự với Malaysia vẫn được duy trì, và Anh được khuyến khích giữ căn cứ của mình tại Singapore để phòng vệ chung cho cả hòn đảo này lẫn Malaysia.
Ông Lý đưa ra một chương trình cải tổ to lớn, nhằm biến đối Singapore từ "nơi tăm tối với đói nghèo và tan rã" thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại.

Hình phạt

Để đạt được thành tựu, ông đã duy trì việc kiểm soát chính trị một cách gắt gao đối với mọi khía cạnh ở thành phố quốc đảo này, khiến nơi đây trở thành một trong những xã hội được điều tiết, quản lý chặt chẽ nhất.
Ông Lý bắt giữ một số người dám chỉ trích ông mà không cần qua xét xử, hạn chế truyền thông và ấn phẩm nước ngoài, và bắt giữ một số phóng viên.
"Tự do báo chí, tự do truyền thông tin tức đều phải lệ thuộc vào nhu cầu bảo vệ sự toàn vẹn của Singapore," ông nói.
Ông biện hộ cho những hành động của mình bằng cách nói các tờ báo là được tài trợ bởi các thế lực thù nghịch ở nước ngoài.
Ông Lý cho rằng để phát triển một quốc gia, một số quyền tự do cần phải bị hy sinh. Lựa chọn thay thế cho chủ nghĩa chống cộng chính là chủ nghĩa cộng sản, và mô hình phương Tây về tự do dân chủ là không thể áp dụng được.
Tuy nhiên, một số người chỉ trích nói rằng việc giữ toàn bộ ghế trong quốc hội khiến ông có đủ sức mạnh an ninh để không cần phải dùng đến các biện pháp đàn áp đó.
Là một người cương quyết chống cộng, nhưng ông bị cho là đã áp dụng mô hình chế độ theo kiểu cộng sản, dẫu cho khác với các chế độ cộng sản khác, người dân Singapore đã được hưởng lợi về mặt kinh tế dưới sự lãnh đạo của ông.
Từ 1960 tới 1980, mức giá trị hàng hóa dịch vụ bình quân đầu người (GNP per capita) ở Singapore tăng gấp 15 lần.

Điều tiết dân số

Chiến dịch vận động kế hoạch hóa gia đình được áp dụng nhằm hạn chế việc sinh quá hai con tại Singapore
Israel là quốc gia bị bao quanh bởi các nước Ả rập thù nghịch. "Giống như Israel, chúng ta cần phải nhảy vượt lên so với các nước còn lại trong khu vực, và phải thu hút được các công ty đa quốc gia," ông Lý nói.
Ông hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ tốt với Trung Quốc, điều có thể đạt được nhờ tình bạn giữa ông và lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Ông Đặng tới thăm Singapore vào năm 1978 và tỏ ra ngưỡng mộ các chính sách kinh tế của ông Lý.
Ông Lý thì ngưỡng mộ những cải cách mà ông Đặng áp dụng tại Trung Quốc.
Ông Lý đã đưa ra các biện pháp nhằm loại trừ tình trạng tham nhũng, vốn là nạn dịch ở nơi từng là thuộc địa này, đưa ra chương trình nhà ở giá thấp và kế hoạch công nghiệp hóa nhằm tạo công ăn việc làm.
Ông cũng nỗ lực phát triển đồng đều các nhóm sắc tộc đa dạng trên hòn đảo, nhằm tạo bản sắc Singapore độc đáo dựa trên nền tảng đa văn hóa.
Ông rất tin tưởng và tính hiệu quả của việc trừng phạt cá nhân, điều mà bản thân ông cũng từng phải nhận thời còn đi học.
"Tôi nằm vắt ngang người qua cái ghế, vẫn được mặc quần và bị ba roi đau điếng người," sau này ông kể lại. "Tôi không bao giờ hiểu được tại sao các nhà giáo dục học phương Tây lại phản đối việc trừng phạt cá nhân một cách mạnh mẽ thế. Chuyện đó chả làm cho tôi hay các bạn học của tôi hề hấn gì."
Khi ông rời nhiệm sở, việc áp dụng các hình phạt đã trở thành một phần không tách rời trong hệ thống tư pháp Singapore, được áp dụng đối với trên 40 loại tội khác nhau.
Ông Lý cũng áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng tăng dân số nhanh chóng tại Singapore, đưa ra chiến dịch vận động kế hoạch hóa gia đình và thông qua chính sách thuế trừng phạt những ai đẻ quá hai con.

Quyền lực công nghiệp

Sau đó, ông đã khuyến khích các phụ nữ có học thức kết hôn bằng cách cho họ miễn bị chính sách kiểm soát việc sinh con, vốn vẫn áp dụng cho những phụ nữ được học hành ít hơn.
Người Singapore được dạy cách lịch sự, bớt ồn ào om sòm, biết cách xả nước trong nhà vệ sinh, và không ăn kẹo cao su. Trên tường thì không có các hình vẽ graffiti bởi chính phủ nói không được làm vậy.
"Chúng tôi bị gọi là một quốc gia bảo mẫu," ông Lý từng có lần nói với BBC. "Nhưng kết quả là ngày nay chúng tôi đã xử sự khá hơn, sống trong một nơi dễ hòa đồng với nhau hơn so với 30 năm về trước."
Tuy nhiên, bất chấp mức sống đã được nâng cao hơn và cuộc sống ngày càng trở nên sung túc hơn, nhiều cử tri trẻ tuổi vẫn không thích ông mà có xu hướng bầu cho đảng đối lập chính.
Hồi tháng Giêng 1985, ông đã làm mới nội các với các nhà kỹ trị trẻ tuổi, và tuy nền kinh tế trải qua những khó khăn, đảng của ông tiếp tục giành chiến thắng long trời lở đất trong kỳ bầu cử.
Khi từ chức vào năm 1990 sau khi đã chiến thắng không dưới bảy kỳ bầu cử, ông Lý trở thành vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất thế giới còn sống.
Ông vẫn hoạt động chính trị tích cực, tham gia chiến dịch vận động nhằm thuyết phục người Singapore sử dụng tiếng Trung nhiều hơn nữa, bên cạnh tiếng Anh.
Trong thời gian ông nắm quyền, Singapore đã từ một nước đang phát triển trở thành một trong những nước công nghiệp tân tiến nhất tại Á châu.
Có những người cho rằng để đạt được sự phát triển đó, cái giá phải trả là tự do cá nhân, và người ta thường nhắc tới việc ông Lý thường thích kiện các tổ chức truyền thông bất đồng với mình.
Lý luận của ông về tương lai Singapore đã được tổng kết trong một cuộc phỏng vấn giữa ông với đài truyền hình Trung Quốc hồi 2005.
Ông Lý tuyên bố: "Trong một thế giới có sự khác biệt, chúng tôi cần tìm một cái riêng, độc đáo cho mình, những góc nho nhỏ, nơi mà bất chấp quy mô nhỏ của mình, chúng tôi vẫn có thể thực hiện vai trò có ích cho thế giới."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/03/150322_lee_kuan_yew_obit

Cuộc đời ông Lý Quang Diệu qua ảnh

23 tháng 3 2015 Cập nhật lúc 04:04 ICT
Nhìn lại những chặng mốc đáng nhớ trong cuộc đời của người sáng lập đất nước Singapore hiện đại.
Ông Lý Quang Diệu, còn được biết đến với tên LKY, tức chữ viết tắt tên của ông (Lee Kuan Yew), được coi là người sáng lập ra nhà nước Singapore hiện đại, và là tâm điểm đời sống chính trị, đưa quốc gia chỉ có một thành phố này phát triển trong gần 50 năm. Nhưng sự ổn định và phát triển của Singapore đạt được một phần nhờ vào sự trấn áp bất đồng và hạn chế tự do ngôn luận.
Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 tại Singapore, trong gia đình thuộc thế hệ di dân thứ ba từ Trung Quốc tới. Ông sống một thời gian ngắn trong căn nhà này, nay thuộc đường Neil Road. Singapore khi đó dưới sự cai trị của Anh, và do đó ông sinh ra đã là công dân Anh. Ông lớn lên với ngôn ngữ thứ nhất là tiếng Anh - ông không nói tiếng Trung cho tới tận những năm 30 tuổi. Ông học phổ thông tại một trường của Anh ở Singapore, trở thành sinh viên đạt thành tích cao nhất trong khóa học tại Singapore và Malaysia.
Chiến tranh Thế giới Thứ nhất bùng nổ khiến kế hoạch sang Anh học tiếp của ông Lý phải tạm dừng. Tháng Hai 1942, quân đội thực dân Anh đầu hàng quân Nhật, mở đầu cho một "thời khủng khiếp". Ông Lý thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong vụ thảm sát Sook Ching, một trong những vụ giết hại quy mô lớn nhất trong những năm Nhật chiếm đóng. Sau đó, ông nói rằng ông tin là đã có khoảng từ 50 ngàn đến 100 ngàn người thiệt mạng, và việc Anh không ngăn chặn được vụ thảm sát chính là bằng chứng thêm nữa cho thấy người Singapore cần phải được quyền tự điều hành. Trong cuộc chiến, ông đã làm phiên dịch cho Nhật và hoạt động buôn bán chợ đen.
Sau cuộc chiến, ông Lý bắt đầu việc học đại học muộn, đầu tiên là ở Cambridge, Anh, sau đó ở trường danh giá London School of Economics. Khi ở Anh, ông kết hôn với bà Kha Ngọc Chi (Kwa Geok Choo) (hình chụp năm 1965), một học giả Singapore xuất sắc và sau trở thành luật sư, trong một buổi lễ bí mật tổ chức tại Stratford-upon Avon. Năm 1949, ông quay lưng lại với sự nghiệp luật mà ông có thể có tại Anh để trở về Singapore, nơi ông hành nghề luật và tham gia phong trào nghiệp đoàn.
Năm 1954, LKY trở thành người lập quốc và là tổng bí thư của Đảng Nhân dân Hành động (PAP), một liên minh theo đường lối xã hội gồm các phong trào của người nói tiếng Trung và tiếng Anh nhằm chấm dứt sự cai trị của Anh. Tháng 12/1959, ông có mặt khi Anh trao quyền tự trị cho Singapore, tuy vẫn giữ quyền kiểm soát quan hệ đối ngoại và quốc phòng. Trong hình là lúc ông Lý tiến hành vận động tranh cử trong kỳ bầu cử giữa kỳ 1958.
Hai ngày sau đó, ông Lý, khi đó 36 tuổi, tuyên thệ trở thành thủ tướng đầu tiên của chính quyền tự trị Singapore, vị trí mà ông sẽ giữ trong ba thập niên sau đó. Ông có tham vọng xử lý các khu nhà ổ chuột, xây dựng nhà chất lượng tốt nhưng giá rẻ, tiến hành công nghiệp hóa và chống tham nhũng trong thời gian năm năm. Ông lên tiếng gay gắt về nhu cầu phải đưa Singapore trở thành quốc gia đa sắc tộc.
PAP cũng bắt đầu chiến dịch vận động để Singapore tách hoàn toàn khỏi Anh và sáp nhập với Malaysia, bởi cho rằng hòn đảo này quá nhỏ, thiếu tài nguyên nên không thể tồn tại độc lập một mình. Ngày 16/9/1963, ông Lý từ bậc thềm Tòa Thị chính tuyên bố sáp nhập thành công, chấm dứt 144 năm đô hộ của Anh.
Nhưng căng thẳng chủng tộc gia tăng giữa cộng đồng người Trung Quốc chiếm đa số tại Singapore và người Malay về bản sắc sắc tộc trong Liên bang Malaysia là gì. Bất chấp lời kêu gọi bình tĩnh của ông Lý, một số cuộc bạo động quy mô lớn đã nổ ra khiến hàng trăm người bị thương và hơn 20 người thiệt mạng.
Ngày 9/8/1965, ông Lý gạt nước mắt tuyên bố ông đồng ý với yêu cầu của Malaysia, theo đó Singapore rời khỏi liên bang nhằm chấm dứt tình trạng tắm máu. Hai ngày sau, ông Lý tuyên bố hòn đảo nhỏ bé Singapore là một quốc gia độc lập.
Trong 31 năm sau đó, viễn kiến của ông Lý về Singapore đã biến hòn đảo này từ một vùng thuộc địa bị bỏ rơi, yếu đuối trở thành một trong các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Nước này đi tiên phong trong việc xây nhà hàng loạt và quốc hữu hóa ngành y tế, trong lúc ông Lý cương quyết tin rằng giáo dục là điều quan trọng, và luôn nói rằng con người là nguồn tài nguyên duy nhất của Singapore. Ông luôn khuyến khích những người được ăn học cao hãy lập gia đình và sinh con đẻ cái.
Ông Lý không xin lỗi trước các chỉ trích theo đó nói Singapore đã can thiệp quá nhiều vào đời sống cá nhân. Ông nói với báo Straits Times hồi năm 1987 rằng "nếu tôi không làm vậy thì chúng ta đã không được như ngày hôm nay. Chúng tôi quyết định những gì đúng đắn. Tôi không quan tâm tới việc người dân nghĩ gì." Nhìn lại thời kỳ nắm quyền của mình, trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi 2010 ông nói: "Tôi không nói rằng tất cả những gì tôi làm đều đúng, nhưng tất cả những gì tôi làm đều vì một mục đích cao quý. Tôi phải làm một số điều tồi tệ, như là bỏ tù người ta mà không qua xét xử."
Năm 1981, Joshua Benjamin (còn được gọi là JB) Jeyaretnam, lãnh đạo của Đảng Công nhân, giành ghế đối lập đầu tiên tại Singapore. Khó chịu về những chỉ trích của Jeyaretnam về cách điều hành Singapore, ông Lý đã liên tiếp đưa ra các vụ kiện về tội phỉ báng đối với ông này và 2001, JB bị tuyên bố phá sản, đồng nghĩa với việc sẽ không thể giữ ghế và phải chuyển sang bán sách do mình viết trên đường phố để trả nợ. Ông chết năm 2008.
Ông Lý là người có thể cho những lời tư vấn quý giá cho các lãnh đạo nước ngoài khi họ muốn tìm hiểu về Á châu. Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thăm Singapore hồi 1978 để học hỏi về mô hình phát triển của nơi này. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher nói ông Lý có cách "xâm nhập qua màn sương tuyên truyền và thể hiện quan điểm với sự trong sáng, rõ ràng rất độc đáo về những vấn đề trong thời của chúng ta và về cách xử lý các vấn đề đó," còn nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ Henry Kissinger nói không vị lãnh đạo thế giới nào dạy bảo ông nhiều hơn là ông Lý Quang Diệu. Trong lần gặp gỡ hồi 2009, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mô tả ông Lý như một trong những "nhân vật huyền thoại của Á châu trong thế kỷ 20 và 21".
Trong những năm cuối đời, phu nhân của ông Lý, bà Kha Ngọc Chi bị bệnh, đau yếu và mất trí nhớ, phải nằm liệt giường. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi 2010, ông nói những căng thẳng trong việc chăm sóc bà còn khó khăn hơn bất kỳ điều gì ông phải đương đầu trong đời sống chính trị. "Bà ấy hiểu khi tôi nói với bà ấy, điều mà tôi đêm này cũng làm. Bà ấy thức giấc vì tôi, tôi nói với bà ấy về công việc trong ngày của mình, đọc cho bà ấy nghe những bài thơ ưa thích," ông nói.
Bà Kha qua đời hồi tháng Mười 2010. Hàng ngàn người đã xếp hàng trên đường phố để tiễn đưa bà hoặc tới viếng linh cữu trong lễ quốc tang. "Không có bà ấy," ông Lý nói tại lễ tang, "tôi có lẽ đã trở thành một người đàn ông khác, với một cuộc đời khác."
Việc tham chính của ông Lý vẫn tiếp tục hầu như là cho tới khi ông qua đời. Tuy từ chức khỏi vị trí thủ tướng hồi 1990, ông vẫn là bộ trưởng cao cấp và được thỉnh thị ý kiến trong mọi vấn đề. Ông đại diện cho khu vực cử tri Tanjong Pagar ở trung tâm Singapore trong hầu hết cuộc đời chính trị của mình. Trong hình là lúc ông vận động tranh cử tại đây hồi 2011.
Một trong những lần xuất hiện trước công chúng trong dịp quan trọng cuối cùng là khi ông 90 tuổi, tới dự lễ kỷ niệm 49 năm Quốc khánh Singapore. Ông qua đời vài tháng trước khi hòn đảo này đón chào lễ kỷ niệm 50 năm quốc khánh.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2015/03/150322_lee_kuan_yew_life_in_pix


Geen opmerkingen:

Een reactie posten