vrijdag 6 maart 2015

Nhà Nước Hồi Giáo ISIS phá hủy thành phố cổ Nimrud

IS 'phá thành phố cổ ở Iraq' gây phẫn nộ

Các bức tượng và tranh khắc đá bị IS coi là những 'thần tượng giả dối'
Các nhà khảo cổ và nhiều quan chức bày tỏ giận dữ trước việc dân quân Nhà nước Hồi giáo (IS) dùng máy ủi phá cổ vật ở thành phố Nimrud, Iraq.
Hôm thứ Năm 05/03, IS – đang nắm kiểm soát dải đất dọc Iraq và Syria – bắt đầu phá hủy khu vực thành cổ được lập nên từ thế kỷ 13 trước Công nguyên, các quan chức Iraq cho biết.
Người đứng đầu cơ quan phụ trách văn hóa của Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án các vụ phá hủy “có hệ thống” ở Iraq là “tội ác chiến tranh”.
IS nói các đền thờ và tượng cổ là những “thần tượng giả dối” cần phải bị dẹp bỏ.
“Họ đang xóa đi lịch sử của chúng tôi,” nhà khảo cổ học người Iraq, Lamia al-Gailani nói.
Nimrud cách Mosul khoảng 30 km về phía Đông Nam.
Rất nhiều hiện vật tìm thấy ở đây đã được đưa về bảo tàng ở Baghdad và ra nước ngoài, nhưng khu vực vẫn còn nhiều cổ vật khác.
Nỗ lực phá hoại Nimrud bị so sánh với với vụ Taliban phá khối điêu khắc tượng Phật Bamiyan bằng đá cổ ở Afghanistan năm 2001, theo phóng viên Jim Muir của BBC ở Beirut, Lebanon.
IS cũng bán các hiện vật cổ và đây là một trong những nguồn thu chính của nhóm.

'San bằng'

Bức hình cho thấy một dân quân IS đang khoan phá tượng Lamassu
IS “tấn công thành phố lịch sử Nimrud và dùng máy móc hạng nặng để xúc ủi,” Bộ du lịch và di tích nói hôm thứ Năm 05/03.
Bộ này cũng cho biết phe dân quân tiếp tục “thách thức ý chí của thế giới và tình cảm của nhân loại”, và kêu gọi nhóm họp Hội đồng Bảo an LHQ để bàn cách bảo vệ di sản văn hóa tại Iraq.
Nimrud là khu vực khá rộng, vẫn chưa rõ liệu khu vực này đã hoàn toàn bị phá hủy hay chưa, phóng viên BBC phân tích.
Nhưng một nguồn địa phương nói với hãng tin Reuters: “Các thành viên của IS đã đến thành phố khảo cổ Nimrud cướp những đồ giá trị trong đó và bắt đầu san bằng mọi thứ.
“Những nơi từng có tượng và tường thành, hay kể cả lâu đài cũng đã bị IS phá hoại hoàn toàn.”
Irina Bokova, phụ trách UNESCO, lên án hành động trên.
“Đây lại là vụ tấn công khác lên người Iraq, nhắc nhở chúng ta rằng không có gì là an toàn trong vụ thanh trừng văn hóa ở đất nước này: họ nhắm tới cuộc sống của loài người, của những người thiểu số, bằng cách phá hủy một cách có hệ thống các di sản cổ đại của nhân loại,” bà nói.
“Phá hoại các di sản văn hóa có chủ đích có thể cấu thành tội ác chiến tranh."
Nimrud nằm ở phía Đông Nam thành phố Mosul, hiện do IS nắm kiểm soát. Trong hình là các công nhân Iraq làm sạch tượng
Tiến sỹ Gailani nói với BBC: “Nimrud đối với Iraq và với tôi, một nhà khảo cổ, là một trong những nơi quan trọng nhất. Vẫn có rất nhiều hiện vật ở đây – tượng và các khối tranh khắc, hay tượng Lamassu hình đầu người mang thân bò có cánh.
“Họ đang xóa đi lịch sử của chúng tôi. Tôi mong đây là cơn ác mộng mà mình có thể tỉnh thoát.”
Hồi tuần trước, IS đưa ra đoạn video cho thấy dân quân dùng búa đập phá các hiện vật trong một bảo tàng ở Mosul.
Người ta nhìn thấy một dân quân IS khoan và dỡ bỏ vật trông giống tượng bò có cánh bằng đá.
Vụ tấn công này cũng bị UN lên án là tội ác chiến tranh.
IS vẫn đang kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, và các khu vực xung quanh từ hồi tháng 06/2014.
Đây là nơi có gần 1.800 khu vực khảo cổ trên tổng số 12.000 địa điểm có đăng ký ở Iraq.
Các lực lượng người Iraq và dân quân Shia cũng đã phối hợp nhằm đánh đuổi IS khỏi thành phố Tikrit ở miền Bắc, với sự giúp đỡ của Iran.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/03/150306_is_destroy_archeology_site_nimrud_iraq

Thứ bảy, 07/03/2015

Nhà Nước Hồi Giáo phá hủy thành phố cổ Nimrud

Các bức tượng cổ con bò có cánh của Assyria trong Viện bảo tàng Quốc gia Iraq
Các bức tượng cổ con bò có cánh của Assyria trong Viện bảo tàng Quốc gia Iraq

Tin liên hệ


Video Nhóm Nhà nước Hồi giáo không định ra giới hạn nào cho sự phá hoại

Dường như không có giới hạn nào cho những hành vi tàn ác mà các phần tử Hồi giáo quá khích thực hiện trong ý đồ tạo ra một thế giới được thiết kế theo cách họ diễn dịch đạo Hồi
Các chiến binh Nhà Nước Hồi Giáo đã bắt đầu phá hủy thành phố Nimrud cổ đại của Assyria ở miền bắc Iraq, một địa điểm khảo cổ trên sông Tigris ở phía nam Mosul đã từng được khai quật bởi người chồng của tiểu thuyết gia về hình sự nổi tiếng Agatha Christie, trong số những nhà khảo cổ hàng đầu của phương Tây và Ả Rập.
Các nhân viên Iraq lau chùi một bức tượng con bò có cánh tại một địa điểm khảo cổ ở Nimrud. Chính phủ cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo dùng xe ủi đất để phá hủy thành phố cổ Nimrud của người Assyria trong trận tấn công mới nhất, 6/3/15Các nhân viên Iraq lau chùi một bức tượng con bò có cánh tại một địa điểm khảo cổ ở Nimrud. Chính phủ cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo dùng xe ủi đất để phá hủy thành phố cổ Nimrud của người Assyria trong trận tấn công mới nhất, 6/3/15
x
Các nhân viên Iraq lau chùi một bức tượng con bò có cánh tại một địa điểm khảo cổ ở Nimrud. Chính phủ cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo dùng xe ủi đất để phá hủy thành phố cổ Nimrud của người Assyria trong trận tấn công mới nhất, 6/3/15
Các nhân viên Iraq lau chùi một bức tượng con bò có cánh tại một địa điểm khảo cổ ở Nimrud. Chính phủ cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo dùng xe ủi đất để phá hủy thành phố cổ Nimrud của người Assyria trong trận tấn công mới nhất, 6/3/15
Theo các giới chức Iraq và cư dân địa phương, các chiến binh đã tiến vào ngay sau giờ cầu nguyện buổi trưa thứ Năm với các quân xa hạng nặng và bắt đầu cướp bóc các cổ vật, được cho là để bán chợ đen ở nước ngoài, và san bằng những gì mà họ không thể cướp đi hay những gì mà họ muốn tiêu hủy.
Việc nhắm mục tiêu vào Nimrud diễn ra chỉ vài ngày sau khi các chiến binh thánh chiến cướp phá khắp bảo tàng viện Mosul, đập văng các pho tượng cổ khỏi các bệ tượng và dùng búa tạ và máy khoan đập nát chúng thành các mảnh vụn, tất cả trong khuôn khổ một chiến dịch định xóa bỏ các dấu vết của lịch sử tiền Hồi giáo hay phi Hồi giáo ở miền Bắc Iraq, đã từng là nơi sinh cư của các nhóm sắc tộc và các tôn giáo chuyên về nghệ thuật khảm. Một cổ vật đã bị phá hủy mô tả một con bò có cánh, một vị thần hộ mạng của người Assyria đã được làm gần 3000 năm trước.
Trong một đoạn băng video dài 5 phút về cuộc tấn công ở bảo tàng của các chiến binh và được đăng lên mạng, một chiến binh Hồi giáo loan báo: “Ôi những người Hồi giáo, các cổ vật đằng sau lưng tôi này là những thần tượng cho những nguời từ thời cổ đại đã thờ phụng chúng thay vì Thượng Đế”. Anh ta nói thêm: “Nhà tiên tri đã dời chuyển chúng và chôn các thần tượng ở Mecca với bàn tay thần thánh của Ngài”, anh ta nói. “Nhà tiên tri của chúng tôi đã ra lệnh cho chúng tôi phải dời bỏ tất cả những pho tượng như những tín đồ của Ngài đã làm khi họ đi chinh phục các quốc gia”.
Việc đập phá bảo tàng Mosul đã khơi ra sự phẫn nộ trên toàn cầu.
Các nhà khảo cổ lo sợ Nimrud sẽ là mục tiêu tiếp theo trong danh sách của các chiến binh thánh chiến. Bị chiếm đóng từ thời tiền sử, thành phố của Assyria đã đạt tới đỉnh điểm của nó trong triều đại của vua Ashurnasirpal đệ nhị, giữa năm 883 và 859 trước công nguyên, người đã biến nó thành thủ đô của Đế quốc Assyria. Khi đó thành phố mang tên là Kalhu và xuất hiện trong Cựu ước dưới cái tên Calah.
Các cuộc khai quật hợp lệ đầu tiên ở Nimrud do nhà khảo cổ học người Anh nổi tiếng Henry Layard thực hiện, người đã làm việc tại địa điểm này vào giữa thế kỷ 19.
Một thông báo từ Bộ Du lịch và Cổ vật của Iraq đã không nói cụ thể về mức độ thiệt hại cho đến nay trên trang mạng do các chiến binh Nhà Nước Hồi Giáo, còn gọi là ISIL, gây ra, và chỉ nói rằng nhóm này tiếp tục “thách thức ý nguyện của thế giới và cảm xúc của nhân loại” qua hành động phá hoại gần đây nhất.
Một giới chức Iraq cho biết: “Cho tới nay, chúng tôi không biết việc phá hủy đã đến mức độ nào”.
Chủ tịch của UNESCO Irnia Bokova nói: “Việc cố ý phá hủy di sản văn hóa cấu thành một tội ác chiến tranh”. Bà nói thêm rằng “UNESCO quyết định làm bất cứ việc gì cần thiết để làm tư liệu và bảo vệ di sản của Iraq và lãnh đạo cuộc chiến chống lại việc lưu chuyển bất hợp phá các hiện vật văn hóa, vốn trực tiếp đóng góp vào việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Thiệt hại nặng nề
Một người bộ tộc địa phương nói với hãng tin Reuters rằng: “Các thành viên của Nhà Nước Hồi Giáo đã đến thành phố khảo cổ Nimrud và cướp bóc những vật có giá trị ở đó, rồi họ tiến hành đập phá địa điểm này. Có các pho tượng, tường thành cũng như một lâu đài đã bị Nhà Nước Hồi Giáo phá hủy hoàn toàn”.
Nhà khảo cổ Iraq và là chuyên gia về Nimrud, tiến sĩ Lamia al-Gailani nói với đài BBC: “Họ đang xóa bỏ lịch sử của chúng tôi”.  Giám đốc cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc ở Iraq, ông Alex Plathe, đã lên án cuộc tấn công vào Nimrud là “một cuộc tấn công ghê rợn vào di sản của Iraq”.
Bà Agatha Christie đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm đến địa điểm này khi chồng bà, ông Max Mallowan, dẫn đầu các cuộc khai quật ở đó từ năm 1949 đến năm 1963. Ông đã tìm thấy hàng ngàn phiến ngà voi và các hình tượng có từ thế kỷ thứ 9 và thứ 7 trước công nguyên đã bị ném vào các đáy giếng khi thành phố bị nhấn chìm trong bạo lực khi của Sargon đệ nhị qua đời vào năm 705 trước công nguyên. Hầu hết các ngà voi đó, nhiều cái được làm ở Ai Cập và Levant, đã được chuyển tới bảo tàng Anh. Một số đã được làm sạch bởi bà Christie, người đã giải thích trong cuốn tự truyện của bà về phương pháp sử dụng một cây kim đan, một cành cam và kem bôi mặt.
Nhà văn chuyên viết truyện trinh thám đã bị Nimrud mê hoặc, và mô tả nó là một địa điểm đẹp tuyệt. “Tigris chỉ cách một dặm và trên gò đất lớn của Acropolis, những đầu đá Assyria lớn nhô lên khỏi mặt đất. Ở một nơi khác, có chiếc cánh khổng lồ của một vị thần lớn. Đó là một quang cảnh ngoạn mục của đất nước – bình yên, lãng mạn và thấm đẫm quá khứ”.
IS tuyên bố về việc “thờ thần tượng”
Đó là cái quá khứ mà các chiến binh thánh chiến nhất định xóa bỏ. Kể từ khi các phần tử chủ chiến tràn khắp miền tây và miền bắc Iraq vào năm ngoái, chiếm lấy một vùng lãnh thổ rộng lớn của nước này, họ đã tấn công nhiều địa điểm khảo cổ và tôn giáo, tuyên bố là họ cổ súy cho việc bỏ đạo và thờ thần tượng.
Năm ngoái, các chiến binh đã cho nổ tung đền thờ tiên tri Younis (Jonah) và đền thờ tiên tri Jirjis, hai ngôi đền cổ ở Mosul. Họ cũng đe dọa phá hủy đền thờ Crooked Minaret 850 tuổi của Mosul, nhưng người dân địa phương cho đến nay đã ngăn chặn được chuyện này xảy ra.
Nỗi lo sợ của các nhà khảo cổ hiện nay là các chiến binh sẽ chuyển sự chú ý sang Hatra, một địa điểm đã có từ thể kỷ thứ 3 trước công nguyên. Hatra, cách Mosul 110 cây số về hướng tây nam, là một di sản thế giới và được cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO mô tả là thủ phủ của “vương quốc Ả Rập đầu tiên”. Hatra đã trụ được qua cuộc xâm lược của La Mã và năm 116 và 198 sau công nguyên. Và di tích của thành phố, bao gồm các đền thờ pha trộn kiến trúc Hy Lạp và La Mã với những trang trí phương Đông, “chứng minh cho sự vĩ đại của nền văn minh.”
Tuần rồi, bảo tàng quốc gia Iraq ở Baghdad đã mở cửa cho công chúng lần đầu tiên trong hơn một thập niên trong một động thái mà Thủ tướng nước này, ông Haider al-Abadi, cho rằng nhằm thách thức những nỗ lực “phá hủy di sản của nhân loại và nền văn minh của Iraq”.

http://www.voatiengviet.com/content/nhom-nha-nuoc-hoi-giao-pha-huy-thanh-pho-co-nimrud/2670684.html


Irak : Lực lượng thánh chiến phá hủy thành phố cổ Nimroud


mediaVào lúc quân đội Irak tiến về Tikrit - ảnh chụp ngày 05/03/2015, lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã phá hủy thành phố cổ NimrudREUTERS/Stringer
Cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc Unesco vào hôm nay, 06/03/2015 đã lên án Tổ chức Nhà nước Hồi giáo là phạm « tội ác chiến tranh » khi sử dụng xe ủi phá hủy thành phố cổ Nimroud, miền Bắc Irak. Trong một thông cáo Unesco kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Tòa án Hình sự Quốc tế can thiệp.
Theo các hãng tin AFP và Reuters, trích dẫn bộ Du lich Irak, một tuần sau khi cho lên mạng đoạn video chiếu cảnh phá hoại, đập phá các pho tượng cổ hơn nghin năm ở bảo tàng Mossul, quân thánh chiến của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã quay sang phá hủy thành cổ Nimroud, gần Mossul vào hôm qua 05/03.
Theo thông cáo bộ Du lịch Irak, quân thánh chiến đã đến phá thành phố cổ, cướp đi báu vật xưa từ 13 thế kỷ trước công nguyên trước khi sang bằng nơi này với xe ủi.
Reuters trích dẫn một nguồn tin bộ tộc tại Nỉmroud xác nhận vụ cướp báu vật và sang bằng địa điểm : nhiều pho tượng, bức tường và một lâu đài bị hoàn toàn phá hủy.
Nimroud nằm cách Mossul khoảng 30 cây số về phía Nam là thành phố lớn nhất thứ hai Irak mà quân thánh chiến đã chiếm vào tháng 6 năm ngoái. Thành phố được xây dựng khoảng năm 1250 trước công nguyên.
Trong thông cáo, Tổng giám đốc Unesco, bà Irina Bokova, cho là « không thể im lặng vì hành vi phá hủy có chủ ý di sản văn hóa là ‘một tội ác chiến tranh’ ». Bà Bokova cho biết là đã kêu gọi Hội Đồng Bảo An, và biện lý Tòa án Quốc tế về vụ việc, cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế ‘hợp sức’ để ngăn chặn thảm họa tiếp diễn.
Về tình hình chiến sự tại Irak, chiến dịch tấn công chiếm lại thành phố Tikrik từ hôm thứ Hai, 02/03, đã đẩy hàng chục ngàn người chạy lánh nạn.
Theo AFP khoảng 28 000 người đã chạy lánh nạn ở thành phố Samara trước cuộc tấn công của quân đội Irak với một lượng 30 000 quân được không quân, pháo binh yểm trợ.
Tuy nhiên cho đến hôm nay, quân thánh chiến không yếu thế, vẫn chống trả mãnh liệt. Hôm qua họ đã phóng hỏa đốt một mỏ dầu hỏa ở Adjiil, cách Tikrit 35 cây số về phía Bắc. Trong lúc đó mìn gài trên đường, lính bắn tỉa, khủng bố tự sát gây cản trở không ít cho quân đội Irak.
Theo giới chuyên gia, cuộc chiến dự báo sẽ lâu dài và khó khăn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150306-irak-luc-luong-thanh-chien-pha-huy-thanh-pho-co-nimroud/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten