woensdag 11 maart 2015

Nghề xe lunch Bắc California: gian nan nhưng dễ sống

Nghề xe lunch Bắc California: gian nan nhưng dễ sống
Saturday, January 17, 2015 5:11:29 PM






Thiên An/Người Việt
SAN JOSE - Chiếc xe bán thức ăn trưa của ông Sương Lý rẽ vào bến đỗ tập trung Lee Brothers. Trời trưa sắp chuyển sang chiều vẫn còn nắng nóng. Cứ độ hai, ba giờ trưa, khoảng 200 chiếc xe loại này tụ về đây sau một ngày làm việc để rửa xe, dọn dẹp và chuẩn bị công việc cho ngày hôm sau. Nếu người bản xứ thường gọi loại xe này là “food truck,” “lunch truck,” “roach coach,” thì người Việt vùng này lại quen gọi là... “xe lunch.”




Người Việt Nam chiếm hầu hết thị trường xe lunch tại San Jose. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Trời cho qua đây có chén cơm là rất mừng rồi. Thực sự thì người Việt Nam mình siêng, chứ nghề này rất cực,” ông Sương nói. Không giống như nhiều người khác cùng nghề, người đàn ông rặt giọng miền Tây này không ngại tâm sự về những buồn vui trong nghề xe lunch - một nghề mà nhiều người cho là “bất đắc dĩ.”
“Tui đẹp trai nhất ở đây, cô phỏng vấn tui là phải rồi.” Ông cười, vài nếp nhăn hằn lại trên làn da ngăm ngăm dạn dày nắng gió. Đã ở tuổi lục tuần với gần 35 năm trong nghề xe lunch, ông khi nào cũng diện áo sơ mi bỏ thùng ngay ngắn.
Vợ ông đang ở phía sau, châm ga và nước cho xe. Nhìn bà trong bộ cánh bình dân, tay áo và ống quần xắn cao, ít ai có thể nhận ra vợ ông cũng là một người cũng có tiếng trong giới bầu sô nghệ sĩ. “Đi làm năm ngày rồi, cuối tuần phải hưởng chứ,” bà nói, giọng Bắc rặt nhưng điệu bộ vui vẻ và xởi lởi không khác gì chồng. Tấm tờ rơi quảng cáo cho chương trình ca nhạc show cuối tuần được dán ngay bên hông xe, phía trên nơi trưng bày các lon nước ngọt đủ kiểu.
Những chiếc xe màu xám bạc tiếp tục nối đuôi nhau rẽ vào bến. Những hàng xe xám bạc đậu san sát nhau, thi thoảng xen lẫn bởi một vài xe được trang trí sặc sỡ. Người nào người nấy lo dọn dẹp xe thật nhanh để còn phải làm nhiều việc khác. Những vòi nước bắt đầu đua nhau chạy xối xả và máy làm đá được mở tối đa công suất. Quang cảnh bến xe lunch lớn nhất quận Santa Clara, Bắc California, tấp nập và bận bịu hẳn so với chỉ một vài tiếng đồng hồ trước đó.




Ông Sương Lý bán xe lunch từ năm 1980, cho biết khi đó người Việt
chỉ mới bắt đầu “lấn chân” vào nghề này. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhìn các gia đình vừa luôn tay làm việc vừa chuyện trò rôm rả, ít ai biết được nghề xe lunch phức tạp hơn rất nhiều so với những gì đại đa số mọi người thường nghĩ.
Đôi dòng lịch sử
Bán thức ăn dạo vốn có từ lâu tại Hoa Kỳ. Lịch sử thành phố New York, ngày đó còn là New Amsterdam, bắt đầu ra những luật quản lý các xe đẩy thức ăn đầu tiên vào năm 1691. Các xe này ngày càng phổ biến, thường tụ tập tại các khu vực có nhiều công nhân hoặc sinh viên. Xe lunch hiện nay được cho là liên hệ gần nhất với kiểu xe của ông Walter Scott, người vào năm 1872 quyết định đục bên hông xe thành một cửa sổ lớn để thuận tiện cho việc bán hàng.
Vào đầu thế kỷ 20, California bắt đầu thịnh hành loại xe này nhưng bán thức ăn Mexico do di dân mang đến, tạo nên một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Những nơi tập trung đông dân cư và các hãng xưởng - như tại Silicon Valley ở phía Bắc hay Los Angeles ở phía Nam, có những bến xe lunch lớn vài trăm chiếc.
Theo số liệu của cơ quan nghiên cứu IBIS World, dạo gần đây xe lunch phát triển với những chiếc xe lớn hơn, thay vì thường có màu xám bạc và bán burger và taco là chính. Giới trẻ trang trí xe lunch theo phong cách riêng và bán các loại thức ăn đặc biệt hơn. Lợi nhuận của ngành này tiếp tục tăng, hiện nay có khoảng 35,700 người làm việc trên các xe lunch.
Riêng người gốc Việt làm xe lunch, không thể không nhắc đến thành phố San Jose và quận Santa Clara, nơi tập trung các hãng xưởng của Silicon Valley và cũng là nơi mà người Việt chiếm lĩnh thị trường địa phương.
Những dặm đường buồn vui
Theo lời những người đầu tiên vào nghề những năm 1979-80, trước khi người Việt bước chân vào nghề này và giành gần như toàn bộ thị trường tại San Jose, hệ thống xe lunch do người da trắng làm chủ.


Khoảng 200 chiếc xe lunch đậu san sát nhau tại bến Lee Brothers. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Mình chen chân vào đất của người ta, thời gian đầu cũng 'chua' dữ lắm,” ông Chiêu Lê, chủ bến xe Lee Brothers nhớ lại. Tên ông thường được nhắc nhiều hơn với hệ thống bánh mì Lee's sandwiches nổi tiếng hiện có hơn 55 chi nhánh khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Có thể ít người biết, ông Chiêu Lê có bến xe lunch lớn nhất tại Santa Clara và San Jose, theo thống kê của quận, với khoảng 200 xe so với những bến khác chỉ độ vài chục chiếc.
Theo lời những người như ông Chiêu Lê và ông Sương Lý, xe lunch là một nghề “bất đắc dĩ.”
Ông Sương, người vẫn tiếp tục đều đặn mỗi ngày đến bến từ sáng sớm, cho biết: “Tôi làm nghề này từ khi qua đây tới bây giờ, 34 năm rồi. Những năm 80 ít người Việt Nam làm lắm, chỉ có vài người như anh Chiêu và tôi. Khi đó mình mới qua, con đông. Mình cũng học có cái bằng nhưng không đủ để nuôi con. Tôi chọn nghề xe lunch để có tiền liền, nuôi con mình. Tụi tôi làm cực, nhưng có khi tiền lời gấp hai ba lần lương kỹ sư. Mình là cha mẹ thì phải hy sinh thôi, chứ cuộc đời nó như vậy rồi. Tụi tui vất vả, nhưng con cái giờ đứa nào cũng thành công, ra bác sĩ, kỹ sư.”
Ông Sương cho biết, thay vì bắt đầu công việc lúc năm, sáu giờ sáng như người Mỹ bản xứ, vợ chồng ông dậy từ ba giờ để chế biến nhiều món ăn. Đa số các xe của Mỹ bán bánh mì burger và taco Mexico, vợ chồng ông có thêm mì xào và nhiều món mặn khác.
“Nhiều ông Mỹ trắng vô mấy hãng xưởng, nói là đừng cho Việt Nam mình bán. Nhưng tụi tôi được người ta bênh. Nói chung bán rồi biết ai có bản lĩnh hay không. Hồi đó tôi bán hãng lớn không hà, cả ngàn người. Chứ nhiều người vô bán, mới vô là bảo vệ đuổi ra. Cạnh tranh khủng khiếp lắm. Tô súp mình bán $4, nó bán $3, chai nước lấy từ hãng ra là $1.50 mình bán $2 mà nó bán $1. Nghề này cũng 'mafia' dữ lắm. Những năm 1980-90 kinh khủng lắm, bây giờ thì đỡ rồi. Ăn thua là thức ăn của mình. Có những chỗ tui bán 30 năm nay mà không chiếc xe nào khác vô được. Mình giỏi hay không là ở bản lĩnh và thức ăn mình nấu.”
Câu chuyện của ông Chiêu Lê tương tự ông Sương Lý, nhưng sau khoảng ba năm “chồng nấu bếp vợ lái xe” thì gia đình ông có cơ hội đổi hướng đi, nhưng vẫn gắn liền với nghề xe lunch. Kể về những ngày đầu khi mới đến Mỹ năm 1980, những ngày “chỉ mong sống đủ qua ngày” trước khi trở thành nhà triệu phú nổi tiếng với hệ thống bánh mì Lee's Sandwiches: “Nghề này thực sự là nghề bất đắc dĩ. Nhà đông người, mình là anh cả ngoài vợ và con nhỏ thì mấy đứa em cũng còn nhỏ. Tôi đi làm nhà hàng, một nhà hàng nhỏ ở đường 13, ban đêm đi học tiếng Anh ở San Jose High School.”




Bán hàng cho khách. Địa điểm và thời gian đậu xe có tính quyết định
trong việc tìm khách hàng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Giọng ông Chiêu chùng xuống từ lúc nào, hai hàng nước mắt cố kiềm lại khiến cho miệng cũng không thể nói nên lời. Bà Yến Lê tiếp lời chồng: “Anh Chiêu gặp một chú tên là chú Trí, đến ăn trong tiệm. Anh hỏi, chú ơi ở đây nếu gia đình mình đông thì làm nghề gì để có tiền. Chú mới nói ở đây người ta làm xe lunch, con làm thử đi.”
Ông Chiêu nói tiếp: “Mình xin đi làm cho người ta, làm một thời gian thì mua được xe, chị Yến lái, mình thì ở phía sau nấu nướng. Nghĩ lại thì thấy trời thương mình. Mình đâu có nghĩ sống ở Mỹ bằng cái nghề này. Cứ nghĩ là cũng phải đi học, ra trường làm kỹ sư, bác sĩ với người ta. Mình làm không được thì mình bắt buộc phải làm nghề này thôi. nghề này thì không cần đi học hay tiếng Anh. Người mình chỉ nhau, biết làm rất dễ, kiếm tiền nuôi con đi học. Buổi sáng đi làm khi con đi học, chiều về có thời gian kèm con học, rất hợp với người Việt Nam mới qua. Người thì coi con, người thì lo đi chợ, coupon cắt sẵn, mua đồ và nấu nướng cho ngày hôm sau.”
“Lúc đó mình đậu xe ở trước một chỗ của Hải Quân và Không Quân Mỹ, không ai vô bên trong được hết. Mình đậu ở trước cửa. Lúc đó ông Brown, tổng giám đốc của khu đó, mỗi ngày ghé uống một ly cà phê. Mình cũng không biết ông nghĩ gì, nhưng có lẽ thấy hai vợ chồng mình nhỏ mới 20 tuổi mà siêng năng, ngày nào cũng bán đúng giờ, rồi một lần ông đưa tiền mình, mình thối lộn, bữa hôm sau ông ra, mình đưa lại số tiền thiếu, nói với ông là hôm qua ông đưa dư, vậy mà ông giúp mình, cho mình đưa xe vô sâu trong trại mà bán. Từ đó, mình có tiền để làm hai chiếc, ba chiếc, bốn chiếc, năm chiếc...”
Điều bà Yến nhớ nhất : “Những ngày đó cực, nhưng vui, vì sống được là vui rồi. Đi bán cho khách thì cũng nhiều chuyện vui lắm. Nhiều khách thương mình lắm. Rồi những chiều về các chị em ngồi rửa xe, rửa dù, kể chuyện vui cho nhau nghe...”
“Không bản lĩnh, đừng làm”
Tuy không đòi hỏi bằng cấp gì, nghề xe lunch phức tạp hơn việc chỉ nấu nướng, chạy xe, tấp vào lề đường, bán rồi đi.
Muốn làm được nghề này, bạn cần phải “chì” vừa về sức khỏe để từ sáng sớm đến tối khuya lo đi chợ, nấu nướng, vừa về tinh thần để dù mệt mỏi vẫn làm việc mỗi ngày và tươi cười với khách hàng, lẫn về bản lĩnh đối phó với sự cạnh tranh có thể nói là khốc liệt.
Đầu tiên, muốn bán xe lunch, thì phải có xe và phải có giấy đăng ký.




Một xe lunch thường cần khoảng 2 đến 3 người là đủ vận hành. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Vài chục năm trước, người ta có thể mướn xe theo ngày với giá khoảng $20/ngày, nhưng nay đã không còn dịch vụ này. Mua xe, thì đủ giá đủ loại, tùy ngân sách. Giá xe nhỏ hoặc cũ cũng khoảng $15,000- $20,000, nhưng nếu mua xe cũ thì chuẩn bị trước tinh thần để sửa chữa. Chẳng ai muốn rơi vào tình huống “thức ăn thì đã sẵn sàng mà xe chết máy dừng giữa đường, không đến được nơi bán.” Xe mới, đẹp, lớn, thì cao giá hơn, trên $50,000-$100,000 cũng có. Mua xe về, lắp đặt dụng cụ, sửa chữa gì thì lại cần thêm một khoảng tiền bạc, công sức, và thời gian nữa. Những xe lớn đa số được dùng cho “xe lunch” thế hệ sau này, cầu kỳ với các “style” riêng.
Khi có xe rồi, bước tiếp theo là xin giấy tờ của chính quyền địa phương và Sở Vệ Sinh để được hành nghề, với sự đồng ý tuân theo các quy định từ việc được đậu như thế nào, dọn dẹp xe ra sao sau khi làm việc, cho đến nhu cầu vệ sinh của người hành nghề khi đi bán. Ví dụ như quận Santa Clara buộc tất cả xe lunch sau ngày làm việc phải đậu tại các bến xe có nơi để rửa xe và đổ rác, phí bến vào khoảng $30/ngày, trả theo ngày.
Cũng như nhà hàng, chất lượng thức ăn mang tính quyết định. Khác nhà hàng, xe nhỏ, thực đơn và thức ăn trong ngày phải được tính toán và sắp xếp để có thể phục vụ đủ và vừa đủ số khách hàng. Xe lunch không có tủ đông lớn để trữ nhiều, người làm xe lunch là khách hàng mỗi ngày cho các chợ thực phẩm. Một số bến xe, như Lee Brothers có sẵn kho để cung cấp hàng cho xe lunch ngay tại bến. Thực đơn thường gồm những món không tốn nhiều thời gian thực hiện, như burger và taco. Nếu muốn bán thêm các món khác, người làm xe lunch phải chịu khó thức khuya dậy sớm thêm vài tiếng đồng hồ vào giờ làm việc mỗi ngày.
Cũng khác nhà hàng, khách không tìm đến tiệm, mà tiệm phải tìm đến khách. Việc tìm khách thế nào có tính quyết định sống còn đến thành công của người xe lunch. Cũng vì thế, sự cạnh tranh trong nghề rất khốc liệt.
“Không phải muốn ghé đâu thì ghé, mà phải theo ‘tuyến đường.’ Nếu người mới vô chưa biết gì thì phải mua lại tuyến đường. Mua bán, hợp đồng bằng miệng thôi. Nên xảy ra việc giành nhau nơi bán, bến xe này với bến xe kia, công ty này với công ty kia. Nghề nào có bánh xe lăn là nghề đó nhức đầu lắm,” ông Chiêu Lê cho biết thêm.
Tùy theo công ty, tuyến đường nào mà người làm xe truck chọn, họ có thể phải trả vài chục đồng một buổi bán hàng. Ví dụ, công ty tổ chức Off The Grid, Off The Grid, Mobile Fees, Food Truck Mafia... tính khoảng 10% tiền bán - nhưng ít nhất là $100 cho một buổi trưa hoặc tối. Nếu bán hai lần một ngày, năm ngày một tuần, số tiền đóng cho các công ty này ít nhất là $1,000/tuần.
Vậy kiếm được bao nhiêu khách thì đủ? Theo ông Chiêu Lê và ông Sương Lý thì cho các xe lunch bán năm ngày từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, mỗi ngày nếu bán được khoảng $500-$1000, ba ngày là đủ gỡ vốn, hai ngày thu tiền lời. Riêng việc “bao nhiêu thì đủ” thì còn tùy vào mỗi người. Cuộc cạnh tranh trên những nẻo đường xe lunch có thể nay đã dễ dàng hơn cho người Việt, nhưng chưa bao giờ hết khốc liệt.
Xe lunch xu hướng mới
Ngành xe lunch nói chung và của người Việt nói riêng đang có nhiều thay đổi. Giới xe lunch truyền thống - dạng xe giống nhau, thực đơn chính là burger và taco bán năm ngày/tuần tại các hãng xưởng - giảm đi, trong khi xe lunch của thế hệ thứ hai - dạng có thực đơn riêng và kiểu cách hơn - bắt đầu xuất hiện.




Có xe lunch bán từ Thứ Hai đến Thứ Sáu tại các khu hãng xưởng. Có xe lunch bán
cả cuối tuần, tại những khu mua sắm và hội chợ. Trong hình: Một ngày Thứ Bảy
của 2 Brothers' Kitchen. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Khác với thế hệ người Việt đầu tiên “bất đắc dĩ” bán xe lunch, thế hệ thứ hai ít nhiều gửi gắm đam mê và ước mơ vào những chiếc xe lunch đầy cá tính của mình. Với họ, xe lunch không chỉ là phương tiện kiếm sống, mà còn là hiện đại, là tự do, là sở thích.
“Bạn tôi đã có xe lunch và rủ tôi làm theo. Khi đó tôi vừa mới mất việc, nên tôi nghĩ cứ thử xem. Chúng tôi mua chiếc xe mới này, và bán những món Việt Nam của ba mẹ vào thực đơn, và nấu theo cách riêng của chúng tôi để xem thử món nào được chuộng nhất. Mọi người đều hào hứng và ủng hộ chúng tôi làm xe lunch,” Kevin Du, 28 tuổi, đồng chủ xe 3 Brothers Kitchen, cho biết. Anh đặt tên mình cho món phở khô tự tay chế biến.
“Tôi và một người bạn đang làm huấn luyện viên thể dục cùng có ý thích mở nhà hàng. Ở phía Đông vùng Vịnh, không có nhiều đồ ăn Việt Nam. Chúng tôi cùng bàn bạc các ý tưởng mà lập ra Street Fusion. Ý tưởng của chúng tôi là xe truck phải phục vụ khách hàng về nhiều mặt. Mất 5 năm mới thực hiện đó. Đặc biệt là thức ăn Việt Nam. Thức ăn của chúng tôi phải dinh dưỡng nữa, tốt cho sức khỏe, giúp giảm cân... Người ta nghĩ đến food truck là nghĩ xe bán đồ Mexico, nhưng chúng tôi thay đổi hoàn toàn chiếc xe khi mua xe về. Chúng tôi cắt đôi chiếc xe để lắp đặt nhiều thiết bị. Tóm lại là chúng tôi cung cấp thức ăn Việt tốt cho sức khỏe. Tôi luôn muốn mở một nhà hàng nhưng rồi thấy vận hành food truck thì rẻ hơn. Và được đi khắp nơi, không thích nơi này thì đi nơi khác.” Vu Phan, 34 tuổi, đồng chủ xe Street Fusion, nói. Xe của anh lớn, có cả màn hình ti vi phía ngoài.
Thế hệ xe lunch năm nào giờ giảm bớt. Thay vào đó là những chiếc xe lunch của người Hispanic và của thế hệ sau này. Đó là một điều tốt, theo nhận xét của ông Chiêu Lê.
“Ngày xưa Mỹ làm nhiều. Đến dân mình khi mới tị nạn. Giờ thì Mexico bắt đầu làm nhiều hơn. Vậy cũng tốt, vì người Việt mình giờ khá rồi, không còn cực khổ như ngày trước.”

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticles30thang4.aspx?articleid=201690&zoneid=492#.VQAOPek5C70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten