dinsdag 10 maart 2015

Bắc Kinh: 'Biển Đông là sân riêng của Trung Quốc'

Bắc Kinh: 'Biển Đông là sân riêng của Trung Quốc'
Monday, March 09, 2015 5:14:22 PM






BẮC KINH (NV) - Đó là tuyên bố của ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, đáp lại những chỉ trích về việc Trung Quốc bồi đắp nhiều bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ ở Biển Đông.


Bãi đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa nay đã được Trung Quốc biến thành một căn cứ quân sự. (Hình: Tân Hoa Xã)

Tại một cuộc họp báo quốc tế diễn ra hôm 8 tháng 3 ở Bắc Kinh, tuy xác định chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông và các lân bang không thay đổi, song ngoại trưởng Trung Quốc công khai khẳng định, vì biển Đông là “nhà” và là “sân riêng” của Trung Quốc, Trung Quốc có quyền làm tất cả những gì mình muốn trong khu vực thuộc về mình.
Ông Vương Nghị tuyên bố, Trung Quốc không giống như một số quốc gia đã “xây dựng trái phép trong nhà của người khác” nên “không chấp nhận những chỉ trích từ người khác khi chỉ xây dựng trên sân riêng của Trung Quốc.”
Tuyên bố của ông Vương Nghị khiến nhiều giới sửng sốt. Ông Thayer - một chuyên gia về Châu Á, làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Úc, nhận định, đây có lẽ là lần đầu tiên Trung Quốc mô tả các thực thể địa lý ở Biển Đông như là “nhà” và “sân riêng” của mình. Ông Thayer bảo rằng, tuyên bố vừa kể của ngoại trưởng Trung Quốc, vừa thô bạo, ngạo mạn, vừa sai với lịch sử. Trong quá khứ, chính Trung Quốc mới là phía chiếm “nhà” và “sân” của người khác.
Ông Thayer nhấn mạnh, chỉ vài ngày nữa là tròn 27 năm ngày xảy ra sự kiện Trung Quốc cưỡng đoạt bãi đá ngầm Gạc Ma của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa (14 tháng 3 năm 1988). Trong cuộc trò chuyện với RFI, ông Thayer khẳng định, đó là hành vi xâm lược trắng trợn nhưng lại không bị cộng đồng quốc tế trừng phạt nên Trung Quốc tiếp tục chiếm thêm nhiều bãi đá ngầm khác tại quần đảo Trường Sa.
Tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc được xem là sự leo thang về yêu sách chủ quyền, chuyển từ việc “khẳng định chủ quyền lịch sử” đối với các đảo và “vùng biển tiếp giáp,” sang tuyên bố quyền sở hữu đối với với các thực thể như các bãi đá ngầm hay rạn san hô.
Tuyên bố này còn được xem là một kiểu “hù dọa” ASEAN để cô lập Philippines và Việt Nam. Theo ông Thayer, các thành viên “nhút nhát, hay lo” của ASEAN sẽ được khuyên nhủ là phải tự kiềm chế và việc tham khảo ý kiến Trung Quốc về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) sẽ bất tận.
Việc Trung Quốc mở rộng diện tích các đảo nhân tạo và tăng năng lực kiểm soát - cưỡng chế đồng nghĩa với việc thay đổi “thực tế tại hiện trường” và vì vậy sẽ biến mọi quyết định của Tòa Án Trọng Tài Về Luật Biển theo đơn kiện của Philippines trở thành vô nghĩa. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=204160&zoneid=1#.VP7ekOk5C70


Geen opmerkingen:

Een reactie posten