maandag 16 februari 2015

ông Nguyễn Bá Thanh được Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ... khen !




Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ viết về ông Nguyễn Bá Thanh




Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ viết về ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) mới đăng một bài viết gọi ông Nguyễn Bá Thanh là một chính trị gia Việt Nam “nổi bật” và “hết sức được lòng dân”.
Trung tâm uy tín từng đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam tới phát biểu còn cho rằng vị thế của ông Thanh được gây dựng từ thời ông còn làm ở Đà Nẵng với “khả năng lãnh đạo quyết đoán và năng động”.
“Ông Thanh được thừa nhận là kiến trúc sư chính đằng sau sự chuyển mình của Đà Nằng từ một tiền đồn quân sự trong Chiến tranh Việt Nam tới một điểm kinh doanh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cả nội địa lẫn nước ngoài”, CSIS viết.
Tổ chức nghiên cứu nằm ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ viết rằng việc ông Thanh qua đời là một “tổn thất” cho Việt Nam.
“Ảnh hưởng của ông Thanh vượt xa hẳn phạm vi của một người đứng đầu chính quyền thành phố. Nhiều quan chức và người dân Việt Nam mến mộ cách tiếp cận thực tế và có tinh thần doanh nhân của ông. Ông Thanh còn được coi là một người có tài hùng biện, nổi tiếng vì phong cách ăn nói thẳng thừng nhưng có sức thuyết phục”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế viết.
Tin đồn
Trả lời VOA Việt Ngữ, tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát tình hình ở trong nước, từng cho rằng ông Thanh “đúng là đã làm được một số việc sửa sang bộ mặt thành phố, xây dựng hạ tầng cơ sở, nhưng thực sự cái đấy cũng lấy từ đất của dân mà ra”, và nhà quan sát này không nghĩ rằng “việc làm đấy sẽ làm cho Đà Nẵng có sự phát triển lâu dài.”
Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh qua đời hôm 13/2 sau gần một tháng được đưa từ Mỹ trở về Việt Nam sau một thời gian dài chữa bệnh rối loạn sinh tủy.
Báo chí trong nước đưa tin, hàng nghìn người đã tới viết ông Thanh sau khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Hồi đầu năm nay, sau một thời gian để cho tin đồn về chuyện ông Thanh “qua đời vì bị đầu độc” lấn lướt trên mạng Internet trong nhiều ngày, cuối cùng báo chí Việt Nam cũng vào cuộc, cho đăng tải nhiều bài viết dẫn lời các quan chức trong nước, bác bỏ các thông tin mà họ gọi là “sai sự thật” và “xuyên tạc”.
Ông Thanh từng giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trước khi ra Hà Nội lãnh đạo Ban Nội chính từ tháng 12/2012.
Theo CSIS, Tuoi Tre, VOA

 http://www.datviet.com/trung-tam-nghien-cuu-chien-luoc-viet-ve-ong-nguyen-ba-thanh/

Thứ bảy, 14/2/2015 | 11:40 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 14/2/2015 | 11:40 GMT+7

Nhiều báo quốc tế viết về sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh

Báo chí nước ngoài dành nhiều lời ca ngợi về những thành tích của ông Nguyễn Bá Thanh và chia sẻ với sự tiếc thương của người dân Việt Nam khi ông qua đời. 
IMG-0973-9870-1413716657.jpg
Ông Nguyễn Bá Thanh luôn được người dân Đà Nẵng tin yêu, gửi gắm nguyện vọng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hãng thông tấn Pháp AFP đăng bài viết có tựa đề "Quan chức đảng Cộng sản Việt Nam được yêu mến qua đời". 
Mô tả ông Thanh là "một nhân vật cấp cao có được sự mến mộ rộng rãi" trong dân chúng, hãng này cho hay quan chức 62 tuổi từng là một lãnh đạo có công dẹp bỏ vấn nạn tham nhũng và quan liêu, cải cách thành phố biển Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch và đầu tư.
"Ông là một nhân vật lớn, nổi tiếng trong giới đầu tư nước ngoài lẫn những người bán hàng rong", hãng viết.  
Nhiều báo nước ngoài, trong đó có Asiaone và Bangkok Post, dẫn lại tin trên và mô tả cảnh hàng trăm người dân tập trung bên ngoài nhà riêng của ông Thanh ở Đà Nẵng để bày tỏ sự tiếc thương đến người đã dẫn dắt thành phố từ năm 1997 đến 2013. Nhiều nhà bình luận ca ngợi ông vì những gì ông đã làm cho người nghèo và xem đây là một nhà lãnh đạo kiểu mẫu. 
"Đất nước đã mất đi một vị lãnh đạo tài năng với trái tim nồng ấm", Bangkok Post dẫn bình luận của một độc giả trong một bài viết trên VnExpress.
MSN News dẫn lời ông Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại đại học ở Hong Kong, cho rằng ông Thanh "có một kỷ lục lớn về các thử nghiệm và thành tích". 
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS giới thiệu ông Thanh là "một chính trị gia Việt Nam nổi bật và được ngưỡng mộ rộng rãi". Ông vào Đảng năm 27 tuổi, sau đó trở thành Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trước khi làm Trưởng ban Nội chính kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
"Tầm vóc của ông được xây dựng dựa trên sự lãnh đạo năng động và quyết đoán với thành phố Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng và thân thiện với nhà đầu tư", CSIS nhận định. "Sự ra đi của ông là một mất mát lớn với Việt Nam. Ảnh hưởng của ông Thanh đã vượt xa tầm cỡ của người đứng đầu một chính quyền thành phố".
BBC đăng tải bài viết "Nguyễn Bá Thanh sẽ được nhớ mãi" của tác giả Jonathan London. 
"Trong số những phẩm chất đáng chú ý nhất của Nguyễn Bá Thanh là khả năng có những cuộc nói chuyện rất dài, đôi lúc kéo dài tới ba giờ đồng hồ nhưng thật tự nhiên, có sức thuyết phục, và tính vui vẻ, hài hước của ông đã làm cho những diễn văn và các tuyên bố của ông trở nên ngoạn mục", ông London viết. "Nguyễn Bá Thanh sẽ được nhớ đến rộng rãi, khắp nơi trên toàn Việt Nam."
Anh Ngọc
504
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Thứ hai, 16/2/2015 | 14:13 GMT+7

Dòng người chen chân trong lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh

Sáng 16/2, lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh tại nhà riêng ở Đà Nẵng theo nghi thức lễ tang cấp cao. Dòng người chen chân, xếp hàng dài từ trong nhà ra tận ngoài đường bật khóc khi nghe bài điếu văn.
9h15 sáng 16/2 (28 Tết), lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, được tổ chức tại nhà riêng ở số 189 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Hàng ngàn người chen chân từ ngoài đường đến kín khoảng sân rộng trước nhà để tham dự.
Phía trong, thân quyến và các vị lãnh đạo cấp cao của trung ương, địa phương đứng bên lĩnh cữu ông. Tiếng khóc nức nở của nhiều người như xé toang bầu khí buổi lễ.
Ông Tô Huy Rứa (Trưởng ban tổ chức Trung ương, Trưởng ban tang lễ), đọc điếu văn về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông Nguyễn Bá Thanh.
"Trong những năm qua trên từng công trình, con phố Đà Nẵng vẫn mang bóng dáng của đồng chí. Đồng chí Thanh đã có đóng góp lớn được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều bằng khen, huân chương nhưng huân chương lớn nhất là tình cảm mà nhân dân dành cho đồng chí", lời của ông Tô Huy Rứa khiến nhiều người xúc động.
Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri (Giám mục giáo phận Đà Nẵng) nhìn di ảnh ông Nguyễn Bá Thanh trong lễ truy điệu. Lúc sinh thời, ông Bá Thanh luôn tạo điều kiện với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn và để lại nhiều kỷ niệm.
Nhiều người dự lễ truy điệu bật khóc không thành tiếng. Trong dòng người, có nhiều phụ nữ đơn thân được ông Thanh bút phê cấp nhà chung cư, những thiếu niên hư được ông đối thoại để cải hóa, hay những người bán vé số, người xe thồ được ông tặng quà mỗi dịp Tết.
Anh Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, cúi đầu trước di ảnh cha. "Sự chia sẻ cùng những tình cảm sâu nặng của các đồng chí lãnh đạo, người dân trong và ngoài nước là động lực giúp ba tôi chống chọi với bệnh tật", anh Cảnh nói trong lời đáp từ.
Anh Nguyễn Bá Cảnh ôm chặt ông Nguyễn Quốc Triệu (Trưởng Ban chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương) để nói lời cảm ơn. Trong 35 ngày ông Thanh về Đà Nẵng trị bệnh, Ban sức khỏe đã 6 lần hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị.
Lễ truy điệu diễn ra trong vòng 30 phút, Ban tang lễ tiếp tục cho các đoàn vào viếng. Lễ viếng ông Nguyễn Bá Thanh diễn ra đến sáng ngày 18/2 (30 Tết), lễ an táng sẽ diễn ra lúc 12h45 cùng ngày.
Một người dân đứng lặng người nhìn mặt ông Nguyễn Bá Thanh lần cuối. "Cái được lớn nhất của ông Nguyễn Bá Thanh là được lòng dân, mà được lòng dân là được tất cả", luật sư Đỗ Pháp bình luận.
Một cụ bà đặt tay lên phía cuối linh cữu ông Nguyễn Bá Thanh. Với những người nghèo, ông Thanh luôn chăm lo đời sống, tìm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh để giúp đỡ tận tình.
Trong đoàn người vào viếng, các em thiếu niên hư từng được ông Thanh cảm hóa cũng đặt vòng hoa, lặng lẽ xếp hàng trang nghiêm vào nhìn mặt vị nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Nhờ ông mà sau cuộc đối thoại, nhiều em đã từ bỏ thói hư, tật xấu để làm người có ích cho gia đình và xã hội.
Đến trưa, dòng người vẫn chen chân, đội nắng chờ vào viếng ông Bá Thanh. Ông Thanh sẽ về an nghỉ tại nghĩa trang gia tộc ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Nguyễn Đông

http://vnexpress.net/photo/thoi-su/dong-nguoi-chen-chan-trong-le-truy-dieu-ong-nguyen-ba-thanh-3148674.html


Thứ bảy, 14/2/2015 | 11:51 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 14/2/2015 | 11:51 GMT+7

Di sản Nguyễn Bá Thanh trong lòng người dân Đà Nẵng

'Dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sâu sát từ việc nhỏ đến những hành động lớn' là những gì  người dân Đà Nẵng nhớ về ông Nguyễn Bá Thanh - người đã có ảnh hưởng vượt khỏi tầm của lãnh đạo chính quyền địa phương.
"Di sản" lớn nhất ông Nguyễn Bá Thanh để lại cho Đà Nẵng là chương trình "5 không, 3 có". Nay, người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, người bạn thân thiết với nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, nói.
Ý tưởng thành phố "5 không" (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của) được khởi xướng, ông Thanh nhiều lần lấy ý kiến HĐND, các nhà nghiên cứu rồi đưa ra mục tiêu vừa phấn đấu, vừa điều chỉnh cho phù hợp. Khi đề ra mục tiêu "3 có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) thì "5 không" vẫn được duy trì.
IMG-2081-2444-1423876721.jpg
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng hồi ức về  ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Vạch ra đường lối để thực hiện đến cùng, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh không bao giờ hài lòng với những gì mình làm. Khi Đà Nẵng được công nhận là một trong 20 thành phố "sạch nhất thế giới", ông Thanh phát biểu trước kỳ họp HĐND rằng "chưa thấy sướng lắm" bởi thành phố còn nhiều điểm ô nhiễm. Đà Nẵng được bình chọn là thành phố đáng sống, ông Thanh bảo, ai khen chứ bản thân ông chưa hài lòng khi cuộc sống người dân chưa yên với nạn trộm cắp, nghiện ma túy. "Đó không chỉ là tâm huyết mà còn là trí tuệ của người lãnh đạo", ông Tiếng nhận định.
"Nói được, làm được" - cụm từ nhiều người dùng nhận xét về ông Thanh, ông Tiếng thừa nhận "thực tế đúng như vậy". Ông Thanh là người nghĩ ra việc, tạo áp lực cho bản thân và cấp dưới. Giữ chức Bí thư Thành ủy, ông kiêm luôn Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng. "Có người nói anh ấy với tay quá dài, nhưng vị trí đó giúp anh dễ gần gũi quần chúng, lắng nghe những phản biện của dân để làm tốt hơn công việc của mình. Nếu chỉ làm Bí thư thì chưa chắc anh đã làm tốt được như vậy", ông Tiếng lý giải.
Luôn ủng hộ ý tưởng táo bạo, năm 2008, ông Thanh làm "bà đỡ" cho đề án 89 đưa cán bộ trẻ về phường, xã của Trưởng ban Tổ chức Thành ủy - đề án sau đó nhận bằng sáng chế. Vai trò của người tài được coi trọng với chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" từ 15 năm trước. Đến nay, đội ngũ lao động chất lượng cao đang góp sức cho sự phát triển của thành phố chứng minh tính hiệu quả của chính sách. 
Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh mà ai đặt chân đến Đà Nẵng cũng có dịp chiêm ngưỡng là hàng loạt cây cầu bề thế và các công trình phúc lợi...
Ngoài cây cầu lịch sử Nguyễn Văn Trỗi, nhiều thập kỷ trước năm 2000, Đà Nẵng chưa có nổi cây cầu thứ hai bắc qua sông Hàn, khiến quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn kém phát triển đến mức người dân phải đi đò sang đường Phan Đình Phùng (quận Hải Châu) để đi học, đi chợ còn bảo nhau rằng đi sang Đà Nẵng. Dân gian truyền tai "con gái quận 3 không bằng bà già quận nhất" để so sánh về sự chênh lệch mức sống.
Vượt qua nhiều ý kiến bàn lui, ông Thanh quyết định làm cầu quay. Vị Chủ tịch thành phố lúc ấy trực tiếp huy động người dân đóng góp, trẻ em đi học nhịn tiền ăn sáng, cụ già bớt ăn trầu. Cầu làm xong, hai năm sau những xóm nhà tạm bợ trên sông được xóa bỏ. Đường Trần Hưng Đạo bên bờ đông được mở, thành phố cấp cho mỗi hộ dân giải tỏa một lô đất tái định cư. "Chiếc áo cũ" dần được lột bỏ.
Trong cuộc gặp 1.000 cán bộ tại cung Tiên Sơn trước khi ra Hà Nội giữ chức Trưởng ban Nội chính trung ương, ông Thanh nhắn nhủ: "hãy khát vọng chứ đừng tham vọng. Vì tham vọng là hướng đến cái mình chưa có, vì cái riêng, còn khát vọng là vì cái chung". Đó là tâm huyết cả đời của ông mong mỏi mọi người chung tay đưa Đà Nẵng trở thành một Singapore trong tương lai.
IMG-2121-4908-1423876721.jpg
Lá thư kêu gọi xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng do ông Thanh soạn và ký để xin tiền giúp bệnh nhân ung thư. Ảnh: Nguyễn Đông.
Các kỳ họp Quốc hội, ngồi ăn cơm cùng đoàn đại biểu, ông Thanh luôn miệng hỏi việc cần làm nhất ở Đà Nẵng là gì. Rồi ông cả quyết, nhà nước chưa có kế hoạch xây dựng ở miền Trung một bệnh viện chuyên điều trị bệnh ung thư, nên Đà Nẵng phải xây.
"Người mắc bệnh ung thư không khác gì mang án tử hình, cần phải có nơi để họ tầm soát, sớm phát hiện bệnh mà điều trị", bà Nguyễn Thị Vân Lan - Phó chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em nghèo và phụ nữ bất hạnh Đà Nẵng, nhớ về ý tưởng xây dựng Bệnh viện Ung thư lớn nhất miền Trung của ông Thanh được thai nghén từ năm 2005.
5 năm sau đó, ông tự thảo thư kêu gọi, in 10.000 bản và ký từng tờ để thể hiện sự tôn trọng với nhà đầu tư. Bệnh viện khánh thành ngày 19/1/2013 với tổng kinh phí xây dựng 1.500 tỷ đồng. "Nếu không có anh Thanh thì không có Bệnh viện Ung thư", bà Lan khẳng định và cho biết bệnh viện đang là nơi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, có bếp ăn từ thiện, có nhà lưu trú miễn phí.
Ông Thanh luôn công khai số điện thoại di động của mình, nửa đêm dân gọi đến cũng nghe máy. Sau mỗi lần tiếp xúc cử tri, trường hợp nào cần quan tâm, ông ghi ngay vào sổ rồi nhắc nhở, kiểm tra rốt ráo. "Nhiều người thấy uy của anh Thanh thì sợ, nhưng sự quan tâm của anh với những người bất hạnh khiến người ta nể. Người ở tù, trẻ em hư, những ông chồng đánh vợ, anh Thanh đều đối thoại. Việc tiếp dân tại nhà của anh từng bị Thành ủy nhắc nhở, nhưng rồi anh vẫn gắng dậy sớm hơn, ngủ muộn hơn để những người cần nhà ở, cần tiền mổ tim không phải chờ đợi quá lâu", bà Lan hồi tưởng.
Sát cánh bên ông Nguyễn Bá Thanh thời gian dài, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, tự nhận mình là lứa đàn em. "Những nơi tiếp dân tôi thường xuyên đi cùng anh Thanh, cho nên bản lĩnh, lề lối, cung cách làm việc của anh tôi học tập rất nhiều. Sau này khi anh ra làm Ban Nội chính trung ương, tôi đảm đương trọng trách Chủ tịch thành phố, thấy cách làm của người đi trước rất hiệu quả nên cũng học tập và làm theo", ông Chiến cho hay.
bai2-2996-1423876721.jpg
Ông Lê Sang với những câu chuyện kể về vị chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn 3 Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngược dòng trí nhớ của xã viên Bùi Ngọc Cang HTX Hòa Nhơn 30 năm trước, anh chủ nhiệm Nguyễn Bá Thanh dáng người to khỏe, cưỡi xe Honda 67 oai nhất vùng nhưng ăn ở luôn tại hợp tác xã, thưởng phạt phân minh. Phát hiện ai gian dối, ông phê phán chính xác nên không ai dám cãi.
Cựu đội trưởng sản xuất HTX Hòa Nhơn 3 Lê Sang (77 tuổi) thì bảo, hơn 30 năm rồi, nhiều chuyện về ông Bá Thanh không nhớ hết, nhưng cái hồ chứa nước Trước Đông đang tưới tiêu cho 120 ha lúa và cây cầu Tam Thanh giúp học sinh không bị té ngã ông Thanh tự xin tiền về làm thì không bao giờ quên được. Lần khác bắt tận tay lính đào ngũ trộm củi của dân, ông Thanh báo chính quyền và bị toán lính này vây đánh. Được ông Sang giải vây, ông Thanh vào nhà cầm súng hoa cải đuổi theo khiến nhóm thanh niên bỏ chạy không dám quay lại.
Sau lần giải nguy ấy, hai người thân thiết hơn. Gặp cô cán bộ trẻ Lê Thị Quý lên HTX tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, ông Sang giới thiệu: "Tôi thấy cô Quý cũng được, công việc lại ổn định, anh Thanh lấy làm vợ đi". Bà Quý và ông Thanh sau đó nên duyên chồng vợ. "Làm quan to nhất Đà Nẵng rồi ra Trung ương, nhưng đến nhà ông Thanh chơi, ai cũng ngỡ ngàng khi được đón tiếp nhiệt tình, ân cần hỏi han và nhớ tên từng người. Đó là điều chúng tôi quý ở anh", ông Sang kể.
Luật sư Đỗ Pháp (trưởng văn phòng luật sư cùng tên ở Đà Nẵng) cho rằng thành quả nào ở Đà Nẵng cũng gắn với tên tuổi ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng hạn chế của Đà Nẵng người ta cũng nhắc đến ông. "Có người cho rằng không có ông Nguyễn Bá Thanh thì Đà Nẵng còn phát triển hơn bây giờ, nhưng không ai không thừa nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của ông với Đà Nẵng là quá lớn. Và chưa ai ở thành phố này làm được như ông ấy", vị luật sư khẳng định. 35 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, ngày nào ông Thanh cũng hỏi người thân cận về công việc, không dành thời gian cho riêng mình. 
Chứng kiến dòng người từ trưa đến đêm 13/2 vẫn đứng trước cổng nhà riêng ông Bá Thanh, luật sư Pháp nói, có những điều không thể diễn tả bằng lời. "Tôi không có ý so sánh ông Thanh với những nhân vật lịch sử khác, nhưng ông là một hiện tượng độc đáo của xã hội đương đại. Một lãnh đạo thành phố để lại dấu ấn với nhân dân như ông ấy là điều hiếm", ông Pháp nhận xét.
Tết này người dân Đà Nẵng không có được niềm vui trọn vẹn, vì họ đang có một cái tang chung.
Nguyễn Đông


437
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/di-san-nguyen-ba-thanh-trong-long-nguoi-dan-da-nang-3147869.html



Thứ bảy, 14/2/2015 | 10:04 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 14/2/2015 | 10:04 GMT+7

Người dân đội sương đêm trước nhà ông Nguyễn Bá Thanh

Khuya 13/2, hàng trăm người dân đội sương lạnh đứng lặng trước nhà riêng của ông Nguyễn Bá Thanh, khi biết tin ông qua đời vì bạo bệnh.
Hơn 22h đêm 13/2, hàng trăm người dân từ già đến trẻ vẫn hướng mắt nhìn về phía cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh, số 189 đường Cách Mạnh Tháng Tám (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), hy vọng được vào nhìn ông lần cuối.
Dù phía trước cổng gia đình đã dán thông báo lễ viếng vào 15h ngày 14/2, nhưng người dân vẫn không về. Bên trong, mọi công việc dựng rạp, kê bàn ghế đón tiếp khách đang được gia đình và những người thân ông Nguyễn Bá Thanh gấp rút chuẩn bị.
Nhiều người xúm lại kể chuyện ông từng tiếp dân ngay tại ngôi nhà này, giải quyết bao nhiêu nguyện vọng như tái định cư, phụ nữ nghèo được cấp chung cư, trẻ em bị bệnh tim được hỗ trợ tiền điều trị...
Nhiều người xúm lại hỏi chuyện khi một người thân quen ông Thanh vừa từ phía trong nhà đi ra.
Số ít người dân xin cảnh sát để đứng gần tường rào, nhìn vào phía trong nhà ông Thanh.
Cô bạn trẻ cho biết, mới chỉ được nhìn ông Thanh qua những kỳ họp HĐND thành phố trên tivi nhưng luôn yêu quý vì những việc ông đã làm cho Đà Nẵng.
Một vài bó hoa cúc được đặt ở gốc cây trước nhà ông Thanh.
Chị Phạm Thị Anh Thư (30 tuổi, trú đường Hải Phòng) đứng gần 2 giờ đồng hồ. "Thương tiếc bác vì sự ra đi quá đột ngột, không cùng người dân thành phố ăn cái Tết cuối", chị nói mắt ầng ậc nước.
"Ngày 14/2 tôi sẽ đến đây nữa, hy vọng được sớm vào viếng bác Thanh", chị Hoa, trú quận Thanh Khê nói. 9h sáng 14/2, ông Nguyễn Bá Thanh được khâm liệm tại nhà riêng. Ông sẽ được an táng tại nghĩa trang gia tộc ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang vào ngày 28 Tết.

Nguyễn Đông

http://vnexpress.net/photo/thoi-su/nguoi-dan-doi-suong-dem-truoc-nha-ong-nguyen-ba-thanh-3147944.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten