vrijdag 6 februari 2015

Nghề nuôi tôm đất ở Đầm Dơi, miền Tây Nam Bộ

Nghề nuôi tôm đất ở Đầm Dơi

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-07-25
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
nuoi-tom-305.jpg
Một xóm nuôi tôm ở miền Tây Nam Bộ, ảnh minh họa.
RFA


Về Đầm Dơi ăn tôm đất! Cái câu cửa miệng ấy đã thành quen thuộc đối với du khách cũng như những người xứ miệt vườn miền Tây Nam Bộ mấy chục năm nay. Xứ Lục Tỉnh Miền Tây với ruộng đồng bát ngát, cò bay thẳng cánh, tôm cá đầy sông, đầy mương đã đi vào tâm khảm của bất kì ai từng sống ở đây. Đặc biệt là Đầm Dơi những năm trước thập niên 1970, chuyện đưa rổ xuống mương, lạn lách qua những rễ đước, rễ tràm xúc lên một vốc tôm đất là chuyện thường tình. Thế nhưng thời gian gần đây, con tôm đất trở nên hiếm hoi, người nuôi tôm lắc đầu ngao ngán.

Mô hình kinh tế “rắn nuốt nhái”

Anh Trại, một chủ nuôi tôm đang sở hữu hơn ba chục vuông tôm ở Đầm Dơi chia sẻ:
“Vùng mình ở dưới đây, con tôm đất mà nuôi thiên nhiên nó không đạt bởi vì cái mô hình và kỹ thuật mình không có, bởi vì cái mô hình của mình nó rộng quá. Tôm đất thì mình nuôi thiên nhiên, tức là mình thả đại vậy đó chứ mình không có rào gì hết, tới chừng mình xổ (hồ) ra và mình rộng sống, bán cho mấy người nuôi tôm sống, nó bự lắm, bằng ngón tay út của mình mà! Tôm đất nếu đóng đáy dưới sông của mình thì chừng sáu chục ngàn đồng một ký, có nhỏ có bự… Theo anh Trại, chừng mười năm trở lại đây, việc nuôi tôm đất cũng như tôm sú ở Đầm Dơi gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết và môi trường đã thay đổi hoàn toàn, con tôm đất không có cơ hội sống và phát triển như trước được nữa. Hàng loạt các loại bệnh tật kéo đến khiến nhiều vuông tôm bị chết trắng mặt nước. Chuyện này trước đây mười năm không hề xảy ra.”
Tôm đất thì mình nuôi thiên nhiên, tức là mình thả đại vậy đó chứ mình không có rào gì hết, tới chừng mình xổ (hồ) ra và mình rộng sống, bán cho mấy người nuôi tôm sống.
-Anh Trại
Cũng theo anh Trại, sở dĩ con tôm bị chết hàng loạt như vậy là do hai nguyên nhân, công nghệ nuôi tôm chưa đảm bảo kỹ thuật và sự mất cân bằng sinh thái cũng như mất cân bằng trong cán cân kinh tế. Nghĩa là trong một diện tích đất không được rộng cho mấy, hàng loạt gia đình thi nhau nuôi tôm khiến cho môi trường trở nên dơ dáy, không đảm bảo vệ sinh để con tôm đất sinh sống. Bởi vì tôm đất tuy sống rất mạnh và dễ sinh sôi nhưng nó không chịu được những chất hóa học do thức ăn công nghiệp mang lại.
Tuy không phải cho ăn hằng ngày giống như tôm sú nhưng bởi động cơ lợi nhuận nên nhiều hộ nuôi tôm đã tăng cường thức ăn công nghiệp cho tôm đất, về lâu về dài, những cặn bã thức ăn sẽ làm cho môi trường nước trở nên xấu, con tôm thoi thóp tồn tại và chết dần chết mòn. Đó là chưa nói đến trường hợp hàm lượng chất độc hóa học trong nước ngày càng tăng cao bởi thuốc trừ sâu và các loại thuốc dưỡng cây.

nuoi-tom-2-250.jpg
Vuông nuôi tôm của một hộ gia đình ở Đầm Dơi. RFA PHOTO.

Ngay cả việc khai thác cây đước, cây bần để làm võng, làm nhà một cách vô tội vạ cũng dẫn đến môi trường sống của các sinh vật thay đổi trầm trọng. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng nguyên nhân kinh tế. Bởi theo anh Trại, mô hình kinh tế Việt Nam suốt ba mươi mấy năm nay luôn nằm trong trạng thái rắn nuốt mồi, nơi nào có con mồi thì nơi ấy phình to lên, nơi nào không có thì teo tóp. Người nông dân vốn không được cập nhật thông tin đầy đủ, vốn hiểu biết cũng không nhiều nên không thể phác họa cho mình một tương lai kinh tế được. Chính vì thế, hễ thấy việc gì kiếm được tiền thì đua chen vào việc đó.
Việc nuôi tôm cũng không nằm ngoại lệ, thời gian gần đây, phong trào nuôi tôm đất dấy lên bởi nhu cầu ăn tôm đất của các đại gia, nhà giàu ngày càng cao. Nhưng đó chỉ là nhu cầu thoáng qua, trong khi đó người nuôi tôm lại đổ xô vào nuôi tôm đất. Mà đã nói tôm đất cũng đồng nghĩa với việc phát triển tự nhiên của nó, không cần đến tác động của con người, nhất là về mặt thức ăn. Một khi người nông dân đổ xô nuôi tôm đất thì cán cân cung – cầu bị lệch, người ta sẽ tìm cách nuôi con tôm thật mau lớn để bán thu lãi. Và mọi khó khăn bắt đầu từ chỗ cạnh tranh vô phương hướng này.

Nguy cơ tuyệt chủng của tôm đất

Một nông dân khác, tên Hà, cũng là chủ của trên hai mươi vuông nuôi tôm, chia sẻ thêm:
“Con tôm đất nó rất ngon, không cho ăn thức ăn, ngoài ra con tôm ở trên này có con tôm sú, con tôm đất, con tôm bạc, thức ăn tự nhiên của chúng là bọt nước lắng đọng, nhưng ở đây, do vuông tôm rộng nên phải bổ sung thức ăn. Hiện tại con tôm sú không đạt nên nuôi tôm thẻ chân trắng, người ta thu nhập cao, trúng dữ dằng lắm. Sản lượng tôm đất đã vơi đi nhiều rồi! Bởi người đánh bắt bây giờ tăng cao, cách đánh của họ cũng thông minh và tàn sát hơn… Lú này lú kia, làm nguồn tôm cạn kiệt.”
Con tôm đất nó rất ngon, không cho ăn thức ăn, ngoài ra con tôm ở trên này có con tôm sú, con tôm bạc, thức ăn tự nhiên của chúng là bọt nước lắng đọng.
-Một nông dân
Theo ông Hà, tình trạng tôm đất đang ngày càng mất khả năng tồn tại trong các vuông nuôi tôm là chuyện bình thường, nhưng bên cạnh đó, trong các vùng nước tự nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những đợt tôm đất chết trắng mặt nước. Điều này cho thấy nguy cơ tuyệt chủng của tôm đất đang rất gần. Bởi vì một mặt, nhu cầu sử dụng tôm đất đã bắt đầu phổ biến, điều này khiến cho những người đánh bắt tự nhiên chú tâm vào con tôm đất nhiều hơn.
Mặt khác, các chất độc hại đã làm cho con tôm đất mất dần kháng thể, hơn nữa, nguồn tôm tự nhiên bị dẫn dụ vào các vuông nuôi tôm để biến chúng thành đàn tôm công nghệ đã làm cho môi trường sống của tôm đất hoàn toàn bị đảo lộn. Đó là chưa muốn nói đến chuyện thời gian gần đây, sản lượng tôm đất trong các vuông nuôi tôm đã tuột dốc trầm trọng, chưa còn bằng một phần ba những năm trước đây. Trong khi đó, người dân vẫn giữ thói quen khai thác tôm đất theo kiểu giã cào và ngày càng đua nhau nuôi tôm đất.
Lý giải vấn đề này, ông Hà cho rằng cho đến thời điểm này, nghề nuôi tôm đất ở Đầm Dơi đã rơi vào tình trạng phóng lao thì phải theo lao, hết đường cứu chữa. Bởi vì chính sách kích thích nuôi trồng thủy sản của huyện đã khiến cho nhiều nông dân lao vào vay vốn, đầu tư đào vuông nuôi tôm. Mà mỗi vuông nuôi tôm sau khi thuê đất, thuê công đào và thả tôm, tốn ít nhất cũng ngót nghét năm trăm triệu đồng. Với khoản tiền lớn như vậy, một khi đã đầu tư vào, người nông dân chỉ còn một cách duy nhất là bằng mọi giá phải gỡ cho được vốn.
Một khi tình hình kinh tế trở nên eo hẹp, nạn thất nghiệp kéo dài, người nông dân lại một lần nữa đối diện với bế tắc, chấp nhận làm liều với con tôm đất để được đồng nào mừng đồng đó. Mà trong làm kinh tế, một khi đã lao đầu làm liều, chọn được chăng hay chớ cũng có nghĩa là đang tự làm khổ mình và đang tự hủy diệt mọi thứ chung quanh mình.
Câu chuyện con tôm đất còn rất dài, không thể gói gọn trong bài tường trình ngắn ngủi này. Hy vọng lần tới, chúng tôi sẽ kể thêm chi tiết và rành mạch hơn!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten