Các nước Đông Nam Á hợp tác nghiên cứu nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng máu là bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao. Tuy nhiên, tại một số nước Đông Nam Á, nhiều người chưa nhận thức được sự nguy hiểm và những nguy cơ của bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh nhập viện quá muộn và tỷ lệ tử vong cao. Trước tình hình này, ba nước Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đã cùng nhau hợp tác trong một nghiên cứu để tìm hiểu về nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng huyết tại các nước này nhằm tìm ra phương thức điều trị thích hợp trong tương lai. Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Những nguy cơ chưa biết về nhiễm trùng máu
Các giới chức y tế ba nước Thái Lan, Việt Nam và Indonesia hôm 16 tháng 6 đã đồng ý hợp tác trong một nghiên cứu mới để tìm hiểu về căn bệnh nhiễm trùng máu, nguyên nhân chính gây tử vong do các bệnh viêm nhiễm trong khu vực.
Nói về mục đích của hợp tác về nghiên cứu này giữa ba nước, bác sĩ Direk Limmathurotsakul, Trưởng khoa vi sinh thuộc cơ sở y tế Mahidol – Oxford của Thái lan cho biết:
BS. Direk Limmathurotsakul: chúng tôi điều hành một mạng lưới gọi là mạng lưới nghiên cứu lâm sàng các bệnh viêm nhiễm Đông Nam Á. Chúng tôi kết hợp với các cơ sở nghiên cứu hàng đầu tại các nước Thái lan, VN, và Indonesia và chúng tôi thiết lập cùng một cách thức theo dõi chẩn đoán, điều trị ở 9 bệnh viện ở các nước này. Chúng tôi nghiên cứu các trường hợp bệnh nhân bị ở các bệnh viện này và thực hiện chẩn đoạn rộng với tất cả họ và tìm hiểu nguyên nhân chính của nhiễm trùng máu ở đây là gì và điều trị hiện thời như thế nào, kết quả điều trị ra sao. Chúng tôi nghiên cứu trong 2 năm, và vào cuối năm sau, chúng tôi hy vọng kết thúc nghiên cứu và có được kết quả về tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu ở các nước ngoài Thái Lan, nguyên nhân chính là gì, và cách gì mà chúng ta có thể áp dụng để giúp cứu được nhiều người hơn.
Chúng tôi nghiên cứu trong 2 năm, và vào cuối năm sau, chúng tôi hy vọng kết thúc nghiên cứu và có được kết quả về tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu ở các nước ngoài Thái Lan, nguyên nhân chính là gì, và cách gì mà chúng ta có thể áp dụng để giúp cứu được nhiều người hơnbác sĩ Direk Limmathurotsakul
Các bệnh viện ở Việt Nam tham gia vào nghiên cứu này bao gồm những bệnh viện lớn chuyên điều trị các bệnh viêm nhiễm phổ biến như bệnh viện nhi đồng 1, nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện các bệnh nhiệt đới trung ương ở Hà Nội và Sài Gòn.
Theo bác sĩ Direk, thực trạng bệnh nhân bị nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong cao ở Thái lan và các nước trong khu vực là một điều đáng lo ngại cho các giới chức y tế. Chỉ riêng tại Thái Lan, cứ 6 bệnh nhân thì có 1 người tử vong. Giải thích về tình trạng chung này, bác sĩ Direk cho biết:
BS. Direk Limmathurotsakul: ở Thái lan, vốn là một nước đang phát triển, nguồn lực hiện có để điều trị bệnh nhân khác với các nước phát triển như Mỹ, hay Anh. Ví dụ như khả năng của phòng cấp cứu tích cực, rồi tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân thấp, bệnh nhân không đến bệnh viện kịp thời và thường chỉ tìm đến bệnh viện khi bệnh tình quá nặng và đó là giai đoạn cuối. Và việc điều trị cho những người bệnh đến quá muộn thường không có được kết quả tốt như ở các nước phát triển…. Chúng tôi thấy tình trạng tương tự ở các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Việt Nam, Indonesia. Chúng tôi tập trung vào người bệnh bị nhiễm trùng máu. Thường thì khi người bệnh đã bị nhiễm trùng máu thì tỷ lệ tử vong là khoảng 50% và đây là tỷ lệ chung ở toàn khu vực Đông Nam Á.
Nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu là tình trạng có vi khuẩn sống trong máu người bệnh. Giải thích cụ thể về tình trạng này, bác sĩ Direk nói:
Bs. Direk Limmathurotsakul: nhiễm trùng máu là tình trạng mà cơ thể bạn đối phó với viêm nhiễm và dấu hiệu có thể thấy là sốt cao, tim đập nhanh, khó thở, huyết áp thấp, và bệnh nhân có thể ngất mà chúng tôi gọi là sốc. Tình trạng này có thể là từ bất cứ viêm nhiễm nào do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Khi bạn bị như vậy với các triệu chứng đó và đến gặp bác sĩ thì chúng tôi gọi đó là nhiễm trùng máu. Tình trạng này nếu để quá lâu có thể dẫn đến suy các cơ quan nội tạng, có nghĩa là não bạn không hoạt động tốt, tim không hoạt động tốt và bạn có thể tử vong.
Nhiễm trùng máu là tình trạng mà cơ thể bạn đối phó với viêm nhiễm và dấu hiệu có thể thấy là sốt cao, tim đập nhanh, khó thở, huyết áp thấp, và bệnh nhân có thể ngất mà chúng tôi gọi là sốcbác sĩ Direk Limmathurotsakul
Người ta có thể bị nhiễm trùng máu đôi khi từ những bệnh viêm nhiễm thông thường như cảm cúm, tiêu chảy. Thường những người bị cảm cúm, tiêu chảy thông thường, có thể tự điều trị tại nhà, nghỉ ngơi và bệnh có thể qua khỏi. Nhưng cũng có những trường hợp, các viêm nhiễm này chuyển nặng và thành nhiễm trùng máu. Khi người bệnh bắt đầu có các dấu hiệu như sốt cao, khó thở, việc can thiệp y tế kịp thời là cần thiết để tránh nhiễm trùng máu nặng.
Có một số loại vi khuẩn, ký sinh trùng và virus phổ biến ở khu vực Đông Nam Á có khả năng gây nhiễm trùng máu mà mọi người nên chú ý bao gồm tụ cầu khuẩn gây các viêm nhiễm trên da, tạo nhọt có mủ, ký sinh trùng crypto gây bệnh tiêu chảy, virus gây bệnh tay chân miệng, virut gây bệnh sốt xuất huyết.
Nói về những yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng máu từ những bệnh viêm nhiễm thông thường, bác sĩ Direk cho biết:
BS. Direk Limmathurotsakul: chúng ta phải hiểu là các bệnh viêm nhiễm phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn, bạn nhiễm vi khuẩn và nhiễm nhiều hay ít vi khuẩn mỗi lần. Cho nên nếu bạn khỏe mạnh thì nguy cơ bị nhiễm trùng máu thấp, còn nếu bạn bị các vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như tiểu đường hay ung thư, HIV thì bạn có nhiều nguy cơ bị sepsis hơn. Ngoài ra nếu nghề bạn làm khiến bạn tiếp xúc với các loại vi khuẩn gây bệnh thường xuyên thì nguy cơ cũng cao hơn, ví dụ bạn là nông dân trồng lúa và tiếp xúc với nước 8 tiếng 1 ngày, mà không đi ủng đeo găng cao su thì bạn dễ bị vi khuẩn từ nước vào cơ thể như vi khuẩn crypto chẳng hạn. Nếu bạn tiếp xúc với trẻ thường xuyên thì bạn cũng dễ bị bệnh về tay chân miệng, những bệnh thường hay xảy ra cho trẻ. Vì vậy các nhân tố nguy hiểm là một tổ hợp nhiều yếu tố.
Việc điều trị nhiễm trùng máu hiện tại phải sử dụng kháng sinh. Theo khuyến cáo của các bác sĩ ở những nước phát triển, để tránh nhiễm trùng máu chuyển nặng, người bệnh đến phòng cấp cứu và bị nghi là có nhiễm trùng máu, cần được cho dùng kháng sinh sớm trong vòng 1 tiếng đồng hồ kể từ khi bệnh nhân đến bệnh viện. Tại các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, do điều kiện điều trị và số lượng bác sĩ còn hạn chế, thời gian này, trên thực tế, bị kéo dài hơn. Tuy nhiên, các bệnh viện ở Thái Lan cũng đã bắt đầu áp dụng các khuyến cáo về điều trị nhanh trong các trường hợp nghi nhiễm trùng máu tại bệnh viện. Bác sĩ Direk cho biết những nước khác trong khu vực cũng đang dần áp dụng các biện pháp tương tự:
BS. Direk Limmathurotsakul: Bây giờ ở Thái Lan nếu người bệnh bị phát hiện có nhiễm trùng máu thì chúng tôi cũng đã bắt đầu thực hiện điều trị nhanh càng sớm càng tốt và có hướng dẫn cụ thể cho tình trạng này. Chúng tôi đã thấy có những thay đổi trong các bệnh viện tại Thái Lan. Thứ hai là phần lớn kiến thức mà chúng tôi có được đến từ Mỹ và Anh và nó thường đòi hỏi phải có nhiều trang thiết bị trong điều trị, nhưng ở các nước đang phát triển thì chúng tôi phải nghiên cứu để xem cách tốt nhất để sử dụng nguồn lực và nguồn tài nguyên của mình trong điều trị. Chúng tôi phải cân nhắc cái gì là ưu tiên hàng đầu và cho hiệu quả cao nhất, cái nào là tốt nhưng có thể là làm sau. Chúng tôi muốn thực hiện những nghiên cứu và thực nghiệm này tại Thái Lan và sau đó lan rộng ra trong toàn vùng và tìm hiểu xem tình hình ở các nước trong khu vực ra sao. Chúng tôi nhận thấy là tình hình ở Việt Nam cũng đang thay đổi, nhưng tôi hiểu là tình hình vẫn chưa phải phải là hoàn hảo.
Những chuyên gia y tế các nước khu vực Đông Nam Á tham gia vào nghiên cứu hiểu rằng khu vực này đã từng phải đối mặt với những ca bùng phát dịch bệnh nguy hiểm thời gian gần đây, điển hình là vụ cúm gia cầm H5N1 vào năm 2005. Kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh trong quá khứ khiến các bác sĩ hiểu là họ không thể chờ dịch bệnh bùng phát mới tìm cách nghiên cứu và đối phó vì lúc đó là quá muộn. Bác sĩ Direk nói nghiên cứu hợp tác 3 nước về nhiễm trùng máu và những nghiên cứu tương tự khác trong khu vực sẽ giúp các nước phát hiện sớm những nguy cơ bệnh viêm nhiễm mới nổi tại đây và hợp tác để đối phó một cách hiệu quả hơn trong tương lai.
For magazine only: tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LifeAndHealth/asea-count-figh-sepsis-07152014080747.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten