zondag 20 juli 2014

Kinh tế Trung Quốc lớn cỡ nào?

Kinh tế Trung Quốc lớn cỡ nào?

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-07-16
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
035_pau615091_02-305.jpg
Một chi nhánh của Ngân hàng Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 03/3/2013
AFP photo

Người ta cứ dự báo sản lượng kinh tế Trung Quốc sắp vượt Mỹ để dẫn đầu thế giới. Điều ấy có đúng chăng, Diễn đàn Kinh tế sẽ nhìn lại trên cơ sở của những ước lượng mới nhất. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về câu hỏi này.

Thổi phồng sản lượng?

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Sau số báo tháng trước của tờ The Wall Street Journal xuất bản tại New York, thì hôm Thứ Hai 14 vừa qua, tờ South China Morning Post xuất bản tại Hong Kong cũng có một bài về kích thước thật của nền kinh tế Trung Quốc, căn cứ trên những phát giác và điều chỉnh của một cơ quan nghiên cứu độc lập là Conference Board.
Từ nhiều năm qua ông trình bày trên diễn đàn này mức độ thiếu chính xác của thống kê kinh tế Trung Quốc, hôm nay, chúng tôi xin ông lại đề cập tới chuyện đó nhân đề nghị điều chỉnh của Conference Board. Thưa ông, cơ quan này là gì và cách ước tính của họ có đáng tin hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ra đời từ năm 1916 tại New York, Conference Board là tổ chức tư nhân nay quy tụ hơn ngàn doanh nghiệp công và tư tại sáu chục quốc gia để tổng hợp sức nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh làm cơ sở tính toán. Xuất thân từ gần một thế kỷ, với sự tài trợ của các doanh nghiệp và sự đóng góp của nhiều chuyên gia có thực tài, Conference Board là cơ quan có uy tín và dùng phù hiệu là ánh đuốc. Nhiều công trình nghiên cứu, khảo sát hay chỉ số kinh tế của họ đã trở thành kinh điển cho quốc tế. Nói vắn tắt thì những người có trách nhiệm về kinh tế, kinh doanh hay tài chính trên thế giới đều chú ý đến thông tin của Conference Board.
Vũ Hoàng: Bây giờ ta chú ý đến sự kiện là hai tờ báo lớn tại Hoa Kỳ và Á Châu cùng nói tới sự điều chỉnh về cách ước tính sức nặng kinh tế Trung Quốc của tổ chức Conference Board này. Thưa ông, điều ấy có ý nghĩa gì?
Thí dụ như sản lượng kinh tế TQ năm 2012 được thổi phồng 36% và lên tới tám ngàn hai trăm tỷ đô la! Nếu cách tính ấy mà đúng thì thật ra kinh tế TQ còn thua Nhật Bản khoảng 700 tỷ đô la.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tổ chức Conference Board nghiên cứu cho hội viên của họ là các doanh nghiệp, và có một bộ phận nghiên cứu là "Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc". Từ nhiều năm nay, có hai thành viên của Trung tâm Trung Quốc đào sâu nghiên cứu về Trung Quốc, đó là Giáo sư Angus Maddison người Anh, dạy học tại một đại học uy tín nhất của Hà Lan và đã tạ thế năm 2010 và Giáo sư Harry Wu, người gốc Hoa và là nhà tư vấn cao cấp của Trung tâm.
Sau nhiều năm làm việc, hôm 20 Tháng Sáu, trung tâm này báo cho thành viên cách tính khác về đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc nên giới lãnh đạo doanh nghiệp đều đã biết. Sau đó, báo chí như ông vừa nhắc đến mới tường thuật nội dung. Nói cách khác thì thiên hạ lần lượt đánh giá lại sức nặng kinh tế của Trung Quốc. Thí dụ như sản lượng kinh tế Trung Quốc năm 2012 được thổi phồng 36% và lên tới tám ngàn hai trăm tỷ đô la! Nếu cách tính ấy mà đúng thì thật ra kinh tế Trung Quốc còn thua Nhật Bản khoảng 700 tỷ đô la, chẳng thể là hạng nhì thế giới và có khi còn thấp hơn nữa!
Vũ Hoàng: Sau phần bổi cảnh rồi, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta thứ nhất, nội dung của việc điều chỉnh, rồi hậu quả của sự điều chỉnh ấy trong cách xử trí của Trung Quốc và sau cùng là sự tính toán của thiên hạ về sức nặng kinh tế Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa kinh tế Trung Quốc hiện đại trải qua hai giai đoạn, một là từ quãng 1950 cho đến khi Đặng Tiểu Bình cải cách, sau đó là từ 1979 đến nay. Conference Board rà lại từ đầu và ước tính rằng từ quãng 1952 đến 1977, dưới thời tập trung kế hoạch kiểu Mao, kinh tế Trung Quốc có đà tăng trưởng bình quân là 4,2% một năm, không mấy khác thống kê chính thức, tuy có vài dị biệt trong từng giai đoạn ngắn. Thế rồi, họ ước lượng là từ năm 1978 đến 2012 thì bình quân kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng có 7,2% một năm, thua con số chính thức là 9,8% đến 2,6% một năm. Sự khác biệt đó quan trọng vì trùm lên thời Tổng suy trầm từ 2008 đến 2012 và còn cho thấy một nền tảng thấp hơn của tình hình hiện nay vào năm 2014. Nhìn lại thì qua 30 năm huy hoàng nhất, kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng bằng Nhật Bản, Đại Hàn hay Đài loan trong cùng giai đoạn mà còn thua vì không có dân chủ. Về nội dung điều chỉnh, Conference Board nêu ra hai lý do, một là phương pháp thống kê, hai là yếu tố chính trị.
000_Hkg9188241-250.jpg
Nhân viên phân loại các gói hàng tại một công ty chuyển phát nhanh tại Beijing hôm 12/11/2013. AFP photo
Vũ Hoàng: Xin nhờ ông nói về phương pháp thống kê trước, dù là một đề tài quá chuyên môn.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Về phương pháp, công trình nghiên cứu của Conference Board nêu ví dụ của ba chỉ số được thống kê Bắc Kinh áp dụng để điều chỉnh hầu tính ra sản lượng tổng hợp. Các chỉ số này là về loại giá tương tự, về giá sản xuất và về giá công nghiệp. Dị biệt thứ hai về phương pháp là cách tính sản lượng công nghiệp và trị giá gia tăng của doanh nghiệp trong tiến trình sản xuất.
Dù không đi vào chi tiết chuyên môn thì dị biệt thứ nhất về phương pháp khi dùng các chỉ số giá cả đã nâng sản lượng mà đánh sụt mức lạm phát. Chi tiết này đáng chú ý và ta sẽ trở lại sau. Dị biệt kia thì cũng thổi phồng sản lượng nhất là của hệ thống doanh nghiệp nhà nước.
Tôi xin lấy một khái niệm cơ bản để thính giả của chúng ta thấy ra sự thật đơn giản. Trong một nền kinh tế, các đơn vị sản xuất cần tới phương tiện sản xuất ở đầu vào, gọi là nhập lượng, để từ đó cung cấp hàng hóa hay dịch vụ ở đầu ra, gọi là xuất lượng. Sai biệt giữa xuất và nhập lượng được gọi là "trị giá qia tăng" và tổng số trị giá gia tăng đó chính là Tổng sản lượng Nội địa hay Tổng sản phẩm mà ta gọi tắt là GDP.
Cách tính giá phương tiện sản xuất và xuất lượng đã tính sai con số lạm phát và nâng sản lượng cao hơn thực tế. Cách tính xuất nhập lượng của doanh nghiệp cũng vậy. Ví dụ như là làm ra một cây cầu bị xập nên phải sửa, nhưng tiền xây ra rồi tiền sửa lại đều được gọi là sản lượng! Hoặc doanh nghiệp sản xuất ra thép nằm không để bị rỉ, hay cao ốc bị ế, mà vẫn tính là trị giá gia tăng.

Mơ ước viển vông?

Vũ Hoàng: Thế còn lý do thứ hai khiến cơ quan Conference Board phải điều chỉnh sản lượng kinh tế của Trung Quốc là yếu tố chính trị. Thưa ông, cụ thể thì chuyện ấy có nghĩa là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Conference Board ước tính về ảnh hưởng chính trị vào thống kê kinh tế qua hai hướng được minh diễn bằng hai ví dụ với nhiều bảng số và đồ biểu.
Trước nhất là sự khác biệt thường trực giữa đà tăng trưởng kinh tế của toàn quốc và của từng địa phương. Sản lượng tổng cộng của địa phương đều cao hơn thống kê tổng hợp của trung ương và sự khác biệt ấy mở rộng hơn sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lý do giải thích ở đây mà diễn đàn của chúng ta đã đề cập tới thuộc về hệ thống chính trị.
Trung Quốc là một anh to xác, bị mập phì trên đôi chân rất yếu nên có thể ngã bệnh, nhưng cái đầu lại mơ ước chuyện viển vông vĩ đại nên mới gây rủi ro cho thiên hạ!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Các đảng viên cán bộ đều thăng quan tiến chức là nhờ thượng cấp trong đảng và không chịu trách nhiệm hay có bổn phận giải trình cho dân chúng và thuộc cấp. Vì vậy, ngần ấy cấp bộ đều có xu hướng tô hồng thành tích với cấp trên và lên mỗi bậc con số về sản lượng lại nống thêm một chút. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, nhu cầu thi đua và lập thành tích sản xuất với thượng cấp và để xin thêm phương tiện của trung ương còn giải thích nạn sản xuất thừa và nạn đầu cơ nên mới có tình trạng tồn kho ế ẩm và bong bóng đầu tư sẽ bể.
Thứ hai là Conference Board so sánh cùng một thống kê chính thức của trung ương, trước và sau đợt khảo sát kinh tế toàn quốc vào năm 2004 rồi năm 2008. Các chuyên gia của họ phát giác Trung Quốc có điều chỉnh lại thống kê từ năm 1992 đến 2004, nhưng cố tình để nguyên số liệu năm 1998. Vì sao lại như vậy? Họ tìm ra lý do chính trị: vụ khủng hoảng Đông Á thời 1997-1998 làm kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng, nhưng vì tính toán chính trị, lãnh đạo vẫn không sửa mà dùng con số cũ là tăng trưởng được 7,8%, gần với chỉ tiêu chính thức là 8%. Về thực tế, nếu xét đến sản lượng điện năng hay vận tải thì nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vào năm 1998, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng có 2%, thậm chí còn giảm 2%.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần hậu quả của việc điều chỉnh. Thưa ông, khi một cơ quan có uy tín như Conference Board nêu ra những sai trệch như vậy thì sự thể sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trên đại thể và khách quan mà nói thì sản lượng kinh tế Trung Quốc có được thổi tới 10%, 20% hay thậm chí hơn 30% cũng chẳng làm trái đất ngừng quay và ta chẳng nên lấy làm lạ vì nhân loại đã từng lầm lẫn như vậy!
Tuy nhiên, nhìn từ Việt Nam vì lãnh đạo Hà Nội cứ coi Trung Quốc là mẫu mực, thì ta suy ra mức trầm trọng của sự lãng phí kinh tế và bất tài chính trị của một quốc gia. Họ ngốn phân nửa số than đá tiêu thụ trên thế giới và nhập khẩu nào dầu khí nào nguyên liệu để nhả ra một sản lượng chưa bằng một phần ba của Hoa Kỳ mà cứ đòi vượt qua nước Mỹ và uy hiếp thiên hạ!
Hậu quả thứ hai là chuyện nội bộ Trung Quốc. Lãnh đạo xứ này ý thức được nhược điểm, khi Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày nay đã phát biểu từ 10 năm trước, thời còn làm Bí thư tỉnh Liêu Ninh. Nhưng nhược điểm không chỉ là thống kê thiếu chính xác mà nằm trong cơ chế kinh tế và hệ thống chính trị. Vì vậy, tiến trình chuyển hướng và cải sửa mà lạnh đạo Bắc Kinh đã nói tới sẽ là khoảng thời gian dài hơn, với nhiều trở ngại chính trị lớn lao hơn. Với cái thế biểu kiến của nền kinh tế nhất nhì thế giới, họ phải giải quyết bài toán thực tế của một xứ lạc hậu, mà mắc bệnh tới cỡ nào thì có lẽ đảng cũng không biết hết.
Vũ Hoàng: Sau cùng thưa ông, hậu quả với thế giới bên ngoài là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ Trung Quốc là một anh to xác, bị mập phì trên đôi chân rất yếu nên có thể ngã bệnh, nhưng cái đầu lại mơ ước chuyện viển vông vĩ đại nên mới gây rủi ro cho thiên hạ!
Với dân số đông, lãnh thỏ rộng và ý chí cao, xứ này thật ra là cường quốc cấp vùng, ai cũng đồng ý như vậy. Nhưng nói tới sức mạnh quân sự đang uy hiếp thiên hạ thì việc đầu tư lãng phí với lạm phát cao có thể cho thấy sự mong manh của bộ máy quân sự. Nếu kể thêm kỹ thuật chiến tranh lạc hậu - tiên tiến nhất thì chỉ lấy được từ chiến cụ của Liên bang Nga thời Xô viết cách nay hai ba chục năm – ta thấy ra hai sự thật. Bộ máy chiến tranh có tiếng mà chưa có miếng nên lãnh đạo càng phải ráo riết ăn cắp. Kết hợp với bài toán kinh tế và chính trị cơ bản của họ thì các nước có thể suy ra động thái mâu thuẫn, là càng yếu bên trong lại càng muốn biểu dương bên ngoài nên lấy nhiều quyết định có rủi ro. Đấy là con ếch muốn to bằng con bò, nhưng tin rằng mình có nọc độc của con cóc!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, nhất là trong cách ví von lý thú của ông.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten