woensdag 30 juli 2014

Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Thứ tư, 30/7/2014 | 12:20 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|Print

Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Là "công xưởng của thế giới" lâu nay song chi phí đắt lên, cộng với những rủi ro nội tại, Trung Quốc mất dần sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Những báo cáo liên quan đến Nike thời gian gần đây cho thấy hãng thời trang thể thao này đang không ngừng tăng cường các đơn hàng tại Việt Nam. Năm 2013, lượng sản xuất tại công xưởng Việt Nam chiếm 42% tổng số giày dép mang nhãn hiệu Nike trên toàn cầu, tăng nhẹ so với mức 41% một năm trước. Trong khi đó, tỷ trọng giày dép được sản xuất tại Trung Quốc năm qua chỉ đạt 30%, tiếp tục giảm so với mức 32% của năm 2012.
da-giay-2676-1406686344.jpg
Các thương hiệu giày dép nổi tiếng thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: Dallasnews
Yue Yuen - công ty con của Tập đoàn PouChen (Đài Loan) chuyên gia công giày dép cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Reebok, Puma... ba năm qua cũng giảm dần quy mô sản xuất tại Trung Quốc và tăng cường hoạt động tại Việt Nam.
Tổng tài sản của Yue Yuen tại Việt Nam đã tăng từ 360 triệu USD năm 2010 lên 463 triệu USD năm 2013 và trở thành cứ điểm sản xuất lớn thứ hai trên toàn cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tài sản của công ty giảm xuống 1,21 tỷ USD năm 2013, từ mức 1,27 tỷ USD ba năm trước.
Từ vị thế đứng sau Trung Quốc về số lượng hàng sản xuất, đến hết năm 2013, Việt Nam đã vươn lên ngang bằng khi chiếm 34% tổng sản lượng giày của Yue Yuen. Hiện công ty có 28 cơ sở sản xuất và bán giày dép tại Trung Quốc và 7 cơ sở tại Việt Nam.
Sang nửa đầu năm 2014, theo báo cáo của Hiệp hội Da giày Việt Nam, sự dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục rõ nét. Bên cạnh các nhà sản xuất giày dép khổng lồ như Nike hay Adidas, nhiều công ty từ trước đến nay vốn chỉ đặt Trung Quốc sản xuất các sản phẩm túi xách cao cấp như Lancaster, Sequoia Paris cũng muốn chuyển hướng vào Việt Nam.
"Đây không phải xu hướng dịch chuyển nhất thời do các doanh nghiệp tại Trung Quốc không đáp ứng đủ đơn hàng. Họ thừa sức. Nguyên nhân chủ yếu là các hãng cảm thấy môi trường kinh doanh tại Trung Quốc không còn tối ưu", bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội da giày Việt Nam cho biết.
Theo vị này, chi phí nhân công tại Trung Quốc cao gấp đôi, cộng thêm bất ổn trong môi trường kinh doanh khiến một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động đã khiến các thương hiệu quốc tế chuyển dần đơn hàng và dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Đặc biệt, việc tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do với liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và Hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN... cũng là cơ hội cho ngành da giày trong nước.
Điều này cũng trùng với quan điểm của lãnh đạo Yue Yuen khi cho rằng môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức với chi phí tiền lương, thuê đất và lạm phát tăng lên. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho hay, năm 2013, mức lương cơ bản của một công nhân ở Việt Nam là 162 USD một tháng, nếu cộng thêm các loại phúc lợi ước đạt 3.000 USD một năm, chưa bằng một nửa mức lương tại Trung Quốc (7.503 USD một năm).
"Làn sóng dịch chuyển đơn hàng này diễn ra lâu dài, xuất phát từ các chính sách kinh tế của Việt Nam và các Hiệp định thương mại đa phương", ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày nhấn mạnh.
Không chỉ dịch chuyển đơn hàng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn tính chuyện xây nhà máy để làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Theo thông tin từ Jetro, lượng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm liên tục trong 3 năm gần đây, sau khi xảy ra tranh chấp quanh quần đảo phía Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và chi phí kinh doanh đang trở nên đắt đỏ hơn.
Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn tại Trung Quốc có ý định mở rộng sản xuất giảm dần từ 73% năm 2010 xuống còn 57% vào năm 2013. Còn tại Việt Nam, cùng khoảng thời gian, tỷ lệ này tăng từ 27% lên 30%, theo Jetro.
Tháng 11/2013, Fuji Xerox - công ty chuyên sản xuất máy in, photocopy của Nhật đã chính thức đi vào hoạt động tại Hải Phòng với tổng vốn khoảng 120 triệu USD. Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ việc đầu tư sang Việt Nam sau khi đã có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc nằm trong kế hoạch dài hạn nhằm tránh tập trung chi phí tại quốc gia đang có giá nhân công ngày càng tăng lên.
Ngoài ra, những ông lớn trong ngành công nghệ như Samsung, Intel, Nokia cũng đang đổ hàng tỷ USD vào cơ sở sản xuất tại Việt Nam, dù đã có những nhà máy quy mô ở Trung Quốc. Cuối tháng 7 này, Intel vừa công bốviệc sản xuất dòng chip Haswell dành cho máy tính để bàn tại nhà máy ở Việt Nam và hy vọng có thể sản xuất được 80% nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm này tại đây trong vòng 6 tháng tới.
Các chuyên gia nhận định việc các công ty quốc tế, đa phần là các nhà sản xuất sử dụng nhiều lao động đang tìm cách mở rộng đầu tư ở Việt Nam nhằm tránh rủi ro tại thị trường Trung Quốc sẽ tạo tác động tích cực tới sản xuất của Việt Nam.
Ví dụ với dệt may, quy mô thị trường này năm 2013 đạt khoảng 1.100 tỷ USD. Trong đó EU là nước tiêu thụ lớn nhất với 350 tỷ USD mỗi năm và Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng đầu với gần 300 tỷ USD. Việt Nam tuy đứng trong 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch mới đạt 20 tỷ USD. "Nếu tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển này, ngành dệt may trong nước sẽ nhận được cú hích lớn", chuyên gia tại Hiệp hội Dệt may cho biết.
Tuy nhiên, để đón đầu hiệu quả làn sóng dịch chuyển này, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước là phải nâng cao năng lực sản xuất, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ bởi hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may, da giày hay công nghệ là rất thấp. Đáng chú ý là phần lớn nguyên phụ liệu, máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Việt Nam phải chuẩn bị tốt để không bị thua thiệt trên sân nhà, bằng cách tăng cường khoa học công nghệ, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chọn lựa kỹ lưỡng các mặt hàng chiến lược", bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phản ánh.
Theo bà Dung, các doanh nghiệp cần tính đến việc sản xuất những mặt hàng sử dụng nguồn nguyên phụ liệu trong nước hoặc nguồn nguyên phụ liệu từ các nước ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan... để giảm thiếu tỷ trọng phụ thuộc. Khi đó, doanh nghiệp ngoài việc chủ động trong giao dịch, chọn bạn hàng cũng phải chấp nhận chi phí đầu vào sẽ cao hơn Trung Quốc. Song, điều này sẽ tránh rủi ro bị gián đoạn nguồn cung nếu quan hệ thương mại giữa hai nước xấu đi.
Về việc Việt Nam chủ yếu làm gia công, chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, bà Dung cho rằng các doanh nghiệp cần năng cao năng lực thiết kế, chủ động tìm tiếm nguồn nguyên liệu để tiến tới mô hình sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM), thay cho việc cắt may theo đơn đặt hàng hiện nay.
Cũng theo khuyến nghị của chuyên gia đến từ HSBC, chiến lược phụ thuộc vào tài nguyên và nguồn lao động để thu hút đầu tư sẽ không bền vững. Do đó, Việt Nam phải giải quyết những kẻ thù từ bên trong như cơ sở hạ tầng cho dịch vụ logistics còn nghèo nàn, quản trị chuỗi cung ứng kém và các thủ tục thương mại rườm rà. Đây sẽ là nhân tố đóng vai trò thay đổi đối với năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Phương Linh
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/lan-song-dich-chuyen-san-xuat-tu-trung-quoc-sang-viet-nam-3024254.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten