zondag 30 december 2012

Tưởng nhớ huyền thoại Piaf qua giọng ca Patricia Kaas

Thứ bảy 29 Tháng Mười Hai 2012
Tưởng nhớ huyền thoại Piaf qua giọng ca Patricia Kaas
Tuấn Thảo
Cõi nhân sinh đâu có hiện hữu những niềm vui trường tồn vĩnh cửu. Bất cứ niềm hạnh phúc nào cũng tiềm ẩn phôi thai nỗi đoạn tuyệt giã từ. Lúc sinh tiền, câu nói của nhà thơ Jean Cocteau về Edith Piaf, coi vậy mà mang dấu ấn tiền định. Tuy không hẹn, nhưng đôi bạn tri âm tri kỷ này lại vĩnh viễn ra đi trong cùng một ngày, cách đây vừa đúng nửa thế kỷ.
Một trong những sự kiện quan trọng nhất năm 2013 là 50 năm ngày giỗ của thần tượng Edith Piaf cũng như của nhà văn kiêm đạo diễn Jean Cocteau. Trung tuần tháng 10 năm 2013 sẽ là đỉnh điểm của các chương trình tưởng niệm, nhưng trước đó hàng loạt bộ toàn tập đĩa nhạc, phim ảnh, ấn bản văn học sẽ lần lượt được phát hành. Riêng trong ngành băng đĩa, một trong những dự án có tầm vóc vẫn là album mà Patricia Kaas dành riêng để tưởng niệm bậc tiền bối.
Mang tựa đề ngắn gọn là Kaas hát nhạc Piaf (Kaas chante Piaf), album bao gồm 16 bản nhạc, trong đó có 2 bài mới được sáng tác riêng cho album này. Hai bản nhạc không lời để làm nhịp cầu nối, có giai điệu giống như khúc đàn dạo đầu chuyển tiếp gắn liền những tình khúc bất hủ của Piaf, mà chúng ta sẽ cùng nghe những tác phẩm nổi trội nhất như La Vie en Rose (Cuộc đời màu hồng), Hymne à l’Amour (Bài ngợi ca tình yêu) hay Non, Je ne regrette rien (Không ta không hối tiếc gì)
Có thể xem đây là một abum concept : các bài hát thay vì rời rạc lại được bố trí theo một trình tự nhất định, không xuôi dòng thời gian mà lại ngược dòng quá khứ. Cách sắp đặt này vay mượn thủ pháp và ngôn ngữ của sân khấu điện ảnh, bởi vì khi nghe qua album, ta có thể hình dung được bối cảnh và diễn tiến của một bộ phim (scenography). Cuộc đời của Piaf được dựng lại như một vở ca nhạc kịch trên sân khấu. Patricia Kaas nhập vai một thần tượng, thử hóa thân thành Edith Piaf , dùng lời lẽ ca từ để phản ánh nội tâm của nhân vật.
Không phải ngẫu nhiên mà tập nhạc này mở đầu với ca khúc Mon Dieu tạm dịch là Vái trời. Qua đó, nhân vật Edith Piaf trong lúc đang thành công rực rỡ trên sân khấu Hoa Kỳ, bỗng nghe hung tin rơi xuống như sét đánh giữa trời. Người yêu của bà là võ sĩ quyền Anh Marcel Cerdan đột ngột từ trần do tai nạn máy bay, khi ông đang trên đường từ Paris sang New York để tìm lại người yêu.
Người đàn bà đột quỵ khóc than, khẩn vái ông trời, cầu nguyện ơn trên để níu chân thời gian, cho phép đôi tình nhân sống bên nhau dù chỉ là vài tiếng hay vài ngày. Sau cái giây phút định mệnh này, những bài hát kế tiếp là một cách để cho nhân vật Piaf hồi tưởng tất cả những bước thăng trầm trong sự nghiệp của một đời người, khi tột cùng đau thương giúp cho một tiếng hát thăng hoa sáng ngời, khi thuốc độc tuyệt vọng tiêm chích vào huyết mạch khiến cho thân xác nhức nhối đến rã rời.
Dự án tưởng niệm Edith Piaf của ca sĩ Patricia Kaas gây ra khá nhiều tranh luận. Những ý kiến chê bai cho là Patricia Kaas đã đi quá xa, phá cách quá trớn nên phiên bản phóng tác khó thể nào mà gần với cốt cách nguyên tác. Bù lại những ý kiến tán thưởng cho rằng cô đã khéo léo luồn lách để tránh bị che khuất bởi bóng cây đại thụ. Dù có thích hay không, nhưng cũng phải công nhận rằng tập nhạc này là một dự án táo bạo : ca sĩ người Pháp đã hợp tác với nhà soạn nhạc trẻ tuổi người Ba Lan Abel Korzeniowski để khoác áo mới cho các bản tình ca muôn thuở.
Nổi tiếng nhờ cái tài soạn nhạc phim, trong đó có nhạc nền minh họa cho bộ phim A Single Man của Tom Ford, tác giả Abel Korzeniowski đã triệt để khai thác lối hòa âm bán cổ điển, biến ca khúc hiện thực thành những bản nhạc giao hưởng, dùng cách hợp xướng khi thì phức điệu, lúc thì hòa điệu tạo dựng nên cái bối cảnh, mở đường cho các phần đơn ca.
Lối biến tấu ấy không chỉ nằm trong các đoạn nhạc chuyển tiếp mà còn ở trong một số ca từ vì Patricia Kaas đôi khi hát bỏ lững nốt nhạc, không xuống hẳn hay lên hẳn ở cuối câu. Có lẽ ngay từ ban đầu sự hợp tác, Cả hai nghệ sĩ Pháp và Ba Lan đã dứt khoát chọn lựa : làm khác thay vì làm mới vì 50 năm sau ngày qua đời, cho tới tận bây giờ, không ai có thể hát nhạc Piaf hay bằng Edith Piaf.
Không biết có phải là do có duyên tiền định hay đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng Patricia Kaas đã ghi âm album này năm cô 47 tuổi, trong khi Edith Piaf qua đời vào năm 1963, cũng ở tuổi 47. Trong khi đó nhà thơ Jean Cocteau qua đời cũng vào năm 1963, ở tuổi 74, tức là con số 47 đảo ngược. Năm 1947 cũng là thời điểm mà Edith Piaf lần đầu tiên sang Hoa Kỳ biểu diễn, gặp vô địch quyền Anh hạng nhẹ Marcel Cerdan tại New York, một năm trước khi mối tình say đắm của cặp tình nhân này tan vỡ.
Do suy sụp tinh thần sau cái chết của người yêu, Piaf bắt đầu chích thuốc morphine. Tác dụng của thuốc có thể làm cho tiếng hát của Piaf phiêu diêu bay bổng, nhưng đồng thời tàn phá sức khỏe của bà một cách nghiêm trọng. Để có đủ sức trình diễn, Piaf ngày càng dùng thuốc với liều lượng cao, nhưng dung nhan của bà từ mái tóc đến khuôn mặt càng xuống sắc rõ rệt. Tiều tụy, kiệt sức, hao mòn do chứng nghiện ngập, Piaf nhiều lần đột quỵ trên sân khấu, nhưng cứ mỗi lần như vậy, bà lại nhất quyết đứng lên, rồi lao mình như thiêu thân vào ánh đèn sân khấu.
Nhắc đến người bạn tri kỷ của mình, nhà thơ Jean Cocteau có lần nhận xét : Chỉ khi nào thật sự chạm đáy, thì Piaf mới thật sự vực dậy, giọng ca này xuất thần đến nỗi hớp hồn khán giả bởi vì tất cả những cung bậc cảm xúc của một đời người được thu gọn trong một bài hát. Chỉ có những con người từng trải đã gặp phải quá nhiều mất mát thiệt thòi mới cho ta cái cảm giác chết đi rồi sống lại. Tình ca của Piaf ngắn ngủi trong chớp mắt, sáng ngời từng khoảnh khắc, nhưng lại giúp cho tình yêu sống mãi ngàn đời.

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20121229-patricia-kaas-hat-nhac-tuong-niem-piaf

Geen opmerkingen:

Een reactie posten