zondag 23 december 2012

Giáng Sinh, nói về Thánh Ðịa Bethlehem

Hình ảnh hang đá Bê Lem .Nơi Chúa Giêsu sinh ra 2000 năm trước

Hang Đá Bê Lem - Nhà Thờ Giáng Sinh

Grotto of Bethlehem - The Church of Nativity

Tọa lạc cách thành phố Jerusalem 8 km về hướng Nam, nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất trên thế giới có sinh hoạt liên tục từ lúc xây dựng vào thế kỷ thứ tư đến nay.


Nhà thờ được xây cất ngay trên hang đá Bê lem. Chứng cứ đầu tiên về hang Bê lem được tìm thấy trong quyển sách của ông Justin Martyr viết vào khoảng năm 160.
Năm 327 thánh nữ Helène, mẹ của hoàng đế Constantin I cho xây cất nhà thờ Giáng Sinh.


Năm 529 nhà thờ bị đốt cháy trong cuộc nỗi dậy Samaritan.


Năm 565 hoàng đế Justinian I cho xây dựng lại và tồn tại đến nay.


Khi Bê lem bị người Ba Tư xâm chiếm vào năm 614, viên chỉ huy Shahrbaraz đã không ra lệnh tiêu hủy nhà thờ này vì nhìn thấy hình ba vị Vua phương Đông với trang phục của dân Ba Tư.


Trong các lần chiến tranh với Hồi giáo, nhà thờ đã ngụy trang bằng cách làm cổng vào nhỏ lại và mặt tiền không có vẽ là nhà thờ. Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ Giáng Sinh không có chút gì uy nghi cao cả.


Có lẽ nhờ thế, nhà thờ Giáng Sinh đã giữ được tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa sinh ra cách nay 2000 năm!

Khu nhà thờ Giáng Sinh nhìn từ quảng trường Máng Cỏ (Manger Square)

Phải lại gần hơn mới thấy cổng vào nhà thờ

Và phải cúi mình xuống mới vào được

Chánh điện bên trong nhà thờ - Trên nền nhà là nơi khai quật...

các nhà khảo cổ đã tìm được nền nhà thờ cũ từ năm 327

Tới gần bàn thờ - chú ý phía bên phải nơi có người đứng là cổng xuống hang đá Bê Lem

Bên trái bàn thờ có hình Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng với nến cháy lung linh

Và khi tắt nến

Cổng bước vào hang đá Bê Lem

Hành lang nhỏ dẫn tới hang đá Bê Lem

Bước xuống các bậc thang là nơi Con Chúa Ra Đời

Bên phải: nơi Chúa sinh ra – Bên trái: máng cỏ

Máng cỏ nơi Chúa nằm sau khi sinh ra

Nơi Chúa Giêsu sinh ra được đánh dấu với ngôi sao 14 cánh

Các chữ vòng quanh bên trong ngôi sao: Hicde Virgine Maria Jesus Christus Natus EstCó nghĩa là: Nơi đây Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Đức Giêsu Kitô

Chính diện hang đá Bê Lem

Các hàng cột bên trong nhà thờ

Xen kẻ các bình đèn

Theo kiểu Chính Thống Giáo

Tạm biệt hang đá Bê Lem

Tạm biệt nhà thờ Giáng Sinh


Giáng Sinh, nói về Thánh Ðịa Bethlehem Saturday, December 22, 2012 2:57:57 PM

Hà Tường Cát/Người Việt



BETHLEHEM - Hàng năm ít nhất một lần vào dịp lễ Giáng Sinh, những tín đồ Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới đều hướng về miền Thánh Ðịa Trung Ðông, nơi Ðức Chúa Jesus Christ giáng trần để chịu tội cho loài người.


Thanh thiếu niên Palestine ném đá vào một trạm canh ở bức tường phân chia ranh giới thành phố Bethlehem, trong cuộc biểu tình hồi tháng 11, 2012, phản đối quân đội Israel tấn công dải Gaza. (Hình: Musa al Shear/AFP/Getty Images)


Tuy nhiên số người thật sự từng đặt chân đến đây không nhiều vì Trung Ðông vẫn là miền đất của những bất ổn và khủng hoảng.

Bethlehem, (người Việt gọi là Bê Lem, đọc theo tên Pháp) là một trong những địa danh cổ đã có từ trên 3,000 năm nhưng không phải là một thành phố lớn, dân số ngày nay chỉ vào khoảng 25,000. Thánh Kinh Tân Ước xác định Bethlehem là nơi Chúa Jesus giáng thế. Cộng đồng Thiên Chúa Giáo ở đây lâu đời nhất, nhưng nhân số giảm dần do di cư đi những nơi khác và dân Hồi giáo dần dần là thành phần đa số.

Như số phận của những lãnh thổ khác trong vùng Trung Ðông, qua lịch sử Bethlehem đã từng bị chiếm đóng bởi nhiều nhóm dân tộc, vương quốc, đế quốc, thuộc địa Tây phương và các chính quyền khác nhau. Hiện nay Bethlehem ở lãnh thổ Tây Ngạn (Bờ Tây sông Jordan) thuộc chính quyền tự trị Palestine từ năm 1995, tuy nhiên Israel vẫn kiểm soát tất cả đường ra vào thành phố.

Gia đình Chúa Jesus là dân di cư đến Bethlehem từ Nazareth, cách khoảng 65 dặm về phía Bắc, thành phố hiện nay có đông dân Á Rập nhất nằm trong lãnh thổ Israel. Bethlehem chỉ cách xa Jerusalem 3 dặm về phía Nam nhưng ngăn cách bằng bức tường biên giới do Israel xây dựng để phòng thủ và đồng thời cũng là để phong tỏa vùng đất Palestine.

Nguồn lợi kinh tế chính của Bethelehem là kỹ nghệ du lịch, trung tâm hành hương của người Thiên Chúa Giáo, đến đông nhất vào mùa lễ Giáng Sinh. Thành phố có hơn 30 khách sạn và khoảng 300 xưởng và tiệm bán các đồ thủ công lưu niệm sử dụng được nhiều nhân công. Tình thế bất ổn thường xuyên do những xung đột giữa Israel và Palestine làm giảm số du khách muốn đến nơi đây.

Thánh đường Chúa Giáng Thế ở công trường Máng Lừa (Manger) là nơi hấp dẫn du khách hơn hết vì theo truyền thuyết Chúa Jesus chào đời trên một máng lừa trong một căn nhà nghèo nàn hơn 2,000 năm trước. Trong cuộc nổi dậy của người Palestine được gọi là Intifada thứ hai, năm 2000-2001, Bethlehem là khu diễn ra chiến trận khi quân đội Israel mở cuộc tấn công sang vùng đất Palestine. Nhiều cơ sở ở Bethelhem bị tổn hại và nhà thờ Chúa Giáng Thế bị quân đội Israel bao vây hơn một tháng khi có khoảng 200 dân Palestine trong đó có cả những phần tử du kích quân chạy vào cố thủ.

Bà Vera Baboun, nữ thị trưởng đầu tiên mới được bầu lên, hứa hẹn sẽ đem lại cho Bethlehem một bộ mặt mói, bắt đầu từ mùa lễ Giáng Sinh năm nay. Suốt 7 năm trước, nhóm Hồi Giáo Hamas nắm vị trí chế ngự chính quyền địa phương và hậu quả là Bethlehem bị cắt đứt tất cả nguồn viện trợ quốc tế. Trong cuộc bầu cử tháng 10 vừa qua, Hamas yếu thế và bà Baboun, dân Thiên Chúa Giáo đắc cử. Mức thất nghiệp ở Bethlehem là 20%, cao nhất trong lãnh thổ Tây Ngạn, và bà hy vọng phục hồi du lịch sẽ là điều kiện chính để giảm nhẹ tình trạng thiếu việc làm.

Sau một thời gian cuộc nổi dậy Intifada và chiến tranh với Israel làm nhiều du khách không dám hành hương đến Thánh Ðịa, tình hình đã dần dần trở lại bình thường hơn vài năm gần đây. Năm ngoái có 100,000 du khách, bao gồm cả người ngoại quốc và dân Á Rập Thiên Chúa Giáo đến từ Israel trong dịp lễ Giáng Sinh. Bộ Du Lịch Israel dự đoán năm nay giảm bớt sẽ chỉ có khoảng 75,000, do ảnh hưởng của chiến sự ở Gaza tháng trước.

Người nước ngoài muốn đến Bethlehem bắt buộc phải qua Israel hoặc qua cửa khẩu từ Jordan do Israel kiểm soát. Vì vậy trên thực tế Bethlehem cũng không thể khai thác du lịch được đầy đủ như ý muốn. Bộ Du Lịch Israel dùng nhiều cách để khuyến khích du khách đến thăm Thánh Ðịa cư ngụ tại các khách sạn Do Thái ở Jerusalem.

Bethlehem chỉ như một vùng ngoại ô của thành phố Jerusalem và bị vây bọc ba phía bởi bức tường cao dựng lên nhằm ngăn chặn khủng bố mang bom xâm nhập đất Israel. Năm 2004, Tòa án Quốc tế đã phán định là bức tường này vi phạm công pháp. Hai thiên kỷ sau Chúa Giáng Thế, Bethlehem hoàn toàn bị bóp nghẹt trong bóng của bức tường biên giới cao 20 feet chạy dài nhiều dặm.

Israel luôn luôn nói đến sự mong muốn chung sống hòa bình giữa hai dân tộc Do Thái-Israel, nhưng thực chất là áp dụng chủ nghĩa chính sách apartheid (phân biệt đối xử) với dân chúng ở thành phố Thánh Ðịa này.

Qua những năm chiếm đóng toàn thể lãnh thổ đã được Liên Hiệp Quốc dành cho dân Palestine, Israel đã lấn sang nhiều đất đai bao quanh Bethlehem và xây dựng trái phép 19 khu định cư cho dân Do Thái. Gần 80% khu đất rộng 22 km2 phía Bắc, giữa Bethlehem và Jerusalem, bị sát nhập vào đô thị Jerusalem mở rộng. Trong tuần lễ vừa qua, chính quyền của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã chấp thuận cho thành lập một khu định cư mới ở đây với 2,612 căn nhà sẽ được xây cất.

Khu Givat Hamatos nằm trên đất Palestine phía bên kia đường xanh - nghĩa là ranh giới trước cuộc chiến tranh 1967 - là khu định cư đầu tiên được xây dựng kể từ 1997. Bức tường ranh giới cũng lấn sang khoảng 10% lãnh thổ Bethlehem và theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, dân Palestine chỉ còn sử dụng được khoảng 13% đất ở khu vực này,

Trong và xung quanh Bethlehem, cơ quan an ninh Israel lập hơn 30 trạm kiểm soát sự đi lại của dân chúng chia cắt thành phố thành nhiều khu biệt lập. Dân Palestine ở Bethlehem phải có giấy phép mới được đi vào Ðông Jerusalem, phần thành phố mà Israel đã chiếm giữ sau “trận chiến 6 ngày” năm 1967, ngược lại dân Do Thái ở những khu định cư được tự do đi lại, về đất Israel cũng như qua lãnh thổ Tây Ngạn. Từ năm 2000, nhân viên hướng dẫn du lịch (tour guide) ở Bethlehem không được qua đất Israel và như thế các văn phòng du lịch của dân Do Thái có thể lập lộ trình cho du khách sao cho họ thuận tiện đến thăm Thánh Ðịa nhưng trở về cư ngụ tại các khách sạn thuộc Israel.

Theo lập luận của Israel, dân Palestine Thiên Chúa Giáo là đối tượng tấn công của phong trào thánh chiến Hồi Giáo (jihad) và sự ngược đãi cũng như đe dọa khiến họ phải rời bỏ Bethlehem đi nơi khác. Thật ra, nguyên nhân chính của việc di cư là sinh hoạt kinh tế thấp kém khó khăn và chính sách cai trị của Israel. Một thăm dò dư luận năm 2006 cho biết 78% dân Palestine Thiên Chúa Giáo di cư khỏi Thánh Ðịa là do chính sách lấn chiếm và phân biệt đối xử của người Do Thái.

Bà Vera Baboun, thị trưởng Bethlehem, bày tỏ sự lạc quan: “Giáng Sinh năm nay không chỉ mừng Thiên Chúa mà có thêm ý nghĩa quan trọng là sự chào mừng tân quốc gia Palestine.” Nhưng bà khoác tay chỉ qua bức tường và những khu nhà phía xa: “Thành phố chúng tôi hoàn toàn bị bao vây bởi bức tường và các khu định cư Do Thái, tác hại cho sự phát triển, trao đổi hàng hóa cũng như tư tưởng của con người.” Bà nói tiếp: “Giáng Sinh năm nay đem đến cho chúng tôi tín hiệu hòa bình là Palestine đã được thế giới thừa nhận làm một quốc gia, nhưng cũng nhắc nhở rằng cuộc tranh đấu còn phải tiếp tục.” (HC)


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=159453&zoneid=403

Geen opmerkingen:

Een reactie posten