18-7-2012
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài « Phương Hồng, nạn nhân đầu tiên của cuộc trấn áp mạng được phục hồi danh dự ». Bài báo đề cập đến trường hợp một người dân tại một địa phương thuộc thành phố Trung Khánh Trung Quốc vừa được xử trắng án sau một năm bị đưa đi cải tạo lao động vì dám chỉ trích các lãnh đạo địa phương. Kết quả được đánh giá là một thắng lợi bất ngờ trong lĩnh vực pháp lý này có liên quan đến việc Bạc Hy Lai bị thất sủng.
Le Monde nhận thấy , ở Trung Quốc, việc bị đưa vào trại cải tạo lao động vì lên mạng chỉ trích lãnh đạo cộng sản thì không phải là điều gì bất ngờ cả, điều bất ngờ hơn nhiều đó là theo đuổi công lý không bị cản trở và lại còn thắng kiện. Đó là điều vừa đến với ông Phương Hồng, một người gác rừng về hưu 45 tuổi. Ông đã bị giữ trong trại cải tạo từ tháng Tư năm 2011 đến tháng Tư năm 2012. Hôm 29/6 vừa rồi tòa án tại huyện Phù Lăng, một địa phương thuộc thành phố Trùng Khánh, đã tuyên bố quyết định đưa ông đi cải tạo là « bất hợp pháp ».
Thắng lợi tư pháp này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Năm 2011, ông Phương Hồng phải vào trại cải tạo vì chỉ trích trên mạng Vi Bác (Weibo) hai ông Bạc Hy Lai, khi đó là bí thư Trung Khánh và ông Vương Lập Quân, giám đốc công an của thành phố. Đến tháng 4 năm 2012 ông Phương ra khỏi trại thì cũng là lúc số phận của hai nhân vật lãnh đạo kia đã bị đảo lộn hoàn toàn, cả hai bị rơi vào vòng xóay của một vụ bê bối chính trị lớn. Chính ngay sau khi vụ bê bối Bạc Hy Lai nổ ra, một luật sư từ Bắc Kinh cùng một vị phó giám đốc công an Trung Khánh đã đến gặp ông Phương Hồng thuyết phục ông chấp nhận đền bù thiệt hại, với điều kiện không làm to chuyện thêm. Nhưng người gác rừng này đã từ chối mọi đề nghị và muốn đưa vụ việc ra xét xử công khai. Sau thắng lợi không ngờ tại tòa án Phù Lăng, ông Hồng đang tính đến chuyện đòi đền bù thiệt hại vật chất và tinh thần cho 367 ngày ở trong trại cải tạo. Cuối cùng ông đòi chính quyền công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã từng bôi nhọ ông hồi năm 2011.
Tác giả bài viết kết luận, dù gì thì cũng phải ghi nhận rằng trong những ngày hè năm 2012 này, Nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc cũng đã tiến được một bước nhỏ.
Động vật cũng biết đối phó với thợ săn
Trên trang khoa học của nhật báo Le Figaro có bài viết mang tựa đề « Khi những con gấu bị stress ». Một nghiên cứu mới đây chỉ cho thấy trước sức ép bị săn bắt, các loài động vật cũng biết phải xoay sở để sinh tồn. Các chuyên gia bảo tồn động vật ngày càng nhận ra một điều, đó là ngay khi những thợ săn rút súng ra thì các con mồi của họ cũng biết tìm cách thay đổi tập tính. Việc này có thể ảnh hưởng đến cả tập tính sinh sản của động vật. Đây là kết luận rút ra của một nghiên cứu do các nhà khoa học Thụy Điển và Na Uy về loài gấu nâu vừa mới được công bố trên tạp chí khoa học Biological conservation.
Ở các nước khu vực bán đảo Scandinavi, việc săn bắn gấu được cho phép nhưng nằm dưới sự kiểm sóat rát chặt chẽ. Các cuộc săn gấu chỉ được bắt đầu từ cưối tháng 8 và phải nghỉ một vài tháng khi số lượng gấu săn đạt hạn ngạch cho phép khỏang từ 45 đến 75 con mỗi năm. Nhóm nghiên cứu của Na Uy và Thụy Điển đã theo dõi trong vòng nhiều năm tập tính của lòai gấu nâu và nhận thấy ngoài mùa săn bắn, các loài động vật ban ngày vẫn ra kiếm ăn thường xuyên và chỉ về ngủ lúc nửa đêm. Nhưng khi mùa săn bắt đầu thì loài gấu đảo ngược tập tính sinh họat chỉ ra ngoài kiếm ăn vào đêm. Trong khi đây là thời điểm để gấu tích lũy năng lượng chuẩn bị cho mùa nghỉ đông kéo dài. Như vậy sư thay đổi tập tính để thích nghi với tình hình bị săn bắn lại diễn ra vào đúng thời điểm gấu cần phải tích lũy dự trữ mỡ rất nhiều chuẩn bị cho một mùa đông sắp tới. Hơn nữa khi phải kiếm ăn vào đêm, loài gấu không phân biệt được những loài quả chín, giàu dinh dưỡng. Thực tế này đã gián tiếp tác động lên khả năng sinh sản của các con cái. Từ đó, các nhà khoa học yêu cầu cấm săn bắn vào mùa đẹp trời, dễ kiếm thức ăn cho động vật.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten