18/4/2012
Manila tuyên bố muốn đưa vụ tranh chấp đảo với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, trong khi Trung Quốc khẳng định Philippines phải rút các tàu khỏi khu vực đảo.
> Philippines, Trung Quốc khẩu chiến
> Mỹ, Philippines kề vai tập trận
|
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2009. Ảnh minh họa: China Daily |
Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario cho biết quốc đảo Đông Nam Á muốn vấn đề tranh chấp được phân định tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), báo Sun Star của nước này đưa tin.
"Chúng tôi hy vọng chứng minh được rằng luật pháp quốc tế sẽ mang lại công bằng", ông del Rosario nói trong một thông báo. "Mục đích của việc này sẽ được làm rõ. Chúng tôi có quyền chủ quyền tại các vùng nước bao quanh bãi đá Scarborough, nơi các tàu của Trung Quốc đang có những hoạt động trái phép trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines".
Ngoại trưởng Philippines cho hay ông hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ không tranh cãi về động thái của Philippines, mà thay vào đó là tham gia vào lộ trình pháp lý để giải quyết vấn đề tranh chấp.
"Trong nỗ lực theo đuổi giải pháp hòa bình cho vấn đề bãi đá Scarborough, chúng tôi dự định mời những người bạn Trung Quốc cùng tới Itlos", ông del Rosario nói.
Đáp lại động thái của Philippines, Trung Quốc vẫn giữ lập trường như ban đầu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tuyên bố Philippines nên rời khu vực tranh chấp càng sớm càng tốt. Người phát ngôn Trương Hoa của đại sứ quán Trung Quốc cho hay Bắc Kinh không đồng ý với sự xuất hiện liên tục của các tàu tuần tra bờ biển Philippines tại khu vực tranh chấp.
"Chúng tôi kêu gọi phía Philippines rút hết tất cả các tàu của họ khỏi khu vực đảo Hoàng Nham, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định tại đó", ông Trương cho hay trong một thông báo.
Người phát ngôn này cũng bảo vệ sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại khu vực tranh chấp, cho rằng các tàu chỉ đang làm nhiệm vụ theo luật pháp Trung Quốc.
"Các tàu của Trung Quốc đang tiến hành hoạt động tuần tra hợp pháp để thực thi luật pháp tại khu vực đảo Hoàng Nham. Giới chức hữu trách của Trung Quốc sẽ luôn quản lý, điều tra và truy tố bất cứ sự phạm luật nào", ông Trương nói.
Căng thẳng bắt đầu hôm 8/4 khi giới chức Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, cách bờ tây đảo lớn Luzon của nước này khoảng 230 km. Đây là bãi cạn hình móng ngựa không có người sinh sống.
Philippines cáo buộc các ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép, cho rằng khu vực tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này theo luật pháp quốc tế.
Các thủy thủ Philippines hôm 10/4 đã lên các tàu cá của Trung Quốc để kiểm tra. Họ tìm thấy một số lượng lớn san hô, sò và cá mập còn sống. Ngoại trưởng Philippines cho hay các ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép và giữ các loài vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các thủy thủ Philippines không bắt giữ ngư dân nào và sau đó trở lại chiến hạm BRP Gregorio del Pilar.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng bãi cạn này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đã cử các tàu hải giám tới ngăn chặn, không cho soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc.
Soái hạm Philippines sau đó rút đi và được thay thế bằng một tàu nhỏ hơn của Lực lượng Tuần tra Bờ biển Philippines. Hôm 13/4, tất cả các tàu cá Trung Quốc rút khỏi khu vực tranh chấp cùng một trong hai tàu hải giám. Tuy nhiên, một tàu hải giám và máy bay của Trung Quốc sau đó quay lại khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Máy bay của Trung Quốc còn bay vòng phía trên một tàu khảo sát của Philippines, khiến hai bên lại nổ ra
tranh cãi. Philippines hôm qua thay thế tàu tuần tra BRP Pampanga bằng một tàu khác mang tên BRP Edsa.
Cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Vụ việc kể trên là sự kiện mới nhất và căng thẳng nhất trong chuỗi các sự kiện giữa Philippines và Trung Quốc xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một số khu vực trên Biển Đông. Đây là vùng biển được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn.
Trên Biển Đông, quần đảo Trường Sa cũng là tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.
Phan Lê
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/04/philippines-muon-cung-trung-quoc-ra-toa-an/
Vụ chạm mặt giữa các tàu Philippines và Trung Quốc
|
Các tàu cá Trung Quốc bị hải quân Philippines chặn lại. |
|
Hải quân Philippines khám xét tàu cá Trung Quốc. |
|
Họ phát hiện nhiều loại sinh vật biển khác nhau. |
|
Trong đó, có cả cá mập còn sống. |
|
Hai tàu hải giám Trung Quốc tham gia vụ chạm mặt với tàu chiến lớn nhất của Philippines. |
|
Hai tàu hải giám Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough. |
|
Soái hạm Gregorio del Pilar của hải quân Philippines. Ảnh: Gov.ph |
|
Tư lệnh hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama cầm tấm ảnh hai tàu hải giám của Trung Quốc trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Philippines hôm 11/4. |
|
Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario phát biểu trong cuộc họp báo. |
Phan Lê (Ảnh: AFP)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten