vrijdag 2 december 2011

Nuon Chea là quân cờ của Trung Cộng

November 29, 2011

Ngô Nhân Dụng

Trước phiên tòa ở Phnom Penh xét xử tội diệt chủng của chế độ Khờ Me Ðỏ, bị cáo Nuon Chea đã bào chữa cho đám lãnh tụ cộng sản Campuchia bằng cách đổ tội cho đảng Cộng Sản Việt Nam, và kết tội cả người Việt Nam ở Campuchia.
Ðằng sau màn kịch này có thể là bàn tay của Trung Quốc giật dây chính quyền Hun Sen, cố ý trình diễn tấn tuồng chống người Việt để gây khó khăn, đe dọa chính quyền Hà Nội.
Suy đoán như vậy, vì trong một chế độ độc tài như ở Campuchia, chính quyền kiểm soát mọi tin tức ngay từ gốc. Nếu không do Hun Sen đạo diễn thì Nuon Chea không có dịp “diễn thuyết” trước tòa án về mối thù oán người Việt, một phiên tòa quốc tế do Liên Hiệp Quốc xếp đặt như vậy. Cho Nuon Chea đổ cho người Việt là nguyên nhân cái chết của gần 2 triệu người Cam Bốt, ngoài tác dụng chối tội cho các lãnh tụ Khờ Me Ðỏ còn tạo hai tác dụng khác. Thứ nhất là khơi lại lòng thù oán với dân Việt, đặc biệt là những người Việt đang sống ở ngay trong nước Campuchia, đồng thời phá chính quyền cộng sản ở Việt Nam để yểm trợ Cộng Sản Trung Hoa. Hai là làm cho dư luận quên tội lỗi của đảng Cộng Sản Trung Quốc là đám người thực sự đứng đằng sau Khờ Me Ðỏ trong suốt thời gian chính sách diệt chủng được thi hành; rồi tiếp tục bảo trợ cho bọn này cho đến ngày Pol Pot chết. Sau khi Khờ Me Ðỏ bị tiêu diệt, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng quân bài mới là Hun Sen; đồng thời cũng mua chuộc ảnh hưởng ở nước Lào và Miến Ðiện; để tiếp tục chính sách bao vây Việt Nam từ hai ba mặt.
Hun Sen từng được Cộng Sản Việt Nam nuôi nấng, giúp đỡ, gầy dựng, lúc ông ta trốn thoát bàn tay của các đồng chí Khờ Me Ðỏ. Nhưng ngay sau khi thành công nắm được chính quyền ở Phnom Penh thì Hun Sen đã quay đầu chống lại các “đồng chí anh em” đã nâng đỡ mình. Hun Sen đã mời các cố vấn Trung Cộng trở lại, nhận hàng tỷ đô la viện trợ của Bắc Kinh, dùng Trung Cộng để thăng bằng cán cân với Việt Cộng. Vì quyền lợi bản thân và quyền lợi quốc gia, ông ta phải xoay chiều; vì đã biết các nước cộng sản đàn anh bao giờ cũng tìm cách lũng đoạn các nước đàn em. Ðứng giữa hai nước “đàn anh” thì Trung Cộng ở xa hơn Việt Cộng cho nên đỡ nguy hiểm hơn; mà tiền bạc thì lại nhiều và ban phát rộng rãi hơn. Cho nên, Hun Sen có thể sẵn lòng theo lời cố vấn Trung Cộng bầy ra vở tuồng “Nuon Chea đổ tội” cho Việt Nam. Cũng chẳng khác gì khi ông ta mời Cựu Thủ Tướng Thái Lan Thaksin làm cố vấn chỉ để phá chính quyền Thái Lan trước đây, trong lúc hai nước đang tranh chấp biên giới.
Trung Cộng đứng bảo chủ cho chế độ Khờ Me Ðỏ là một sự kiện hiển nhiên. Pol Pot là người theo chủ nghĩa Mao Trạch Ðông kiên quyết nhất. Các cố vấn Trung Quốc đã chỉ đạo các hành động “xóa sạch quá khứ,” bắt đầu lại lịch sử bằng Năm Zero, giống như cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc. Khờ Me Ðỏ đã tàn sát những người có học, ai đeo kính, biết đọc sách là có tội, theo tư tưởng Mao Trạch Ðông coi giới trí thức không bằng “cục phân.” Họ giết gần 2 triệu người Khờ Me cũng như giết người gốc Việt trong khi các Hoa kiều ở Campuchia phần lớn được thoát nạn! Ngay những hành động Khờ Me Ðỏ cho quân sang cướp bóc, giết người ở biên giới Việt Miên cũng do Bắc Kinh xúi giục để đe dọa Lê Duẩn.
Nuon Chea, còn mang tên Long Bunruot, từng đóng vai “Anh Hai, Brother Number Two” chỉ đứng sau Pot Pot (Number One), sinh năm 1926 dưới tên thật là Lau Ben Kon, chữ Hán là Lưu Bình Khôn. Cha mẹ ông ta đều là người gốc Hoa, cũng như vợ ông tên là Ly Kimseng. Nuon Chea không đi học ở Pháp như mấy lãnh tụ Khờ Me Ðỏ khác mà ở Ðại Học Thammasatt bên Thái Lan. Ở xứ Thái, Nuon Chea đã gia nhập “Ðảng Cộng Sản Xiêm,” một đảng thân Trung Cộng, sau này đã kịch liệt chống Nga Xô. Trở về Cam Bốt, năm 1960 Nuon Chea lên đến chức phó tổng bí thư đảng Lao Ðộng Campuchia (Cộng Sản). Khi Khờ Me Ðỏ cướp chính quyền năm 1975, Nuoun Chea được làm chủ tịch Quốc Hội, có lúc làm thủ tướng trong một tháng khi Pol Pot tạm nghỉ. Trong đám lãnh tụ cao cấp Khờ Me Ðỏ, Nuon Chea là tay khôn ngoan sớm đầu thú với Hun Sen từ năm 1998, được sống bình an gần mười năm ở Pailin, một vùng nhiều tài nguyên ngọc thạch và gỗ, nằm trong tỉnh Battambang là nơi Nuon Chea ra đời. Năm 2007 vì áp lực quốc tế trên chính quyền Hun Sen, Nuon Chea mới bị giam chờ ngày ra tòa.
Ra trước tòa án, Nuon Chea đã tự giới thiệu như một nhà ái quốc Khờ Me, nói nỗi lo chống lại cuộc “xâm lấn” của người Việt Nam, và chống chính sách của Cộng Sản Việt Nam muốn chiếm Campuchia, “tiêu diệt” dân tộc Khờ Me. Ông ta còn khấn khứa vong linh tổ tiên “đã hy sinh xương máu bảo vệ đất nước” Khờ Me, nhưng không hề nhắc đến tổ tiên của chính ông ta đều ở bên Tầu! Ông ta đổ tội cho mọi người Việt, những binh lính và cán bộ do Cộng Sản Việt Nam “gài” ở lại Cam Bốt; để biện hộ việc bắt hàng triệu người Khờ Me phải bỏ thành phố về sống ở thôn quê chỉ vì mục đích thanh lọc những người Việt Nam đang sống ở đó. Ông ta còn khiêu khích đảng Cộng Sản Việt Nam khi nhắc lại Khờ Me Ðỏ chiếm được Pnom Penh trước khi Việt Cộng chiếm được Sài Gòn, khiến Cộng Sản Việt Nam ghen ghét!
Vụ xung đột giữa Khờ Me Ðỏ với Việt Cộng có nguyên ngân trực tiếp, nhưng cũng do bàn tay Trung Cộng nhúng vào. Nguyên nhân trực tiếp là tham vọng của Lê Ðức Thọ muốn liên kết ba đảng Cộng Sản Ðông Dương để chính mình làm chủ tịch, ngồi ghế trên Lê Duẩn, khiến Cộng Sản Campuchia lo sợ muốn tách ra. Nhưng chính Bắc Kinh đã xúi giục Khờ Me Ðỏ gây ra những cuộc cướp bóc, giết người ở biên giới với Việt Nam để trừng phạt, khi Lê Duẩn ngả hẳn sang Liên Xô trong cuộc tranh hùng giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Lê Ðức Thọ và Lê Ðức Anh đã đem lính sang đánh Campuchia để thực hiện giấc mộng Liên Bang Ðông Dương, làm chết 50,000 thanh niên Việt Nam. Kết cục chỉ đưa tới cảnh sa lầy suốt mười năm cho tới khi phải rút lui nhục nhã. Vì tham vọng cộng sản hóa cả vùng Ðông Nam Á, Cộng Sản Việt Nam đã hoàn toàn bị mắc bẫy của Ðặng Tiểu Bình, di họa cho người Việt tới bây giờ!
Nhưng tại sao Bắc Kinh lúc này lại sử dụng quân bài Nuon Chea và Hun Sen để gây lòng thù hận giữa người Khờ Me với người Việt Nam? Chính vì ở nước ta đang có phong trào chống các chính sách của Bắc Kinh xâm lấn biển đảo, đánh phá ngư thuyền, bắt cóc ngư dân Việt ở Biển Ðông. Dưới áp lực của lòng dân Việt khắp nơi, đảng Cộng Sản đã bắt đầu phải nói những lời lẽ cứng rắn đối với Bắc Kinh; tìm hỗ trợ ngoại giao từ các nước Ðông Nam Á và các cường quốc Châu Á. Các cuộc công du của Trương Tấn Sang sang Nhật Bản, Ấn Ðộ đều cố ý để cho người dân Việt thấy đảng Cộng Sản Hà Nội không hoàn toàn là tay sai của Bắc Kinh như mọi người vẫn nghĩ. Gần đây, chính Nguyễn Tấn Dũng đã dám công khai nói lên sự thật là Trung Cộng đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của một nhà nước có chủ quyền hợp pháp là Việt Nam Cộng Hòa. Dưới áp lực của lòng dân, chính các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam phải mang một bộ mặt mới, để dân quên bớt những khó khăn kinh tế, ngân sách thâm thủng, lạm phát cao nhất Á Châu, tham nhũng, lạm quyền và bất công xã hội; và nhất là thái độc hèn yếu nhu nhược đối với nước cộng sản anh em của họ.
Không cho các lãnh tụ Cộng Sản Hà Nội đi quá xa, Bắc Kinh có thể dùng các quân bài Hun Sen và Nuon Chea, đe dọa một cuộc khủng hoảng mới ở phía Tây Nam, phát xuất từ Cam Bốt. Họ nghĩ như Ðặng Tiểu Bình, là một nước Việt Nam không thể đối phó với hai cuộc tranh chấp với hai nước láng giềng cùng một lúc. Nếu xẩy ra một cuộc xung đột giữa Việt Nam với Cam Bốt thì cả khối ASEAN sẽ bị ảnh hưởng. Mối đoàn kết bị lung lay, ý định liên kết lập trường trước vấn đề Biển Ðông sẽ tan vỡ trước khi được nêu lên. Hơn nữa, nếu gây lại một phong trào người Khờ Me thù oán người Việt, giết hại người Việt ở Campuchia thì dư luận trong nước Việt Nam sẽ được nhà nước cộng sản chuyển sang một hướng khác, không nhắm trọng tâm vào vấn đề Biển Ðông nữa!
Ðây là một mối lo cần phải báo động mọi người Việt Nam khắp thế giới! Cần lên tiếng cảnh cáo trước khi Cộng Sản Campuchia phát động một phong trào mới chống người Việt! Lãnh tụ các đảng cộng sản tranh chấp với nhau thường dùng chiêu bài “yêu nước” để xúi giục dân nước này giết người nước khác. Mục đích là cho dân quên những nỗi khó khăn kinh tế, quên cảnh sống nhục nhã mất hết tự do. Người Việt Nam đến nay vẫn xấu hổ về chính sách đuổi Hoa Kiều của chính quyền Cộng Sản trong những năm 1979, 80, mặc dù đại đa số người Hoa đã sống ở Việt Nam nhiều đời, đã hoàn toàn thành người Việt. Người Việt cũng không quên những phong trào bài Việt ở Cam Bốt do Khờ Me Ðỏ gây ra. Chúng ta cần liên kết với những cộng đồng người Khờ Me sống tự do trên thế giới để cảnh cáo mối hiểm họa xung đột chủng tộc vô lý này. Người dân Campuchia không nên bị lợi dụng làm một quân cờ trong cuộc xung đột giữa Trung Cộng với Việt Nam!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140893&z=7

Geen opmerkingen:

Een reactie posten