donderdag 22 december 2011

Tham vọng mới của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương

22 Tháng Mười Hai 2011     
Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
REUTERS/Guang Niu

Lê Phước
Việc Trung Quốc gần đây không ngừng tăng cường hiện đại hóa hải quân đã gây quan ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực. Vừa rồi, quan ngại này được nhân đôi khi Cộng hoà Seychelles, một quốc đảo trên Ấn Độ Dương, phía Đông Bắc Madgascar, lên tiếng mời Trung Quốc đến thiết lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ. Sự việc được báo Le Figaro phân tích qua bài viết mang dòng tựa báo động : « Những tham vọng trên biển mới của Trung Quốc ».

Lời mời được đưa ra nhân chuyến thăm Synchelles của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Về mặt chính thức, phía Seychelles mong muốn Trung Quốc có sự hiện diện quân sự trên quốc đảo này để tham gia vào công tác chống hải tặc. Theo Ngoại trưởng Seychelles, ngoài việc do Trung Quốc đã từng tham gia chống cướp biển, nước này còn có nhiều lợi ích kinh tế trong khu vực. Nên nhớ rằng, tại quốc đảo này, đã hiện diện một căn cứ hải quân nhỏ của Hoa Kỳ.
Về phần mình, Trung Quốc phản ứng một cách dè dặt. Ông Lương Quang Liệt thừa nhận Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng hiện diện ở một số cảng thích hợp với mục tiêu là tạo thuận lợi cho công tác tiếp tế cho tàu của Trung Quốc hoạt động trong khu vực, những cảng này có thể là ở Seychelles hay ở những nước khác. Tuy nhiên, phát ngôn nhân của bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này chưa có kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài, và cũng cho biết là chưa từng nghe nói đến khả năng Trung Quốc cử người hay máy bay đến đóng trên lãnh thổ Seychelles.
Thế nhưng, các nhà ngoại giao Trung Quốc không quên nhắc lại, kể từ khi tham gia chống hải tặc vào cuối năm 2008, tàu chiến của nước này đã sử dụng nhiều lần cảng ở Yemen, Oman và Djibouti để tiếp nguyên liệu và sửa chữa. Cuối năm 2009, một đô đốc hải quân hưu trí của Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh cho xây dựng căn cứ tiếp tế hải quân ở nước ngoài. Le Figaro đặc câu hỏi : Liệu đấy có phải là một cú thử bóng không ?
Theo tờ báo, từ lâu, người ta đã biết rằng Trung Quốc có tham vọng thiết lập một tuyến căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương bao gồm cảng Gwadar ở Pakistan, Chittagong ở Bangladesh, Marao ở Maldives, đảo Coco ở Miến Điện. Bên cạnh đó, khả năng hiện diện ở Sri Lanka cũng rất lớn. Có thể Seychelles sẽ là « viên ngọc » cuối cùng trong « chuỗi ngọc » này.
Do lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc ngày càng lớn trên thế giới, nên nước này ngày càng dấn thân nhiều hơn vào những vụ việc mang tính quốc tế. Tờ báo cũng nhắc đến việc năm rồi, để đưa trên 30 000 người lao động Trung Quốc khỏi Libya, Bắc Kinh đã cho chễm chệ trên kênh Suez và địa Trung Hải một khu trục hạm hoành tráng. Tuy đấy chỉ là hành động « khoe hàng », nhưng rõ ràng đó là lần đầu tiên Trung Quốc cho triển khai một đơn vị quân sự xa đến thế, mà lại đơn phương, chưa được đèn xanh của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng, sự phát triển của hải quân Trung Quốc chủ yếu tập trung vào vùng biển phía đông và phía nam của nước này. Tờ báo cũng nhắc lại, vừa rồi Bắc Kinh đã xếp vấn đề Biển Đông vào danh sách các « lợi ích quốc gia » ngang bằng với Tây Tạng và Đài Loan.
Ấn Độ lập tức có phản ứng mạnh. Trên báo chí nước này người ta có thể đọc được những câu như : « Ấn Độ ơi, hãy chú ý ! Trung Quốc sắp thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên trên Ấn Độ Dương ». Nhiều bình luận viên cũng cho rằng, đấy là một biểu hiện mới của sự lớn mạnh của trung Quốc. Mới đây, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã trịnh trọng kêu gọi hải quân « tăng cường hiện đại hóa » để «sẵn sàng chiến đấu ».
Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un sẽ bị quân đội chi phối ?
Theo dòng thời sự liên quan đến Bắc Triều Tiên, le Figaro có bài : « Kim Jong Un, nhà độc tài bị giám sát », dự đoán : Sự ra đi của ông Kim Jong Il là hồi chuông báo tử cho một chế độ mà quyền lực tập trung vào tay chỉ một người.
Quân đội Bắc Triều Tiên có khoảng 1 triệu 200 nghìn người, đã có động thái hợp tác với nhà lãnh đạo mới. Bằng chứng là, ngay trước khi công bố cái chết của ông Kim Jong Il, Kim Jong Un đã ra lệnh cho quân đội nước này cảnh giác ở mức báo động. Đây được xem là lần đầu tiên nhà lãnh đạo mới này ra lệnh cho quân đội. Một nguồn tin tại Bắc Kinh cũng cho biết : « Quân đội đã tuyên thệ trung thành với Kim Jong Un».
Dù vậy, tờ báo nhận định, vị tướng 4 sao chưa đầy 30 tuổi này sẽ phải vất vả chứng minh bản lĩnh trước các tướng lĩnh từng tham gia cuộc chiến liên Triều, và với những người cộng sự lâu năm với ông Kim Jong Il.
Theo tờ báo, Kim Jong Un sẽ phải dựa vào người cô mình và chồng của bà ta là ông Chang Song Theak, 65 tuổi, người được cho sẽ là nhân vật số một thật sự của chế độ. Theo một nguồn tin từ Bắc Kinh, chính quyền mới sẽ dựa vào một chính phủ được điều hành bởi bộ ba nói trên và của các tướng lĩnh quân đội.
Tóm lại, theo Le Figaro, vị tướng 4 sao tuổi mới đôi mươi này có thể sẽ trở thành « một nhà độc tài bị trói chặt ».
Buồn lo lẫn lộn
Việc cấp bách nhất cần làm, là phải nhanh chóng tạo hình ảnh cho Kim Jong Un trong mắt người dân, bởi mãi đến năm 2010, người dân mới biết đến nhân vật này. Chính quyền đã không ngừng các hoạt động tuyên truyền ca ngợi tài năng và đức độ của nhà lãnh đạo mới, nhưng theo Le Figaro, còn phải làm nhiều hơn nữa để có thể thuyết phục được người dân vốn sống trong thiếu thốn và đã dần học cách tự lực cách sinh.
Tờ báo không phủ nhận việc ông Kim Jong Il ra đi đã thật sự gây ra cú số lớn cho người Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, theo tờ báo, nỗi buồn này có vẻ mạnh ở thủ đô và yếu dần khi đến các vùng nông thôn. Đặc biệt, nỗi buồn không đủ để giúp cho nhà lãnh đạo mới thu phục nhân tâm. Theo các nguồn tin do miền Nam thu được từ miền Bắc qua điện thoại di động bí mật, người dân ở tỉnh lẽ lo lắng nhiều hơn buồn bã, họ lo cho tương lai sắp tới. Thậm chí, có công chức còn nghi ngờ năng lực của Kim Jong Un.
Nhật Bản mua máy bay tàng hình để củng cố không quân
« Nhật bản mua máy bay F-35 của Mỹ để hiện đại hóa lực lượng phòng không », đó là tựa đề bài viết đăng trên tạp chí Le Monde, cho biết, động thái tăng cường quân lực mới nhất của quốc đảo châu Á này.
Hôm 20/12/2011, thủ tướng Nhật Bản ông Yoshihiko Noda thông báo Nhật đã đặt mua 42 máy bay tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin của Mỹ. F-35 được xem là một trong hai loại máy may tân tiến nhất thuộc thế hệ thứ năm, với những công nghệ ưu việt, và đặc biệt là khả năng tàng hình. Loại kia là F-22 được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 2005 và bị Quốc hội Mỹ cấm xuất khẩu.
Theo Le Monde, việc chọn lựa F-35 cho thấy những lo âu của Nhật Bản về vấn đề an ninh. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thừa nhận : « Chúng ta đang đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ về an ninh trong khu vực ». Ngoài đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Nhật Bản thật ra còn lấy làm hoang mang về sự lớn mạnh không ngừng của quân đội Trung Quốc và Nga. Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ đưa vào sử dụng loại máy bay tàng hình J-20 vào năm 2018 và Matxcơva sẽ dùng loại tối tân Sukhoi vào năm 2015.
Nói về quan hệ Mỹ-Nhật, Le Monde nhận định, việc mua máy bay này giúp tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh giữa hai nước. Trên bình diện kinh tế, 4 chiếc đầu tiên dự tính sẽ được giao vào năm 2016 và có giá là 9,9 yên/chiếc (97 triệu euro). Giá các chiếc còn lại sẽ được thương thảo tiếp tục đến năm 2016. Phía Nhật đã đạt được thỏa thuận theo đó, việc lắp ráp sẽ được tiến hành trên lãnh thổ Nhật Bản và ngành công nghiệp Nhật sẽ đảm nhận sản xuất 40% linh kiện liên quan.
Riêng đối với Nhật, thỏa thuận mua bán F-35 nói trên sẽ giúp Nhật khắc phục sự xuống dốc của ngành công nghiệp quốc phòng vốn bị hạn chế do lệnh cấm xuất khẩu công nghệ quân sự và cấm tham gia vào các chương trình phát triển quân sự với nước khác. Theo Le Monde, Nhật Bản có thể sẽ thoát khỏi lệnh cấm này và sẽ xuất khẩu các loại F-35 được lấp ráp ngay trên lãnh thổ.
Cuộc chiến Irak, thất bại lớn nhất của Mỹ kể từ 30 năm nay
Ngày 18/12/2011, những người lính Hoa Kỳ cuối cùng rời Irak. Le Monde đặt biệt quan tâm đến sự kiện này khi dành hẳn 8 trang phân tích sự việc, đặc biệt là bài xã luận chạy tựa : « Kết cuộc tồi tệ của một cuộc chiến tồi tệ ».
Tác giả nhận định, cuộc chiến của Mỹ tại Irak đã sai lầm từ đầu. Chính phủ Bush viện cớ chống khủng bố và chống việc phổ biến vũ khí hạt nhân đã tấn công Irak. Thế nhưng, sau khi hạ được ông Saddam Hussein, vũ khí nguyên tử tìm chẳng thấy mà còn phát hiện thêm là nước này không có dính líu gì đến Al Qaida hay đến vụ tấn công 11/9.
Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của 100 000 người Irak và 4 500 lính Mỹ. Irak có thể hiện tại đã được tự do hơn một chút, dân chủ hơn một chút, nhưng lại bị chia rẽ sắc tộc và tôn giáo hơn bao giờ hết. Bạo lực hoành hành. Một phần tư người Irak sống trong đói kém. Tầng lớp trung lưu thì tìm cách xuất ngoại. Vị thế phụ nữ bị đẩy lùi. Đặc biệt, thiệt hại dầu hỏa là rất lớn, đến hiện tại sản xuất dầu hỏa vẫn chưa khôi phục được như trước chiến tranh.
Cuộc chiến đã tiêu tốn của phía Mỹ đến 750 tỷ đô la, làm sâu thêm hố nợ công của chính phủ, gây bất ổn cho tài chính công, góp phần làm phát sinh cuộc khủng hoảng 2008.
Để chi cho cuộc chiến ở Irak, chính phủ Mỹ đã phải rút trong quỹ dành cho cuộc chiến Afghanistan, và như vậy cũng vô tình góp phần làm thất bại cuộc chiến tại Afghanistan.
Đối với người Irak, họ đã không được giải phóng khỏi chế độ Hussein bằng chính sức mình như ở các nước Ả Rập vừa qua, mà nhờ vào sự can thiệp của nước ngoài. Nói cách khác, một lực lượng nước ngoài đã xâm lược đất nước họ.
Le Monde nhận xét : Phải mất nhiều năm nữa Irak mới có thể bình ổn trở lại, và phải mất nhiều năm hơn nữa hình ảnh nước Mỹ mới được phục hồi trong khu vực. Đây là một thất bại ngoại giao to nhất của Mỹ kể từ 30 năm trở lại đây.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111222-tham-vong-moi-cua-trung-quoc-tren-an-do-duong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten