zondag 6 november 2011

Việt Nam : Thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết trên muỗi vào năm tới

06 Tháng Mười Một 2011       
Muỗi vằn (Aedes aegypti)
Muỗi vằn (Aedes aegypti)
DR

Lê Phước
Sốt xuất huyết hiện đang có mặt ở hơn 100 quốc gia. Mỗi năm có từ 50 đến 100 triệu ca nhiễm bệnh với 40 000 ca trường hợp tử vong. Dịch bệnh hoành hành mạnh nhất ở vùng Đông nam Á, Châu Mỹ La Tinh và Tây Thái Bình Dương. Các nhà khoa học đã tìm ra một biện pháp phòng ngừa mới, và sẽ thử nghiệm vào năm tới ở một số nước, trong đó Việt Nam là nước thử nghiệm đầu tiên.

Thông tin trên tờ Southeast Asia Globe Phnom Penh được Courrier International dẫn lại với dòng tựa khá ấn tượng: “Chống bệnh sốt xuất huyết, hãy tiêm vắc-xin cho muỗi !”.
Theo các chuyên gia, Châu Á là vùng bị sốt xuất huyết nhiều nhất. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, tại Việt Nam đã có 30 000 người bị nhiễm bệnh. Còn tại Thái Lan, mỗi năm có hơn 60 000 ca nhiễm, và phải chi 8,2 triệu đô la cho công tác điều trị và 26 triệu đô la để diệt muỗi vằn (Aedes aegypti), vật trung gian truyền bệnh.
Hiện tại, biện pháp đối phó sốt xuất huyết tập trung vào việc hạn chế số lượng muỗi vằn, tức tiêu diệt chúng. Thế nhưng, các loại thuốc diệt côn trùng đã cho thấy không thể giải quyết vấn đề dù đã được sử dụng từ mấy chục năm nay.
Chương trình nghiên cứu Eliminate Dengue huy động các nhà nghiên cứu của Úc, Braxin, Việt Nam, Thái Lan và Mỹ đã tìm hướng đi mới, đó là không giết muỗi vằn mà ngược lại phải bảo vệ chúng. Cụ thể là người ta tiêm cho muỗi vằn một loại vi khuẩn có tên là Wolbachia pipientis. Vi khuẩn này hiện diện ở 70% loài muỗi, nhưng lại không có trong muỗi vằn. Mục đích là ngăn vi rút sốt xuất huyết sinh sản thêm trong cơ thể của muỗi. Nếu vi rút không thể phát triển trong cơ thể muỗi thì chúng không thể được truyền sang người.
Hồi đầu năm, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp này ở Úc bằng cách thả vào thiên nhiên 300 000 muỗi vằn trưởng thành đã được tiêm vi khuẩn Wolbachia. Kết quả là sau năm tuần, hầu hết muỗi khác trong thiên nhiên đã có mang trên mình loại vi khuẩn Wolbachia.
Vùng Đông nam Á là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch xuất huyết, vì thế phương pháp mới này sẽ được thử nghiệm trước hết tại đây.Vào năm 2012, Việt Nam sẽ là quốc gia thử nghiệm đầu tiên, sau đó đến lược Thái Lan và Indonesia. Nếu kết quả khả quan, thì phương pháp này sẽ được nhân rộng trên toàn thế giới.
Bài viết cũng cho biết, hồi đầu năm, tập đoàn Sanofi Pasteur của Pháp đã bắt đầu thử nghiệm một loại vắc-xin ngừa sốt xuất huyết ở Thái Lan và kết quả rất hứa hẹn. Theo tập đoàn này, trong những năm tới có thể ra đời một loại vắc-xin ngừa sốt xuất huyết. Như vậy, vắc-xin dành cho người giúp ngăn chặn vi rút phát triển ở người, còn phương pháp Wolbachia thì ngăn chặn vi rút phát triển ở muỗi vằn. Hai phương pháp này có thể bổ sung cho nhau để cho ra kết quả tốt nhất.
Tóm lại, viễn cảnh khá sáng sủa. Nếu mọi thứ diễn ra như mong muốn, thì như tờ báo đánh giá, sẽ tránh được dịch bệnh cho 593 triệu người đang sống trong đe dọa sốt xuất huyết ở vùng Đông Nam Á, và 2 tỷ người trên khắp năm châu.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111106-viet-nam-thu-nghiem-vac-cin-sot-xuat-huyet-tren-muoi-vao-nam-toi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten