06 Tháng Mười Một 2011
Trong lĩnh vực địa chính trị, Le Monde Diplomatique nhìn lại quá trình vận hành của « Trọng tâm thế giới », từ Châu Âu qua Mỹ rồi hiện tại là đến Châu Á. Bài viết chạy dòng tựa : « Các nước đế quốc biến đổi như thế nào ? ».
Bài viết nhắc lại, hồi thế kỷ 19, Châu Âu giữ vai trò thống trị thế giới về kinh tế và thuộc địa, trong đó đứng đầu là Anh. Giữa thế kỷ 19, dân số Anh chỉ chiếm 2% dân số thế giới, nhưng lại sản xuất đến 53% sắt, 50% than và thu mua đến 50% lượng bông vãi trên thế giới, Anh chiếm ¼ thương mại thế giới và 2/3 giao dịch sản phẩm chế biến, Anh là trung tâm tài chính thế giới ….
Thế rồi đệ nhất thế chiến nổ ra vào năm 1914 đã chấm dứt sự thống trị của Anh. Cuộc chiến đã làm chao đảo các đế quốc Châu Âu, kích thích tinh thần chống thuộc địa, mở đường cho cuộc cách mạng tháng 10 Nga … đặc biệt là góp phần dịch chuyển trọng tâm thế giới từ Châu Âu sang Mỹ.
Thật ra, trước đó Mỹ đã tìm cách nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trong giai đoạn 1846-1898, Mỹ đã tiến hành 28 cuộc can thiệp quân sự ở vùng Chây Mỹ La Tinh, 19 lần ở vùng Châu Á Thái Bình Dương. Đầu thế kỷ 20, Mỹ đã vượt Anh về công nghiệp. Chẳng hạn như vào năm 1900, nước này chiếm 23,5% sản lượng công nghiệp chế biến thế giới, trong khi Anh chỉ có 18,5%.
Sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Anh phải chấp nhận chia sẽ ảnh hưởng với Mỹ. Sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã thật sự đứng ở vị trí trung tâm và trên đỉnh của thế giới, đã « truất ngôi » Châu Âu, đã tái cấu túc và hiện đại hóa nền kinh tế thế giới, đã hình thành các liên minh an ninh hùng mạnh.
Trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, theo tờ báo, Mỹ luôn « thống trị » thế giới. Hoa Kỳ đã trở thành « một siêu cường độc tôn» mạnh đến mức mà giới lãnh đạo nước này bắt đầu mơ về một « kỷ nguyên Hoa Kỳ ». Năm 2001, cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Nobel Hòa Bình 1973, ông Henry Kisinger nhận định : « Sự thăng hoa của nước Mỹ trên trường quốc tế là đặc biệt, không giống với bất kỳ cường quốc nào trong quá khứ ». Đến hiện tại, mơ ước đó được tiếp diễn với tổng thống Obama khi ông này đề ra mục tiêu cho mình là « làm cho thế kỷ này trở thành một thế kỷ khác của nước Mỹ ».
Tuy nhiên, vị trí độc tôn của nước Mỹ không còn được giữ vững trong tình hình mới. Tờ báo nhận định, ngày nay là kỷ nguyên đa cực, bộ mặt thế giới đã thay đổi với sự trỗi dậy của Châu Á và của nhũng vùng thuộc địa cũ, với vai trò ngày càng lớn của các quốc gia như Trung Quốc. Trong tương lai nước Mỹ sẽ vẫn là một cường quốc rất mạnh, nhưng nước này cần phải hội nhập vào một thế giới đa cực và phải chấp nhận một vai trò khiêm tốn hơn trên thế giới.
Cả Châu Âu không thể chỉ phụ thuộc vào cặp bài trùng Pháp-Đức
Liên quan đến Châu Âu, mục thời luận của tuần san L’Express có bài viết nhận định : «Sự đoàn kết của Châu Âu không thể bị giới hạn ở cập đôi Pháp-Đức ».
Cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa nhấn chìm con tàu Châu Âu, Pháp và Đức thì vất vả tìm sự đồng thuận. Sự việc diễn ra gần đây có vẻ như là số phận của cả con thuyền Châu Âu phụ thuộc vào quyết định của Berlin và Paris.
Theo bài viết, trong tình hình khẩn cấp, mọi người có thể hiểu được vì sao lãnh đạo Đức và Pháp chạy vạy tìm kiếm đồng thuận bởi đó làm một trong những điều kiện để thoát khủng hoảng. Thế nhưng, sau khủng hoảng, phải chăng nên chờ đợi một sự nổi dậy của các nước khác trong khu vực đồng euro và của cả những nước muốn theo con đường hội nhập Châu Âu như Ba Lan chẳng hạn.
Còn đối với tổng thống Sarkozy, bài viết cho rằng, trong tình hình cấp bách, ông này đã chấp nhận một nguy cơ chính trị to lớn cho Châu Âu, đó là nguy cơ làm suy yếu khối đại đoàn kết Châu Âu, một khối đoàn kết mà hiện tại không thể chỉ phụ thuộc vào ý chí của Pháp và Đức. Các nhà ngoại giao Pháp cần phải tăng cường hành động sao cho không một nước nào trong khối euro có cảm giác là bị phó cho ý chí của cặp đôi Berlin-Paris.
Trung Quốc giúp Châu Âu để tìm lợi ích ?
Bàn về việc Trung Quốc chấp nhận đến cứu giúp Châu Âu trong cơn khủng hoảng, tác giả không ngại nói rõ rằng, nước này không giúp đỡ vô tư, mà là với tinh thần có đi có lại. Trước tiên, Trung Quốc muốn tranh thủ thời cơ gây sức ép buộc Liên Hiệp Châu Âu công nhận nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Kế đến, Bắc Kinh có thể can thiệp bằng cách tăng cường đóng góp vào tổ chức IMF, để qua đó gia tăng ảnh hưởng để trở thành đối trọng của Mỹ trong tổ chức quốc tế quan trọng này. Đó là con đường ngắn nhất để đạt đến vị trí cường quốc thống trị, một vị trí mà Trung Quốc đang ra sức kiếm tìm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Courrier International dẫn lại bài của một tờ tạp chí kinh tế Trung Quốc thể hiện quan điểm của một nhà kinh tế nước này đang làm việc ở Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho biết : Trung Quốc phải biết tận dụng thời cơ này để cũng cố vị thế và tâm ảnh hưởng của mình.
Ấn Độ : Trường học đào tạo nghệ thuật tỏ tình
Tại Ấn Độ, đã xuất hiện một loại trường đặc biệt, đó là trường dạy « cưa gái ». Đó là thông tin đăng trên tờ Courrier International qua bài viết : « Trường đào tạo đao phủ của con tim ».
Bài viết giới thiệu về một trường dạy tỏ tình ở Bombay hiện có đến 500 người học, đa số là tuổi từ 22 đến 32. Ở đó, người ta dạy phương pháp tỏ tình, cách tiếp cận phụ nữ một cách bài bản.
Tuy nhiên, tờ báo cũng cho biết, dù tuổi trẻ muốn thoát li truyền thống, nhưng hiện tại từ thành thị đến nông thôn, người Ấn Độ đa số vẫn chấp nhận kiểu hôn nhân do cha mẹ quyết định. Theo thống kê, có đến 90% cuộc hôn nhân ở Ấn Độ là thuộc loại này.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111106-viet-nam-thu-nghiem-vac-cin-sot-xuat-huyet-tren-muoi-vao-nam-toi
Geen opmerkingen:
Een reactie posten