maandag 14 november 2011

NASA thử động cơ cho hỏa tiễn khổng lồ

November 13, 2011
WASHINGTON, DC (SPACE.com) - Hôm Thứ Tư, 9 Tháng Mười Một, cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ đã thành công trong việc khai hỏa thử một bộ phận then chốt của loại hỏa tiễn thế hệ mới, có sức nâng nặng, cho chạy một động cơ hỏa tiễn có thể giúp đẩy các phi hành gia tới Mặt Trăng và Hỏa Tinh.


Hỏa tiễn Delta II rocket bắn phi thuyền lên không gian tại Lompoc, California. NASA nói họ vừa thử động cơ khổng lồ J-2X, có thể giúp đẩy phi hành gia tới Mặt Trăng. (Hình: Photo by Bill Ingalls/NASA via Getty Images)

Cơ quan không gian đã khai hỏa động cơ khổng lồ J-2X trong hơn tám phút tại Trung Tâm Không Gian Stennis của NASA ở Mississippi trong cuộc thử nghiệm vào buổi trưa. Ðộng cơ J-2X sẽ phục vụ như tầng trên của Hệ Thống Phóng Không Gian (SLS: Space Launch System) của NASA, hỏa tiễn có sức nâng lớn tốn kém $10 tỉ được dự trù sẽ khởi sự phóng các phi hành gia hướng tới các nơi đến trong không gian sâu thẳm vào năm 2021, hay khoảng đó.
Ðộng cơ J-2X đã tạo một tiếng gầm rú đinh tai và những đám mây màu trắng xám trong bầu không khí ẩm của Mississippi trong 500 giây như được dự trù - thời gian mà hỏa tiễn sẽ đốt nhiên liệu trong một sứ mạng thực sự.
Trong khi các kỹ sư chỉ mới bắt đầu phân tích các dữ kiện thu thập được từ cuộc thử nghiệm, các kết quả sơ khởi cho thấy J-2X đã hoạt động rất tốt đẹp, các viên chức nói.
“Ðộng cơ hoạt động đúng như chúng tôi đã đặt kỳ vọng vào nó,” theo lời ông Mike Kynard, giám đốc thành phần động cơ nhiên liệu lỏng SLS của NASA, nói trong một cuộc họp báo sau vụ thử nghiệm.
Hỏa tiễn khổng lồ tương lai của NASA
NASA đã giới thiệu thiết kế của hỏa tiễn SLS vào Tháng Chín. Ðộng cơ J-2X sẽ cung cấp sức mạnh cho tầng thứ nhì của hỏa tiễn đẩy, trong khi tầng thứ nhất sẽ sử dụng năm động cơ chính được gọi là RS-25D/E, là những động cơ đã giúp cơ quan phóng các phi thuyền không gian con thoi, hiện đã nghỉ hưu.
Cả hai loại động cơ này đều đốt hydrogen lỏng và oxygen lỏng, và được xây dựng bởi xí nghiệp hàng không và không gian Pratt & Whitney Rocketdyne. Space Launch System cũng sẽ sử dụng vài hỏa tiễn đẩy để giúp nó rời khỏi mặt đất, các viên chức NASA nói.
Trong những thời kỳ đầu, SLS có thể sẽ có khả năng nâng 70 tấn hàng, nhưng NASA cuối cùng muốn gia tăng khả năng của nó để chuyên chở 130 tấn vật liệu lên không gian. Phiên bản siêu nặng sẽ mạnh hơn từ 10 đến 20% so với các hỏa tiễn Saturn V khổng lồ đã phóng các phi hành gia lên Mặt Trăng.
Hỏa tiễn được dành cho phi thuyền Orion
NASA dự tính sẽ sử dụng SLS để đưa các phi hành gia vào quỹ đạo trên phi thuyền đa dụng Orion, cũng còn trong giai đoạn phát triển.
Hỏa tiễn khổng lồ sẽ không sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của NASA cho tới Tháng Mười Hai 2017, nhưng NASA mới đây nói họ muốn khoang phi thuyền Orion sẽ thực hiện chuyến bay không người lái đầu tiên lên không gian vào năm 2014. Do đó những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Orion có thể sẽ sử dụng một loại hỏa tiễn khác, có thể là một hỏa tiễn Delta 4.
Kể từ khi cho nằm ụ đội phi thuyền con thoi vào Tháng Bảy năm nay, NASA đã hoàn toàn lệ thuộc vào các con tàu Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia Mỹ lên quỹ đạo thấp của Trái Ðất và trở về. Cơ quan dự tính sẽ trông cậy vào những tắc xi không gian của tư nhân được xây dựng bởi các công ty thương mại để chuyên chở các phi hành gia lên quỹ đạo Trái Ðất cho tới khi Space Launch System và con tàu Orion có thể sẵn sàng cho những sứ mạng không gian đầu tiên của chúng vào sâu không gian.
NASA hy vọng rằng ít nhất một trong vài dự án tắc xi không gian tư nhân mà cơ quan đang yểm trợ sẽ đủ khả năng hoạt động vào năm 2015. Ðiều đó sẽ giúp NASA rảnh tay để chú trọng vào việc đưa con người tới các nơi đến trong không gian xa xôi hơn, chẳng hạn như các thiên thạch và Hỏa Tinh. (n.n.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140043&z=269

Geen opmerkingen:

Een reactie posten