Ông Phạm Nhật Vượng trở thành giám đốc điều hành của VinFast trong cuộc chuyển đổi lãnh đạo mới nhất của hãng xe điện non trẻ ở Việt Nam giữa bối cảnh công ty này mở rộng sản xuất ra nước ngoài với kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 2 tỷ USD ở Ấn Độ.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 6/1, Vingroup, tập đoàn đang sở hữu VinFast, cho biết nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Việt Nam có “sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo khi công ty bước sang giai đoạn phát triển mới”.
Theo công bố, ông Vượng, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Vingroup, sẽ chuyển từ vai trò chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) VinFast sang đảm nhận vị trí tổng giám đốc thay cho bà Lê Thị Thu Thủy, người đã nắm giữ chức vụ này từ tháng 3/2022 khi hãng công bố kế hoạch xây nhà máy lắp ráp xe và sản xuất pin đầu tiên ở Bắc Mỹ, đặt tại bang North Carolina.
Ông Vượng cũng sẽ tiếp quản vị trí CEO trong khi bà Thủy sẽ chuyển sang vai trò chủ tịch HĐQT của VinFast, theo thông báo.
Vingroup cũng cho hay rằng bà Nguyễn Thị Lan Anh, người gia nhập tập đoàn này vào năm 2020, được bổ nhiệm làm giám đốc tài chính thay cho ông David Mansfield.
Giải thích về sự chuyển giao lãnh đạo, Vingroup nói trong tuyên bố rằng sau khi “VinFast tăng trưởng mạnh mẽ và đạt được những thành tựu kinh doanh ấn tượng trong những năm gần đây, đặc biệt là việc công ty đã thâm nhập thành công vào thị trường Bắc Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, Hội đồng Quản trị xác định rằng đây là thời điểm thích hợp để sắp xếp lại vai trò của các thành viên lãnh đạo để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kế tiếp”.
VinFast khởi công xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở tiểu bang miền đông Hoa Kỳ hồi tháng 7 năm ngoái sau vài lần trì hoãn. Tương tự, sau một số lần lùi kế hoạch, hãng xe Việt Nam cũng đã bắt đầu được giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ vào giữa tháng 8 năm ngoái thông qua một công ty séc khống.
Tuy có giá cổ phiếu tăng ngoạn mục trong tuần đầu lên sàn, khiến VinFast trở thành một trong những hãng xe điện có giá trị vốn hóa hàng đầu của thế giới, hãng xe Việt Nam hiện đã bị ‘bốc hơi’ phần lớn giá trị khi mức cổ phiếu VFS chỉ còn dưới 7 USD vào ngày 9/1.
Với tư cách là giám đốc điều hành, ông Vượng sẽ “trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường”, theo tuyên bố của Vingroup. Thông báo còn nói rằng ông Vượng là “người phù hợp nhất với vị trí tổng giám đốc toàn cầu của VinFast bởi ông có bề dày kinh nghiệm quý báu đúc kết được từ việc sáng lập và phát triển VinFast”.
Ông Vượng, tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện nay, từng bị đồn đoán là không được công an Việt Nam cho xuất cảnh hồi tháng 7/2022. Bộ Công an sau đó phủ nhận thông tin này và cho biết sẽ xử lý những người mà họ cho là đã “tung tin thất thiệt”.
Việc thay đổi nhân sự điều hành đã diễn ra nhiều lần tại VinFast, công ty mới được thành lập vào năm 2017 và bắt đầu sản xuất ô tô vào năm 2019. Ông Vượng sẽ là CEO thứ 3 của VinFast trong vòng 3 năm qua, giai đoạn mà hãng xe khởi nghiệp của Việt Nam chuyển hướng từ sản xuất xe xăng tại thị trường nội địa sang sản xuất xe điện cho thị trường quốc tế.
Trước người tiền nhiệm của ông Vượng là bà Thủy, VinFast đã được dẫn dắt bởi ông Michael Lohscheller, người giữ chức CEO tại hãng xe Việt Nam chỉ trong vòng khoảng 5 tháng.
Vào đầu năm ngoái, 3 giám đốc điều hành khác của VinFast cũng lần lượt rời đi. Trước đó vào tháng 6/2022, 4 giám đốc điều hành cấp cao của hãng cũng thôi việc tại VinFast khi công ty đang chuẩn bị cho ra mắt mẫu xe ở nước ngoài đầu tiên và triển khai mạng lưới phòng trưng bày ở Mỹ và châu Âu tại thời điểm đó.
Một số người từng làm việc cho VinFast nói với VOA và Rest of World rằng hãng xe của tỷ phú Vượng đã gặp nhiều vấn đề trong việc mở rộng sản xuất toàn cầu, trong đó có sự đảo lộn chiến lược cùng sự ra đi hàng loạt của những lãnh đạo cấp cao.
Trong nỗ lực mở rộng kinh doanh ra thế giới, VinFast cho biết họ có kế hoạch chi tới 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Ấn Độ, thị trường ô tô được đánh giá là lớn thứ 3 thế giới tính theo doanh số bán hàng.
Trong một thông báo đưa ra hôm 6/1, Vingroup nói VinFast đã công bố hợp tác chính thức với bang Tamil Nadu để đặt nhà máy tại đây. Đây sẽ là nhà máy thứ 2 của VinFast bên ngoài Việt Nam, sau nhà máy đầu tiên ở Mỹ dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.
Thông báo cho hay VinFast cam kết đầu tư 500 triệu USD vào giai đoạn xây dựng 5 năm đầu tiên ở Ấn Độ và có kế hoạch biến khu vực xung quanh thành phố cảng Thoothukudi thành “trung tâm sản xuất xe điện hiện đại, tầm cỡ trong khu vực với quy mô sản xuất lên đến 150.000 xe điện/năm”.
Nhà máy của VinFast ở Ấn Độ, thị trường đông dân nhất và có ngành xe điện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dự kiến được khởi công trong năm nay, theo thông báo.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp của Chính quyền Tamil Nadu, ông Thallikotai Raju Balu Rajaa, được trích lời nói trong thông báo rằng ông tin tưởng “VinFast sẽ là một đối tác kinh tế đáng tin cậy, đóng góp vào tương lai phát triển bền vững của Tamil Nadu”.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở sản xuất tại Tamil Nadu, VinFast cũng đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới đại lý phân phối và bán lẻ trên toàn Ấn Độ nhằm xây dựng kết nối sâu rộng và nhanh chóng tiếp cận khách hàng ở quốc gia này, theo tuyên bố của Vingroup.
Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Rajawali về châu Á tại trường Harvard Kennedy của Đại học Harvard ở Mỹ, những nhà tài phiệt ở Việt Nam, như ông Vượng, đang có những chiến lược bảo vệ tài sản của mình trước chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt, trong đó nhiều tỷ phú đã bị bắt giam và có thể trở thành tội phạm bị kết án tù. Một trong những chiến lược đó, theo ông Thành, là mở rộng kinh doanh ra toàn cầu và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành CEO mới nhất của VinFast (voatiengviet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten