Hà Nội ‘chập chờn’ giữa lúc Mỹ muốn đầu tư $8 tỷ để sản xuất chip
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Washington chuẩn bị bơm vốn mạnh vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam nhằm củng cố chuỗi cung ứng và muốn Hà Nội “tận dụng” nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc phái viên chính phủ Mỹ nói với phóng viên tờ Nikki Asia, theo bản tin loan hôm Thứ Hai, 29 Tháng Giêng.
Đặc Phái Viên Jose Fernandez, phụ tá ngoại trưởng Mỹ về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, cho biết Washington đang nhắm mục tiêu đầu tư vào bảy quốc gia tham gia trong đạo luật hỗ trợ khoa học và sản xuất chip CHIPS Act, bao gồm $500 triệu để cải thiện đào tạo sản xuất chip bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Ông Fernandez nói trong một cuộc phỏng vấn: “Khi xem xét danh sách các quốc gia có tiềm năng hưởng lợi từ sự tài trợ của Mỹ, theo như đánh giá của chúng tôi, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến.”
Đặc Phái Viên Fernandez cho biết đã thảo luận về năng lượng tái tạo với các giới chức Việt Nam về các trở ngại về giấy phép có thể cản trở việc Mỹ đầu tư tới $8 tỷ, bao gồm cả các công ty chip cam kết chỉ sử dụng năng lượng sạch.
Ông Fernandez khuyên rằng Việt Nam cũng nên hành động, trước khi quá muộn, để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng sạch và khoáng sản, có thể sử dụng cho xe điện và sản xuất pin.
Hiện nay, Việt Nam đang gây sức ép mạnh mẽ để Mỹ công nhận quốc gia cộng sản này là một nền kinh tế thị trường nhằm mang lại sự cắt giảm thuế quan. Bên cạnh vấn đề đó, chính phủ Mỹ sẽ phân bổ các khoản tài trợ cho ngoại quốc theo Đạo Luật CHIPS dựa trên các khuyến nghị từ nghiên cứu của Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế dự kiến đưa ra vào Tháng Hai. Nghiên cứu bao gồm việc hỏi các công ty Việt Nam cần những gì để phát triển ngành bán dẫn, chẳng hạn như đào tạo kỹ sư và nhân viên, theo ông Fernandez cho biết.
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng điện tử, quần áo và thực phẩm và là nút thắt quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Dữ liệu của Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất Mỹ cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trên toàn cầu về trữ lượng kim loại đất hiếm, chỉ sau Trung Quốc, mặc dù chưa rõ có thể khai thác được bao nhiêu.
Hiện tại chính quyền Biden đặt mục tiêu xây dựng lại sự hiện diện của Mỹ tại thị trường đất hiếm vốn bị chi phối bởi hoạt động sản xuất giá rẻ của Trung Quốc trong nhiều thập niên, điều mà Washington coi là một điểm yếu chiến lược.
Mỹ không sản xuất đất hiếm từ năm 2017 và chính quyền Biden hiện đang nỗ lực khôi phục lại các mỏ đất hiếm nội địa và đã ký thỏa thuận phối hợp hỗ trợ tài chính và ngoại giao về khoáng sản với 13 quốc gia.
Phía Mỹ cũng đề nghị giúp Việt Nam khảo sát trữ lượng đất hiếm.
Khi được hỏi về việc đầu tư của Mỹ rời khỏi Trung Quốc, ông Fernandez nói: “Đây là một cơ hội cho Việt Nam có được tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất lớn hơn nữa.”
Đặc phái viên Mỹ nói thêm rằng lực lượng lao động trẻ của Việt Nam là một tài sản và ông đã nói với các sinh viên trong chuyến công du rằng: “Hãy tận dụng lợi thế sức trẻ vì việc này có thể không tồn tại với Việt Nam mãi mãi.” (MPL)
Hà Nội ‘chập chờn’ giữa lúc Mỹ muốn đầu tư $8 tỷ để sản xuất chip (nguoi-viet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten