woensdag 18 mei 2022

Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO giữa phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ

 

Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO giữa phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ

18/05/2022
Các đại sứ Thụy Điển và Phần Lan trao đơn xin gia nhập cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) vào ngày 18/5/2022.

Phần Lan và Thụy Điển vừa chính thức đệ đơn xin gia nhập liên minh NATO vào ngày 18/5, một quyết định được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với quá trình gia nhập dự kiến chỉ mất vài tuần.

Giữ chính sách trung lập trong suốt Chiến tranh Lạnh, quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập niên, đặc biệt là vì Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga.

Sự kiện này cũng phản ánh thay đổi trong công luận ở khu vực Bắc Âu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

“Đây là một thời khắc lịch sử mà chúng ta phải nắm bắt”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một buổi lễ ngắn tại trụ sở NATO, trong đó các đại sứ Thụy Điển và Phần Lan đã trao đơn xin gia nhập đựng trong tập tài liệu màu trắng có in nổi quốc kỳ của họ.

“Tôi nhiệt liệt hoan nghênh yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Các bạn là đối tác thân thiết nhất của chúng tôi, và tư cách thành viên của các bạn trong NATO sẽ tăng cường an ninh chung của chúng ta”, ông Stoltenberg nói. NATO tin rằng sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố đáng kể cho liên minh ở vùng Biển Baltic.

Với việc chính thức đệ trình đơn, các quốc gia Bắc Âu và nhiều nước ủng hộ cho họ hiện phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn trong những tháng tới khi hồ sơ xin gia nhập của họ phải vượt qua được bất kỳ sự kháng cự nào, với điều kiện tất cả 30 thành viên NATO cần phải thông qua việc mở rộng liên minh.

Các nhà ngoại giao nói có thể mất tới một năm để tất cả các quốc hội đồng minh phê chuẩn việc này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng giữ quyền không cho Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập liên minh. Ankara nói rằng hai quốc gia này chứa chấp những cá nhân có liên quan đến các nhóm mà họ coi là khủng bố và đã áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí lên Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc xâm lược của nước này vào Syria vào năm 2019.

Đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT Haber đưa tin trong tuần này rằng Thụy Điển và Phần Lan đã không chấp thuận cho hồi hương 33 người mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu và Tổng thống Tayyip Erdogan càng thêm lời chỉ trích vào hôm thứ Tư.

"Việc mở rộng NATO chỉ có ý nghĩa đối với chúng tôi tương ứng với sự tôn trọng được thể hiện đối với sự nhạy cảm của chúng tôi”, ông nói trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp từ đảng cầm quyền của mình.

“Như vậy, anh không giao cho chúng tôi những kẻ khủng bố nhưng anh lại yêu cầu chúng tôi về việc trở thành thành viên NATO sao? NATO là một thực thể vì an ninh, một tổ chức vì an ninh. Vì vậy, chúng tôi không thể nói ‘đồng ý’ với việc tổ chức an ninh này lại bị tước đoạt an ninh”.

Các nhà lãnh đạo của Thụy Điển và Phần Lan ngạc nhiên trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ sau những gì mà họ nói là các cuộc thảo luận được ủng hộ rộng rãi với Ankara trong quá trình nộp đơn. Các nước này hy vọng có thể giải quyết được những khác biệt.

Hầu hết các thành viên NATO đều nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu, và ông Stoltenberg cho biết ông nghĩ rằng các vấn đề có thể được giải quyết.

Quyết định tìm kiếm sự bảo trợ của NATO của hai quốc gia trên thể hiện một bước lùi đối với Moscow, với cuộc chiến ở Ukraine đã kích hoạt cho sự mở rộng liên minh ở biên giới của Nga mà nước này phải dùng vũ khí để ngăn chặn.

Cho đến nay, phản ứng im lặng của Moscow là một điều bất ngờ. Trước đó Nga cảnh báo về các bước phản ứng “quân sự-kỹ thuật”, và rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad ở châu Âu khi các nước trên gia nhập NATO.

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Hai nói tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan không gây ra mối đe dọa nào đối với Nga, nhưng cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả nếu liên minh này tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự ở hai nước này.


Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO giữa phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ (voatiengviet.com)

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten