woensdag 6 oktober 2021

Vũ khí của Pháp trong câu lạc bộ Mỹ Nga và Trung Quốc + Liên minh AUKUS : 12 tàu ngầm và vài bài học cho Pháp

 

Vũ khí của Pháp trong câu lạc bộ Mỹ Nga và Trung Quốc

Phần âm thanh 09:32
Chiến đấu cơ Pháp, Rafale cất cánh từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle. Ảnh tư liệu năm 2016.
Chiến đấu cơ Pháp, Rafale cất cánh từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle. Ảnh tư liệu năm 2016. Eric Feferberg AFP/Archivos

« Mất hai, gỡ lại được một » : Pháp mất hợp đồng tàu ngầm với Úc, bị Thụy Sĩ loại khỏi danh sách trang bị chiến đấu cơ đời mới nhưng lại giành được hợp đồng trang bị tàu khu trục cho Hy Lạp. Xuất khẩu trang thiết bị quân sự là lá chủ bài trong chiến lược của Paris, áp lực với ngành công nghiệp vũ khí của Pháp lại càng lớn. 

Là nguồn xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, nhưng Pháp bị Nga và Mỹ bỏ lại xa phía sau. Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm – SIPRI trong báo cáo 2020 thẩm định Pháp chiếm 8,2% thị phần quốc tế, Mỹ vẫn giữ thế áp đảo với 37% xuất khẩu trang thiết bị quân sự và Nga là 20%. Theo báo cáo của bộ Quân Lực Pháp trình lên Quốc Hội tháng 6/2021 về các hoạt động của ngành công nghiệp vũ khí, xuất khẩu trong năm 2020 giảm 41% so với hồi 2019.  

Báo cáo của bộ Quân Lực Pháp cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, trong số 10 khách hàng lớn nhất của Pháp, gồm 3 nước châu Á là Hàn Quốc, Sigapore và Ấn Độ ; 5 quốc gia tại Trung Cận Đông; một điểm gây chú ý là Mỹ đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng này và sau cùng, châu Âu từng bước trở thành thị trường mua vào đến gần 50% vũ khí xuất khẩu của Pháp. Dù vậy, Paris liên tiếp mất hai hợp đồng, một để bán chiến đấu cơ Rafale do tập đoàn Dassault chế tạo cho Thụy Sĩ và vố đau thứ nhì là bị mất hợp đồng tàu ngầm với Úc vào tháng trước, lại làm dấy lên tranh luận về khả năng cạnh tranh, về sự tồn tại của nền công nghiệp vũ khí của Pháp. 

Trên đài phát thanh France Culture, nhà nghiên cứu Lucie Béraud–Sudreau thuộc việc SIPRI gạt bỏ lập luận này và nhấn mạnh đến yếu tố « thời gian » khi nói về các thương vụ mua bán vũ khí :

« Sự yếu kém trong năm 2020 có thể do đại dịch Covid-19 : Nhiều cuộc đàm phán đã phải hoãn lại, các dự án qua đó cũng bị chậm trễ. Theo tôi đó chủ yếu là những khó khăn nhất thời và có nhiều triển vọng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn trong những năm sắp tới ». 

Châu Âu vẫn còn thiếu sức nặng

Chuyên gia này nhắc lại trong giai đoạn 2016-202,n tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Pháp tăng 44 % so với hồi 2011-2015 theo thẩm định của viện nghiên cứu SIPRI. Về phía Paris, bộ Quân Lực nói đến hai đỉnh điểm là 2015-2016 với tổng trị giá đơn đặt hàng theo thứ tự là 17 và 14 tỷ euro. Tuy nhiên chuyển biến mới đối với ngành xuất khẩu vũ khí Pháp là châu Âu ngày càng nổi lên như một khách hàng quan trọng. Phát ngôn viên bộ Quân Lực Pháp, Hervé Grandjean họp báo hôm 02/06/2021 giải thích :

« Châu Âu là thị trường quan trọng nhất của ngành xuất khẩu vũ khí của chúng ta. Khuynh hướng này đã được ghi nhận từ năm 2017. Rõ ràng, đây là khu vực ưu tiên của các tập đoàn sản xuất vũ khí và đó là một điểm mới. Năm 2017, 10% xuất khẩu hướng về thị trường châu Âu. Tỷ lệ này đạt 25% một năm sau đó và đến 2019, châu Âu chiếm đến 47% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Pháp với những điểm đến như Bỉ, Hungary hay Tây Ban Nha ».

Báo chí thường nêu lên câu hỏi phải chăng châu Âu mua vũ khí của Pháp nhiều hơn trong khuôn khổ chính sách an ninh và phòng thủ chung châu Âu ? Chuyên gia kinh tế Học Viện Cao Đẳng Quân Sự Quốc Gia IHEDN, Julien Malizard trả lời là không :

« Từ 2017 Pháp đã chủ trương xây dựng một hệ thống phòng thủ chung châu Âu. Điều đó có nghĩa là châu lục này phải tự chủ về trang thiết bị quân sự, không lệ thuộc vào bất kỳ một nguồn cung cấp nào ngoài Liên Âu. Thêm vào đó, từ quãng 2014-2015, ngân sách quốc phòng trong khối tăng lên trở lại sau nhiều năm bị cắt giảm dưới tác động của khủng hoảng tài chính 2008-2009 và tiếp theo đó là các biện pháp khắc khổ. Thứ nữa là về chất lượng, các sản phẩm của Pháp được đánh giá cao và đã được sử dụng trên nhiều mặt trận. Cũng đừng quên rằng ngay giữa các thành viên Liên Âu cũng có một sự cạnh tranh và đó là một sự cạnh tranh gay gắt, vậy mà Pháp vẫn giành được hợp đồng. Điều đó cho thấy chất lượng của Pháp rất cao ». 

Nếu như Pháp là quốc gia xuất khẩu vũ khí thứ ba của thế giới, thì Đức và Anh theo sát nút phía sau, Tây Ban Nha có tên trong danh sách 10 nhà cung cấp lớn của thế giới còn Ý đứng hạng thứ 10.

Các hợp đồng mua bán vũ khí luôn kèm theo yếu tố chính trị và địa chính trị. Lucie Béraud-Sudreau, thuộc viện SIPRI giải thích thêm về thế kẹt của Pháp từ trước tới nay trên thị trường xuất khẩu vũ khí và để vươn lên đến vị trí thứ 3 trong số các nhà xuất khẩu trang thiết bị quân sự của thế giới, Pháp đã bắt buộc phải có những lá chủ bài trong tay :  

« Trong quá khứ, Pháp khó tìm một chỗ đứng trong lĩnh vực này. Ở vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Paris bị kẹt giữa một bên là Mỹ và bên kia là Liên Xô và đã không dễ thuyết phục các đối tác mua vũ khí của mình. Chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới bước vào giai đoạn giải trừ vũ khí, cắt giảm các chi phí quân sự và nếu có tăng cường khả năng phòng thủ, thì mỗi quốc gia đều giành ưu tiên cho các tập đoàn công nghiệp vũ khí của mình. Khả năng xuất khẩu của Pháp khá bị giới hạn. Rồi mãi đến 2017 như vừa nói, hoàn cảnh mới bắt đầu thay đổi. Thị trường châu Âu càng lúc càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên không phải vì mua vũ khí của Pháp mà chúng ta hướng tới việc xây dựng hệ thống phòng thủ chung châu Âu. Các đối tác trong Liên Âu trang bị vũ khí của Pháp vì đó là những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đừng quên rằng Hy Lạp chọn mua tàu khu trục của Pháp sau khi đã loại các nhà sản xuất của Đức và một liên doanh Mỹ-Hà Lan ».  

Giới trong ngành nhắc lại, từ lâu nay, một trong những điểm mạnh của Pháp là gắn liền các hợp đồng vũ khí với khái niệm « đối tác chiến lược ». Vẫn trên đài France Culture, chuyên gia viện SIPRI, Lucie Béraud-Sudreau cho biết thêm : 

« Khái niệm “đối tác chiến lược”vừa là một lập luận có sức thuyết phục để Pháp giành được hợp đồng, bởi vì ngoài thương vụ mua bán bình thường, còn bao hàm cả một mảng hợp tác quân sự và phòng thủ. Ở chiều ngược lại, đây cũng là yếu tố trong chiến lược quốc phòng của Pháp. Chúng ta đã thấy rõ điều đó trong hợp đồng tàu ngầm với Úc: Đằng sau vụ mua bán này là cả chiến lược của Pháp trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khái niệm “đối tác chiến lược” cho phép một quốc gia xây dựng cả một mạng lưới liên minh, chứ không chỉ đơn thuần là một hợp đồng thương mại bình thường ». 

Đối thủ Trung Quốc

Theo báo cáo công bố tháng 3/2021 của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm Trung Quốc là nguồn xuất khẩu vũ khí thứ 5 toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020 và hiện tại Bắc Kinh chiếm 5,2% thị phần quốc tế. Đáng chú ý hơn cả là ngành công nghiệp vũ khí nước này đã « đốt giai đoạn ».

Giám đốc chương trình châu Á tại viện nghiên cứu Institut Montainge -Paris, ông Mathieu Duchâtel nhắc lại cho đến tận giữa thập niên 1990 Trung Quốc còn gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Nga, để rồi giờ đây là nguồn sản xuất thứ 2 trên thế giới và là nhà xuất khẩu thứ 5 của toàn cầu. Pakistan, Bangladesh, Algeri là những khách hàng quan trọng nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh có những lợi thế mà các nước dân chủ phương Tây không có được :

« Trong những năm gần đây, về chất lượng, Trung Quốc đã nâng cao đáng kể các trang thiết bị xuất khẩu, đặc biệt là trong những lô hàng bán cho Pakistan. Islamabad mua từ tàu ngầm quy ước đến chiến đấu cơ của Trung Quốc. Thêm vào đó Bắc Kinh không bị hiệp ước MTCR cấm phổ biến tên lửa và drone có mang theo đầu đạn, trói tay. Do đó trên thị trường này, Trung Quốc đã mạnh dạn xuất khẩu cho khoảng một chục quốc gia, trong đó có nhiều nước tại châu Á, Đông Nam Á, Trung Á và kể cả tại Trung Đông (…) Tuy nhiên các nhà sản xuất Trung Quốc còn hai nhược điểm trong lĩnh vực sản xuất mô-tơ cho chiến đấu cơ và động cơ tàu ngầm. Trên cả hai mặt này, Trung Quốc phải nhập khẩu của Nga, Ukraina và của Đức ». 

Cũng chuyên gia về châu Á Duchâtel nhắc lại rằng, nhờ làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo mà từ những năm 2000, Trung Quốc đã triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung hướng về phía Đài Loan và đó là một bước ngoặt trong toàn cảnh địa chính trị khu vực. Về câu hỏi Trung Quốc có là một đối thủ cạnh tranh với nhiều nhà cung cấp vũ khí châu Âu mà đứng đầu là Pháp hay không, Mathieu Duchâtel viện Montaigne trả lời : "Hiện tại Trung Quốc chưa cạnh tranh được với Pháp, Đức hay Nga và nhất là với Mỹ trên những hơp đồng lớn. Bắc Kinh cũng chưa xuất khẩu tàu ngầm nguyên tử. Chiến đấu cơ đời mới nhất của Trung Quốc chưa thể cạnh tranh với những F-35 của Mỹ hay Rafale của Pháp. Dù vậy drones là một lĩnh vực mà Trung Quốc đã rất thành công”.  

Nói cách khác nếu như trước trong thế giới lưỡng cực trong tay Hoa Kỳ và Liên Xô cũ, công nghiệp quốc phòng của Pháp bị kẹt giữa Washington và Matxcơva, thì nay Paris có thêm một đối thủ cần phải dè chứng đó là Bắc Kinh. Hơn nữa Trung Quốc có hai lợi thế mà Pháp không có được. Thứ nhất như giám đốc ban châu Á của viện Montaigne ghi nhận Bắc Kinh không phải « minh bạch », báo cáo với Quốc Hội về các hoạt động của ngành xuất khẩu vũ khí. Thứ hai là Trung Quốc không bị trói buộc bởi một số hiệp ước giới hạn phổ biến vũ khí cho nên dễ dàng ký hợp đồng cung cấp trang bị quân sự cho bất kỳ một đối tác nào, miễn là đối tượng nhắm tới không trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Một điểm thứ ba được Nhóm Vauban, quy tụ khoảng 20 chuyên gia về quốc phòng của Pháp, lưu ý: Các hợp đồng của Trung Quốc không bị các tổ chức nhân quyền, những quỹ đầu tư hay công ty thẩm định tài chính soi mói xem Bắc Kinh bán vũ khí cho ai và những trang thiết bị đó được sử dụng vào việc gì.

Vũ khí của Pháp trong câu lạc bộ Mỹ Nga và Trung Quốc - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)

Liên minh AUKUS : 12 tàu ngầm và vài bài học cho Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ trái) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (giữa) trên tàu ngầm HMAS Waller tại căn cứ hải quân Garden Island, Sydney. Ảnh tư liệu chụp ngày 02/05/2018.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ trái) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (giữa) trên tàu ngầm HMAS Waller tại căn cứ hải quân Garden Island, Sydney. Ảnh tư liệu chụp ngày 02/05/2018. AP - Brendan Esposito

Bên cạnh chủ đề về cuộc khủng hoảng ngoại giao Paris - Alger với bài xã luận « Pháp - Algérie : Giờ của sự thật » ; điều tra Pandora Papers về thiên đường trốn thuế ; muôn mặt cuộc đời chính khách, doanh nhân, chủ câu lạc bộ bóng đá, chủ báo Bernard Tapie ; bóng tối của Trung Quốc phủ lên cuộc trưng cầu dân ý của Tân Calédonie, lãnh thổ hải ngoại Pháp, bài học kinh nghiệm mà Paris phải rút ra sau khủng hoảng tàu ngầm là đề tài Le Monde quan tâm.


Trong bài viết « 12 tàu ngầm và vài bài học », chuyên mục Kinh tế, Thời luận của Le Monde nhấn mạnh việc Úc bỗng nhiên hủy hợp đồng tàu ngầm với tập đoàn Pháp Naval Group khẳng định các doanh nghiệp quốc phòng và các lĩnh vực chiến lược khác chưa bao giờ phụ thuộc nhiều đến như thế vào các lực lượng và sự bất ổn chính trị.

Từ năm 1990 đến năm 2000, giai đoạn thế giới đơn cực dưới sự thống lĩnh của Hoa Kỳ và trước khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, nhiều nhà phân tích khẳng định địa kinh tế sẽ vượt trội so với địa chính trị. Thế nhưng, giờ đây mọi chuyện đã khác. Các quan hệ liên minh đã lấy lại được tầm mức quan trọng và địa chính trị được đặt lên trên hết, kể cả giữa các đồng minh. Naval Group là nạn nhân của liên minh AUKUS chứ không phải là nạn nhân của những thất bại đơn thuần về công nghiệp.

Theo Le Monde, rất khó để phát hiện ra kế hoạch B mà 3 nước Úc - Anh - Mỹ giữ tuyệt mật. Pháp đã phải trả giá về việc không muốn nghe lén lãnh đạo các nước đồng minh, nhưng đồng thời do Pháp ít có hoạt động gián điệp kinh tế hơn các nước Anh ngữ. Trong khi đó, Pháp lại thiếu vận động hành lang chính trị cho thương vụ thế kỷ. Những hạn chế nói trên càng thêm nghiêm trọng bởi tại Úc, nhiều quan chức quốc phòng, dân biểu và truyền thông ngay từ đầu đã phản đối gay gắt việc Canberra chọn hợp tác với Pháp.

Paris phẫn nỗ vì Úc, Anh và Mỹ có thái độ « giả dối, hai mặt » và « khinh thường » nước Pháp. Thế nhưng, Paris cũng đã đánh giá quá thấp mối lo ngại ngày càng gia tăng của Canberra trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Le Monde nhấn mạnh là các hợp đồng vũ khí - đôi khi là trong lĩnh vực năng lượng và viễn thông - là tổng hòa các yếu tố chính trị : để thắng các gói thầu lớn, hơn bao giờ hết các nhà sản xuất công nghiệp phải điều chỉnh đề nghị cho phù hợp với khuôn khổ chiến lược mà khách hàng xác định. Dường như việc Úc cuối cùng đã tham gia vào chính sách ngăn chặn Trung Quốc do Washington dẫn đầu và biến việc hiện đại hóa hạm đội thành một phần của một liên minh quân sự - ngoại giao có khả năng bảo vệ tốt hơn cũng là hợp logic, bởi Pháp, một cường quốc tầm trung lo ngại làm mếch lòng Trung Quốc, không thể bảo đảm an ninh cho Úc.

Pháp mắc kẹt giữa tham vọng « tự chủ chiến lược » và sự lệ thuộc vào Mỹ

Nhìn sang La Croix, cũng giống như Libération, báo Công giáo hôm nay tập trung vào cuộc điều tra về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, ngoài ra còn có hồ sơ về « 7 năm chiến tranh không lối thoát ở Yemen ». Về châu Á, khi tình hình ở Đài Loan đang căng thẳng với việc Trung Quốc trong 3 ngày đã điều gần 100 máy bay xâm phạm khu vực nhận dạng phòng không của hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là một tỉnh của Trung Quốc, La Croix đặt câu hỏi « Liệu có phải Trung Quốc muốn khiêu chiến với Đài Loan hay không ? ».

Trở lại với quan hệ Paris - Washington cũng đang căng thẳng sau vụ Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm quy ước của Pháp để mua tàu ngầm động cơ hạt nhân của Mỹ, nhân chuyến thăm Paris 3 ngày của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, La Croix giới thiệu bài viết « Pháp - Mỹ : Làm thế nào để dung hòa quyền tự chủ và liên minh ? »

La Croix đánh giá chuyến thăm Pháp của ngoại trưởng Mỹ, đặc biệt cuộc gặp của hai vị ngoại trưởng Antony Blinken và Jean Yves Le Drian hôm nay là một bước trong lộ trình nhằm « tái lập lòng tin » giữa hai nước sau vụ khủng hoảng tàu ngầm. Công cuộc « hàn gắn » này được cho là sẽ dẫn đến « các hành động cụ thể », nhất là về an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, quốc phòng châu Âu và cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel.

Về phía Pháp, việc Paris bị « hắt hủi » cũng đã để lại một số dấu ấn. Bảy ngày sau khi nhận được đề xuất từ phía Mỹ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới chấp nhận điện đàm với đồng nhiệm Joe Biden hôm 22/09. Theo tuyên bố chung, hai bên sẽ có « các cuộc tham vấn sâu rộng » và hai nguyên thủ sẽ gặp nhau trong tháng 10. Một lần nữa, vấn đề đặt ra cho hai nước là làm thế nào để dung hòa giữa quyền tự chủ và quan hệ liên minh.

La Croix nhận định quan hệ giữa Pháp và Mỹ là mối quan hệ đầy mâu thuẫn, Paris bị mắc kẹt giữa khát vọng về « quyền tự chủ chiến lược » và thực tế là Pháp bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Đối với tổng thống Pháp, AUKUS càng khẳng định Pháp và châu Âu cần xây dựng một nền quốc phòng tự chủ, để không lệ thuộc vào Mỹ - « một đồng minh ngày càng không đáng tin cậy ».

Thế nhưng, chiến dịch Barkhane của Pháp ở Sahel lại cho thấy quân đội Pháp cần đến sự trợ giúp của « người bạn Mỹ » trong nhiều hoạt động, như hậu cần, máy bay trinh sát không người lái, thông tin tình báo và tiếp nhiên liệu trên không. Còn châu Âu, kể cả Vương quốc Anh, đều không có đủ phương tiện bảo đảm an ninh cho sân bay Kabul, Afghanistan trong đợt di tản vừa qua mà vẫn phải dựa vào Mỹ.

Nhìn từ Washington, điều mà ngoại trưởng Pháp Le Drian tố cáo là « đòn đánh lén » của Mỹ nhắm vào Pháp đơn giản chỉ là cách hành xử « không khéo léo » của Washington, còn Úc thì vẫn được xem là một đối tác theo lẽ tự nhiên của Washington trong chiến lược « ngăn chặn » Trung Quốc. Thêm vào đó, đối với Mỹ, châu Âu không cần được quan tâm nhiều như Trung Quốc, bởi Bắc Kinh bị Washington xem là ma-cà-rồng « hút máu » nền kinh tế Mỹ. Những người Mỹ từng giận dữ vì Pháp « bỏ rơi » Mỹ trong chiến tranh Irak 2003 nay lại cảm thấy « hả hê » khi Pháp chịu « vố đau » lần này.

Tự chủ chiến lược quốc phòng : Châu Âu phải tính đến mối ưu tiên của Mỹ

Tương tự như La Croix, báo Le Monde cũng nói đến cuộc gặp của hai vị ngoại trưởng tại Paris. Trong bài viết « Antony Blinken đến Paris để chấm dứt cuộc khủng hoảng tàu ngầm », Le Monde lưu ý đến mối lo ngại của chính quyền Pháp về việc bị Mỹ gạt ra khỏi vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, tâm điểm các căng thẳng với Trung Quốc.

Về quốc phòng châu Âu, một trong ba chủ đề chính trong trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Pháp và Mỹ, Le Monde nhắc lại tổng thống Pháp, khi tiếp thủ tướng Hy Lạp tại điện Elysée, lưu ý châu Âu phải khẳng định quyền tự chủ chiến lược và có tính đến sự phát triển các mối ưu tiên của Mỹ. Ông Macron nhấn mạnh trong hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ tập trung trước hết vào chính mình và có những mối quan tâm chiến lược hướng tới Trung Quốc và Thái Bình Dương, vì thế sẽ là ngây thơ, thậm chí là phạm sai lầm khủng khiếp nếu châu Âu không biết tự rút ra bài học.

Le Monde nhận định rất có thể ngày mai, tại thượng đỉnh của nguyên thủ 27 nước châu Âu tại Slovenia, tổng thống Pháp sẽ còn nhấn mạnh đến những điều nói trên.

Châu Âu tìm kiếm chiến lược đương đầu với Trung Quốc

Vẫn về châu Âu, một ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Balkan diễn ra ở Slovenia, báo Le Figaro hôm nay dành hồ sơ chính cho đề tài « Châu Âu tìm kiếm chiến lược chống lại Trung Quốc ».

Đây là lần đầu tiên các nguyên thủ châu Âu họp kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và từ khi có thông báo bất ngờ về việc Mỹ - Anh - Úc thành lập liên minh AUKUS. Trong lá thư gửi tới 27 nước thành viên, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, kêu gọi các nhà lãnh đạo tham gia vào « một cuộc thảo luận chiến lược về vai trò của Liên Âu trên trường quốc tế », đồng thời bày tỏ nguyện vọng châu Âu « tự khẳng định mình nhiều hơn và có hiệu quả hơn ».

Hôm thứ Bảy, trong bài phát biểu nhân dịp trao giải thưởng Charlemagne cho tổng thống Rumani Klaus Iohannis, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã tiến xa hơn, bày tỏ mong muốn biến năm 2022 thành « năm quốc phòng châu Âu ». Đến tháng 03/2022, khi Pháp làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp, nhóm 27 nước sẽ phải thông qua « La bàn chiến lược của Liên Âu », được xem như « sách trắng về quốc phòng » của châu Âu.

27 thành viên Liên Âu sẽ phải đạt được đồng thuận để tiến bước sau bài học rút ra từ các sự kiện đã xảy ra gần đây. Thế nhưng, Le Figaro nhận định điều này diễn ra chậm chạp. Đường lối với Bắc Kinh là rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Trong khi Litva đã bước vào thế đối đầu với Trung Quốc, thì Hungary vẫn tiếp tục « chơi trò quyến rũ » Bắc Kinh. Thủ tướng Orban Victor bị xem là lãnh đạo chính trị thân Trung Quốc nhất ở Liên Âu.

Vì thế, châu Âu sẽ không thể có sự đồng thuận để cùng Mỹ chống Trung Quốc. Trong khi thỏa thuận đầu tư Liên Âu và Trung Quốc ký kết hồi tháng 12/2020 vẫn đang bị đình hoãn, một số nước cho rằng có thể đã đến lúc phải tìm cách tái kích hoạt thỏa thuận này. Một cuộc trao đổi giữa chủ tịch Tập Cận Bình và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10.

Thương mại thế giới và sự tăng trưởng trở lại đầy ấn tượng

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Les Echo chạy tựa trang nhất « Sự tăng trưởng trở lại đầy ấn tượng của nền thương mại thế giới », trên nền bức hình chụp từ trên cao một con tàu chất đầy container hàng hóa đang rẽ sóng trên biển.

Trong bài viết « Tăng trưởng mạnh, kinh tế thế giới đã vượt mức trước khủng hoảng » dịch bệnh Covid-19, Les Echos cho biết khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến ​​sẽ tăng 10,8% trong năm 2021 sau khi đã sụt giảm 5,3% vào năm 2020. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm qua thông báo thương mại hàng hóa toàn cầu chưa bao giờ tốt đến như thế, trong nửa đầu năm 2021, thậm chí đã « vượt đỉnh trước đại dịch » Covid-19. Nhưng Tổ chức Thương Mại Thế Giới cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ giảm trong những tháng tới, và thương mại hàng hóa thế giới sẽ chỉ đạt mức tăng 4,7% trong năm 2022.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phục hồi hiện tại là không đồng đều. Các nước công nghiệp phát triển đạt kết quả tốt hơn các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, chủ yếu là nhờ các nước phát triển có các kế hoạch kích thích tài chính, tiền tệ và các chiến dịch tiêm chủng của các quốc gia phát triển cũng được triển khai tốt hơn các nước còn lại, theo tổng giám đốc WTO. Bà nhấn mạnh là sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận nguồn vac-xin ngừa Covid-19 làm nghiêm trọng thêm sự phân hóa kinh tế giữa các khu vực.

WTO cũng lo ngại là các vấn đề về nguồn cung như tình trạng thiếu chất bán dẫn và việc hàng hóa nhập cảng chậm có thể gây căng thẳng cho các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tới giao thương trong một số lĩnh vực. Một nỗi lo khác là giá hàng hóa sẽ bị đẩy lên cao, do nguy cơ lạm phát đạt đỉnh, sự chậm trễ kéo dài ở cảng, thuế vận chuyển cao hơn, khiến khối lượng giao thương chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Liên minh AUKUS : 12 tàu ngầm và vài bài học cho Pháp (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten